BÀI ĐỌC THÊM
Ngày thứ tư
Hôm qua chúng tôi đã trưng dẫn hình não bộ của chúng tôi qua phương pháp thực hành thiền chỉ, để với mục đích làm cho nội tâm của mình nó sẽ dừng lại quán tính lăng xăng giao động của tâm phàm phu: đó là những thứ tâm trong bản chất vốn ưa dính mắc chuyện phải trái, thị phi; thích vạch lá tìm sâu; thích tìm xét lỗi người; thích bươi móc chuyện quá khứ; thích trọng đại hóa những chuyện không đâu… đấu tranh, điên đảo, mưu mẹo vặt vãnh; tà hạnh trong các dục … Nói chung về bản chất của tâm phàm phu là ưa thích người đời khen tặng mình và dễ dàng nổi sân khi thấy quyền lợi của mình bị vi phạm. Bây giờ, với vai trò trí năng tỉnh ngộ, ta áp dụng cách tu chỉ, với chủ đích làm cho nội tâm của ta dừng lại bằng 2 từ Không Nói. Hễ bất cứ lúc nào mắt của ta vừa chạm trán với một đối tượng nào đó, ta liền dùng 2 từ Không Nói vừa đủ tai nghe. Bằng cách đó chính chúng ta đã tiến hành thực hành 2 từ Không Nói. Mục đích chính là chúng ta muốn tiến sâu vào lãnh vực cắt đứt lời nói thầm và sự đối thoại thầm lặng trong đầu, đồng thời làm nổi bật lên vai trò của tự ngã đã thật sự tỉnh ngộ. Tức là chúng ta không còn duyên theo những pháp thiền nào khác mà trước đây chúng ta đã chạy theo những pháp thiền đó. Thế nên trong bước tỉnh ngộ nầy là đầu mối của con đường đi vào dòng thánh, để rồi từ đó chúng ta sẽ nhận ra tâm bậc thánh hay tánh giác. Đó là niệm biết không lời của tâm thanh tịnh. Ở đây chúng ta nhận thấy vai trò của trí năng tỉnh ngộ rất là quan trọng trong sự hành thiền một khi tự ngã đã tỉnh ngộ thật sự thì xét về mặt nội tâm là chúng ta không còn xử dụng những loại quán tính cũ mà chúng ta đã bị những loại quán tính đó chúng đã gây nên những sự thăng trầm trong cuộc đời của chúng ta. Bây giờ chúng ta đã tỉnh ngộ rồi thì sự tỉnh ngộ đó được thể hiện dưới hình thức hoạt động của trí năng bằng cách xử dụng niệm biết không lời bên trong cơ chế của tánh giác. Để rồi từ đó chúng ta sẽ tùy nghi hoạt động theo những mô thức mà chúng ta đã tự chọn lấy. Do đó vai trò tỉnh ngộ của trí năng (tức là của cái ngã nầy) đóng một phần quan trọng trong sinh hoạt thiền của chúng ta.