Thiền là lối sống tỉnh thức với cái biết trong sạch và sự yên tĩnh bên trong.
Với cái biết trong sạch đó, tâm được thoát khỏi sự tham đắm khổ não, và trải nghiệm một trạng thái bình an thật sự. Trong thiền, sự thực hành buông bỏ diễn ra trong nhiều giai đoạn, từng bước, từng bước một. Mục tiêu của thiền là trở về với sự tĩnh lặng vốn có, với cái biết trong sáng của chân tâm. Bằng trí năng tỉnh ngộ, ta nỗ lực hướng về con đường buông bỏ, xả ly. Bằng cái biết, chúng ta hướng về sự yên lặng bên trong.
Khởi đầu là buông bỏ những ràng buộc vật chất, không tham đắm vào của cải, tài sản. Sau đó mở rộng lòng giúp đỡ và chia sẻ với những người quanh ta. Rồi tiếp đó buông bỏ những hành động và những lời nói có hại cho người và cho mình. Giai đoạn đầu tiên là học cách sử dụng hai từ “không nói”, lập đi lập lại hai từ “không nói” để buông bỏ thói quen đối thoại thầm lặng bên trong và sự suy nghĩ vẫn vơ không chủ đích.
Thông qua trạng thái biết mình “không nói”, buông bỏ cái “tôi làm”, đó là ý thức, để tiến vào chi thiền đầu tiên.
Rồi sau đó, thông qua trạng thái thầm nhận biết không nói, buông bỏ cái “tôi biết”, đó là trí năng, dù là trí năng tỉnh ngộ.
Đến giai đoạn này là giai đoạn thực tập quan trọng: buông bỏ sự dính mắc của sáu căn:
Trong khi thấy, chỉ đơn thuần là cái được thấy, không gọi tên, không diễn bày;
Trong lúc nghe, chỉ đơn thuần là cái nội dung được nghe, không xét đoán, không suy diễn;
Trong xúc thọ tưởng, chỉ đơn thuần là cái cảm thọ hay cảm nhận, không gợi lên xúc cảm hay diễn đạt ngôn từ;
Khi các pháp khởi lên trong tâm, chỉ đơn thuần nhận biết nó khởi lên, không khởi ý duyên theo.
Tiếp theo là sự buông bỏ ý niệm thời gian tâm lý, tiến vào “bây giờ và ở đây", đó là trạng thái gặp gỡ của thời gian và không gian. Đây là cơ hội buông cái biết có lời để nhảy vào cái biết không lời. Cuối cùng, buông bỏ tâm ngôn, chấp ngã, chỉ còn dòng biết không lời, được gọi là “định”. Thầy Thiền Chủ đã định nghĩa đơn giản: Định (samadhi) là “cái biết không lời”. Nếu thành tựu được “cái biết không lời” này thì vào được chi thiền thứ hai, gọi là định không tầm không tứ.