Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 83
Tuần lễ này là tuần lễ cuối của tháng 12, là những ngày cuối năm 2020. Nhớ lại đúng một năm trước, chúng ta đã ngẩn ngơ quấn trên đầu mảnh vải tang vàng, tiễn đưa Thầy về nhà, mà trong tâm chúng ta, đứa nào cũng biết là:
“Dầu có ra sao, Thầy vẫn bên con,
Khi tâm không lời, con ở bên Thầy...”
Thầy đã để lại cho chúng ta cái gia tài Pháp của Thầy. Theo lời Đức Phật dặn dò, chúng ta được thuận duyên là người “thừa tự Pháp”. Con đường Thiền trở thành một “bản đồ kho tàng” thật rõ ràng, có thứ lớp, hợp lý luận, theo sát chân ý của Phật và Tổ, lại có thể giải thích theo khoa học hiện đại.
Thầy đã ghi rõ trong Thanh Quy của mình: Chủ trương của Thầy là: kết hợp tinh hoa của 3 hệ Thiền Phật Giáo:
- Thiền Theravàda
- Thiền Phát Triển
- Thiền Tông
Thiền Theravàda: thực ra đây là một bộ phái, có hơi khác với giáo đoàn sơ khai nguyên thủy từ thời Đức Phật còn tại thế. Giáo đoàn sơ khai kéo dài thêm 100 năm sau Đức Phật nhập niết bàn, tức là khoảng năm 383 BC. Thời gian này vẫn còn các vị đại đệ tử của Đức Phật lãnh đạo giáo đoàn, nên giáo đoàn xem như vẫn còn thống nhất. Đó cũng nhờ Kỳ Kết Tập Kinh Điển lần thứ I do ngài Mahà Kassapa chủ tọa kết tập ngay sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 3 tháng.
Đến năm 383 BC, Kỳ Kết Tập Kinh Điển lần thứ II do ngài Yasas triệu tập để chấn chỉnh Giới luật, thì sau đó giáo đoàn thống nhất đã chia ra 2 bộ phái lớn:
+ Theravàda (Trưởng lão bộ hay Thượng Tọa bộ, về sau là Tiểu thừa/ Hìnayàna. Tới năm 1954 thì lấy tên lại là hệ Theravàda)
+ và Mahàsamghika (Đại chúng bộ, về sau là Đại Thừa / Mahàyàna. Tới năm 1954 lấy tên là hệ Phát Triển).
Sở dĩ có danh hiệu “Tiểu thừa – Đại thừa” có lẽ vì đường lối tu tập có nhiều điểm khác biệt, tuy những quan điểm trọng yếu vẫn là theo đúng Đức Phật. Chúng ta không xét đoán đúng / sai khi nhắc tới lịch sử, chúng ta chỉ giải thích vì sao chúng ta chỉ chọn lọc phần tinh hoa của mỗi hệ thống Phật giáo sắp xếp lại theo một trật tự để mình thấy rõ tiến trình tu của mình.
Thiền Tông lại là một đường lối tu riêng, tuy cũng xuất phát từ “cây cổ thụ “ Phật giáo. Có thể xem như bắt đầu từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma (thế kỷ VI AC) truyền tổ vị tới Tổ VI là ngài Huệ Năng (thế kỷ VII AC) về sau phát triển ra nhiều môn phái nữa.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã “rống lên tiếng rống sư tử” khi Tổ chủ trương:
“Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật”.
Tại sao mình dám nói là “ tiếng rống sư tử”?
Hệ Theravàda được lịch sử xem như bảo thủ, giữ đúng nề nếp của Đức Phật, thí dụ: người nữ không được xuất gia, phải xuất gia mới được học những giáo pháp quan trọng, xuất gia rồi phải vào rừng núi ẩn tu, đi khất thực để sống, không ai được viết kinh, ngoài Đức Phật, con đường tu có thứ tự, đi từ tục đế bát nhã, Tứ đế, Tam pháp ấn, 37 phẩm trợ đạo, Tứ Niệm xứ, Giới- Định- Huệ, Abhidhamma. v.v....
Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pàli do Bộ phái Theravàda kết tập theo quan điểm của mình. Tam Tạng Kinh bằng tiếng Sanskrit do Bộ phái Nhất Thiết Hữu bộ kết tập, cũng là một bộ phái tách ra từ Theravàda.
Trong cả hai bộ Abhidhamma (bằng tiếng Pàli) và Abhidharma (bằng tiếng Sanskrit), các nhà luận sư đều tự nhận mình là những nhà Biện luận, Biện thuyết. Họ chú trọng tới phân tích chi ly giáo pháp. Nên nếu chúng ta là người sơ cơ, có thể bị lạc vào khu rừng rậm của ngôn ngữ, không biết lối đi.
Trái lại, hệ Phát triển chỉ khai triển về chân đế bát nhã, nhất là 3 chân lý sau cùng: Không, Huyễn và Chân như, trình bày một chân trời mới, phóng khoáng, bao la vô cùng tận của trí tuệ siêu vượt. Chư Tổ sáng tác nhiều kinh, khai triển trên những chủ đề, cũng từ chân ý trong kinh Nikàya, phẩm Giác ngộ. Một hệ thống kinh đồ sộ, văn chương hoa mỹ, cảnh giới siêu phàm, thiệt ra cũng chỉ là cảnh giới tâm. Đó là hệ thống kinh Bát nhã ba la mật đa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật, v.v...Tuy vậy, dường như chư Tổ không mấy chú trọng tới những phương thức thực hành cụ thể.
Từ góc độ nhìn này, chúng ta chọn lọc ra những tinh hoa của 2 hệ Theravàda và Phát Triển, thiết lập lộ trình tu tập của mình.
Chúng ta là những người mới bắt đầu đi, phải đi bằng tục đế bát nhã, thông hiểu những chân lý thuộc về Hiện tượng học. Thấy cuộc đời là có hiện hữu, con người có khổ đau, có xung đột. Từ đây, chuyển hóa tâm mình lần lần, trong sạch hơn, bớt dính mắc, bớt khổ. Rồi tiếp tục, làm sao bước qua chân đế bát nhã?
Tới đây, chúng ta áp dụng tinh hoa của Thiền Tông:
“Bất lập văn tự.
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật”
Chư Tổ Thiền Tông đã sử dụng các phương thức kỳ đặc: lấy gậy đánh, la hét, bụm miệng, véo mũi, giơ cây gậy, giơ cây phất tử mà không nói một lời v.v... cùng một mục đích khiến cho người đệ tử rơi vào trạng thái tâm hoàn toàn yên lặng, trống rỗng trong lúc bất ngờ, dừng bặt suy nghĩ.
Ngày nay, mình không thể áp dụng những thủ thuật đó nữa, mình áp dụng theo Đức Phật, giảng giáo lý trước, rồi cho thực tập từ từ, cũng với mục tiêu là kinh nghiệm cái trạng thái tâm dừng bặt suy nghĩ, phân biệt, suy luận, đó là trạng thái Biết rõ ràng nhưng tâm hoàn toàn yên lặng, trống rỗng. Mình tạm đặt tên là cái Biết Không Lời. Lúc đó là mình trải nghiệm tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm, là bước đầu của “kiến tánh”.
Đây là mục tiêu của khoá Thiền căn bản, chúng ta không phân tích chi ly cái vọng tâm, không phân tích chi ly có bao nhiêu sắc thái phiền não. Chúng ta đi thẳng vào chân tâm, khi an trú trong chân tâm thì tức khắc vọng tâm biến mất.
Đây là điểm đặc biệt mà Thầy chúng ta đã nhấn mạnh từ mấy mươi năm nay. Chỗ này là “tiếng sư tử hống” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Trực chỉ nhân tâm” như để đáp lại 14 bộ A tỳ đạt ma xưa, là “kinh có chữ”, mà Thiền Tông cho là “tử ngữ”.
Con đường tu của chúng ta tiếp tục. Sau khi kinh nghiệm cái Biết Không Lời vững chắc, chúng ta mới có thể bước vào chân trời bao la của Bản thể học, đó là tánh Không, tánh Huyễn và tánh Chân như. Khi thực sự kinh nghiệm cái Biết không lời, chúng ta sẽ kinh nghiệm Huệ tự phát từ từ, nó sẽ kiến giải nhiều nhận thức mới. Từ đây, kho tàng bát nhã đã mở hé cánh cửa của nó rồi. Là kho tàng trí huệ, cũng là kho tàng của sức khỏe, của tâm từ bi hỷ xả, của trực giác và siêu trực giác, của biện tài.
Trên đây, cô vừa lướt qua con đường tu của mình, góp nhặt tinh hoa của 3 hệ Thiền Phật giáo ra sao, hơn nữa, chúng ta còn đối chiếu với khoa học, làm rõ hơn giá trị của Thiền Phật giáo.
Hôm nay, nhắc lại kho tàng trí tuệ của Thầy đã ân cần trao truyền cho chúng ta suốt 25 năm làm việc không ngừng nghỉ của Thầy, để nói lên một câu cuối cùng với Thầy: “Công ơn của Thầy đối với chúng con thật bao la như trời biển”.
Tổ Đình, ngày 23- 12- 2020
TN
Tối qua ngày 27 tháng 12, nhân lễ tưởng niệm Thầy Thiền Chủ, con lại nhớ đến hình ảnh Thầy, những ngày cuối, sư tử già, sư tử bịnh. Có dấu hiệu của một cái gì sắp bị hoại diệt. Diệt rồi thì sao ? Tôi tự hỏi rồi tự trả lời, diệt rồi lại sinh, vẫn là như thế.
Nhưng Ni Sư đã nhắc con nhận ra “tiếng sư tử hống”. “Tiếng hống không sinh diệt” đó đã có từ thời đức Phật. Hễ có sư tử xuất hiện thì lại có tiếng hống của sư tử. Bất kể thời đại nào, vẫn là tiếng hống năm xưa nghe qua khiếp vía, trăm thú lặng im, ngữ ngôn dứt bặt, chân tướng rõ ràng. Vẫn là tiếng hống đó. “Cảm ơn Thầy đã cho chúng con nghe được tiếng hống của sư tử”. Thầy đã không còn với chúng ta, nhưng tiếng hống vẫn còn vang dội núi rừng. Có người nghe chăng ?
Một năm Thầy đi xa ,Thế giới bị dịch bệnh Covi ngăn trở
Gia tài Pháp của Thầy để lại cho chúng con thật không thể nghĩ bàn , Thầy là tấm gương sáng chói cho chúng con trên con đường tu tập thưc hành !
Con xin kính đảnh lễ Thầy !
Kính thưa Ni Sư !
Một năm vắng Thầy, kho tàng trí tuệ của Thầy đã được Cô trao truyền không ngừng nghỉ giúp người sơ cơ như con cũng như thế hệ sau có con đường đi rõ ràng .
Phước báu cho chúng con ! Con xin Biết ơn !
VN - Như Yến