Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 23
Trong bài viết 12 của cô tựa là: Khổ đau và Hạnh phúc, câu cuối cùng cô hỏi:
<Vậy tại sao chư Tổ xếp Tứ Diệu Đế thuộc Tục đế Bát nhã ?>
Một đạo tràng nhỏ, mới thành lập, nhưng từ mấy năm nay vẫn sinh hoạt đều đặn theo đúng Thanh Quy, gồm nhiều vị cao niên và số ít trẻ hơn, cùng nhau tu tập hài hòa. Trong thời gian bệnh covid-19 này, đạo tràng cũng không tụ họp đông người theo qui định của chính quyền Canada, nên đạo tràng sinh hoạt online . Nội dung là ôn tập những chủ đề đã học, cùng nhau thảo luận chung. Cô khen ngợi đạo tràng các em thầm lặng tu học, cùng nhau tiến từng bước vững chắc trên con đường tâm linh, vừa tuệ, tìm hiểu giáo lý, vừa thực hành định, và giới hạnh: đó là mức độ tu của mình biểu hiện ra trong nếp sinh hoạt tập thể: đoàn kết, hài hòa, trầm tĩnh, và thanh thản. Không ồn ào, không hấp tấp. Cô sẽ qua thăm đạo tràng khi thuận duyên, theo mấy lần thư thỉnh mời của ban điều hành của các em gởi cho cô.
Một em thiền sinh của đạo tràng vừa đề nghi cô trả lời câu hỏi mà cô đã nêu ra đó. Cô đã đọc qua tất cả phần thảo luận. Mỗi em –cô xin phép gọi chung là em, có thể có một vài vị lớn hơn cô vài tuổi- đều hiểu đúng về tục đế của thế gian, về tục đế bát nhã và chân đế bát nhã.
Bây giờ, cô chỉ tóm gọn lại thôi.
- Tục đế (hay chân lý qui ước): về mặt hình thức là dùng lời nói, chữ viết, âm thanh, dấu hiệu, cử chỉ để biểu hiện ra những suy nghĩ, xúc cảm, suy đoán, phân biệt của tâm. Về mặt nội dung: là những cái thấy thông thường qua giác quan của người đời, thí dụ thấy núi sông thì cho là núi sông có thật, là vững bền, nghe lời nói châm biếm thì cho là thiệt nên buồn phiền đau khổ. Thấy mình tóc bạc, bệnh yếu thì lo buồn, không dám nghĩ đến cái chết v.v... Đó là cái thấy của hầu hết chúng ta , gọi là chân lý của thế gian, hay tục đế.
- Tục đế bát nhã: Đức Phật cũng đứng trong chỗ đứng của thế gian mà dẫn dắt con người từng bước đi lên. Ngài cũng đồng ý: Phải rồi, cuộc đời là đau khổ, con người có tới 13 thứ khổ. Sanh ra đời là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ v.v....Như vậy, cái thấy tương tự người thế gian: sanh là có thiệt, già là thiệt, bệnh là thiệt, chết cũng là có thiệt, khổ nào cũng là thiệt v.v...Đó là chân lý thứ 1. Nếu Đức Phật chỉ ngưng ở đây, thì đó cũng là Tục Đế, tức y hệt cái thấy của thế gian. Nhưng ngài tiến tới nữa, nên không gọi là tục đế, mà là Tục đế bát nhã, để nói lên sự khác biệt.
Từ đó, Đức Phật trình bày tiếp tới chân lý thứ 2 . Nguyên nhân của khổ là do cái ngã của mình. Chúng ta thấy mình có thiệt, nên sinh ra tham ái, ích kỷ, gom góp tất cả về cho mình. Từ đó phát sinh ra: tham, sân, si, lậu hoặc v.v... Chân lý thứ 2 cũng được chư Tổ xếp là Tục đế bát nhã.
Khi đã biết rõ căn bệnh Khổ của chúng sanh do Ngã, hay do Tham Ái, hay do Lậu hoặc, thì mình biết cách chấm dứt Khổ. Đó là thành đạt Vô ngã, đó là không tham ái, đó là chấm dứt lậu hoặc. Đây là chân lý thứ 3, kết quả là đạt được thoát khổ, giải thoát khỏi lậu hoặc, không còn vô minh, thì là giác ngộ, niết bàn. Chư Tổ xếp chân lý thứ 3 thuộc Chân Đế Bát nhã, vì qua tới bản thể của khổ là trống không, là huyễn. Mới có thể tu tập để chấm dứt khổ.
Chân lý thứ 4 Đức Phật trình bày 8 chi, tu tập đạt tới chánh trí và chánh giải thoát, tức A la hán quả. Đây cũng thuộc chân đế bát nhã.
Tóm lại, Tứ Diệu đế, được xếp là Tục đế Bát nhã, nhưng hướng nhắm là dẫn đến Chân đế Bát nhã. Xem như thông suốt ý nghĩa từng chân lý rồi phải thực hành thiền Định mới hoàn chỉnh Tứ trí: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí và Đạo trí, gọi chung là đạt Chánh trí và chánh giải thoát.
Về sau, chư Tổ cũng xếp Tứ Điệu Đế là gồm đủ Tam học:
Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng
Định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định
Huệ: chánh kiến, chánh tư duy.
Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi Tứ Điệu Đế được xem là phương thức quan trọng tu tập trong Phật giáo. Nhưng vì chân lý thứ 1 và 2 cũng đồng ý cho cuộc đời là khổ thiệt, nên được xếp tạm là Tục đế Bát nhã.
Việc xếp loại như thế nào là quan điểm của chư Tổ đời sau, bàn luận, phân biệt, giải thích ra, có giá trị tương đối mà thôi.
Tổ Đình, 1- 6- 2020
TN