Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 77
NƯỚC CON AN ỔN
Chúng ta đọc truyện ông Sa di Cao, một thiền sư Trung Hoa.
SA DI CAO
Không biết tung tích và quê quán của Sư thế nào. Chỉ biết khi Sư mới đến tham vấn Dược Sơn, Dược Sơn hỏi:
- Ở đâu đến?
Sư thưa:
- Ở Nam Nhạc đến.
- Đi lại đâu?
- Đi Giang Lăng thọ giới.
- Thọ giới mong làm gì?
- Mong khỏi sanh tử.
- Có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ngươi biết chăng?
- Thế thì giới Phật dùng làm gì?
- Vẫn còn quải môi lưỡi.
Sư lễ bái lui ra.
Đạo Ngô đến đứng hầu, Dược Sơn bảo:
- Vừa rồi có một sa-di mới đến, có chút khí tức này.
Đạo Ngô thưa:
- Chưa nên toàn tin, cần phải khám phá mới được.
Đến chiều, Dược Sơn thượng đường gọi:
- Sa-di mới đến ở đâu?
Sư ra khỏi chúng đứng im.
Dược Sơn hỏi:
- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?
Sư thưa:
- Nước con an ổn.
Ông sa di Cao này, không ai biết rõ tông tích, nhưng ông nổi tiếng vì những câu đối đáp với thiền sư Dược Sơn. Ba câu hỏi đầu, ông sa di Cao trả lời bình thường, trôi chảy. Đến câu thứ tư, ngài Dược Sơn giương bẫy ra thử thách:
- Có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ngươi biết chăng?
Vì ông sa di nói mình đi thọ giới để mong thoát ly sanh tử. Ông thiền sư mới bắt bẻ lại. Chúng ta biết ai “không thọ giới mà cũng khỏi sanh tử”, nói ra thì có nhiều tên gọi: đó là “ông chủ”, là chân tâm, là Phật tánh, là tánh giác v.v... Tuy hiểu nhưng ông sa di này không trả lời bình thường như trong 3 câu hỏi trước. Ông sa di biết là thiền sư giương bẫy mình nên câu trả lời quật lại trong “thế tấn công”:
- Thế thì giới Phật dùng làm gì?
Ông thiền sư nhận ra tức khắc, khen sa di miệng lưỡi lanh lẹ:
- Vẫn còn quải môi lưỡi.
Qua câu hỏi thử thách này, ông thiền sư biết căn cơ sa di sắc bén rồi. Tuy nhiên ngài Đạo Ngô, là đệ tử lớn của ngài Dược Sơn muốn thử thách thêm nữa. Tới chiều, thiền sư Dược Sơn lại giương bẫy lần thứ hai, trong một câu hỏi rất bình thường:
- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?
Ông sa di Cao trả lời ngay:
- Nước con an ổn.
Qua lần thử thách thứ hai này, mới chắc chắn tâm ông sa di đã thuần thục rồi. Tại sao?
Nếu như một người khác được hỏi câu đó, chắc họ trả lời:
- Dạ đúng vậy, Trường An rất náo loạn.
Hay:
- Con không biết, hay Trường An không náo loạn.
Cả hai câu này, một xác định, hai phủ định, đều là trí của thế gian. Là có dính mắc vào thế gian.
Câu trả lời “Nước con an ổn” nhận thức rõ tâm mình an ổn, mặc cho Trường An náo loạn hay không.
Hôm nay cô nhắc lại sự tích này, nhân tình trạng xã hội đặc biệt hiện nay. Mùa dịch covid-19 kéo dài quá lâu, gần một năm, và không biết còn kéo dài bao lâu nữa. Bên ngoài, thiên hạ bị náo động từng chập. Diễn tiến tâm quần chúng khi mới phát hiện bệnh dịch này là hoảng hốt, sợ hãi, vài tháng qua thì làm quen với nếp sống cách ly, làm việc ở nhà, tiếp xúc qua “online”, nhờ tôn trọng qui định chung, không nhóm họp đông người nữa, bệnh dường như giảm đi. Thiên hạ nhiều nơi đòi hỏi được sinh hoạt bình thường trở lại. Kết quả là bệnh lại lây lan ra nhiều hơn. Rồi thì chính quyền phải công bố lệnh giới nghiêm trở lại. Cùng lúc với thời tiết chuyển mùa. Mùa hạ nóng bức, trên 100 độ F, Cali lại bị nạn cháy rừng mỗi năm.
Bên ngoài cuộc đời trôi chảy theo nhân và duyên của nó, khi dường như lắng yên, khi thì sôi động, người thì buồn phiền vì công việc làm ăn đình trệ, học sinh không được tới trường, nhớ thầy nhớ bạn v.v...
Riêng tại Tổ đình, không thấy bị ảnh hưởng do những xáo động của xã hội. Tăng đoàn thường trú tại tổ đình ngày ngày vẫn đều đều, lễ Phật, ngồi thiền, chăm sóc vườn tược, tưới cây, làm việc, tự tu v.v... Thỉnh thoảng có ai lên, cho biết một chút tin tức bên ngoài.
Rồi thôi. Có lúc cô thấy cuộc sống trong khuôn viên tổ đình cũng tách rời với thế gian, cũng cắt đứt nhân duyên thế gian và tri kiến thế gian, một cách tương đối, nhưng cũng đủ để giữ cho tâm mình được bình an, thảnh thơi, dù cho bên ngoài mảnh vườn 4 mẫu này là một thế giới sôi động, không biết sẽ bùng nổ lúc nào.
Không khí trong lành, mùa xuân xanh tươi, mùa hạ cũng nắng đẹp, mùa thu nắng mát. Cổng tổ đình không có khóa, vậy mà không có mấy ai về nhập thất tu tập. Đầy đủ nhân duyên, có người không bận rộn công ăn việc làm, có người không cần chăm sóc con cái, gần suốt năm nay, không thấy ai lên nhập thất, cắt đứt nhân duyên và tri kiến thế gian, dù là tạm thời, một tuần, hai tuần... Tuy nhiên, cô biết các em cũng nhiều hay ít đã giữ được tâm tương đối bình an vượt qua phần nào cơn bão covid-19 này.
Mong sao, dù cho <Trường An náo loạn>, mình còn xuôi ngược trong dòng náo loạn hoài, nhưng Đức Phật đã cho mấy cái mái chèo “Giới- Quán- Định- Huệ”, mình sẽ có ngày bơi về tới <Nước con an ổn>.
Bơi ngược dòng đời cũng không phải quá khó khăn. Phải không các em?
Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng bơi, nỗ lực chèo chống, gặp khi sóng gió, có khi kiệt sức, rồi chìm đắm trong biển đời trở lại. Làm sao bơi trên biển mà không kiệt sức? Sắp tới, cô sẽ hé cho các em thấy “bí kiếp” của cô.
Tổ Đình, 1- 11- 2020
TN
Con đọc hội thoại của Sa Di Cao sao khó hiểu dù đã được Cô giải thích, thế mới biết căn cơ của mình thấp quá huhu .,
Thưa Cô, trong con luôn tồn tại lúc say mê nghe Pháp, tu tập ,lúc giải đãi trì hoãn khiến con hơi hoang mang thiếu tự tin ...làm sao bơi trên biển Vững và con háo hức ngóng chờ cái " Phao" "Bí kíp" Cô trao truyền !
ĐỨC PHẬT đã cho Chúng con mái chèo , Cô trao truyền dẫn dắt , chúng con quyết không để chìm đắm trong biển đời trở lại !
Thưa Cô, Con Chưa lần nào tới Tổ Đình mà sao thấy Nhớ Cô ơi !
Mong Cô Luôn Vui Khỏe !
VN - Như Yến