Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 6
HỒI ÂM
Hôm thứ bảy rồi có một em thiền sinh, đọc bài < Ai lên nhổ cỏ Tổ Đình > rồi email cho cô:
“...Con đồng ý với cô. Con nghĩ sẽ có nhiều thiền sinh kéo nhau về Tổ Đình nhổ cỏ để được sáng đạo chứ chẳng cần học giáo lý (chân lý) mà Đức Phật đã giảng dạy từ hơn hai ngàn năm nay đâu.... và con phải chọn về Tổ Đình nhổ cỏ hay học Thiền online ? ”
Thứ nhất, em nghĩ chưa đúng, cho tới nay chưa có ai tỏ ý muốn lên Tổ Đình để tu, nói gì là nhổ cỏ ! (câu này là chọc quê em đó!)
Thứ hai, em nói không đúng. Nhổ cỏ mà sáng đạo, là cho những ai đã học, đã biết con đường đi rồi. Nhưng vì nhiều duyên nào đó ngăn trở, chưa bỏ hết được để thực hành. Bây giờ lên Tổ Đình, quên việc “trần gian”, toàn tâm chí thiết giữ chánh niệm trong sinh hoạt hằng ngày, nhổ cỏ, tưới cây, hái rau, cắt cỏ v.v... thì mới có thêm kinh nghiệm tâm an lạc, tĩnh lặng, dừng bặt suy tư, kiến giải nhiều nhận thức sâu sắc về thiên nhiên, về cuộc đời.
Như vậy, điều kiện sáng đạo vẫn là hiểu biết những chân lý từ Đức Phật giảng dạy. Đó là nền tảng vững chắc của trí tuệ và đạo đức con người. Sáng đạo là trãi nghiệm thực sự những chân lý đó rồi từ đây phát huy ra thêm những kiến giải mới nữa. Chư Tổ mới gọi là biện tài, là thông suốt từ đầu tới cuối con đường đời cũng như con đường tâm linh. Nếu có chỗ nào chưa thông thì là chưa có biện tài.
Tuy nhiên, trí huệ là một tiến trình phát huy, nghĩa là có vô số mức độ từ nông đến sâu, từ đơn giản tới phức tạp. Không bao giờ ngưng phát triển.
Chắc là em biết 4 câu kệ bất hủ, tương truyền là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, thế kỷ VI, được xem như là chủ trương của Thiền Tông, đặc biệt là Tổ Sư Thiền:
“ Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật”.
Không phải là chư vị dạy cái gì khác biệt, ngoài giáo lý. Giáo lý là chân lý. Nếu khác biệt chân lý thì rơi vào tà đạo rồi. Chủ trương này có nghĩa là: chư Tổ đã thông hiểu giáo lý rồi, muốn phát huy trí tuệ phải dừng cái tâm loạn động. Chư Tổ dùng nhiều phương tiện thiện xảo giúp người đệ tử nhận ra chỗ tâm dừng bặt, trong tức khắc kinh nghiệm cái Biết không lời. Các phương tiện như: la hét , kêu tên, đánh, lấy gậy đập, véo mũi ...trong lúc bất ngờ, nếu người đệ tử sửng sốt, dừng bặt tâm, thì ngay lúc đó rơi vào trạng thái Biết không lời, hay là Định. Đó gọi là “ Ngộ”. Là nhận ra trạng thái Biết không lời qua các tánh Thấy hay Nghe hay Xúc chạm.
Đây là phần đông những kinh nghiệm Ngộ của Tổ sư Thiền.
Còn nhiều mức độ Ngộ cao hơn mới kiến giải những hiểu biết mới, sạch hết lậu hoặc, tạm gọi là Triệt ngộ hay Đốn ngộ. Ví dụ ông Bàhiya nghe Đức Phật nói mấy câu là đắc quả A la hán:
“Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Và này Bàhiya, nếu với ông, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri, thì không có ông trong chỗ ấy. Không có ông trong đời này, không có ông trong đời sau, không có ông trong đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.
Một ví dụ nữa là: nhóm ngài Kiều Trần Như khi nghe Phật giảng bài kinh Tứ Đế, họ đạt được quả Nhập lưu, biết con đường tu đúng. Một tuần sau, Phật giảng kinh Vô ngã tướng, cả 5 vị sạch hết lậu hoặc, không còn chấp ngã, là 5 vị A la hán đầu tiên trên đời. Từ đó có Tam Bảo: Phật- Pháp- Tăng.
Mức độ cao hơn nữa là Đức Phật sau 4 tầng Thiền nhận ra Tam Minh , được gọi là: Abhisamaya , chứng ngộ hoàn toàn.
Đến khi Đức Phật nhận ra tất cả những bí ẩn của con người và vũ trụ qua Lý Duyên Khởi - Pháp Duyên Sinh, ngài chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác – Anuttara Sammà Sambodhi.
Vậy sáng đạo cũng có vô số mức độ. Do đó sáng đạo do vô số phương cách đi vào, không phải chỉ có một cửa.
Kinh điển đã từng nói: 84.000 pháp môn, tức là vô số cửa pháp để tu tập kinh nghiệm cái tánh giác, bước đầu là kinh nghiệm cái Biết Không Lời.
Tại sao vậy? Lẽ dễ hiểu thôi. Vô số căn cơ, khả năng, hoàn cảnh, ý thích v.v... ai thích hợp cách nào thì đi cửa đó. Mới mong đạt được tâm thanh thản, thảnh thơi, không gò ép, không mong cầu, không cố gắng, không tập trung, không tự kỷ ám thị, không tưởng tượng mình đạt được cái này cái kia mà rốt lại không được gì.
Trong sử Thiền Tông cũng có một vị nổi tiếng, là cư sĩ, có gia đình, có con trai, con gái, tất cả đều sáng đạo, làm chủ sinh tử, muốn ở thì ở, muốn ra đi thì lập tức ra đi. Đó là ông Bàng Long Uẩn. Ông có làm nhiều thi kệ.
Cô lấy hai câu cuối này:
“Thần thông và diệu dụng,
Gánh nước, bữa củi tài”
Gánh nước, bữa củi hay nhổ cỏ, hay tưới cây, hay cắt rau.... cũng đều là đang thực hành Thiền. Đang SỐNG THIỀN.
Cô muốn nhắc mình rằng phải thực hành “chánh niệm” trong sinh hoạt hàng ngày. Cái Biết rõ ràng, rồi ngưng. Không suy diễn gì thêm nữa. Điều này các em đã biết từ khi học lớp căn bản rồi. Và các em cũng đã biết có nhiều cách đi vào cái Biết không lời. Vững chắc hay không là tùy nơi mình. Không do ai khác.
Không phụ thuộc nơi ai khác.
Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy rất rõ: “ Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải lấy Chánh pháp làm thầy, phải lấy Giới làm thầy, phải nương tựa nơi chính mình, không nương tựa nơi ai khác...”
Giới luật là Thầy, các em đã hiểu rồi.
Chánh pháp là Thầy: tức là tất cả những chân lý: vô thường, biến dịch, tương quan nhân quả, vô ngã, khổ, tạm gọi là tục đế Bát nhã.
Không, huyễn, chân như, tạm gọi là chân đế Bát nhã.
Tại sao lại chỉ nương tựa nơi chính mình? Khi đã nắm rõ Giới và Chánh pháp rồi, thì mình thực hành theo sự hiểu biết của mình. Người khác là qua một cái lăng kính chủ quan rồi. Người khác có khi đi lệch, thì sao?
Đây là cô chỉ nhắc lại kinh nghiệm của người xưa. Mỗi người chúng ta tự suy gẫm. Mình toàn quyền làm chủ cuộc đời của mình.
Thân mến
Cô TN
Tổ Đình, 28-4-2020
Cam on Su co da Giang Giai ,tra loi Thac mac go cung qui bau Cho cau hoi cua mot thien sinh.Trong giai dap co co Chi de cap den bier khong loi. Con co chut thac mac cung nhu y kien: biet Thi thuong tru cung nhu chan nhu ,Phat tanh khong the nghi ban.Biet khong loi la de doi dai voi biet co loi.Vi Nhan Duyen ma biet khong loi cung Chang Phai co ,biet co loi cung Chang phai khong ,bat nhi va Trung dao.Co phai vay khong ,thua co?
Thien sinh tanh khong Uc
Thien Thuan
Nhổ cỏ phải có công phu. Không phải ai nhổ cỏ được sáng đạo.
Ví dụ, những người không biết giáo lý của Đức Phật về việc nhổ cỏ không có nghĩa là họ được sáng đạo.
Người biết giáo lý của Đức Phật nhổ cỏ nhìn thấy những điều khác nhau. Họ thấy sự vô thường (sanh, diệt); họ phản ánh bãi cỏ là phiền não hay lậu hoặc của mình; họ nhìn thấy sự thật của thiên nhiên; họ biết cái tánh xúc chạm nhận thức biết không lời; V.v.
Điều này giống như mấy ông tổ uống trà có thể sáng đạo và sau con uống trà mỗi ngày con không sáng đạo. Tại sao? Cùng một lý do. Không sâu thắm với giáo lý của Đức Phật và không có tu tập thường xuyên.
Bài này Sư Phụ nhắc con tinh tấn dụng công. Con xin cảm ơn Sư Phụ.