Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 17
CHÂN NHƯ và KHÔNG
Một em thiền sinh mới viết email hỏi cô: Chân Như và Không khác nhau thế nào?
Cô trả lời chung cho những em chưa nhận ra sự khác biệt giữa Không và Chân Như.
Chủ đề Chân Như, chúng ta đã học lý thuyết trong khóa Bát nhã trung cấp 2, chủ đề Không thì trong khóa trung cấp 3. Tuy vậy đây là 2 chủ đề quan trọng nhất thuộc chân lý sau cùng, mình không dễ gì học hay nghe giảng qua một vài lần mà nắm được. Trong phạm vi của bài viết này, cô không giãng chi tiết như trong khóa học. Cô chỉ nhắc lại những điều chính thôi.
Trước hết chúng ta nên nhớ lại, Thầy đã từng viết trong những Bài Đọc Thêm về Không và Chân Như rồi. Hệ thống kinh Bát nhã Ba la mật đa, thuộc hệ Phát triển đã từng khai triển Tánh Không xem như là nền tảng lý luận và tu tập quan trọng nhất để đạt trí huệ hoàn hão <đã đến bờ giác ngộ, giải thoát>. Đồng thời hệ thống kinh Bát nhã Ba la mật này cũng khai triển chân như, để rồi cuối cùng kết luận <Không là chân như. Chân như là Không>. Và trong các khóa tu, chúng ta cũng đã biết: sở dĩ chư Tổ của hệ Bát nhã Ba la mật đã nói như vậy vì Không và Chân Như có nhiều điểm tương đồng:
- Cả hai đều là chân lý rốt ráo chi phối con người và cả vũ tru.
- Cả hai đều thường hằng bất biến, qua thời gian và không gian.
- Cả hai đều vượt ra ngoài ngôn ngữ, không thể dùng lời để diễn tả, ngoài lý luận nhị nguyên, kinh dùng từ ATAKKÀVACARA (beyond logic) mà các nhà Phát triển diễn ra là: không thể nghĩ bàn.
- Cả hai, trong đó không có cái gì, hoàn toàn rỗng không, vắng lặng.
- Cả hai có ở khắp nơi, bao trùm tất cả, trống không như hư không, không giới hạn.
- Cả hai không do nhân duyên sanh ra, nên không thay đổi, không mất đi.
- Cả hai không có chổ khởi đầu, cũng không có chấm dứt.
- Cả hai không thể dùng giác quan mà nhận ra được. Nên cả hai không phải là hiện tượng thế gian.
- Cả hai chỉ được nhận ra qua nhận thức biết không lời mà thôi.
- Khi nhận ra được rồi thì trí huệ siêu vượt cùa con người sẽ phát huy cho tới hoàn hão, với tánh sáng tạo, tâm cao thượng với từ, bi, hỷ, xả và biện tài không chướng ngại.
Đó là cô nhắc lại sơ lược về những điểm tương đồng.
Bây giờ chúng ta thử xem tới những điều khác biệt giữa Không và Chân như.
1- Đức Phật đã chứng ngộ Chân như và Không trong trường hợp khác nhau. Khi chứng ngộ Tam minh, cuối tuần lễ thứ tư, và cũng là cuối tầng định thứ tư, ngài đã nhận ra được Tâm Như, tức là trạng thái chân như của tâm mình.
Trạng thái Tâm Như, ngài đã diễn tả:
<Trong trạng thái tâm định tĩnh, trong sáng, thuần tịnh, không cấu nhiễm, nhu nhuyến, dễ sử dụng, bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh...đến Thiên nhãn minh, đến Lậu tận minh....>.
Đến khi ngài chứng ngộ hoàn toàn Lý Duyên Khởi, ngài mới nhận ra thêm: Cảnh như, tức là trạng thái chân như của cảnh và tánh Không của cảnh qua sự chứng ngộ Y Duyên Tánh.
Vì hiện tượng thế gian do nhân và duyên sinh ra, nên nó sẽ thay đổi (vô thường) và biến mất đi. Cho nên hiện tượng thế gian không có cái thực chất cố định (vô ngã), do đó bản thể nó là Không (Emptiness).
2- Chân như được định nghĩa như là : Khách quan tánh (objectivity) của hiện tượng thế gian.
Không được định nghĩa như là Thực chất tánh (substantiality) của hiện tượng thế gian.
3- Chân như là tinh túy (essence) của hiện tượng thế gian
Không là thực chất (substance) của hiện tượng thế gian.
4- Chân như không thành lập nên một cái gì.
Không là nền tảng thành lập vũ trụ và con người. Nhờ bản thể trống không mà khi đủ nhân duyên, vũ trụ và con người hiện hữu.
5- Trong chân như hoàn toàn không có gì, không thể cân, đo, đếm.
Trong Không, Đức Phật nói có năng lực biến dịch. Khoa học có thể tìm thấy năng lượng động để hình thành vật chất. Thí dụ Quarks chỉ là khoàng trống không, có những năng lượng xô đẩy nhau.
Trên đây, cô cũng chỉ khái quát có sự khác biệt giữa hai khái niệm Không và Chân Như. Tuy nhiên kết luận cuối cùng thì khi không khởi niệm, tất cả đều là một.
Chủ đề Không và Chân như là phương tiện:
- để khơi dậy tiềm năng giác ngộ của chúng ta.
- để không dính mắc vào hiện tượng thế gian, để thoát khổ.
- để sống tự tại, giải thoát.
- và khi thể nhập, thì là niết bàn.
Tổ Đình
21- 5- 2020
TN