Đầu Năm Mở Cửa Hạnh Phúc
Thích Nữ Hằng Như
-----------------------------------------
DẪN NHẬP
Mấy ngày qua, mọi người khắp nơi trên thế giới đã từng bừng ăn Tết Dương Lịch 2020. Chúng ta cũng nằm trong số người đó. Là người Mỹ gốc Việt định cư ở Hoa Kỳ tính đến nay, nhiều gia đình có ít nhất là gồm ba thế hệ. Con cái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại của chúng ta sống ở đất nước này, nên chúng ta học hỏi, hoà nhập vào nền văn hoá xã hội nơi đây là điều đương nhiên. Riêng thế hệ chúng ta dù định cư ở đâu cũng không quên phong tục tập quán của mình, nhất là những mùa Xuân đầy ấp kỷ niệm nơi chôn nhao cắt rún ở quê nhà. Cho nên, hằng năm ở đây, chúng ta và con cái đều đón tới hai cái Tết. Đó là Tết Dương lịch quen gọi là Tết Tây và Tết Âm lịch là Tết Ta còn gọi là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán năm nay nhằm ngày 25 tháng Giêng 2020. Tính theo thứ tự mười hai con giáp, năm nay là năm Kỷ Hợi và năm tới là năm Canh Tý.
Ai cũng biết, ba ngày Tết, các ngôi chùa khắp nơi trên thế giới là tụ điểm quan trọng của các Phật tử đưa ông bà cha mẹ con cháu đến chùa lễ Phật, cầu phúc, cầu lộc, cầu thọ, cầu bình an hạnh phúc cho bản thân và gia đình suốt một năm dài. Những ngày lễ Tết rơi vào mùa Xuân. Mùa Xuân là mùa bắt đầu cho cuộc sống mới sinh sôi nẩy nở. Là mùa mà cây lá đâm chồi, nẩy lộc, hoa Xuân tươi thắm. Nói đến mùa Xuân là người ta nghĩ tới sự mới mẻ vui vẻ tràn đầy sức sống. Trước đó, nhà nhà đều được quét dọn trong ngoài sạch sẽ. Trên bàn thờ Phật hay bàn thờ Tổ Tiên hương hoa đầy đủ. Trong nhà bếp, các bà nội trợ chuẫn bị nấu thức ăn nhiều hơn ngày thường để dành đãi con cháu ở xa về, hay để mời khách, khi họ tới nhà chúc Tết. Ngày mồng Một Tết, hầu hết những gia đình theo đạo Phật hay đạo Ông Bà đều không dùng mặn. Nghĩa là cả nhà đều ăn chay và kiêng cử chuyện rầy rà, la mắng lớn tiếng trong nhà. Ba ngày Xuân, ở Việt Nam mọi người đều được nghỉ làm, trẻ con cũng được nghỉ học ở nhà vui Tết. Người lớn trẻ con đều vận quần áo mới, ăn uống thả giàn, chơi đùa thoải mái. Ở hải ngoại thì những ngày này không phải là ngày lễ chánh của Quốc gia nên mọi người vẫn đi làm. Đi làm thì đi làm, nhưng ngoài giờ làm việc, mọi người ít nhiều cũng dành thời gian để đón Tết vui Xuân.
Bề mặt thì như thế. Nhưng thực sự không phải tất cả mọi người hễ đến mùa Xuân là ai ai cũng vui vẻ đón Xuân trong niềm hân hoan hạnh phúc. Tuy trên khuôn mặt người nào cũng nở nụ cười phô trương sự tươi thắm trong mấy ngày đầu năm. Nhưng ai biết được trong lòng họ đang buồn rầu, bất an. Cho nên mùa Xuân tuy đã đến nhưng cửa ngõ hạnh phúc trong lòng nhiều người bị khoá chặt, dù có cố gắng bao nhiêu thì cánh cửa hạnh phúc vẫn không nhúc nhích. Có cách nào để mở cửa hạnh phúc cho tất cả mọi người hay không?
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
Muốn mở cánh cửa hạnh phúc. Trước hết chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc là gì? Hạnh phúc được giải thích như là một trạng thái tâm vui vẻ, thích thú, thoả mãn của con người về một vấn đề gì. Hạnh là đức độ, Phúc là đầy đủ. Người có hạnh phúc là người may mắn có đầy đủ những gì mình mong muốn. Như vậy hạnh phúc có thể được hiểu là cảm giác phúc lạc, thích thú trong tâm hồn và thể xác, đồng thời sự mãn nguyện này ở lại lâu dài với con người trong cuộc sống.
Con người sinh ra đời, nhu cầu cần thiết đầu tiên để sống là cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Thoả mãn nhu cầu này, người ta cảm thấy thật hạnh phúc. Nếu những thứ cần thiết này bị thiếu, người đó bị xem như là bất hạnh, vì phải trải qua những ngày tháng đói khát, quần áo không đủ ấm thân, sống lây lất đầu đường xó chợ, không có được mái nhà che mưa chắn gió, dù chỉ là mái nhà tranh vách đất...
Nhưng khi có cơm ăn, áo mặc, nhà ở thì nhu cầu đòi hỏi cao hơn. Ăn thì phải ăn ngon. Mặc thì phải mặc đẹp. Bước ra đường phải có xe đưa rước. Chỗ ở phải sang trọng thì mới được coi là hạnh phúc. Khi đạt được những thứ này rồi, con người lại cảm thấy chưa hoàn toàn hạnh phúc. Lúc bấy giờ tâm lý con người nảy sinh ra những thứ cần thiết khác chẳng hạn như cần phải đáp ứng nhu cầu tình cảm, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, quyền lực v.v... Những ham muốn này không dễ gì đạt được, mà nếu đạt được rồi thì không dễ gì ở lại mãi với mình.
Cho nên thực tế cho thấy hạnh phúc chỉ ở lại, khi con người ta chấm dứt sự ham muốn. Nhưng đã là con người thì khó dằn được lòng tham, ít khi nào con người ta chịu dừng lại, chịu chấp nhận bấy nhiêu đó đã đủ! Vì thế hạnh phúc luôn là thứ mà con người suốt đời chạy theo tìm kiếm. Hễ còn tìm kiếm nghĩa là người đó chưa hài lòng với những gì người đó đang có trong tay. Chưa hài lòng tức là bực bội, khó chịu, nếu không nói là đang khổ tâm khổ trí. Mà đã khổ tâm khổ trí thì làm gì có hạnh phúc?
KHAI TRIỂN HẠNH PHÚC
Qua cái nhìn của các nhà não bộ thì Hạnh phúc đến từ bên trong, do Tâm con người quyết định. Hạnh phúc trước hết là một cảm giác với nhiều cường độ khác nhau như: Hồ hởi, phấn khích, lâng lâng, vui vẻ, sung sướng. Từ gốc độ sinh học, cảm giác hạnh phúc là kết quả của việc 4 chất sinh hoá học tiết ra trong bộ não phối hợp ăn ý với nhau như: Dopamine khiến ta cảm thấy lâng lâng một niềm sung sướng hỷ lạc. Endorphines khiến cho thần kinh của ta như được vuốt ve vỗ về, mọi nhức nhối tan biến. Serotonine lôi kéo ta thoát khỏi sự dã dượi lười biếng, nó khiến cho ta phấn chấn hăng say yêu đời, yêu người, yêu việc. Acetylcholine khiến cho mình cảm thấy lâng lâng, nhẹ nhàng thanh thoát như muốn bay lên khỏi mặt đất, cảm thấy cuộc đời thật vui vẻ thật tươi đẹp, trước mặt là bầu trời màu xanh nhiều hy vọng. Đó là cảm giác của hạnh phúc. Nhưng vấn đề là khoảnh khắc hạnh phúc ấy luôn trôi qua, vì không phải lúc nào những chất sinh hoá học ấy cũng tiết ra, cho nên năng lượng phấn chấn, vui vẻ, yêu đời, sung sướng cũng cạn dần rồi chấm dứt. Cảm giác hạnh phúc không ở mãi với con người. Điều quan trọng là làm sao lại kích thích cho những chất sinh hoá học đó tiết ra và phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng để con người lại có được cảm giác hạnh phúc.
Qua gốc nhìn của các chuyên gia nghiên cứu xã hội thời đại đưa ra một số yếu tố liên hệ đến hạnh phúc là tiền bạc của cải, danh vọng, học vấn, tình yêu nhan sắc, v.v...
1. Tiền bạc: Ở đời không có tiền bạc thì lấy gì con người chi tiêu cho cuộc sống. Người ta nói trời sanh voi thì sanh cỏ, nhưng con người có thể ăn cỏ để sống hay sao? Nói rằng chỉ cần có miếng đất trồng rau trồng khoai thì cũng đủ nuôi thân rồi. Nói thì nghe dễ nhưng có những người sanh ra đã ăn nhờ ở đậu, không có một thước đất để cấm dùi nói chi là có đất để trồng rau trồng đậu nuôi sống thân mình. Cho nên tiền bạc tuy vô tri nhưng có giá trị là nó có thể tạo một phần hạnh phúc cho con người. Nếu không có tiền thì không có cơm ăn, áo mặc, không có nhà để ở. Những đồng tiền lúc này rất cần thiết, vì nó mua được hạnh phúc cho con người. Nhưng nếu cứ mãi chạy theo đồng tiền thì hạnh phúc sẽ không còn nữa. Cho nên nhiều người kết luận đồng tiền không hẳn mang đến hạnh phúc hoàn toàn cho họ.
2. Lòng ham muốn: Theo quan niệm của đạo Phật, người đời thường bị năm thứ ham muốn sai khiến. Đó là: Tiền bạc; Sắc đẹp; Danh vọng; Ăn ngon; Ngũ kỹ. Nếu đạt được những ham muốn này thì con người có được hạnh phúc. Như vậy thực chất của ham muốn không phải là cái tội, mà ham muốn chỉ là nguyên nhân khởi đầu để tìm kiếm hạnh phúc của con người. Nhưng từ ham muốn tiến đến chỗ tham lam quá độ thì dễ đi đến chỗ hại mình hại người.
Nếu nói sự ham muốn có liên hệ với hạnh phúc, chúng ta phải nói ham muốn vừa đủ thì được, vì ham muốn càng nhiều thì tỷ lệ nghịch với hạnh phúc chúng ta đang có, nghĩa là ham muốn càng nhiều thì hạnh phúc càng vơi đi. Tại sao? Vì lúc nào chúng ta cũng phải suy nghĩ, tính toán, tìm kiếm giải pháp làm ăn lớn, kiếm lợi nhuận cao. Toàn bộ, những ham muốn vật chất như tài, sắc, danh, thực, thuỳ kể trên, có khi may mắn người ta đạt được, có khi ngoài tầm tay với. Nhưng chung quy thì dù được hay không, thì những thứ đó cũng không thực sự mang lại hạnh phúc toàn hảo cho con người. Chỉ khi nào, con người an phận bằng lòng với cái gì mình đang có nghĩa là chỉ muốn những thứ vừa phải, đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống mình và gia đình mình, thì người đó mới sống trong hạnh phúc.
Tuy nhiên, sống ở đời, người có óc cầu tiến, ít khi nào chịu dậm chân tại chỗ, nếu có cơ hội ai lại không muốn dấn thân làm việc để mưu cầu hạnh phúc qua sự thành công, giàu có. Người nghèo cần tiền để có hạnh phúc, nhưng tại sao lại có người giàu dư tiền lắm bạc, lại không cảm thấy hạnh phúc bằng những người chỉ đủ ăn đủ mặc? Có phải tại họ tham lam không biết dừng lại để hưởng thụ hạnh phúc đang ở trong tầm tay của họ?
3) Sống thông minh: Lòng ham muốn là bước đầu tiên khiến con người cố gắng đạt được để có hạnh phúc. Nhưng với điều kiện là phải biết cách sống thông minh. Thế nào là sống thông minh? Người sống thông minh không phải là người có học vấn cao. Học vấn cao chỉ giúp con người ta dễ kiếm việc làm, biết cách đầu tư để kiếm tiền, chứ học vấn cao không mang đến hạnh phúc. Người xưa nói sống thông minh là biết cách sống "tri túc thường lạc" nghĩa là sống biết đủ thì vui, không biết đủ chỉ chuốc lấy khổ đau mà thôi! Biết đủ là gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tuỳ duyên. Nói như thế không có nghĩa là lười biếng ngồi một chỗ tuỳ duyên "chờ sung rụng", mà mình cố gắng hết sức để đạt được nhu cầu cần thiết. Khi thấy đủ rồi thì biết dừng, không tham cầu nhiều hơn nữa, giúp cho tâm được bình an, không lo lắng, phiền muộn. Không phiền muộn lo lắng là đã có hạnh phúc rồi!
CHÌA KHOÁ MỞ CỬA HẠNH PHÚC
Ở đời mục đích để có hạnh phúc của mỗi người mỗi khác nhau. Cùng là thành viên trong một gia đình, trong một cộng đồng, xã hội, đỉnh điểm hạnh phúc của người này không giống người kia. Thí dụ trong gia đình, người chồng người cha thì xem địa vị, sự nghiệp, tiền bạc và quyền lực là hạnh phúc của họ. Người vợ người mẹ thì hạnh phúc của họ là tình yêu hôn nhân, tình yêu gia đình, tình thương con cái. Hạnh phúc của những đứa con trong gia đình có thể là được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, có đầy đủ cơm ăn áo mặc, được cắp sách đến trường, được thầy cô yêu quý. Sống với đạo, giữ tròn giới hạnh là hạnh phúc của người Phật tử. Khi hành thiện bố thí giúp đỡ người nghèo khổ, thấy họ vui thì mình cũng cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Ở trường học, hạnh phúc của thầy, cô giáo là thấy học trò mình học hành có kết quả tốt thì họ cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc của kẻ trộm cắp là "chôm chỉa" của cải, tiền bạc của thiên hạ về cho mình nhiều chừng nào thì hạnh phúc nhiều chừng đó, không cần biết hậu quả đến với mình sau này ra sao? Cũng không cần biết hành động của mình đã để lại sự buồn khổ cho nạn nhân bị mất trộm như thế nào? Cho nên trạng thái hay mức độ hạnh phúc cũng như mục đích để đạt hạnh phúc của mỗi người đều không giống nhau là như vậy!
Trong nhà Phật không đề cập đến hai từ "hạnh phúc", chỉ thường đề cập đến chữ "khổ". Khổ tạm hiểu là trạng thái không hài lòng, không vừa ý hay là sự bất mãn của tâm. Hiểu theo tâm đời thì "khổ" và "hạnh phúc" là hai mặt của một đồng tiền.
Khổ là một trong tứ đế. Tứ Đế là giáo lý Phật pháp cơ bản, là bài pháp đầu tiên Đức Phật giảng dạy cho năm đệ tử đầu tiên đắc quả A-La-Hán. Đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Đế nghĩa là Chân lý. Gọi là Chân lý vì tất cả mọi người không ai là không khổ. Vấn nạn Khổ xảy ra trước thời Đức Phật và sau khi Đức Phật nhập diệt hơn 2,500 năm đến bây giờ con người ta vẫn còn Khổ. Giàu cũng khổ. Nghèo cũng khổ. Đẹp cũng khổ. Xấu cũng khổ. Làm Tổng thống cũng khổ. Làm thường dân cũng khổ. Trong kinh ghi nhận con người có tới 13 cái khổ. Đó là Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Cầu bất đắc, Ái biệt ly, Oán tằng hội, Sầu, Bi, Ưu, Khổ, Não.
Ai cũng khổ hết, vậy làm sao để hết khổ đây? Đức Phật dạy muốn diệt Khổ phải tìm ra nguyên nhân gây Khổ. Nguyên nhân gây Khổ trong kinh gọi là Tập đế. Tâp đế ở đây chính là lậu hoặc, là tham ái, tham dục. Tham cái gì? Đó là tham tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Trong kinh gọi chung là khát ái. Khát ái là khao khát không bao giờ biết đủ để dừng lại ham muốn.
Biết nguyên do gây Khổ rồi. Phương thức tiếp theo là Diệt Khổ, trong kinh gọi là Diệt Khổ đế hay Diệt đế. Muốn chứng ngộ Diệt đế, phải đoạn trừ Tập đế. Diệt đế là trạng thái tâm hoàn toàn trong sạch, không còn lậu hoặc, thoát khổ, trong kinh gọi là Niết Bàn. Chúng ta tạm gọi là trạng thái Hạnh Phúc. Nhưng Hạnh phúc này là Hạnh phúc tuyệt đối, vượt lên trên cái Hạnh phúc tương đối của tâm đời vẫn còn nhiều dục vọng, tham sân si.
Muốn chứng ngộ Diệt Đế hay Niết Bàn phải thực tập miên mật Đạo đế. Đạo đế là chìa khoá mở cánh cửa Hạnh phúc. Chính xác hơn là con đường tu tập gồm 8 yếu tố: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Gom chung lại là tu tập theo Giới-Định-Huệ để chứng ngộ Diệt đế.
KẾT LUẬN
Cuối năm chúng ta cùng nhau kiểm điểm lại những điều tốt xấu trong năm qua để bắt đầu chỉnh sửa cho một năm mới được hanh thông tốt lành hơn. Điều mà ai cũng quan tâm mong muốn nhất trong năm mới là có được hạnh phúc.
Hạnh phúc tạm phân chia làm hai loại: Hạnh phúc tương đối và hạnh phúc tuyệt đối. Hạnh phúc tương đối là hạnh phúc thế gian đến rồi đi. Hạnh phúc đó là niềm vui, là sự thoải mái, thoả mãn điều gì mình mong muốn đạt được. Nhưng đã nói hạnh phúc thế gian thì nó vô thường mong manh lắm. Muốn tạm thời giữ nó lại bên mình chúng ta phải biết sống thông minh. Sống thông minh là khi giác quan của chúng ta tiếp xúc với trần thế, tức là khi chúng ta đối diện với những mong muốn ngũ dục phải tự biết "thiểu dục và tri túc" nghĩa là bớt ham muốn và biết đủ, để không chạy theo tham dục mà khổ thân tâm. Hãy luôn nhớ lời cổ nhân dặn dò "biển kia dễ lấp, túi tham khó đầy" để tự răn mình.
Còn hạnh phúc tuyệt đối là hạnh phúc vượt ra ngoài thế gian tạm gọi là "hạnh phúc tâm linh". Muốn mở cánh cửa hạnh phúc này, chìa khoá tu tập là Đạo đế, bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là con đường chân chánh mở cánh cửa tâm linh xua đuổi mọi lo âu phiền não ra khỏi cuộc đời mà Đức Phật đã dạy chúng ta trong bài pháp Tứ Thánh Đế. Khi chứng ngộ được Diệt đế, hành giả tự mình cảm thấy không còn dính mắc với bất cứ ham muốn gì ở thế gian, lậu hoặc không còn, ngay cả niềm vui nỗi buồn vi tế cũng không, ngoại trừ một trạng thái rổng rang tĩnh lặng, sáng ngời trí tuệ, tràn ngập từ bi hỷ xả. Đây là trạng thái tâm của người giác ngộ tuy còn sống ở thế gian này, mà thực chất họ đã đứng bên ngoài vòng tròn khổ đau sinh diệt.
Để đạt được Hạnh phúc ngoài đời hay trong đạo, Đức Phật đã trao cho chúng ta hai chiếc chìa khoá. Quý vị chọn Hạnh phúc nào thì tra đúng chìa khoá vào cửa căn nhà Hạnh phúc đó. Trước thềm Năm Mới, chúng tôi kính chúc tất cả quý thiền sinh Phật tử khắp nơi được An Lành và Hạnh Phúc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
January 05-2020
(Chào Mừng Xuân Canh Tý)