PHÁP THỞ VÀ THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA
Thường khi nói về Thiền, người ta sẽ nghĩ tới một hành giả tìm một nơi thanh vắng, ngồi xuống, kéo chân lên, chú ý vào hơi thở vô thở ra của mình, ta gọi là PHÁP THỞ.
Cái gọi là Pháp Thở nhiều vị “Thiền sư” đang hướng dẫn là một hình thức thực hành lấy từ bài kinh Mười Sáu Pháp Quán Niệm Hơi Thở.
Tùy theo lời dịch, ý nghĩa của lời kinh sẽ khác và cách thực hành sẽ không giống nhau!!
— Một số hòa thượng dịch bài kinh này như sau:
1– Thở vô dài vị ấy biết “tôi thở vô dài”, hay Thở ra dài vị ấy biết “tôi thở ra dài”.
2– Thở vô ngắn vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”, hay thở ra ngắn vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”.
3– “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô “vị ấy TẬP”, cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra “vị ấy Tập”.
4– “An tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô “vị ấy Tập,” an tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra “vị ấy Tập”.
……….
—Vị khác dịch là:
1– Thở vô dài vị ấy biết “tôi thở vô dài”, hay thở ra dài vị ấy biết “tôi thở ra dài”.
2– Thở vô ngắn vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”, hay thở ra ngắn vị ấy biết “tôi thở ra ngắn”.
3– “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô “vị ấy HỌC”, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra “vị ấy HỌC”.
4– “An tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô “vị ấy HỌC”, an tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra “vị ấy HỌC”.
tiếp tục là thọ, tưởng, hành, thức, tổng cộng là 16 pháp.
(xin tìm đọc bài kinh này, vì nếu ghi lại hết bài, sẽ quá dài).
Ngay 2 câu chỉ dẫn đầu tiên: “thở vô dài, thở ra dài ….; thở vô ngắn, thở ra ngắn ….”, chưa chắc người đọc đã hiểu đúng ý của lời kinh ghi lại (!?); vì ta không thấy tận mắt việc thực hành.
Thí dụ, vị Thầy dẫn học trò đi tìm nơi vắng vẻ để thực hành, leo đồi, lội suối; gặp nơi vừa ý, ngồi xuống, vì mệt, nên THỞ HỔN HỂN, dồn dập; từ từ hết mệt THỞ NHẸ NHÀNG, êm ả hơn. Học trò ghi lại lúc ông Thầy thở hổn hển, dồn dập, là “thở vô dài, thở ra dài ….”; ghi lại lúc không còn nghe tiếng dồn dập, ồn ào, thở êm đềm là “thở vô ngắn, thở ra ngắn ….”.
Chính vì điều này, nhiều hành giả đã tưởng tượng ra một hơi thở và hít vào thật sâu xuống bụng tới đan điền gọi là thở vào dài (?), …. (không ít người đã bị bịnh vì cách thực hành này).
Nhưng nếu chứng kiến, thấy tận mắt lúc ông Thầy đang chỉ đẫn thì: thở hổn hển, dồn dập biết đang thở hổn hển, dồn dập; lúc sau bớt mệt, thấy thở nhẹ nhàng êm ả biết đang thở nhẹ nhàng êm ả.
Như vậy hai câu đầu là tả diễn trình của sự thở từ thô tới tế, từ thở hổn hển tới thở êm dịu; chứ không phải thở hơi dài, hay thở hơi ngắn; mà là đang thở như thế nào thì biết như vậy.
Từ câu 3 trở đi từ ngữ "sikkhati" (1) trong bài kinh được dịch hơi khác:
* Nếu dịch là Tập,
—-“Vị ấy Tập” có nghĩa là người này có một lập trình sẵn để thực hành.
* Nếu dịch là Học,
—-“Vị ấy Học” có nghĩa là người này mở lòng ra để nhận biết những diễn tiến của sự thở, (biết nó như thế nào).
Kinh tứ niệm xứ còn dạy rằng: quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp.
Chữ Quán này có thể hiểu theo nghĩa trong cụm từ Quán Tưởng (có nghĩa là tưởng tượng); và cũng có thể hiểu theo nghĩa trong cụm từ Quán Sát (có nghĩa là nhìn ngắm, nhận biết).
* Như vậy QUÁN NIỆM HƠI THỞ:
—Nếu dựa trên lời dịch “vị ấy Tập” và hiểu chữ Quán theo nghĩa trong cụm từ Quán Tưởng, hành giả sẽ tưởng tượng ra có một hơi thở vào ra và nương theo đó thực hành.
1. Thở vô dài vị ấy biết “tôi thở vô dài”. Hay thở ra dài vị ấy biết “tôi thở ra dài”.
2. Thở vô ngắn vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn vị ấy biết “tôi thở ra ngắn”.
3. “Cảm giác toàn thân tôi sẽ tôi sẽ thở vô”, vị ấy Tập. “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra”, vị ấy Tập.
4. “An tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô”, vị ấy Tập. “An tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra”, vị ấy Tập.
Ngoài việc dựa vào một hơi thở được tưởng tượng ra để theo dõi, hành giả không có ý niệm rõ ràng về Tập, là phải làm gì đối với những cảm giác của thân và làm thế nào đối với sự an tịnh của thân, nên ít ai tìm hiểu tường tận hơn. Thường thì hành giả chỉ thực hành theo hai câu đầu, là tưởng tượng ra một hơi thở, mỗi lần hít vào thở ra đếm là MỘT và hít thở từ 1 lần tới 10 lần rồi lập lại , (theo chỉ dẫn của kinh An Ban Thủ Ý ), chú ý vào hơi thở, để làm quen với hơi thở, sau đó là theo dõi hơi thở vào ra, dài ngắn…gọi là Sổ Tức Quán; đây là một hình thức tu Chỉ (concentrate), tác động vào bộ não , gây hoạt hóa trên thân và trong tâm, giúp thân tâm an lạc, sảng khoái … thấy ánh sáng , thấy thân thể nhẹ nhàng bay bổng …nên được nhiều người ưa chuộng ; ( hiện tại lạc trú của tục đế ), họ dừng tại đây, nghĩ là đã đạt được Chánh Định. Và cho rằng những chỉ đẫn tiếp theo từ câu 5 tới câu 16 sẽ thực hành như những đề mục riêng lẻ, là không cần thiết, nên ít quan tâm.
— Nếu dựa trên lời dịch “vị ấy Học” và hiểu chữ Quán theo nghĩa trong cụm từ Quán Sát.
1. Thở vô dài vị ấy biết “tôi thở vô dài”. Hay thở ra dài vị ấy biết “tôi thở ra dài”.
2. Thở vô ngắn vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn vị ấy biết “tôi thở ra ngắn”.
3. “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô”, vị ấy Học. “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra”, vị ấy Học.
4. “An tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô”, vị ấy Học. “An tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra”, vị ấy Học.
Thì, thực hành Quán Niệm Hơi Thở là nhận biết (awareness) sự vận chuyển không khí ra vào của sự thở (câu 1,2), đồng thời nhận biết những cảm giác (ngứa ngáy, khó chịu…), sự an tịnh… đang xảy ra trên thân (câu 3, 4) cùng lúc với sự thở.
Lời kinh thật rõ ràng, giúp hành giả biết rõ cách thực hành. Tiếp theo là thọ, tâm và pháp thêm 12 điều nữa, gợi ý cho hành giả là ngoài hơi thở, mọi cảm thọ, mọi biểu hiện của nhận biết hiện về trong tâm, ta phải luôn rõ biết. Những cách thực hành này được bổ túc thêm bằng chi tiết về những hoạt động của thân, dạy trong phần Chánh Niệm Tỉnh Giác của Đại Kinh Xóm Ngựa.
— (Này các tì kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? “chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác khi đi tới, đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai nuốt đều tỉnh giác, khi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi đứng, yên lặng, thức, nói đều tỉnh giác”, như vậy, này các tỳ kheo các ông cần phải tu tập).
Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Đại Kinh Xóm Ngựa đã liệt kê “danh sách” những sự việc xảy ra trên thân, trong tâm và quanh ta (vì là bản viết nên phải kê ra như là danh bạ, chứ không phải là sự hướng dẫn thực hành theo thứ tự, trước sau); cả hai bài kinh cùng nhắc một điều là lúc nào cũng phải tỉnh giác để nhận biết, khi CHÚNG xuất hiện, để có Chánh Niệm. Nên khi thực hành Quán Niệm Hơi Thở (đúng cách) là thực hành Tứ Niệm Xứ.
— [Việc dịch và giải thích kinh điển, nếu suy nghĩ một chút ta sẽ có câu hỏi là ; tại sao có việc thực hành không đúng như kinh dạy (?); do không hiểu rõ kinh hay cố ý (?).
1– Có thể, vì chưa sáng đạo, chỉ là những dịch giả thuần tuý (nhiều khi còn phải tra tự điển), nên các vị đã chọn lựa từ ngữ khi dịch không chuẩn và giải thích từ ngữ không chính xác khi chú giải, hướng dẫn. Ngay cả tựa kinh Mười Sáu Pháp Quán Niệm Hơi Thở, nếu hiểu chữ Quán theo nghĩa trong cụm từ Quán Sát là nhận biết và hiểu rõ nghĩa của chữ Niệm (Niệm trong chữ Hán được viết với chữ Kim ở trên và chữ Tâm ở dưới) là Kim Tâm là cái Tâm Đang Là, cái Tâm ngay bây giờ của mình; thì Quán Niệm có nghĩa là nhận biết cái tâm hiện tại; nếu hiểu theo nghĩa này thì việc hướng dẫn thực hành sẽ khác!!
2– Hay, vì tùy thuận chúng sanh nên dùng những phương pháp đơn giản giúp họ có được sự sảng khoái trên thân, an lạc trong tâm, thấy những hiện tượng lạ xảy ra như thấy ánh sáng, thấy thân thể nhẹ nhàng…, để kéo họ tới đạo tràng. Nhưng sẽ tạo ra những vướng mắc là mong muốn tìm kiếm lại các hiện tượng này; luân hồi sanh tử trong tục đế.
3– Hoặc, không dám nói khác với những nhận xét của các bậc tiền bối, nên xưa bày nay làm, không dám đột phá suy nghĩ khác đi? Vì sợ bị kết tội là “phản thầy “và bị trục xuất khỏi tông phái! Nếu như vậy thì trái lời Phật dạy, là phải kiểm chứng lại lời giảng của bất kỳ ai, nếu không đúng sự thật (Pháp), thì không tin.].
Trong quá trình tu chứng, thái tử Tất đạt Đa đã đi đúng quy trình tu tập vào thời đó, ngài tu Định với hai vị thầy nổi tiếng nhất thời bấy giờ và đạt tới tầng cao nhất của Định là phi tưởng phi phi tưởng xứ ; chưa thỏa mãn, ngài qua thực hành khổ hạnh . Ngài và 5 anh em Kiều Trần Như tranh đua tu tập để đạt được những hình thức khổ hạnh nhất về mình, kiệt sức gần chết; nhờ bát sữa của một mục tử và sau đó là bánh sữa của nàng Sujàta, sức khỏe phục hồi Ngài tiếp tục trên đường tu tập.
Truyền thuyết ghi lại, sau khi ăn bánh sữa, thái tử Tất đạt Đa lội qua sông Ni liên Thuyền, tới gốc Bồ Đề. Nhớ lại khi còn nhỏ, theo vua cha làm lễ hạ điền, ngồi thư giãn dưới gốc cây Hồng Táo với tâm hồn nhiên trong sáng, Ngài vào định sâu, và được chính vua cha đảnh lễ; Ngài cũng ngồi xuống hồn nhiên, yên lặng, thư giãn dưới cội Bồ Đề …. không bao lâu Ngài chứng đạo.
Như vậy, không thể nào nói rằng Ngài dùng Sổ Tức Quán, đếm hơi thở và theo dõi hơi thở để nhập định và cũng chứng tỏ rằng PHÁP THỞ là một hình thức tu ĐỊNH do người đời sau đặt ra [vì hiểu không chính xác lời Đức Phật giảng được ghi lại trong kinh (?)], hay là do những tu sĩ Phật Giáo có nguồn gốc Bà La Môn thêm vào, chứ không do Đức Phật đề xuất. Thái Tử Tất đạt Đa đã bỏ cách Tu Định do lập trình của bản ngã này, từ khi rời khỏi hai vị thầy là Alàma Kàlama và Uddaka Ràmaputta; vì loại Định này do tạo tác mà có; không là con đường Vô Ngã đưa tới giác ngộ giải thoát!
Có thể sau khi ăn no, tắm mát, thân thể thư giãn, tinh thần sảng khoái, thái tử Tất đạt Đa ở dưới cội bồ đề, yên lặng quan sát cảnh vật xung quanh ….cảnh ngày xưa học võ, những cuộc tập trận cung tên, đao kiếm sáng ngời, quân binh rầm rộ ….; cảnh đàn ca, xướng hát, mĩ nữ cung tần… cảnh vợ con, cha mẹ, lâu đài, cung điện ….suốt 7 tuần lễ, lặng lẽ hiện về …, (trong kinh có nhắc tới vấn đề này nhưng diễn tả rằng ma vương dùng cung tên bắn tới tấp vào ngài, nhưng khi gần tới nơi những mũi tên tự động rơi rụng, và ma nữ dùng mọi cách đàn ca múa hát , gợi hình, gợi cảm nhưng không quyến rũ được ngài ….) .
Cái Biết của ngài càng ngày càng rõ nét, Nó nhận biết tất cả những gì xảy ra trên thân, trong tâm và xung quanh như thật, thầm lặng, không dính mắc; NIẾT BÀN TỊNH TĨNH ÙA VỀ, hoát nhiên đại ngộ (2), tâm của thái tử Tất đạt Đa thuần nhất với Vũ trụ Tâm, Ngài đạt được Chánh Định. Nên khi ngài hướng tâm đến bất cứ đề tài gì, những giải đáp CÓ SẴN từ kho tàng kiến thức của Vũ trụ Tâm sẽ HIỆN LÊN trong tâm của ngài; vì vậy khi kể về việc chứng ngộ ba minh ngài nói “…. ta hướng tâm tới ….”; và khẳng định rằng “ta thấy như thật như vậy…”.
Bẩy tuần lễ dưới cội Bồ Đề, thái tử Tất đạt Đa không ngồi xuống, kéo chân lên, thực hành như Sổ Tức Quán diễn tả là đếm hơi thở, theo dõi hơi thở của Pháp Thở để nhập Định; mà Ngài chỉ sinh hoạt bình thường thoải mái, thư giãn, thấy biết Như Thật những gì đang xảy ra xung quanh, trước mắt; ngồi, nằm thầm nhận biết quá khứ hiện về trong tâm, không buồn vui, dính mắc; ngài đang vô tình thực hành TỨ NIỆM XỨ. Đức Phật dạy Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất để đạt được chánh trí và giác ngộ niết bàn.
🙏🏽🙏🏽🙏🏽
Tuệ Tâm
Sacramento, tháng 11/ 2024.
(1) Chú thích thêm của BBT, từ ngữ "sikkhati" được hiểu theo 2 nghĩa: Học (learn) hay Tập (train).
(2) thực hành một thời gian bất ngờ sẽ nhận ra.