Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 22
Sáng nay có các em thiền sinh trong một đạo tràng nhân gặp cô trong một buổi sinh hoạt online, đã yêu cầu cô tóm kết lại về cách thực hành Không Nói.
Trước hết, cô thấy cần phải trình bày tại sao có phương thức này trong chương trình học của chúng ta.
Mỗi khi cô muốn trình bày một kỹ thuật thực hành nào, cô đều cẩn thận giải thích rõ đối chiếu lời Phật và Tổ trong kinh điển. Cô không phải chú trọng tới lý thuyết nhiều mà coi nhẹ thực hành. Thiệt ra, khi xưa, Thầy Thiền chủ đã từng giảng và có ghi trong sách của Thầy: nếu tu mà không hiểu giáo lý, hay lý thuyết, thì đó là “tu mù”. Do đó cô luôn luôn trình bày một phương thức thực hành theo thế “chân vạc”, tức là đủ 3 chân mới vững chắc: giáo lý, khoa học, và cuối cùng là thực hành.
Bây giờ, cô cũng sẽ trình bày phương thức Không Nói theo cách đó, vì phương thức này, có thể gây ra vài mối nghi ngờ, nếu em nào chưa nắm được cốt lõi của công phu thực tập Thiền.
Thiền là gì?
Tiếng Pàli là: Jhàna. Tiếng Sanskrit là Dhyàna.
<In the oldest texts of Buddhism, dhyāna or jhāna is the training of the mind, commonly translated as meditation, to withdraw the mind from the automatic responses to sense-impressions, and leading to a "state of perfect equanimity and awareness.">
Theo ý nghĩa phổ thông, Thiền là một phương thức huấn luyện tâm, làm cho tâm trong sạch, thăng hoa, tức là đốt cháy những uế nhiễm trong tâm.
Thầy thường định nghĩa theo khoa học: <Thiền là một phương thức huấn luyện tế bào não để nó có một quán tính mới là quán tính yên lặng.>
Thầy cũng định nghĩa: < Thiền Phật giáo là một khoa học tâm linh thực nghiệm>.
Chúng ta cũng có thể nói <Thiền Phật giáo là phương thức tu tập đưa tới mục tiêu: thoát khổ, giác ngộ và giải thoát>. Vì sao? Vì chính Đức Phật Thích Ca đã đạt được 3 mục tiêu đó qua sự kiện trãi nghiệm lần lượt 4 tầng Thiền. Cũng gọi là 4 tầng Định.
Do đó, trong Phật giáo, nói tới Thiền cũng là nói tới Định (Samàdhi).
Định có vai trò quan trọng là từ những tiến trình Định, thì Huệ siêu vượt mới phát huy.
Trong bài kinh <Cội rễ sự vật>, Phật nói: <Định là thượng thủ. Niệm là tăng thượng. Huệ là tối thượng. Giải thoát là lõi cây> có nghĩa : Định tuy quan trong, nhưng nó là phương tiện để phát huy huệ.
Định chưa phải là mục tiêu cuối cùng.
1) "Này chư Hiền, các pháp lấy dục làm căn bản.
2) Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi.
3) Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi.
4) Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ tụ hội.
5) Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ.
6) Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng.
7) Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng.
8) Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây".
Vậy Định có một vai trò quan trọng, nó cần để cho tâm đứng yên. Khi không tác ý gì, là tâm đứng yên. Thầy đã định nghĩa: Đó là trạng thái Biết không lời / Non-verbal awareness. Hay sâu sắc hơn, đó là Nhận thức biết không lời / Non-verbal cognitive awareness.
Trạng thái mà Đức Phật chứng ngộ Ba Minh và chứng ngộ Lý Duyên Khởi, là Tâm Như, hay Định bất động, được giải thích là ngoài lời / Atakkàvacara. Gọi là Định bất động vì có 3 hành không động:
- Ngôn hành không động: nghĩa là tầm / lời nó thầm, và tứ/ những đối thoại dây dưa thầm lặng trong tâm, phải được chấm dứt.
- Ý hành không động: cảm thọ và tưởng phải chấm dứt trong tâm, thì tâm mới thực sự trống rỗng, vắng lặng, khách quan, trong sáng, không trụ nơi nào.
- Thân hành không động: thân ngồi yên, cho tới hơi thở cũng nhẹ đi , mới thực sự là đối giao cảm hoạt động, hơi thở trở thành tự động, gọi là tịnh tức.
Từ đó, Phật thiết lập nhiều phương thức tu tập để giúp những vị đệ tử của ngài cũng chứng ngộ giải thoát khỏi lậu hoặc, tâm hoàn toàn trong sạch, không dính mắc vào cuộc đời. Đạt quả vị A La Hán.
Đức Phật đưa ra nhiều phương thức tùy theo căn cơ từng vị: Quán, Định hay Huệ. Có nhiều chủ đề thực hành và chủ đề nào cũng đưa tới kết quả giống nhau, như các chủ đề:
- quán vô thường trong những cảm thọ (bài kinh Đoạn tận Ái),
- quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp, tuệ tri và quán tánh sanh diệt (bài kinh Niệm Xứ)
- thực hành Giới để đưa tới Định và Huệ (bài Đại kinh Xóm Ngựa)
- thực hành Thở (bài kinh Định niệm hít vào thở ra) v.v...
Dựa trên những cốt lõi đó, Thầy chúng ta hướng dẫn thêm kỹ thuật Không Nói để giúp thiền sinh có kinh nghiệm cái Biết Không Lời. Khi đối duyên xúc cảnh, chúng ta giữ cái Biết không lời, thì tâm dừng, thì thấy biết Như Thực, đó cũng là giữ Chánh niệm, hay tuệ tri.
Các bước thực tập Không Nói:
- Bước 1: có lời nói ra, dành cho người mới bắt đầu thực hành Thiền, chưa kinh nghiệm cái Biết không lời. Nếu thiền sinh nào đã học khóa căn bản rồi, từng thực tập những phương thức dùng giác quan (thí dụ nghe tiếng chuông, thư giãn lưỡi, nhìn lướt, nhìn xa, nhìn mà không gọi tên, thiền hành giữ niệm Biết, v.v... ) và kinh nghiệm một chút trạng thái Biết không lời, thì khi chuyển qua chủ đề Không Nói với bước này sẽ dễ dàng hơn.
Ngồi thiền: Chúng ta nói nhỏ, vừa đủ cho mình nghe, kéo dài hai chữ không nói, lắng nghe theo dư âm chữ “nói......” . Tâm mình yên lặnhg theo thời gian của hai chữ “không ..nói..........”. Tiếp theo, thỉnh thoảng, lặp lại, “không...nói......”
Trong khi nói , thì phải biết rõ đang nói.
Trong khi không nói, chỉ có dư âm, thì biết “đang không nói .” ở đây đã là <Biết không lời trạng thái đang không nói thầm> / hay tự nhận biết (self- awareness)
Bước 1 còn có lời nói ra , nên chưa phải là Định vững chắc. Tạm gọi là Chỉ / Samatha.
Nếu vẫn thỉnh thoảng có tạp niệm khởi lên, thì cần tăng sức chú ý vào chủ đề thêm. Có thể gọi là mindfulness, mục đích gom tâm lại vào chủ đề, thì không có tạp niệm.
Thiền hành: với chủ đề “không nói.”
Qui ước bước chân trái trước, nói nhỏ vừa đủ nghe kéo dài “không”..., bước chân phải, “nói....”. Nếu chúng ta có tạp niệm thì nên chú ý vào bước chân thêm. Giống như gắn cái Biết vào sự xúc chạm của chân và đất. Có thể giữ yên lặng 2 bước kế tiếp. Sau đó lặp lại nói nhỏ “không” khi bước chân trái, “ nói” khi bước chân phải. Rồi giữ yên lặng 2 bước chân kế. v.v...Lần lần có thể tăng lên giữ yên lặng 4 bước chân, nhận ra trạng thái tâm yên lặng trong 4 bước chân này.
Khi nào tâm tạm yên, chúng ta tiến lên bước 2.
- Bước 2: Chỉ nói thầm hai chữ “ không...nói....”......
Nói thầm có nghĩa là không phát ra âm thanh, người khác không nghe gì. Chủ đề bây giờ chỉ như là cái “ý” thôi.
Ngồi thiền: Ta nói thầm kéo dài “không ...nói.............” Chữ “nói” kéo dài ra, càng dài càng tốt. Vì khoảng thời gian này là cái Biết không lời. Ta cũng biết rõ – khi đang nói thầm (biết đang có lời) và - khi không nói thầm (biết đang không lời).
Thực tập từ từ khoảng cách giữa những lần nhắc lại xa hơn.
Bước này sau những giờ ngồi thiền, ta có thể thực tập thêm khi ngồi chơi trong vườn, khởi nói thầm chủ đề “không...nói....” rồi nhìn cảnh, nhận biết mình “đang không nói “. Lâu lâu lặp lại, nói thầm “không...nói....”......
Thiền hành: cũng tương tự bước 1, nhưng bây giờ chỉ nói thầm. Khoảng cách yên lặng có thể kéo dài ra.
Khi tâm tạm yên, ta lên bước 3.
- Bước 3: Biết không lời.
Ngồi thiền: sau khi ngồi đúng tư thế, ta khởi chủ đề: “không nói” . Có thể nói thầm cũng được, thì chủ đề sẽ hiện ra rõ ràng, gom tâm lại mau. Hay chỉ khởi ý thôi. Tiếp theo an trú trong trạng thái “tâm đang không nói thầm”. Chỗ này, kinh gọi là chánh niệm.
Đến đây mới có thể kinh nghiệm trạng thái Biết không lời tạm rõ ràng hơn 2 bước trước. Thỉnh thoảng gợi lại nhè nhẹ “không...........nói..............”
Thiền hành: chúng ta không để ý tới bước chân nữa. Tức là đi tự nhiên, chầm chậm, chỉ biết chủ đề là “không.....nói.....” cũng không nói thầm. An trú trong tâm đang không nói thầm.
- Bước 4: Chánh niệm tỉnh giác:
Cái biết không lời lần lần vững chắc và rõ ràng sẽ trở thành nhận thức không lời. Buông chủ đề “không nói”. Tới đây, cái biết không lời đã vững chắc rồi. Không cần nhắc lại chủ đề ‘không nói “ nữa.
Chúng ta thường xuyên gợi lại “trạng thái tâm yên lặng trống rỗng” và an trú trong đó. Khi ngồi thiền và khi sinh hoạt hằng ngày.
Đức Phật thường dạy: <không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng>, hay <đặt chánh niệm trước mặt>. Chính là bước này.
Ta ngồi chơi, đưa mắt nhìn ra vườn. Khởi lên “ trạng thái tâm trống rỗng, yên lặng” rồi ngắm nhìn cảnh bên ngoài. Ta sẽ thấy cảnh rõ ràng chi tiết như thông qua một tấm gương trong veo. Cảnh thế nào, biết rõ y như vậy. Tâm yên lặng, cảnh yên lặng, tâm bất động, cảnh bất động.
Tới đây khế hợp:
<Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền>.
Trên đây chỉ là những bước thực hành phổ thông, khế hợp kinh điển.
Cô đi từ cái Biết ban đầu có chủ đề <không nói>, chỉ một chỗ nương gá thôi, đó là chủ đề, không gá ý vào đâu nữa, thêm rắc rối. Chỉ có khi thiền hành bước đầu, mình có thể gá ý thêm chỗ xúc chạm của chân đi mà thôi, nếu mình còn khởi niệm lung tung.
Ngoài ra trong tất cả các bước đều không gá ý thêm chỗ nào hết. Vì có gá ý ở đâu là còn dính mắc vào chỗ đó.
Từ cái Biết trống rỗng (có nghĩa là vô trụ) thực tập hoài sẽ kinh nghiệm cái nhận thức trống rỗng (vô trụ), tức là một đường đi thẳng. Không cần phải vớ thêm cái gậy nào rồi lại phải buông đi.
Nếu chúng ta còn khởi niệm lung tung hoài, có nghĩa là ta không thích hợp với phương thức <không nói> là dùng <ý> để dụng công. Vậy ta nên chọn những phương thức phổ thông trong kinh dạy: dùng giác quan thực tập: thấy, nghe, xúc chạm, giữ chánh niệm, hay Biết không lời. Giác quan thì có đối tượng cụ thể , nên dễ thực hành hơn.
Cách thực tập <không nói>, cô vừa trình bày thực sự đơn giản, nhưng cần phải có thời gian và kiên nhẫn thực tập.
Không có gì trên đời cao quí mà lại dễ dàng và mau chóng vội vàng đạt được. Nhất là khi muốn đạt, thì sẽ không được gì.
Tổ Đình
31-5-2020
TN
:
Con sẽ thực hành theo lời Cô dạy.