Lời ngõ: Nhận thấy bài giảng của Ni sư tuy ngắn gọn nhưng rất thiết thực và hữu ích, từng bước hướng dẫn phương pháp thực hành đơn giản trong đời sống hằng ngày đưa tới mục tiêu cuối cùng của Phật giáo nên Tuệ Chiếu xin mạn phép phiên tả lại bài giảng này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Sáng hôm nay thứ Bảy 16 tháng 3 năm 2024, buổi sinh hoạt tại thiền đường Nam Cali. Cô chào hết tất cả quý vị.
Sáng hôm nay cũng sinh hoạt bình thường, có một vị yêu cầu cô giảng lại về bài kinh Tiểu Không nhưng mà chủ đề này khó lắm thành ra để hôm nào cô giảng riêng. Thật ra cô cũng mới viết một bài về bài kinh Tiểu Không đối chiếu với bài Kinh Niệm Xứ. Hai bài này nó quan trọng tại vì nói đến những chủ đề lớn trong Bát nhã. Cô có viết rồi đăng ở trên website nhưng mà cũng viết khái quát thôi, còn những gì sâu sắc hơn thì chắc sẽ dành một buổi giảng thêm, phức tạp hơn; có thể ở trên Tổ đình vì có nhiều thì giờ và có tấm bảng để cô vừa giảng vừa vẽ sơ đồ nữa thì mới rõ ràng hơn. Hôm nay, xem như là sinh hoạt đại chúng thành ra cô chỉ trình bày một phương thức sống đời bình thường của người cư sĩ mà sống làm sao cũng đưa tới mục tiêu cuối cùng của Phật giáo. Tại vì sao? Tại vì những chân lý cao nhất ở trong cuộc đời nó cũng đâu có xa rời cuộc đời đâu quý vị.
Thiền cũng chỉ là một phương thức sống đời sống bình thường dù cho mình hiểu biết sâu sắc tới đâu mà mình xa rời cái đời sống bình thường thì những điều hiểu biết đó cũng đâu có hữu dụng và cũng chẳng có ích lợi gì cho mình. Cho nên dù là một người xuất gia hay một người cư sĩ cũng phải sống ở trong đời thôi. Tuy mình nói người xuất gia là xuất trần, xuất thế. Nhưng mà thực sự cũng vẫn sống ở trong thế gian này. Thành thử ra hôm nay cô trình bày một phương thức sống tạm gọi là sống Thiền nhưng mà mình có thể áp dụng nó trong tầm tay của mỗi người.
Phật pháp nói đi, nói lại cũng có bấy nhiêu thôi, mấy mươi năm rồi cũng chỉ vậy, thành ra bữa nay cô cũng nhắc lại. Có thể là quý vị thấy nó đơn giản, nó bình thường, không có cái gì khó khăn, không có cái gì là huyền diệu hết. Vấn đề là mình có thực sự áp dụng hay không? Chỉ vậy thôi.
Trước nhất, cái tiền đề của mình là ai cũng bắt đầu sự sống của mình bằng cái chân tâm của mình. Đó là chân lý đầu tiên cũng là chân lý cuối cùng, cô mong rằng ai cũng hiểu, cũng chấp nhận và xem như một tiền đề. Đó là thông điệp cao quý nhất của Phật giáo, cho mình một niềm tin, cho mình một niềm hy vọng để mình sống ở trong đời. Tuy ai cũng biết điều này nhưng không chắc gì mình hiểu biết đúng và mình áp dụng đúng đâu quý vị.
Khi mình còn hướng ra ngoài, mình còn vùi đầu trong kinh điển, mình còn đi lang thang khắp nơi để tìm cầu Pháp môn, tìm cầu vị Thầy là thực sự mình chưa hiểu cái tiền đề đó. Khi mình thực sự hiểu biết và tin một cách chắc chắn đó là chân lý thì đó là thông điệp duy nhất mà Đức Phật muốn dạy cho chúng ta biết. Mỗi người đều có khả năng giác ngộ. Khả năng giác ngộ tức là nói tới cái chân tâm đó. Cô dùng từ chân tâm để cho nó bình dân, dễ hiểu nha!
Mỗi người đều khởi thủy có cái chân tâm trong sạch hoàn toàn và bây giờ đi qua bao nhiêu kiếp luân hồi mình quên cho nên mình mới trôi nổi buồn phiền, khi vui, khi buồn. Bây giờ mình tỉnh ngộ, mình tu tức là tìm lại cái chân tâm đó của mình thôi. Cho nên hồi nãy cô nói đó là cái gia tài đầu tiên cũng là cái gia tài cuối cùng của mình, mình phải nhận ra được và sống với nó. Như vậy trên con đường đi trở về của mình, mình phải tự tin là mình có khả năng thì sẽ không có tìm cầu nơi nào khác, mình không có quỳ lạy thần linh để cầu nguyện, để van xin, mình không có đi tìm hoài ở trong sách vở, trong kinh điển.
Quý vị thấy tại sao ngày xưa một vị Thiền sư Trung Hoa là Ngài Pháp Thường đi ngàn dặm tới gặp Ngài Mã Tổ để thưa hỏi cốt lỗi của Phật pháp. Ngài Mã Tổ chỉ nói có bốn chữ là "tức tâm tức Phật" thì Ngài nhận ra liền con đường tu. Nghĩa là tâm mình tức là tánh Phật nghĩa là tánh giác ngộ. Khả năng giác ngộ nó nằm ở trong tâm của mỗi người, không có đi tìm cầu nơi một vị thầy nào, ngay cả không có cầu nguyện để van xin đức Phật hay là một vị Bồ Tát nào hết. Như vậy trong ý nghĩ đó, mình chỉ quay lại chính mình để nhận ra cái tâm của mình và sống được ở trong cuộc đời bình thường của mình bằng cái tâm đó thôi; đó là điều trước nhất cô nhắc nhở lại chúng ta, cũng theo học nhiều, đọc nhiều kinh sách thì phải nhớ rõ ràng ở trong tâm của mình đó. Mình phải nhớ cái điều đó trước nhất.
Bây giờ cô mới trình bày lại con đường nhận lại cái tâm của mình và làm sao để sống được ở trong cái tâm của mình? Trước nhất mình cần phải hiểu rõ ràng Tâm là cái gì? Có rất nhiều ý nghĩa trong chữ tâm. Sự suy nghĩ của mình, tính toán, lý luận, những tình cảm. những xúc cảm, tưởng tượng. Tất cả những thứ đó gọi chung là cái tâm. Khi thì nó sôi nổi, bồng bột, vui mừng, phấn khởi; khi thì nó buồn bực, khi thì nó yên lặng, lúc thì nó xao động. Tất cả những tình cảm phức tạp đều gọi chung là tâm. Nhưng hồi nãy cô đã nói khởi thủy cái tâm của mình nó trong sạch, trong sáng, có trí tuệ vậy tại sao bây giờ lại khi vui, khi buồn, khi lo, khi sợ?
Câu trả lời đơn giản thôi. Tại vì mình sống ở trong đời, mình bị cuộc đời nó lôi cuốn; mình thấy có khi mình khởi ra ý thích, có khi thì mình lại không thích. Người ta nói một câu có khi mình vui, có khi mình buồn. Những cảnh đời xảy ra, có khi mình chấp nhận, có khi mình không chấp nhận. Đó là tự mình có sẵn cái chân tâm mà mình không biết, cho nên mình cứ sống theo những cái suy nghĩ hời hợt, cho nên cái gì vừa ý thì thích, không vừa ý thì buồn, thì giận, thì lo, thì sợ.
Như vậy, trên mặt lý tưởng thì mình có chân tâm nhưng trên mặt thực tế thì mình không có nhận ra, cho nên lúc thì vui, lúc thì buồn theo cái cảnh đời ở bên ngoài. Đó là vì mình vô minh. Tất cả những cái gì xảy tới cho mình làm cho mình buồn lo thì nói chung đó là vô minh; nghĩa là không có trí tuệ. Như vậy làm sao để không buồn, không khổ thì phải có trí tuệ để nó đối trị với vô minh.
Ở trong kinh nói vô minh giống như bóng tối; khi ở trong vô minh dù mình mở mắt mà vẫn không có thấy, không có thấy rõ cảnh vật hay người. Không có thấy rõ sự kiện ở trong đời cũng như người đi trong đêm tối. Đó là ví dụ của một người vô minh. Một người còn buồn, còn khổ, còn lo, còn sợ là người sống mà như đi trong bóng tối, không có cái gì soi sáng. Như vậy, trí tuệ được so sánh với ánh sáng. Khi có trí tuệ, thấy biết rõ ràng cảnh vật, thấy biết rõ ràng những sự kiện xảy ra; do đâu lại xảy ra? Khi có ánh sáng thì bóng tối tự khắc tan biến. Cũng như vậy, những nỗi buồn, nỗi khổ do vô minh của mình thực chất không có là gì hết, nó chỉ là những sự việc xuất hiện ra trong đời vì có đầy đủ nhân duyên tức là do những hoàn cảnh nào đó, những điều kiện nào đó đầy đủ thì mới có nỗi buồn. Do rất nhiều điều kiện, nhiều nguyên nhân mới có nỗi buồn đó; nỗi khổ cũng vậy mà niềm vui ở trong đời cũng vậy. Do đầy đủ nhân duyên nên mới có cái vui đó; cái vui, cái buồn, cái khổ, cái bất như ý đều là những sự việc do điều kiện đầy đủ tụ hội lại mà thành. Thực chất nó không là gì hết!
Tại vì khi nó có mặt nhưng trong phút chốc nó cũng thay đổi đi và có lúc nó sẽ hết rồi lại trở thành ra những sự việc khác, những sự kiện khác ở trong cuộc đời của mình; liên tiếp những sự việc, cảnh này xảy ra, thay đổi đi, biến thành cảnh khác; cảnh khác cũng vậy nếu không đủ điều kiện thì lại thay đổi đi và trở thành cái khác nữa. Đó là quy luật của cuộc đời. Thành ra khi mình có trí tuệ, mình hiểu biết rõ ràng những nguyên nhân để thành lập nên những sự kiện, những hoàn cảnh trong cuộc đời của mình dù cho mình không biết rõ tất cả nguyên nhân; nhưng mình biết có rất nhiều nhân, nhiều duyên.
Nhân là nguyên nhân, còn duyên là những điều kiện phụ thuộc để hợp thành một người, một vật, một cảnh nào đó. Khi mình hiểu như vậy rồi, mình biết cách để mình sống làm sao cho không có phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài cái tâm của mình. Không có vui buồn theo cảnh ở bên ngoài thì cái tâm của mình mới bình an thì phải nhờ trí tuệ.
Đó là cô vừa mới nói đến một cái chân lý cao nhất, sâu sắc nhất mà Đức Phật dạy. Mọi việc trên đời có mặt do nhân, do duyên. Thay đổi do nhân, do duyên thay đổi; chấm dứt do nhân do duyên không đầy đủ rồi nó trở thành ra cái khác do nhân do duyên mới; đó là một cái quy luật từ ngàn đời. Thế gian bị chi phối bởi cái quy luật đó. Quy luật đó có tên là "Y duyên tánh". Tánh là cái bản thể, y là nương tựa, duyên là điều kiện. Điều kiện là condition, tất cả vũ trụ đều thành lập do điều kiện, vô số điều kiện; con người cũng vậy, có mặt cũng do vô số điều kiện. Tất cả cái gì chung quanh mình mà mình biết được đều là những pháp do điều kiện sinh ra nên nó sẽ thay đổi, sẽ chấm dứt, sẽ biến hoại đi và sẽ trở thành cái khác và con người mình cũng y hệt như vậy. Mình cũng thay đổi, xuất hiện rồi chấm dứt rồi lại xuất hiện.
Điều này là một sự thật không bao giờ thay đổi. Khi mình hiểu sự thật như vậy rồi thì mình phải sống bình an, đừng có dính mắc nhiều quá vô thế gian và khi có một sự thay đổi nào tới thì mình phải chấp nhận. Đó là sống bằng trí tuệ. Đó là cô giới thiệu tới một ý thứ nhì. Hồi nãy, ý thứ nhất cô giới thiệu là mình phải tin rằng mình có cái chân tâm và mình khi trở về sống được với cái chân tâm là hết khổ. Ý thứ hai này thì cô mới trình bày tại sao mình lại dính mắc trong cuộc đời để rồi khổ và mình phải hiểu cái quy luật chi phối cuộc đời, chi phối vũ trụ là cái quy luật của Y duyên tánh.
Bây giờ cô trình bày tới cái ý thứ ba. Bây giờ mình sống làm sao để có thể sống với cái chân tâm của mình, để mình không còn khổ nữa mặc dầu bên ngoài cuộc đời nó vẫn như vậy, có người tốt, có người chưa tốt nhưng mà mình chỉ chuyển đổi được chính mình. Việc làm trong tầm tay của mình là mình chỉ làm chủ được cái tâm của mình thôi. Khi mình làm chủ được cái tâm của mình thì mình cũng có thể giúp ích được cho cái thân tức là sức khỏe của chính mình. Khi cái tâm của mình bình an, an lạc thì sức khỏe của mình sẽ tốt hơn và trí tuệ của mình nó cũng sẽ tốt hơn.
Bây giờ cô trình bày tới chân tâm có những đặc điểm gì để mình nhận ra rõ chân tâm của mình. Hồi đầu, cô có giảng tâm là những gì trong ý nghĩ. Bình thường thì tâm bao gồm tất cả những gì ở trong não bộ của mình khi nó chưa có xuất hiện ra thành lời, thành hành động thì tất cả những cái gì còn ở trong não bộ của mình đó; nó chưa có thể hiện ra thì tạm gọi là cái tâm hay là cái ý.
Như vậy, những gì mình suy nghĩ cũng là tâm, những gì mình tính toán, mình phân biệt, mình xét đoán, mình lý luận cũng là tâm; khi mình vui cũng là tâm, khi mình khổ, mình buồn, mình giận, mình tức cũng là tâm. Mình quảng đại, bao dung hay là mình nhỏ nhen, thù hận, ích kỷ, đố kỵ cũng là tâm mà khi mình tỉnh lặng, thanh thản, bình an, có từ, có bi, có hỷ, có xả thì cũng là tâm; khi mình trong sạch, tha thứ thì cũng là tâm cho nên có vô số sắc thái của tâm.
Bây giờ mình tạm phân chia ra hai loại: một bên thì làm cho mình khổ, làm cho người khác khổ, một bên thì mình được bình an, an lạc và mọi người sống gần mình cũng bình an, an lạc. Tạm phân chia ra hai loại như vậy. Khi mình buồn, mình khổ, mình giận sức khỏe của mình nó cũng bị ảnh hưởng liền. Quý vị tu học lâu với Thầy rồi, quý vị biết nó tác động qua giao cảm thần kinh thì từ bệnh tới bệnh thôi. Cái này cô cũng không có khai triển ra thêm tức là khi cái tâm mình rối loạn, khó chịu, giận, buồn khổ, phiền não thì nó sẽ đưa tới sức khỏe suy yếu, bệnh tật và cái trí chỉ là trí thế gian mà bên dưới là cái ngã ích kỷ, tham lam, dính mắc của mình. Đó là bên cái tâm làm khổ mình, làm khổ người khác. Còn mặt kia là cái tâm bình an, an lạc thì nó phục hồi lại sức khỏe, điều hòa lại sức khỏe, điều hòa lại nội tạng của mình tại vì nó tác động qua đối giao cảm thần kinh thì tâm này tĩnh lặng, nhu hòa; nó giao tiếp với mọi người trong cái tinh thần tương thân, tương ái thành ra mọi người cũng vui vẻ cũng sống bình an như mình. Vậy thì một bên tạm gọi là tâm đời, một bên tạm gọi là chân tâm. Chân tâm mới đúng là bản tâm trong sạch của mình từ nguyên thủy, từ lúc đầu và con đường tu của mình là muốn phát huy trí tuệ, muốn có sức khỏe, muốn có hạnh phúc thì phải trở về sống với cái chân tâm của mình.
Đó hai con đường đi, tạm phân chia ra như vậy để mình thấy rõ chứ trong thực tế thì nó lẫn lộn với nhau lắm, khi thì mình cảm thấy mình có cái tâm trong sạch, bao dung, tha thứ rồi khi gặp phải chuyện gì thì mình trở lại mình giận, mình buồn phiền, mình khó chịu. Trong thực tế rất khó phân
biệt tâm đời với chân tâm.
Bây giờ cô tiếp tục nói đến một phần khác nữa. Bây giờ đi vô thực tế, tâm chỉ là cái biết thôi. Cô dùng từ biết để cho đơn giản, bình dân chứ có vô số mức độ của cái biết. Mức độ sâu sắc hơn là hiểu biết, hiểu biết mức độ nữa là trí tuệ hay là nhận thức. Thật ra cốt lõi vẫn là cái biết thôi từ cái biết đơn giản, đơn sơ cho tới cái biết vững chắc, rõ ràng, chi tiết, có trí tuệ, có đạo đức. Con đường tu của mình là một tiến trình làm sao để quan sát cái biết của mình và chuyển hóa nó từ cái biết đưa tới buồn phiền, đau khổ chuyển tới cái biết trong sạch, tĩnh lặng của chân tâm đó là con đường tu của mình.
Đơn giản như vậy thôi, không có gì bí hiểm. Không có thần linh ở trong này, không có cái gì cao xa ngoài tầm tay, nó nằm trong tầm tay của mình tại vì mình là chỗ của cái biết. Khi nói mình ở đây tức là tạm nói cái chân ngã. Thực sự cái chân ngã chính là cái biết thôi. Bây giờ cô đi vào chi tiết; chúng ta xem như là những người bình thường ở trong cuộc đời còn có nhiều liên lạc, liên hệ gia đình, xã hội, đất nước, nhân loại v.v. Làm sao để mình có thể sống một cuộc đời hài hòa trong hoàn cảnh của mình mà mình vẫn vươn lên đi tới cái chỗ hoàn toàn tốt đẹp cao thượng của chân tâm.
Cái biết đó lúc nào xuất hiện? Lúc nào có mặt? Đây là những cách thực hành mình đã học hết rồi trong lớp Thiền căn bản. Cái biết là một cái gì nó rất là trừu tượng, vô hình, không có thấy được, không có âm thanh, không phải là một cái vật gì cụ thể để mình thấy bằng con mắt hay là để mình có thể lấy tay mình sờ được nó. Cái biết là một khái niệm trừu tượng chính nó không có tên là cái biết; mình tạm dùng tên là cái biết để mình gọi cái đó mà thôi. Cái biết tạm gọi nó là tâm.
Khi cái biết chỉ là cái biết thôi thì đó là chân tâm. Đơn giản không? Cái định nghĩa của cô như vậy đó. Khi cái biết chỉ là cái biết thôi thì đó là chân tâm. Bây giờ cô đối chiếu trong kinh điển. Bài kinh Bahiya, trong đó Đức Phật khai thị cho ông Bahiya về cái biết, nhưng làm sao thể hiện ra cái biết? Nó phải biểu lộ qua giác quan; cứ tưởng tượng như cái biết là cái ở trong nhà đi. Giữa cái bên trong nhà với bên ngoài nó thông qua sáu cửa sổ; cửa sổ gọi tên là mắt, cửa sổ là tai, cửa sổ là mũi, là lưỡi, là thân và là ý. Do đó, có sáu cửa sổ để cho cái biết nó nhìn ra bên ngoài. Tạm gọi bên ngoài là thế gian, là cuộc đời; còn mình là cái nhà đi.
Thân mình là cái nhà, tâm mình là cái biết nó ở trong cái nhà giống như ngọn đèn nó bên trong nhà vậy đó. Nó chiếu sáng ra thì nó phải chiếu sáng ra sáu cửa sổ là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Như vậy, khi mình mở cửa sổ con mắt ra thì mình thấy bên ngoài nhưng mà lúc đó mình phải nhận ra cái thấy của mình, lúc đó mới gọi là trong cái biết chỉ là cái biết thôi; biết qua thấy thì trong kinh Bahiya, Đức Phật dạy như thế này: trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng tức là sự xúc chạm, chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri. Cái thức tri chính là cái biết hay là cái nhận thức, nó chỉ là chính nó thôi thì đối chiếu lại với cái định nghĩa của Đức Phật thì Chân Tâm là cái gì? Là tâm thuần nhất thuần nhất.
Hồi xưa Thầy dùng chữ unified mind cho tâm thuần nhất nghĩa là chỉ là chính nó thôi, không có cái gì ở trong đó hết. Khi ở trong cái tâm thuần nhất cũng chính là ở trong cái biết chỉ là cái biết dù cho qua thấy, qua nghe, qua xúc chạm hay qua nhận thức. Trong "cái biết chỉ là cái biết thôi" thì nó trong sạch, nó đâu có cái gì lẫn vào trong đó đâu mà nói nó bị dính mắc, bị nhơ bẩn. Nó trong sạch hoàn toàn.
Bây giờ đối chiếu trong kinh điển, quý vị sẽ thấy nó khế hợp hết. Lục Tổ Huệ Năng nói đến cái "bản lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai". Từ xưa tới nay đâu có cái gì ở trong đó đâu mà dính bụi bậm phải không? Đó cũng là chỗ trong "cái biết chỉ là cái biết thôi". Như vậy cái đặc tính đầu tiên của chân tâm là nó hoàn toàn trong sạch mà khi hoàn toàn trong sạch nó tiếp xúc với bên ngoài nó đâu có dính với cái gì. Nếu có cái gì dính mắc vô thì đâu còn trong sạch cho nên nó cũng hoàn toàn yên lặng, bất động. Không bất động nghĩa là khi nó rung chuyển, nó lung lay.
Nhớ lại bài kinh "Nhất dạ hiền giả" đã học rồi từ lớp Thiền căn bản. Câu "tuệ quán chính ở đây, không động, không rung chuyển". Chân tâm nó không có rung chuyển, không có lung lay, không có dao động. Khi người ta nói thì mình vui, người ta nói câu khác thì mình khổ thì tâm mình bị lay động rồi. Bây giờ làm sao để người ta nói câu gì mà tâm mình cũng không bị lay động theo thì phải bằng trí tuệ thôi; phải bằng trí tuệ để gìn giữ, để hiểu người ta khen mình là người ta khích lệ mình thôi, mình cảm ơn. Người ta chỉ trích mình, nói lỗi mình thì mình cứ tự xét có lỗi hay không có lỗi và đều cám ơn. Như vậy, tâm mình nó bình an liền. Khi cái tâm mình trong sạch thì nó không có dính mắc cái gì trong đời cho nên nó sẽ tĩnh lặng, bất động. Đứng yên, bất động ở đây mình phải hiểu là nó không lung lai, nó không rung chuyển theo cuộc đời bên ngoài chứ bất động không có nghĩa là hoàn toàn bất động.
Bất động không có nghĩa là mình bắt nó đứng yên như mặt nước ao tù; tâm của mình nó là một dòng biết. Cái biết là một dòng niệm biết khởi lên, chấm dứt; tới niệm biết thứ nhì khởi lên rồi chấm dứt, tới niệm biết thứ ba khởi lên rồi chấm dứt. Cái dòng biết liên tục như một dòng nước chảy mình không thể nào bắt dòng nước chảy đó đứng yên; nó đứng yên thì là nó chết nhưng mà thực sự chết cũng không phải đứng yên. Thực sự, tất cả những gì trên thế gian này, cả tâm của mình luôn luôn chuyển động. Quý vị có một chút ít kiến thức về khoa học vật lý, quý vị cũng biết rồi; tất cả là những sóng chuyển động, không có cái gì đứng yên, không có một cái gì đứng yên từ cái nhỏ nhất cho tới cái lớn nhất, nó đều chuyển động. Cái lớn nhất là tích tụ của hàng tỷ, hàng tỷ, hàng tỷ cái nhỏ nhất. Cái nhỏ nhất chuyển động theo quy luật tự nhiên vật lý thì cái lớn nhất nó cũng chuyển động vì nó là tập hợp của vô số những cái nhỏ nhất.
Bây giờ mình tạm nói cái nhỏ nhất là nguyên tử. Nó là tích lũy của vô số những cái nhỏ nhất cho nên tất cả thế gian, khi gọi là thế gian, khi gọi là vũ trụ, khi gọi là cuộc đời nó là một cái tổng thể chuyển động không ngừng. Mắt của người thường không có thể nhìn thấy những cái li ti hay là những cái vĩ đại nhưng mà bằng trí tuệ mình học, mình hiểu cái quy luật chuyển động luôn luôn đó là một chân lý của cuộc đời. Thành thử, khi tạm nói cái tâm mình bất động không có nghĩa là bất động. Bất động chỉ có nghĩa là nó không bị dính mắc theo cuộc đời để mà lay chuyển, mà biến đổi theo dòng đời, chỉ vậy thôi. Tức là có con đường đi riêng theo trí tuệ của nó thì gọi là bất động, gọi là tâm bất động.
Cho nên đối chiếu với kinh điển, Ngài Hàn Sơn là một thiền sư Trung hoa. Ngài nói rằng "tám gió thổi không động" là định đó là định bất động. Tám gió là những cái cảnh trong đời gồm cảnh vui, cảnh khổ, cảnh thành công hay cảnh thất bại, được người ta khen ngợi hay người ta chê bai; những cảnh đời đó thay đổi luôn luôn nhưng mình không có bị cuốn hút theo để khi vui, khi buồn thì gọi là tâm bất động, là định bất động và định này là định hằng ngày trong đời sống. Không có khi nào gọi là nhập định, không có khi nào gọi là xuất định thì định này được các vị Tổ gọi là đại định hoặc là các vị Tổ gọi một tên nữa là Như Lai Thanh Tịnh Thiền hay là Tối Thượng Thừa Thiền. Đó là định trong suốt cuộc đời tức là tâm mình không bị cuốn hút theo cảnh đời và sống trong bốn oai nghi trong cuộc đời bình thường gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền là định bất động.
Cô cố gắng cô trình bày để quý vị nhận ra nếu mình thực hành lệch một chút xíu thì nó rơi vô cái Diệt Tận Định của ngoại đạo. Khi nào mình không có trí tuệ bật ra, mình không có những kiến giải gì mới lạ, mình không hiểu cái bản thể trống không, bản thể Như huyễn của cuộc đời, mình không có cái bình đẳng tánh thì coi chừng mình rơi vô nước chết của định. Tại sao các phương thức quán Tuệ thì không có cái bệnh của quán hay của tuệ mà tại sao định lại có cái bệnh của định; cái bệnh của định là si định, trầm không, vô ký và vọng tưởng đó là bốn cái bệnh của định. Cô muốn lưu ý quý vị một chút xíu để quý vị hiểu cho thiệt đúng chữ "định bất động".
Bây giờ trở lại, nói đơn giản lại làm sao để nhận ra cái chân tâm như nãy giờ cô có giảng, đó là cái biết. Lúc nào mình cũng phải giữ cái biết. Từ xưa tới giờ mình sống khi vui, khi buồn là vì mình không có cái biết rõ ràng, khách quan của cái chân tâm. Khi mình có cái biết đó thì mình không buồn, không khổ, không giận, cũng không có vui quá. Khi mình sống ở trong cuộc đời, mình có cái biết đó thì mình không có quên chìa khóa không có quên tiền, không có quên cái bóp. Tức là sao?
Tức là lúc nào mình cũng phải có chánh niệm tỉnh giác thì mình sẽ không quên những cái thứ đó. Từ xưa tới giờ, mình sống ở trong cuộc đời mà như là là người đi trong đêm tối. Bây giờ quý vị thử nhìn lại cái quảng đời mấy mươi năm mình đã trải qua đi, quý vị sẽ thấy mình bây giờ không có được gì hết, không có được cái gì ngoài cái sức khỏe không còn khỏe nữa, tuổi đời chồng chất; nhìn lại đi mình có bao nhiêu tiền trong tay, trong nhà băng bây giờ còn lại cái gì? Còn lại sức khỏe không còn, tuổi đời đã cao, con cháu thì có đời sống riêng của chúng nó rồi. Giờ mình đâu còn gì ngoài tay trắng và khi mình ra đi cũng tay trắng thôi. Nhưng mà bây giờ mình tìm về Phật pháp đó là hạnh phúc, đó là phước báu của mình đó. Bây giờ mình biết rồi làm sao để thực sự có hạnh phúc? Làm sao để có một hành trang gì đó để đem đi qua đời sau?
Đó là mình trở về nhận ra được cái chân tâm của mình và bắt đầu từ đây sống với cái chân tâm đó cũng chính là cái biết thôi. Lúc nào mình làm cái gì, mình biết rõ ràng mình đang làm cái đó, mình nấu cơm, biết mình đang nấu cơm, bây giờ mình đang ngồi đây nghe pháp, biết mình đang ngồi đây nghe pháp; khi mình ăn, biết mình đang ăn, mình đi, biết mình đang đi; lúc nào cũng giữ cái biết thì khi chỉ biết như vậy thôi thì đâu có cái gì là buồn, là giận, là lo, là sợ trong cái biết đó đâu! Ví dụ, bây giờ mình đang nghe, chú ý nghe rõ ràng từng chữ và hiểu thì đó là cái tâm của mình nó đang trong sạch, không buồn, không khổ ngay trong lúc này. Đó là cái gì? Đó là mình đang sống trong cái chân tâm của mình.
Cô giảng đơn giản vậy đó. Không phải là cô làm cho đơn giản được đâu! Tự cái chân tâm của mình nó đơn giản như vậy đó quý vị. Mình đang ngồi, biết mình đang ngồi, chân mình đang đau biết chân mình đang đau, dễ quá mà! Mình đang cười, biết mình đang cười, mình đang an lạc, biết mình an lạc là đủ rồi. Trong lúc này mình không có một cái gì dính mắc với ngoài đời, không có cái dính mắc về tham ái, buồn giận ai hết; đó mình phải nhận ra rõ ràng như vậy thì cái biết đó, cái trạng thái tâm này là chân tâm mà trong kinh từ đầu tới cuối Đức Phật dạy mình có bốn chữ thôi chánh niệm và tỉnh giác.
Chánh niệm là biết rõ ràng, tỉnh giác là lúc nào cũng phải giữ cái biết rõ ràng đó gọi là chánh niệm và tỉnh giác. Hồi xưa thì Thầy dịch cái từ tỉnh giác là awakening, còn chánh niệm đó là sự nhận biết thì Thầy dịch là awareness. Awakening awareness là chánh niệm tỉnh giác. Mình chỉ cần tu tập có bốn chữ đó thôi, tất cả những cái khác chỉ là phụ thuộc. Tại vì chánh niệm cũng là một tiến trình có rất nhiều mức độ từ đơn giản, đơn sơ, lờ mờ lần lần nó tiến tới rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, rồi có trí tuệ nữa. Nhiều mức độ của chánh niệm lắm tức là nhiều mức độ của cái biết.
Tùy nơi mỗi người, nếu mình nhận biết rõ và mình áp dụng tinh tấn, miên mật thì cái chân tâm của mình nó sáng và vững chắc. Khi mình sống được ở trong cái chân tâm thì sức khỏe của mình sẽ lần lần điều chỉnh lại, phục hồi; tâm mình an lạc và trí tuệ của mình bây giờ là trí khách quan, không có thiên lệch, không có thiên vị, không có ích kỷ nữa. Từ trong chân tâm nó sẽ phát huy ra đủ mọi đức tính của con người; mình sẽ có cái tâm bình đẳng thì lúc đó mới nói đến chữ từ, bình đẳng thương mến tất cả mọi người, rồi mới tới bi, ai cần thì mình giúp đỡ, rồi mới tới hỷ, vui theo cái hạnh phúc của người khác, không còn lòng đố kỵ, nhỏ nhen và cuối cùng là tâm xả tức là bình đẳng, sống thanh thản trong cuộc đời.
Đó cô trình bày khái quát thôi. Con đường tu của mình nó đơn giản như vậy. Trong số chúng ta ở đây cũng ít người trẻ mà bảy bó, tám bó thì cũng khá nhiều cho nên cô không giảng cái gì sâu sắc hết; cô không giảng tới thể nhập chân như, thể nhập không định gì hết mà cô giảng cụ thể trong đời sống bình thường, nó nằm trong tầm tay của mình đó quý vị. Mình tu tập, học bao nhiêu kinh điển rốt cuộc lại, chọn lọc lại thì nó đơn giản như vậy thôi cũng như bốn câu mà ai cũng biết: "chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo". Các vị Tổ dạy: chư ác mạt tác là đừng có làm việc ác, chúng thiện phụng hành là làm tất cả mọi việc lành, tự tịnh kỳ ý là cái ý của mình nó phải trong sạch. Đó là lời chư Phật dạy đơn giản mà thực tế ở trong cuộc đời.
Khi vị Thiền sư nói bốn câu cốt lõi của Phật pháp, ông Thiền khách mới nói cái điều mà Ngài nói đó con nít tám tuổi nó cũng biết nữa chứ đâu có gì cao xa, huyền bí đâu? Ông Thiền sư trả lời là con nít tám tuổi cũng biết nhưng mà ông già 80 chưa chắc làm được thì mình mới suy gẫm cái chỗ này. Hiểu và biết vẫn chưa đủ mà cần phải áp dụng được mới được.
Vấn đề của mình là làm sao phải phân biệt cái gì ác, cái gì thiện. Muốn phân biệt phải dùng sự suy nghĩ, phân biệt, so sánh để mà biết cái nào đúng, cái nào không đúng. Cái đúng thì mình làm, cái không đúng thì mình không làm; thành ra khi sống ở trong đời thì mình phải vận dụng hết những cái khả năng của não bộ để mà tu, để sống cho đúng chứ mình không có chê bay một cái gì hết nhất là những cái phương thức của Đức Phật dạy; quán cũng cho mình có trí tuệ mà Tuệ cũng cho mình có trí tuệ mà quý vị nhớ là sống ở trong đời hay đi tu cũng đều phải đặt trên nền tảng của trí tuệ, từ cái trí tuệ thông thường, biết phân biệt đúng sai đi lần lần lần tới cái trí tuệ sáng suốt, hiểu biết những chân lý ở trong Phật giáo, những chân lý này mình phải học từ Đức Phật, mình phải suy gẫm tức là văn tư tu để mình áp dụng. Cho nên phương thức của Thiền Quán rất là quan trọng chứ đừng có chê Thiền Quán, lần lần mình mới đi tới trí tuệ phát huy là trí tuệ bát nhã.
Cô đọc nhiều trong kinh Nikaya về cuộc đời của các vị thánh đệ tử đắc quả A la hán, cô thấy hầu hết đều đi vào A la hán quả qua con đường của Thiền Quán. Quý vị về đọc trong kinh Nikaya, quý vị sẽ thấy mỗi vị đệ tử khi mới xuất gia, Đức Phật cho một chủ đề Thiền Quán rồi đi vào rừng suy gẫm rồi đắc quả A La Hán. Bây giờ cô cho thêm ví dụ nữa mà cô nghĩ chắc quý vị cũng nghe cô nói đi, nói lại hoài bài Đại Kinh Xóm Ngựa, Đức Phật dạy nhiều bước tu mà bước đầu là Giới luật và Thiền Quán, còn định là kết quả thôi. Khi cái tâm của mình trong sạch, yên lặng rồi thì kết quả là cái tâm không lay động, không dính mắc với cuộc đời; đó là định trong cuộc đời chứ không phải ngồi kiết già, ngồi bán già, ngồi trong Thiền đường mới có thể kinh nghiệm định.
Định là cái bản chất tự nhiên của chân tâm, nó là cái pháp Vô Vi. Định là một đặc điểm của chân tâm mà chân tâm là Pháp Vô Vi. Chân tâm không phải là pháp Hữu Vi mà mình có thể dùng điều kiện này, điều kiện nọ để mình tìm cho ra cái chân tâm và bắt nó phải đứng yên. Sau này, cô nhận ra rất rõ ràng hai lối tu khác nhau: một lối tu ép buộc mình phải như thế này, phải như thế kia và có những khuôn khổ nhất định. Đó là pháp Hữu Vi, dù cho có đạt được tâm yên lặng, trạng thái yên lặng đó vẫn tùy thuộc nơi điều kiện; khi không đủ điều kiện thì nó không còn yên lặng và khởi ra vọng tưởng. Tại sao mà vọng tưởng khởi ra hoài? Tại vì mình chưa có hiểu được cái bản chất của vọng tưởng là cái gì? Vọng tưởng tại sao xuất phát ra? Mình phải hiểu rõ ngọn ngành, nguồn gốc thì nó mới không có khởi ra.
Vọng tưởng cũng chỉ là cái biết. Làm sao mình bịt mắt cái biết được? Làm sao mình bịt kín không cho nó biết? Vấn đề của mình không phải là không cho nó khởi lên cái biết mà vấn đề của mình là chuyển hóa cái biết đó. Thay vì nó biết những gì ở trong đời rồi nó xao xuyến, rung chuyển, lay động theo. Bây giờ mình chuyển nó để nó biết những cái gì đúng, tốt, thiện thì bấy giờ gọi là biện tài vô ngại, biện tài là cái gì? Là cái dòng tâm tuôn chảy, nếu dòng tâm tuôn chảy qua miền đất của trí tuệ thì nó thành biện tài. Còn khi dòng tâm đó chảy qua miền lậu hoặc thì nó là cái biển khổ của trần gian; chỉ vậy thôi chứ làm sao mà ngăn được cái dòng tâm không cho nó chảy.
Cô muốn nói dầu cho mình làm cái đập gì đi nữa cũng không có ngăn được. Cô có nhận định như vậy và chia sẻ với quý vị; xem như một món quà trong tầm tay của mình, trong tầm tay của mỗi người vẫn có con đường tu rõ ràng cụ thể như vậy: "làm cái gì biết cái đó", khi mình "khởi ý gì, biết cái ý đó" và phải nhận rõ cái ý đó là tốt nên khởi hay là ý đó là ý ác thì phải chấm dứt nó ngay. Có nhiều cách chấm dứt lắm, mình phải xem lại bài An trú tầm và bài Song tầm, hai bài đó rất là hay để quý vị áp dụng trong bước đầu tu tập tầm tức là lời nói thầm. Nghĩa là mình vẫn suy nghĩ, vẫn nói lầm bầm ở trong đầu nhưng bây giờ mình nói đúng, nói tốt. Khi mình khởi ra một ý xấu, tham lam, dính mắc, muốn hại ai thì phải biết, chính cái biết đó là trí tuệ; còn người không biết thì sẽ tiếp tục khởi ý nghĩ xấu ác và nó tuôn ra lời nói, hành động xấu ác. Còn bây giờ mình biết cái đó là không tốt thì mình phải khởi liền một ý tốt để chấm dứt ý không tốt đó nhờ bài kinh Song tầm. Bài kinh An trú tầm cũng đưa ra nhiều cách để mình chuyển hóa cái tâm đời của mình, quý vị cũng cần xem lại hai bài kinh đó dạy những cách áp dụng rất là cụ thể. Quý vị đừng có chê lời nói thầm, đừng có chụp mủ bất cứ lời nói thầm nào đều là vọng tưởng, đó là là mình chụp mủ.
Có những lời nói thầm đúng, tốt thì vẫn là tâm bậc thánh nhớ vậy đó. Khi lời nói thầm đó đúng hoàn toàn thì đó là kiến giải của Phật tánh chứ không phải tất cả những lời nói thầm đều là tâm đời đâu! Khi mình không nhận ra, mình cứ chấm dứt nó hoài thì mình sẽ rơi vô si định thôi. Hôm nay coi như cô trình bày một cách sống đơn giản nhưng mà nó cụ thể đối với mình. Cô mong rằng quý vị nhất là những cô bác lớn tuổi, cuộc đời còn ngắn lắm khi mình nhận ra được thì mình cứ sống bình thường nhưng làm cái gì biết cái đó và cái biết này phải khách quan, rõ ràng, phải biết đúng nếu mà ý nghĩ đó không đúng thì phải chuyển đổi liền.
Chuyển đổi tâm, đó là trí tuệ và đó là con đường của Thiền Quán. Tuy tạm nói là Thiền Quán nó cũng là Thiền Tuệ mà cũng là Định và cũng là Giới nữa, khi mình biết sai mình chuyển đổi tốt hơn thì đó là Giới rồi. Khi mình thiên vị, mình ghét ai thì tâm mình không có khách quan, mình chuyển đổi lại cái thấy khách quan thôi thì đó là Vipassana là thiền Tuệ. Khi mình khởi ra cái ý muốn nói hay muốn làm một việc gì không đúng, mình dừng lại liền thì cái đó là Định rồi, Định trong cuộc đời; quý vị chỉ cần giữ cái biết trong sáng, trong sạch, khách quan, làm cái gì biết cái đó, không có tưởng nhớ để mà buồn khổ quá khứ, không có lo nghĩ tới tương lai, không có dính mắc gì hết trong hiện tại bên ngoài, đó là quý vị lúc nào cũng giữ chánh niệm và tỉnh giác như vậy; chỉ giữ cái biết thôi mà nó khế hợp với tất cả mọi con đường mà Đức Phật đã dạy: quán, chỉ, định, tuệ và giới.
Hôm nay, cô tóm gọn lại cách sống đúng, tạm gọi là sống Thiền. Cô mong là quý vị có thể thực hành được trong cuộc đời mà không cần phải xuất gia. Cô chấm dứt ở đây quý vị có thể có thắc mắc gì thì hỏi cô.
Chúng ta hồi hướng quý vị.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.