Hôm nay chúng ta đọc một câu chuyện Thiền, cô đã có lần kể trong các khóa tu, trích trong Thiền sử Nhật bản. Sách “Dạo bước vườn Thiền” do ông Đỗ Đình Đồng soạn.
“Các đệ tử Thiền thề rằng dù cho bị thầy giết chết họ cũng học Thiền. Họ thường cắt ngón tay lấy máu in dấu quyết tâm của họ. Trong lúc lời thệ nguyện chỉ còn là hình thức, và vì lý do này, một đệ tử đã chết dưới tay của Dịch Đường (Ekido) khiến cho anh ta có vẻ là một kẻ hy sinh vì đạo.
Dịch Đường trở thành một ông thầy nghiêm khắc. Các đệ tử sợ sư. Một trong những đệ tử giữ nhiệm vụ đánh chuông báo giờ giấc trong ngày, đã bỏ lỡ nhịp đánh khi mắt của anh ta bị một cô gái đẹp, đi ngang qua cổng chùa, hấp dẫn.
Ngay lúc đó, Dịch Đường đã đứng sau lưng anh, đánh anh một gậy và cú đánh bất ngờ đã giết chết người đệ tử.
Người bảo trợ của người đệ tử, nghe tai nạn xảy ra, đến ngay Dịch Đường.
Khi biết rằng không thể trách sư, ông ta ca ngợi sư vì sự chỉ dạy nghiêm túc.
Thái độ của Dịch Đường vẫn y như lúc người đệ tử còn sống.
Sau khi sự việc xảy ra như thế, Dịch Đường đã có thể đào tạo hơn mười người giác ngộ thừa kế dưới sự hướng dẫn của sư, một con số phi thường.
Đọc xong câu truyện này, chúng ta suy nghĩ xem do đâu mà vị thiền sư Nhật bản EKIDO này có thể đào tạo hơn 10 người đệ tử giác ngộ? Trong khi thông thường, từ xưa, mỗi vị Thầy chỉ có một người được thừa kế?
Không kể Đức Phật, là một trường hợp đặc biệt. Chúng ta tính xem theo dòng truyền thừa Ấn Độ, từ ngài Đại Ca Diếp, cho tới tổ Bồ Đề Đạt Ma, là đời thứ 28 Thiền Tông Ấn Độ, mỗi tổ chỉ truyền cho 1 người thừa kế. Tiếp theo, khi tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa vào thế kỷ VI, xem như tổ Bồ Đề Đạt Ma là tổ 1 của Thiền Tông Trung Hoa, ngài cũng chỉ truyền cho ngài Huệ Khả là tổ thứ 2, sau đó ngài Huệ Khả truyền cho ngài Tăng Xán là tổ thứ 3. Ngài Tăng Xán truyền cho ngài Đạo Tín làm tổ thứ 4. Ngài Đạo Tín truyền cho ngài Hoằng Nhẫn làm tổ thứ 5. Ngài Hoằng Nhẫn truyền cho ngài Huệ Năng làm tổ thứ 6.
Như vậy tính từ thời Phật nhập diệt, thế kỷ V trước công nguyên, cho tới thế kỷ VI sau công nguyên, khoảng 1000 năm là 28 đời Tổ Thiền Tông Ấn Độ.
Qua Trung Hoa, thế kỷ VI và VII, thêm 5 đời tổ nữa. Mỗi thế hệ chỉ có 1 vị tổ được Thầy của mình truyền y bát cho.
Sau đời của ngài Huệ Năng, có nhiều đệ tử sáng đạo nên y bát dừng lại, không truyền nữa. Đó là: ngài Huệ Trung sau làm quốc sư, ngài Hành Tư, ngài Bổn Tịch, ngài Thần Hội v.v...
Riêng vị thiền sư Nhật bản này có hơn 10 đệ tử sáng đạo. Thật là một việc phi thường. Chúng ta tìm hiểu xem nguyên nhân nào dẫn tới kết quả đó?
Có thể từ kinh nghiệm này, mình ứng dụng cho mình để mình cũng đạt được kết quả sáng đạo.
Tuần này cô không cho chủ đề mới nữa. Có em cho biết là mỗi tuần đổi chủ đề mới, mau quá, các em chưa kịp thực tập. Chủ đề về ngài Đại Mai rất thú vị, các em chưa góp ý kiến đầy đủ. Cô đợi các em một thời gian nữa để các em nhận ra thêm về ý nghĩa của:
“Tức tâm tức Phật” là gì?
“Phi tâm phi Phật” là gì?
Hai câu này đều đúng. Tại sao?
Tại sao ngài Đại Mai là đệ tử mà không giảng dạy y hệt thầy Mã Tổ của mình?
Tại sao ngài Mã Tổ lại khen: “Trái mai đã chín”.
Ngài Đại Mai dạy đệ tử điều gì? Tại sao tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt? v.v...
17-8- 2020
TN
Bối cảnh là nước Nhật thời xưa với tinh thần "Võ sĩ đạo".
Đệ tử của Thiền sư Dịch Đường (Ekido) giữ nhiệm vụ đánh chuông báo giờ giấc lại bỏ lỡ nhịp đánh khi bị một cô gái đẹp đi ngang qua "hớp hồn". Thiền sư bắt gặp, bất ngờ, đánh một gậy, giết chết đệ tử.
Kết quả :
1) Thiền sư không bị trách móc mà còn được người bảo trợ của đệ tử ca ngợi.
2) Thiền sư tiếp tục dạy các đệ tử.
3) Có hơn 10 đệ tử sáng ngộ.
Kết luận :
Các đệ tử giác ngộ nhờ có sự quyết tâm, tu tập tinh tấn tu tập miên mật (họ thề dù cho bị thầy giết chết, họ cũng học Thiền, lấy máu in dấu quyết tâm của họ).
Thầy Ekido nghiêm khắc, có quyết tâm hướng dẫn , hết lòng dạy, là một "tha lực" giúp các đệ tử tu tập.
Chính do "tự lực" của các đệ tử cũng như nhờ "tha lực" (cùng tu tập chung), hơn 10
đệ tử đã sáng đạo.
Thiền sinh Mỹ Hạnh
Thiền sinh Nguyên Lương
(ĐT Montreal)
Tâm hận phát sinh, khổ đau tiếp diễn
Tâm từ mở ra , khổ đau khép lại
Thưa ni sư , theo con nghĩ đứng trên vị trí là thiền sư nên khi nói tức tâm tức Phật là tâm giải thoát của người giác ngộ và ngược lại , cả hai đều đúng vì câu đầu theo tục đế , câu sau theo chân đế, Ngài Đại Mai đã giác ngộ ,đắc đạo nên sư phụ của ông nói trái mai đã chín , Khi một người đắc đạo , họ dùng kinh nghiệm thực chứng , ngôn luận của riêng mình để hướng thiền sinh, chứ không phải dùng trí nhớ để ghi lại , hoặc sao chép lời lẽ của thầy mình để hướng dẫn thiền sinh
Ni Sư kính mến,
Thưa Ni Sư, có phải cái gì cũng có nhân,có quả ?
Sự khao khát giác ngộ trong tâm CỦA CÁC CĂN CƠ càng mãnh liệt thì cơ hội chứng giác càng đến nhanh nhiều hay dễ dàng nhiều hơn.
Hay một cách khác, sư trì giới luật càng nghiêm chỉnh, càng thông minh,sau khi đã có CƠ HỘI cho SỰ TIẾP THU,THỌ NHẬN GIÁO PHÁP TRỌN VẸN,ĐẦY ĐỦ HƠN thì cơ hội chứng giác càng đến nhanh, nhiều hơn hay dễ dàng nhiều hơn.
Thành kính .Con.KH.