TÌM MỘT CON ĐƯỜNG
“Tìm một con đường, tìm một lối đi
Ngày qua ngày đời nhiều vấn nghi..."
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã một lần tự hỏi "Có con đường nào dẫn ta đến bình an, hạnh phúc?", cũng đã từng loay hoay tìm cho mình một con đường tâm linh. Ở tuổi chiều tà bóng xế, khi cơm ăn áo mặc không còn là nỗi lo lớn lao nữa, thì con người ta có khuynh hướng tìm cho mình một con đường "hướng thượng". "Hướng thượng" ở đây có thể tạm hiểu là tốt đẹp hơn, cao thượng hơn, vì người khác hơn. Cũng vì lý do đó mà người ta đi chùa, đi nhà thờ, quy y, làm từ thiện.
Để có thể tìm được con đường tâm linh thích hợp, thì trước tiên ta cần phải hiểu về tâm ta, nó như thế nào, nó muốn gì v.v.
Tâm chúng sanh như con khỉ chuyền cành, lăng xăng nhảy nhót cả ngày. Còn ý chúng sanh thì như con ngựa phi nước đại, thoăn thoắt không kìm hãm nổi (Tâm viên Ý mã). Tâm chúng ta một khi còn lăng xăng, thì cũng như con thú rừng, quậy làng phá xóm, gây thiệt hại và làm tổn thương người khác. Nhưng nếu ta biết cách thuần hóa và huấn luyện được con thú rừng, thì tất cả sức mạnh của nó, thay vì để phá hoại, thì sẽ phục vụ cho con người một cách hữu hiệu.
Nhưng việc thuần hóa một con thú hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Người nài phải thật là kiên nhẫn, chịu bỏ ra nhiều công sức, thời gian và có khi còn phải bị nhiều thương tích. Cũng vậy, việc thuần hóa một cái tâm hoang dã còn ngàn lần khó hơn thế nữa. Người tu tập phải thật nỗ lực, thật cố gắng, thật nhẫn nại, thật kiên trì và liên tục. Sự tu tập liên tục là bí quyết của thành công.
Chúng ta phải tự mình tu tập, không một ai khác có thể tu tập dùm cho ta. Với tất cả lòng từ bi, Đức Phật đã chỉ cho ta con đường tu tập, nhưng Ngài không thể cõng ta đi, cũng không thể ban phép cho ta thành tựu. Chúng ta phải tự mình bước đi, bằng chính đôi chân của mình. Chúng ta phải tự mình chiến đấu, bằng chính công sức của mình. Chúng ta phải tự mình tu tập, bằng chính nỗ lực của mình. Đơn giản chỉ bởi vì, cuối cùng người được giải thoát sẽ là chính ta.
Thế nhưng, trước khi nhấc bước chân đi, chúng ta cần phải biết con đường này là con đường nào? Tên gọi là gì? Dài ngắn ra sao?
Đức Phật đã mô tả con đường này bằng những lời giản dị:
Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời Chư Phật dạy
Đây là con đường chung, giản dị và dễ hiểu nên hầu như được mọi người chấp nhận. Nhưng khi định nghĩa thế nào là lành và thế nào là bất thiện thì lại có vấn đề. Mỗi tôn giáo, mỗi tông phái đưa ra một định nghĩa khác nhau về thiện lành, chẳng hạn như phải tin vào một điều gì, hay phải vâng lời một giáo chủ nào đó. Tất cả chỉ là những định nghĩa riêng biệt mang tính cách tôn giáo, được một số người chấp nhận nhưng lại bị một số khác phủ nhận.
Đạo Phật đưa ra một định nghĩa chung về thiện và bất thiện. Bất cứ lời nói nào, hành động nào làm hại người khác, gây tổn thương cho người khác, về mặt thể xác hay tinh thần, là bất thiện. Bất cứ lời nói nào, hành động nào giúp ích cho người khác, mang lại sự an vui hạnh phúc cho người khác, một cách chính đáng, gọi là thiện. Tại sao phải "một cách chính đáng"?. Nếu ta đưa ma túy cho một kẻ nghiện để thỏa mãn cơn thèm muốn, thì không phải là một hành động thiện. Hay nếu ta trộm cắp để mang tiền giúp một người nghèo, cũng không gọi là một hành động thiện theo đúng nghĩa.
Định nghĩa về thiện và bất thiện của đạo Phật thật ra rất đơn giản, bởi vì nó dựa trên quy luật tự nhiên. Theo quy luật này, trước khi ta nói ra những lời cay độc hay làm những hành động gây tổn thương cho người khác, thì chắc chắn trước đó tâm ta đã phải chất chứa những nóng giận, hận thù, đố kỵ, vv... Và một khi có những phiền não này trong tâm, thì chắc chắn ta đã khổ sở vì ta sống trong địa ngục của nội tâm.
Cũng vậy, khi làm những việc giúp ích cho người khác thì chắc chắn trước đó tâm ta đã phát sinh tình thương, sự đồng cảm hay lòng từ mẫn. Và ngay khi tâm ta phát triển được những phẩm chất ấy, thì ta bắt đầu hưởng được một niềm an vui nội tại.
Như vậy rõ ràng là khi ta giúp người khác, ta đồng thời cũng giúp chính ta và khi ta làm hại người khác thì ta đồng thời cũng làm hại chính ta.
Con đường tâm linh hướng thượng mà ta tìm kiếm là con đường thuần hóa tâm ta. Đây là con đường tu tập, có tên là Bát Chánh Đạo.
Con đường này gồm ba phần:
- Giới: tránh những hành động và lời nói bất thiện, làm những hành động và lời nói thiện lành.
- Định: là làm chủ được tâm mình.
- Tuệ: là phát triển trí tuệ, hoàn thành thanh lọc được tâm.
Con đường Bát chánh đạo dài hay ngắn? Ngắn cũng không ngắn, mà dài cũng không dài, bởi dài hay ngắn hoàn toàn tùy thuộc vào sự nỗ lực tinh tấn của mỗi người.
Con đường Bát chánh đạo dễ hay khó? Khó cũng không chắc khó, mà dễ thì có lẽ là không dễ, khó hay dễ hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết tâm của mỗi người.
Chúng ta - những người con Phật, hãy dũng cảm bước theo con đường Đấng Thế tôn đã chỉ dạy.
Như Chiếu