THIỀN ĐỊNH TRONG ĐẠO PHẬT
Lời ngõ: Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba khoảng 236 năm sau khi Phật nhập diệt, Ngài Mục Kiền Liên Tu Đế (Moggaputta Tissa) đã định nghĩa Định là Nhất tâm (citta ekkagatta). Định nghĩa này khiến cho việc thực hành Thiền định về sau bị sai lệch và nhầm lẫn với các loại thiền ngoại đạo. Bài viết này được phiên tả lại từ bài giảng của Tuệ Huy trong buổi sinh hoạt Đạo tràng của Nam Cali.
Kính chào quý vị đến với chương trình Tìm hiểu và Ứng dụng Kinh Nguyên thủy. Chủ đề ngày hôm nay của chúng ta là chủ đề Samādhi tức là Thiền định trong đạo Phật. Đây là một chủ đề lớn. Trong Giới Định Tuệ thì vai trò của định rất là quan trọng và nội dung của bài này nó cũng khá dài và khó.
Trước tiên chúng ta dựa vào phương pháp Văn Tư Tu nên chúng ta sẽ bắt đầu từ định nghĩa. Để cho dễ nhớ quý vị thấy có hai phần ở trên bảng. Phần bảng bên trái này là dùng cho Văn Tuệ với Tư Tuệ còn phần bảng bên phải đó là những ghi chú quan trọng về định tức là sự tổng hợp rất là nhiều bài Kinh dược trích ra các điểm then chốt để cho chúng ta vừa đủ nhớ. Vì vậy các điều ghi trên bảng nó rất là cô động và nó chỉ có 7 điều thôi: 3 điều có vòng tròn màu xanh bên trái và 4 ghi chú bên phải.
Thứ nhất trên bảng bên trái này chúng ta có hai cái định nghĩa.
Thứ nhất Định là gì?
Thứ hai Chánh Định là gì?
Chữ định là samādhi, chúng ta định nghĩa là citta ekkagatta. Citta này có nghĩa là cái tâm. Tất cả chúng ta đều biết chữ ekkagatta này tách ra làm đôi có chữ ekka nghĩa là “một” còn gatta thì giống như động từ “to go” trong tiếng Anh có nghĩa là đi tới.
Như vậy ekkagatta nghĩa là cái tâm của chúng ta nó đi tới cái trạng thái chỉ có “một”. Trước hết chúng ta hãy nhìn lại chữ tâm và chúng ta hình dung được tất cả chúng ta đều có tâm. Cái tâm đó thì biết rồi nhưng mà cái tâm này tại sao chỉ có một? Thường ngày quý vị thử nhìn lại coi là cái tâm thường nghĩ nhiều chuyện hay chỉ nghĩ một chuyện? Nó nghĩ rất là nhiều chuyện. Như vậy là tâm chưa có định khi nào mà tâm của quý vị nó đi tới chỗ “một” thì nó có định mà cái này chưa phải Chánh định nha! Bây giờ từ định nghĩa thì chúng ta có thể hình dung tâm mình có hai trạng thái: một là chỉ nghĩ có một chuyện; hai là nghĩ nhiều chuyện.
Trước hết tất cả chúng ta đều có tâm rồi và cái tâm đó nó đang suy nghĩ, nó học hỏi, nó rèn luyện. Định nghĩa của định là khi nào mà tâm đi tới chỗ chỉ còn một thôi. Như vậy, trong khoảng thời gian nhất định 5 – 10 phút nó không nghĩ một chuyện nhưng mà nó nghĩ nhiều chuyện thì coi như không có định. Cho nên chữ định này là trạng thái tâm đi tới chỗ một; quý vị thử nhìn lại trong một ngày từ sáng tới chiều cái trạng thái tâm chúng ta nó nghĩ tới một chuyện là nhiều hay là nó ở cái trạng thái không phải một là nhiều. Muốn mà đưa tới chỗ một thì phải học tập rèn luyện chứ không phải tự nhiên có.
Thứ hai bản chất của định là gì? Là một trạng thái tâm thôi. Trạng thái này là trạng thái đặc biệt, trong cái trạng thái đó tâm chỉ nghĩ một chuyện. Trạng thái mà nó chỉ nghĩ một chuyện thôi là định. Hồi xưa đến giờ trước khi có Phật giáo thì các Bà-la-môn giáo và Yoga người ta đã có định rồi. Đức Phật có cho thí dụ về định ví như cái ngôi nhà có nóc nhọn thì tất cả các cây gỗ, cây kèo nó đều quy về một mối. Như vậy thì cái đó là cái hình ảnh cho thấy cái tâm đang nhiều chuyện nó gom hết lại để chỉ nghĩ có một chuyện giống như nó dồn về cái nóc nhọn ở trên đỉnh của mái nhà. Tóm lại, định nghĩa của định là khi tâm đi tới chỗ chỉ còn có một chủ đề hay một đối tượng. Chúng ta phải ghi nhớ cái nghĩa đen của định nghĩa đó như vậy.
Bây giờ chúng ta cho ví dụ về cái chủ đề một có thể là bất cứ thứ gì thì nó vẫn là định nhưng mà chưa phải là chánh định. Thí dụ trường hợp của ông Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan xọt. Lúc đó có phải tâm ông đang đi tới chỗ một chuyện. Đó là sự ưu tư về chuyện nước. Bọn giặc đang ngênh ngang ngoài đường, nó bức hại dân lành khiến ổng rất tức giận, lúc đó cái đối tượng một đó đối với ông rất là quan trọng. Cái tâm đi tới chỗ một như trên đó là cái chuyện rất là quan trọng đối với ông thôi và Phạm Ngũ Lão ngồi như vậy không có khó khăn mệt nhọc gì. Ông định sâu tới nỗi mà lính -theo truyền thuyết kể- đâm cái mũi giáo vào đùi ông mà ông không hề hay biết. Tức là cái cái sự gom về một đó rất là mạnh.
Thứ nhất là đối với người mà ý thức được cái tầm quan trọng của cái một đó thì họ đi tới cái chỗ một đó một cách không có khó khăn không có mệt nhọc. Còn nếu như chúng ta mà ngồi quán niệm hơi thở và quý vị không thấy cái hơi thở mình là quan trọng thì chuyện mà bắt tâm nó ngồi nó dính vô cái một của hơi thở đó sẽ rất là khó khăn mệt nhọc vì nó sẽ phóng đi. Quý vị có thể kiếm nhiều ví dụ cho mình nữa nhưng ở đây điều quan trọng là theo định nghĩa này tâm đi tới chỗ còn có một chủ đề là một cái trạng thái tâm đặc biệt.
Cho thêm dăm ba ví dụ đời thường nữa, cái này chưa có nói tới đạo. Thí dụ một tay ăn trộm ngồi để tâm đi tới một chỗ là canh ông chủ nhà, đợi ông ngủ để mà vô ăn trộm, cái trạng thái tâm dồn về một đó của anh ăn trộm đó vẫn là định vẫn là trạng thái citta ekkagatta. Mặc dầu cái một của anh là cái một tầm bậy, cái một đó là để ăn trộm. Thí dụ một người đang yêu thì tâm có đi tới chỗ một không? Cũng có luôn! Người đang hận ai thấu xương cũng có tâm đi tới chỗ một.
Do đó cái yếu tố một của citta ekkagatta này chỉ là yếu tố cần thôi chứ chưa có phải đủ của định trong Phật giáo. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta có những trường hợp như Phạm Ngũ Lão, như đang yêu, đang hận chúng ta đều có cái tâm về một. Cái đặc điểm mà chúng ta phải ghi nhớ là trong tất cả những cái một đó; người mà đi tới chỗ một đó không có khó khăn, không có mệt nhọc bởi vì bản chất của cái chủ đề một đó đối với họ rất là quan trọng và chúng ta đã thông hiểu điều đó.
Như vậy khi mà tâm nó đi tới chỗ một thì toàn tâm, toàn lực đều hướng tới cái một đó. Cái một đó chính là cái chủ đề hay đối tượng. Chủ đề này phải có tính quan trọng đối với cá thể đó thì cái sự toàn tâm, toàn lực hướng tới đó không hề khó khăn, không hề mệt nhọc. Khi mà chúng ta làm gì đó mà thấy khó khăn, mệt nhọc thì quý vị phải quay lại đặt câu hỏi là ta chưa có đánh giá cao cái vai trò quan trọng của chủ đề này. Lúc đó phải lùi lại dùng Văn Tuệ và Tư Tuệ để nâng tầm quan trọng của đối tượng đó lên. Bởi vì tâm không thể an trú trong cái gì mà nó cho là không là quan trọng. Nếu mình bắt nó làm cái chuyện không đáng thì nó sẽ không chịu làm. Đó là cái nguyên lý của tâm. Do đó khi chúng ta thực hành thiền định mà không kết quả thì phải xem lại cái chủ đề qua Văn tuệ và Tư tuệ để bởi vì bản chất của thiền định Phật giáo nếu mà đi đúng phương pháp Văn Tư Tu ta sẽ chứng đắc không khó khăn, không mệt nhọc cũng giống như trường hợp Phạm Ngũ Lão hay người đang yêu. Nó tự nhiên vậy thôi.
Nên nhớ chữ định này đã có trước Phật giáo rất là lâu xa; những tông phái Bà-la-môn họ có thể hướng tâm đến chủ đề hư không là vô biên thì họ chứng Không vô biên xứ. Nếu như họ cho rằng cái biết là vô biên thì họ chứng Thức vô biên xứ và cái chủ đề mà họ hướng tới đó nó không có liên hệ tới Phật giáo.
Các loại thiền trên tuy có định nhưng chưa phải là Chánh Định.
Theo Phật giáo Nguyên Thủy thì phải thêm một điều kiện nữa thì sự nhất tâm này mới trở thành Chánh Định. Định nghĩa là này là định nghĩa cô động trong Kinh Đại Kinh 40 là nói về Đạo đế. Thuật ngữ Samādhi bản chất của nó là nhất tâm thôi. Chúng ta bỏ thêm chữ Samma đằng trước thành samma samādhi tức là Chánh Định. Chánh định chỉ có mặt trong Phật giáo và Chánh Định trong Phật giáo chỉ có ở trong Đạo đế tức là trong Bát chánh đạo. Trong Bát chánh đạo thì Chánh Định là chi nằm ở ở cuối cùng của Bát Chánh Đạo. Nằm ở cuối cùng cho nên là bảy chi phần kia phải có mặt trước Chánh định.
Định nghĩa của Chánh định là như thế này: Này các Tỷ kheo, phàm có nhất tâm nào nếu như nhất tâm đó được tương trợ bởi 7 chi phần khác bao gồm Chánh kiến, Chánh Tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm thì đó là Chánh thánh định. Định nghĩa về Chánh Định được lặp lại là phàm có nhất tâm nào - chữ Nhất Tâm hiểu là cái gì là tâm đi tới cái một - và cái nhất tâm đó nếu như nó được hỗ trợ, được phù trợ và được phối hợp bởi Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm thì cái sự nhất tâm đó là Chánh thánh định và nó chỉ có mặt trong Bát chánh đạo trong đạo Phật đặc biệt vậy thôi.
Còn những tông phái khác vì không có Chánh kiến cho nên sự nhất tâm này không có Chánh kiến đi đầu để dẫn tới sự buông bỏ. Chánh kiến là sự phân biệt được 4 phạm trù căn bản của cái gì là Thiện cái gì là Ác; cái gì là căn bản Thiện, cái gì là căn bản Ác. Đó là sự đòi hỏi tối thiểu của Chánh kiến; như vậy một người có Chánh kiến thì sẽ thấy rõ việc cần làm là phải chế ngự tham ưu ở đời và Chánh kiến đó nó phải đi đầu.
Trong khi Chánh niệm có mặt để nhắc nhở tâm về cái chuyện cần làm. Nếu như không có Chánh niệm tức là tâm không có ngưới phụ tá đứng kế bên để nhắc chuyện cần làm thì nó sẽ lại đi hoang nữa. Tuy nhiên vị phụ tá đóng vai trò Chánh niệm này cũng đâu biết chuyện gì cần làm mà phải nhờ Chánh kiến cho biết. Chuyện cần làm là phải nhìn chăm bẵm vô Thân Thọ Tâm Pháp để chế ngự tham ưu ở đời.
Thành ra Chánh kiến nó đi đầu, rồi Chánh niệm xuất hiện như là người phụ tá nhắc nhở tâm về chuyện cần làm; rồi Chánh tinh tấn sẽ làm cái chuyện cần làm thì lúc đó sự nhất tâm này có Chánh kiến đi đầu, có Chánh niệm nhắc nhở và có Chánh tinh tấn thực thi thì sự nhất tâm đó trở thành Chánh Định trong Phật giáo.
Bây giờ thử quay lại trường hợp của Phạm Ngũ Lão có Chánh kiến đi đầu không? Không có! Tại vì ổng đang nghĩ tới chuyện giết giặc để mà cứu nước là cái tội sát làm sao có Chánh kiến đi đầu được; rồi đang yêu, đang hận cũng không có Chánh kiến đi đầu. Tất cả đều không phải là Chánh Định lý do là nó không có 7 cái trợ duyên đi chung quanh nó cho nên không phải là Chánh Định. Chúng ta đều biết rõ sự Nhất Tâm là tâm đi tới chỗ một. Điều gì mà nó trở nên quan trọng với mình, ví dụ như bà mẹ chỉ có một đứa con độc nhất thì đứa con đó là chủ đề định của bà mẹ. Đứa con có thể ho và bà biết là nó ho thì bà tới chăm sóc cho nó, bà lo lắng cho nó tức là bà mẹ đó đang định trên cái chủ đề là đứa con duy nhất của mình. Đó cũng là sự nhất tâm nhưng mà cái sự nhất tâm đó không có Chánh kiến. Tuy có niệm nhắc nhở chuyện cần làm nhưng mà nó không phải Chánh, mặc dù nó nhắc nhở bà là phải chăm sóc đứa bé nhưng mà không có Chánh tại vì Chánh niệm là phải có cái mục đích là chế ngự tham ưu ở đời nó mới trở thành Chánh.
Thành ra để mà lọt vô Bát Chánh Đạo nó khó lắm. Cái khó nhất để mà lọt vô Bát chánh đạo để cho Định trở thành Chánh Định là phải có cái Chánh kiến. Câu hỏi kế tiếp là làm thế nào để có Chánh kiến thì có hai nguyên nhân để cho Chánh kiến sinh khởi.
Thứ nhất là tự mình tư duy, tự mình nhìn các pháp để có được trí tuệ. Thứ hai là nhờ lời nói của một thiện tri thức; thí dụ như mình nghe một người nói một lời nào đó và mình tư duy rồi thấy ông này nói hợp lý và sự thật là như vậy thì Chánh kiến được khởi lên.
Tóm lại, định chỉ là nhất tâm thôi và chủ đề có thể là bất cứ thứ gì có thể là ăn trộm có thể bà mẹ định trên chủ đề đứa con. Khi cái cái sự nhất tâm này nó được phù trợ bởi 7 chi phần mà trong đó cái khó lọt vô nhất là Chánh kiến. Khi có Chánh kiến, có Chánh niệm giúp đỡ thì mới là Chánh định của Phật giáo và Chánh định này mới đưa tới Chánh Trí.
Nhớ có Chánh Trí mới đưa tới Chánh giải thoát và cái con đường Chánh này chỉ có trong đạo Phật mà thôi còn những đạo Bà-la-môn hay các tông phái khác do vì chủ đề và mục tiêu hướng tới của họ không có lấy chuyện chế ngự tham ưu ở đời làm chuẩn mà chỉ nhằm đạt tới Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ. Họ chỉ muốn cảm nhận được cái thức là cái không có ngần mé, mà cái thức đó không có đưa tới bớt tham sân si. Nếu chỉ có nhận thức rất rõ về cái thức của tôi vô biên nhưng mà tham sân si tôi vẫn đầy đủ thì không thể giải thoát khỏi Samsara được. Cho nên đó là định nhưng mà không phải là Chánh Định chỉ có Chánh Định mới đưa tới Chánh giải thoát còn những cái món kia chỉ là định thôi. Nó đưa tới tri kiến về thế giới, nó đưa tới kiến chứ không đưa tới giải thoát tri kiến.
Như vậy định nghĩa gồm hai yếu tố: thứ nhất là mình phải xem lại cái tâm đi tới một là có hay không? Bây giờ thử hỏi câu này để tư duy. Nếu như tâm nó đi tới một; đó là một trạng thái tâm đặc biệt thì có trường hợp nào có người định suốt 24 tiếng không? Trạng thái tâm đặc biệt nơi đó tâm chỉ vô một chỗ cho nên không có trường hợp có định 24/24. Trong kinh văn có ghi là: nếu mà người nào nói Thế tôn luôn thường trực ở trong định là phỉ báng Thế tôn. Khi nào muốn, thì ta hướng tâm tới. Như vậy bản chất của định là một Pháp hữu vi do sự hướng tâm tới mà thành hay do sự tác ý mà thành. Đây là một điều ghi nhận rất là quan trọng và trong Kinh của Ngài Xá Lợi Phất cũng nói như trên tức là Ngài nói định này là một Pháp hữu vi do tác ý mà thành. Nếu tác ý đúng thì sẽ lọt vô bát thiền. Đó là một Pháp hữu vi, nó có sanh và có diệt, có xuất, có nhập chớ không thể nói là tôi định 24/ 24 đi đứng nằm ngồi đều định là không có chuyện đó xảy ra vì đó là Pháp hữu vi và là một trạng thái tâm đặc biệt thôi.
Khi nào tâm muốn nghỉ ngơi thì nó tác ý “Không” nó liền an trú trong “Không”. Nó “không tác ý tất cả tướng” sẽ chứng “vô tướng tâm định”, khi nào tâm hướng về tiền kiếp sẽ chứng Lậu Tận Minh. Tức là trong trường hợp tâm định tĩnh rồi thì nó giống như là vàng ròng, nhuần nhuyễn, dễ sai khiến và có thể làm được nhiều chuyện. Tuy nhiên nếu nói tâm lúc nào cũng có định thì không thể xảy ra. Chúng ta phải ghi nhận điều đó.
Khi nói về định như vậy thì ở trong cái trạng thái Nhất Tâm này có các chi phần hỗ trợ. Có 5 yếu tố mà thuật ngữ gọi là Thiền chi; giống như thân chúng ta có tứ chi. Chi là phần hay những bộ phận riêng biệt nhỏ; năm Thiền chi có nghĩa là trong cái trạng thái nhất tâm đó có nhiều mức độ khác nhau và người ta phân loại có 5 thành trợ duyên bên trong cái trạng thái nhất tâm đó. Chúng ta cần phải nhận diện rõ các 5 thành phần đó.
Thuật ngữ thiền chi là những thành phần của một tổng thể là trạng thái citta ekkagatta nhưng mà các thành phần của nó là gì?
Thành phần thứ nhất là Tầm. Tầm được định nghĩa là sự hướng tâm tới đối tượng bây giờ muốn cảm nhận nó bây giờ quý vị hãy thử hướng tâm đến đỉnh đầu rồi quý vị hướng tâm đến ngón chân cái bên phải. Quý vị có cảm nhận được cái sự di chuyển đó không? Khi mà cảm nhận được sự di chuyển đó chính là Tầm của mình. Thí dụ, bây giờ chúng ta hãy hướng tâm tới để gợi lên một hình ảnh trong ký ức của quý vị về chợ Bến Thành ở Sài gòn. Hình ảnh được gợi lên và sự hướng tâm đó là Tầm. Trong trạng thái nhiếp tâm đó có nhiều mức độ từ thấp đến cao tức là 4 tầng thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Tức là trạng thái nhiếp tâm hay đi về một. Đó là một tiến trình đi cho nên nó có nhiều mức độ đi từ Sơ thiền.
Mỗi mức độ có những thành phần xuất hiện và vắng mặt thì thành phần xuất hiện trên bước đường đi đầu tiên là Tầm tức là sự hướng tâm tới đối tượng mà mình cảm nhận được nó là cái gì? Thí dụ như mình hướng tâm tới cái đầu thì mình cảm nhận được đó là cái mà mình có thể điều khiển được. Đúng không? Mình sử dụng ý chí của mình để điều khiển được Tầm.
Kế đến là Tứ. Khi có Tầm đến đối tượng rồi nhưng nếu như cái Tầm này nó lại xẹt đi là nó không có Tứ. Tứ là mình phải hướng tới đó rồi mình phải duy trì cái sự hướng tâm mình tới đó một thời lượng đủ dài để cho cái độ thẩm sát nó sâu lên. Ví dụ như bây giờ quý vị vừa nghĩ tới chợ Bến Thành xong thì lại nghĩ chuyện khác liền như vậy là chỉ có Tầm mà không có Tứ. Nếu như quý vị tiếp tục giữ cái hình ảnh chợ Bến Thành đó và nhìn rõ được những cái chi tiết đi theo sau để mà thêm vô cho bức tranh đó được hoàn hảo hơn trong đầu mình thì lúc đó là có Tứ.
Như vậy ở trong thiền sẽ có Tầm có Tứ. Bây giờ quay trở lại trường hợp ông Phạm Ngũ Lão lúc ông ngồi như vậy thì ông có hướng tâm tới việc nước không? Ông có duy trì sự hướng tâm và chỉ nghĩ tới chuyện nước chứ không xẹt nghĩ chuyện khác. Như vậy là trong cái trạng thái định của ông là vừa có Tầm vừa có Tứ. Có Tầm mà không có Tứ là không làm được chuyện gì hết, nó vô ích. Để hiểu sâu một vấn đề mà quý vị vừa nghĩ tới vấn đề đó rồi lại xẹt nghĩ vấn đề khác thì đâu có hiểu sâu được. Cho nên muốn hiểu sâu một vấn đề nào đó là phải có Tầm có Tứ, thành ra Tầm và Tứ là hai cánh tay mặt, cánh tay trái để nắm bắt cái đối tượng. Chụp một cánh tay vào một đối tượng nó dễ vuột, dễ bay mất. Chụp một tay được không?
Bắt cá một tay không được thì hai tay bắt một cá đừng bắt cá hai tay. Hai tay bắt một cái mới chắc. Như vậy hai tay là của tâm chính là Tầm với Tứ. Tầm với Tứ nó dụ giống như là hai tay của người lực sĩ túm cổ người này và phải túm cho chặt không thôi là nó bỏ chạy, đối tượng sẽ vuột đi hay là cái tâm nó hay xẹt đi, nó sẽ quăng cái đối tượng này, nó chụp cái đối tượng khác.
Cho nên trong thiền thì Tầm Tứ cần phải mạnh và cần phải rèn luyện Tầm Tứ giống như cơ bắp vậy. Như đã nói cái ẩn dụ Tấm và Tứ là cánh tay thì có người cánh tay mạnh, có cánh tay yếu. Muốn tập cho cánh tay mạnh thì phải đi gym, phải tập thể dục thì cánh tay nó mới mạnh nghĩa là quý vị phải ngồi thiền hàng ngày thì cái Tầm Tứ mới mạnh còn mới vô sơ cơ thì khó mà nắm chặt được đối tượng. Bây giờ ngồi nắm hơi thở, nắm được bao lâu? Nắm được 5-10 phút nó vọt mất tại vì cái tay nó yếu quá. Tầm Tứ yếu quá. Tầm Tứ có tí xíu là hơi thở vuột mất.
Khi Tầm Tứ nắm được rồi thì sẽ cảm được cái hỷ lạc, sẽ có niềm vui thích trong đó. Trong thiền định, trong trạng thái tâm có hỷ lạc sẽ có trạng thái xả. Xả đây không phải là lọc bỏ, xả bỏ, không có nghĩa là nắm cái này bỏ cái kia. Định nghĩa của xã là sự bình thản của tâm trước sự không thể duy trì của tất cả pháp hữu vi. Mình biết chắc cái này nó không thể duy trì được nên không có tiếc nuối và vẫn bình thản như vậy mới gọi là xả.
Như vậy cái định nghĩa xả này nó khác với cái hiểu biết thông thường. Trong trạng thái nhất tâm lúc này có mặt của Tầm, của Tứ và Xả. Đây là những thành phần tương tự như con người có tứ chi thì đây là những chi phần của cái trạng thái định trong đó mức độ định sâu nhất sẽ chỉ còn có xả và nhất tâm giống 2 cột trụ. Sơ thiền là có đầy đủ cả năm tức là level 1 sẽ có đầy đủ cả năm thiền chi. Nhị thiền sẽ vắng mặt Tầm và Tứ nên chỉ còn ba chi. Tam thiền là Hỷ vắng mặt rồi Tứ thiền chỉ còn có hai chi. Như vậy mức độ vắng mặt của các chi thiền này làm cho độ nhất tâm này được tăng lên, càng lúc nó càng cao lên thì đó là trạng thái thiền được mô tả như vậy.
Chúng ta muốn muốn tu thiền định phải rèn luyện hai anh này, cái anh này nó đặc biệt hễ mà làm đúng là nó có mặt thôi mà mình không có điều khiển cái này được; hể mà mình làm đúng thì nó sẽ ra, còn cái anh này cũng phải rèn luyện. Nếu hiểu đúng cái định nghĩa Văn Tư Tu hiểu nó là như thế này thì anh này phải có cái nội lực. Thành ra cuối cùng, ở người định cao họ chỉ có sự bình thản của tâm trước những sự thật và cái trạng thái này thôi.
Lúc đó hai cái này nó giữ cho cái Tâm ở một cái trạng thái gọi là nhu nhuyến thuần tịnh dễ sai khiến bởi vì với cái tâm mà nó đạt tới cái mức độ đó rồi thì biểu nó làm gì nó làm cái đó và trạng thái tâm đó là trạng thái tâm tam hành không động, trong đó 3 chi phần trước nó vắng mặt chỉ còn có hai chi phần cuối có mặt mà thôi.
Chúng ta đã hiểu được năm thiền chi có mặt trong trạng thái định rồi, bây giờ chúng ta phải hiểu thêm năm cái triền cái tức là năm thứ trở ngại làm ngăn cản chúng ta đạt được định. Nếu như trong lúc thiền định mà trong nội tâm lại có tham thì định rất khó. Cho nên nếu như trong lúc quý vị ngồi thiền mà mình đang giận ai đó thì cũng không vô định được. Đây là các ẩn dụ là những cái pháp làm trở ngại của Thiền định.
Nếu như trong nội tâm còn có triền cái thì việc ngồi thiền cũng vô ích thôi bởi vì tâm tham này sẽ làm cho cái nhìn giống như nước bị pha màu, tâm sân này giống như nước sôi cũng không nhìn thấy được, còn trạo cử này giống như là nước có sóng lăn tăn cũng không nhìn thấy và hôn trầm thì giống như nước có rêu, nhìn cũng không xuyên qua được. Nghi ví như nước đen ngòm không thấy đáy luôn. Đây là những thành phần có thể có mặt trong tâm và nếu như nó có mặt thì nó cản trở không cho tâm có được trạng thái nhất tâm và không cho tâm lọt vô trạng thái Chánh Định.
Như vậy chúng ta đã rõ ràng về phần bên trái bảng rất là quan trọng, nó nêu ra những điểm then chốt, nó cho chúng ta biết định là gì, chánh định là gì và những chi phần nào khi có định, những chi phần nào vắng mặt và những triền cái làm trở ngại khi thực hành thiền. Như vậy là chúng ta đã xong phần I gồm 3 điểm then chốt.
Bây giờ phần II là những ghi chú quan trọng về Thiền Định, nó là sự tổng hợp của nhiều bộ kinh.
Trước hết là câu số 1, câu này trong ngoặc kép chính nó là nguyên văn của một câu kinh.
Bài kinh này là bài kinh “Tất cả pháp lấy thế tôn làm căn bản” Tăng Chi Bộ Kinh AN:28,
trong đó tất cả pháp lấy định làm Thượng thủ và chúng ta ghi chú ở bên dưới Thượng thủ là một vị trí, một cấp bậc, một cái chức quan mà ông quan này là ông quan võ là vị thủ lĩnh tối cao trong quân đội khi ra trận.
Chúng ta đối chiếu định nghĩa này khi tâm đạt tới cái trạng thái nhất tâm thì nó trở thành một vị quan lãnh tụ tối cao trong quân đội, quý vị tưởng tượng như thế này, khi mà ra trận nếu như ông võ tướng ra lệnh mà đám lính dưới không chịu nghe thì trận đánh đó sẽ không thắng nổi. Cho nên khi có định thì tất cả những cái tâm lăng xăng tức là những anh lính phải nghe lời vị lãnh tụ tối cao thì mới được. Đúng không? Tất cả lính đó đều phải bỏ hết mọi chuyện gom về một mối cho nên tất cả pháp lấy trạng thái định này làm vị quan tối cao trong quân đội. Vị quan này cũng chỉ có một; đó là cái con số 1 này nè. Tương tự với ngôi nhà có nóc nhọn thì tất cả những cái kèo nó cũng dồn về một điểm đúng không? Đây là Thế tôn muốn nói về con số 1 đó.
Cho nên khi nói tất cả pháp đều phải lấy định làm thượng thủ nghĩa là khi mọi anh lính đều quy về một thì quân đội đó mới mạnh còn thí dụ như ra trận mà anh lính này làm chuyện này, anh lính kia làm chuyện kia giống như cái tâm của mình khi thì nghĩ chuyện này khi thì chuyện kia thì không có cách gì mà thắng nổi cái giặc phiền não hết vì giặc phiền não nó rất là mạnh.
Bây giờ quan Thượng thủ không có định tức là cái tâm nó không có Chánh kiến, cũng chả có Chánh niệm nhắc nhở và nó cũng chẳng có Chánh tinh tấn để thực thi cái kế hoạch gì cả. Nói ra thì không ai nghe, người làm chuyện này, người làm chuyện kia; với quân đội như vậy thì đánh thắng giặc phiền não không nổi. Cho nên tất cả pháp phải lấy định làm Thượng thủ là vậy; phải lấy định làm vị chỉ huy quân sự tối cao tức là tất cả những chuyện nghĩ lăng xăng của tâm phải bỏ hết. Tướng ra lệnh đó bỏ hết tất cả mọi chuyện để gom về một mối.
Muốn lính nghe hay không thì cần phải giáo dục chúng, phải dạy cho chúng hiểu, phải viết một bài Hịch tướng sĩ để cho quan quân hiểu rõ sự hiểm nguy của chuyện mà quan biểu lính không nghe, ra trận mà quan biểu lính không nghe thì quân ta sẽ đại bại và quân đội đại bại thì giặc nó sẽ tràn vô nhà. Không những tông miếu của chúng ta bị đào lên mà còn nhiều chuyện nguy hại khác. Đại khái giống như Hịch tướng sĩ phải là một bài viết làm phấn khởi tinh thần của lính để cho mọi người tuân thủ theo cái mệnh lệnh đó; cái tâm này sống một cuộc đời rất là hữu hạn chỉ có mấy trăm năm mà không lo làm việc thiện không lo tu mà cứ lo cờ bạc rồi mèo mở của bạn không làm mưu lược về binh rồi khi mà gặp thần chết nó ập tới đây thì không những là thiệt mình mà còn hại mọi người. Mình phải tự ngồi xuống mình nói cái bài Hịch tướng sĩ đó thì quân đội nó động lòng thì khi ra trận ông tướng ra lệnh định thì nó bỏ hết nó làm một chuyện đó cho mình.
Cái ẩn dụ về quân đội nói lên tất cả pháp lấy định làm Thượng thủ là Thế tôn sử dụng một ví dụ về quân đội. Mà quân đội thì nó phải chống giặc đúng không? Giặc là giặc phiền não, giặc tham sân si là giống như quân Mông cổ này nó rất mạnh và muốn cho quân đội mạnh hơn thì phải nâng cao tinh thần binh sĩ bằng cách là giảng cho nó nghe và nói cho nó những cái nguy hại khi mà giặc vô thì nó sẽ ra sao cho nó hiểu thì lúc đó cái định đó trở nên dễ dàng; ra lệnh một tiếng nó tuân thủ liền. Đó là bài kinh số 1 là ghi chú quan trọng số 1.
Ghi chú quan trọng số 2 về định nằm trong kinh Tiểu Phương Quảng thuộc Trung bộ kinh. Trong kinh có một người hỏi Ni sư 4 câu hỏi quan trọng về định. Thưa Ni sư, thế nào là định, thế nào là định tướng, thế nào là định tư cụ, thế nào là định tu tập? Ni sư đã trả lời 4 câu hỏi đó. Ở đây chúng ta chỉ ghi tóm tắt ý của bài kinh thôi.
Thứ nhất thế nào là định thì chúng ta hiểu rồi. Chỉ đem định nghĩa này vô đúng không? Nhất tâm là định nhưng mà mình không có đọc đối chiếu với cái bài kinh đại kinh 40 này thì chúng ta nghĩ nhất tâm là định là cái định này thôi chứ chưa phải Chánh Định đâu. Khi mà nói nhất tâm là định là phải hiểu là nó phải phối hợp với 7 chi phần nữa để nó trở thành Chánh Định mới được thì cái đó lại gọi là định. Cái câu hỏi thứ nhất của bốn câu hỏi thế nào là định trả lời là một cái sự nhất tâm có sự phối hợp với 7 chi phần Bát thánh đạo.
Thế nào là định tướng? Định tướng là cái chủ đề tức là cái một là gì? Cái một đó chính là các chủ đề Thân Thọ Tâm Pháp của chính chúng ta tức là khi mà anh ngồi như vậy thì khác với trường hợp cái chủ đề 1 của ông Phạm Ngũ lão, ông bức xúc chuyện nước nên chủ đề một là chuyện nước, nhưng với người tu sĩ thì cái chủ đề chính là thân thọ tâm pháp bởi vì đây là cái bãi chiến trường, đây là nơi tất cả các thứ đang diễn ra. Đó là định tướng là Thân Thọ Tâm Pháp của ông.
Thế nào là định tư cụ. Tư là riêng tư, cụ là những dụng cụ; dụng cụ riêng tư giống như là túi đồ nghề của thợ mộc, thợ hồ. Đây là điều cần phải làm. Cho nên việc cần làm của định là gì? Định tư cụ chính là tứ Chánh cần tức là những cái tham nào mà nó chưa sanh khởi thì đừng cho sanh khởi những cái tham nào sanh khởi rồi phải đoạn diệt nó xuống đó là Tứ Chánh cần và nó liên hệ tới câu Chánh niệm liền. Tứ chánh cần rất là cần thiết nó có cùng một ý nghĩa với định nghĩa của Chánh niệm bởi vì Chánh niệm là để chế ngự tham ưu ở đời thì Tứ Chánh cần cũng nhắm tới cái mục tiêu đó. Như vậy định tư cụ là việc cần làm của Định chính là bốn cái Chánh cần hay là sự chế ngự tham ưu ở đời là cái việc cần làm của định gọi là định tư cụ.
Định tu tập là sự rèn luyện làm đi, làm lại nhiều lần pháp đó theo ý nghĩa rèn luyện. Rèn luyện cái gì? Đầu tiên chúng ta có thể thấy rèn luyện Tầm Tứ cho cơ bắp này nắm những cái chủ đề cho chắc; rèn luyện để cho cái tâm mình đi tới chỗ này một cách dễ dàng; rèn luyện để thấy được cái tầm quan trọng của chuyện nhìn thẳng vô Thân Thọ Tâm Pháp để chế ngự tham ưu ở đời và cái chuyện này là chuyện rất là quan trọng bởi vì nếu không làm chuyện đó thì giặc phiền não nó xâm lăng liền đúng không?
Định tu tập làm đi làm lại nhiều lần để cho cái trạng thái có Tầm có Tứ này nó có thể biến thành không Tầm không Tứ. Có một cái bài riêng về điều này và đây là cái chủ đề rất là quan trọng. Đây là cái cần rèn luyện. Rèn luyện làm thế nào để mà đi từ cái chỗ có duy trì cái chủ đề, có sự hướng tâm tới chủ đề tới một chập nữa cái chủ đề nó trở nên nội tại luôn mà mình không hướng tâm tới không duy trì nó vẫn nằm yên đó; cái đó có phải cần qua rèn luyện và rèn luyện rất là khó.
Chuyện cần phải rèn luyện, làm đi, làm lại nhiều lần thì cái sự chuyển tiếp này nó mới xảy ra. Đây là cái điểm rất là khó. Nếu nói có định sâu thì không mấy người làm được. Tuy nhiên, muốn không Tầm không Tứ thì trước tiên phải thiện xảo Tầm Tứ trước, tức là phải hiểu rõ Tầm Tứ là gì mới được. Cái nguyên lý vẫn là phải biết nắm thì mới biết buông. Tầm Tứ là nắm bắt đối tượng. Bây giờ trong tay mình không có nắm được cái gì hết thì buông cái gì. Cái nguyên lý này rất là căn bản, rất là dễ hiểu nhưng mà nó rất là thâm sâu. Biết nắm mới biết buông ví dụ vô tu mà mới sơ cơ nghe thấy khoái buông lắm. Buông, buông mà có nắm được cái gì đâu mà buông vì trong tay không có gì hết. Đó là cái nguyên lý. Thành ra phải nắm được cái chủ đề cho chắc là bước 1 rồi sau đó mới mới nói tới chuyện buông thì mới được. Đó là cái ghi chú quan trọng thứ hai về định nằm trong kinh Tiểu phương quảng.
Ghi chú thứ 3 quan trọng về định nằm trong bài kinh “Kẻ lọc vàng”. Trong bài kinh này, tiến trình tu định được ví như là tiến trình thanh lọc vàng. Đây là một sự so sánh để chúng ta thấy rằng tu định cũng giống như là đi đãi cát lấy vàng. Nguyên lý trong bài kinh này là sự so sánh của 2 tiến trình. Trước nhất là phải nghiên cứu coi cái tiến trình lọc vàng nó như thế nào?
Muốn lọc vàng việc đầu tiên phải đào cái quặng vàng lên, nó dính những cái chất thô giống như là xình đất thì đem xuống suối bỏ vô cái rổ để rửa; ban đầu là những cái thô ác hành, những lời nói thô ác, việc làm thô ác được tẩy đi nghĩa là các lời nói, thân khẩu ý thô được tẩy rửa cho sạch, xong còn lại mấy cục này vẫn còn dính bụi thì đem lên phơi cho hết bụi, sau đó phải đem quạt để cho nó bay bụi ra. Lúc đó nó sạch bùn, nó sạch bụi ví như những dục tầm, sanh tầm, hại tầm. Tầm là những cái mình hướng tâm tới thôi. Hồi nãy là những lời nói thô ác, cữ chỉ thô ác thì nó thô giống như bùn đúng không? Còn những cái dục tầm, sanh tầm hại tầm dụ như những hạt bụi.
Sau khi làm hai chuyện đó rồi thì vẫn còn những chất hợp kim lẫn trong vàng. Bây giờ là một khối vàng và hợp kim, quạt cũng không được, rửa cũng không được bởi vì nó lẫn trong cái khối đó. Bước kế tiếp phải ngồi xuống định, định dụ giống như cái lò lửa. Khối hợp kim này đã rửa sạch rồi, đã quạt sạch bụi rồi. Bây giờ anh phải bỏ khối này vô lửa và nung lên. Khi ngồi thiền 45 phút cũng tương tự như đem cái tâm của mình nó dính những cái cấu bẩn ngủ ngầm ở trong tâm có Tham Sân Si đầy dẫy trong đó thả vô cái lò lửa định. Bởi vì bây giờ muốn tách vàng ra khỏi hợp kim thì dùng cái phương pháp gì nếu không dùng lửa?
Cho nên trạng thái định này trong bài kinh “kẻ lọc vàng” ví như cái lò lửa. Chỉ có định mới đào thải những lậu hoặc mà nó tiềm tàng ở trong tâm. Khi nung lửa, đức Phật dạy có ba trường hợp xảy ra.
Thứ nhất khi đun như vậy mà bỏ lửa nhiều quá thì cái nồi nó sôi sùng sục thì nó trào ra ngoài, vàng với hợp kim nó vẫn không thể tách ra được. Cái nguyên lý để tách vàng là phải nung nó tới một nhiệt độ vừa đủ thôi, giữ nhiệt độ tức là đun liu riu rồi chờ vàng nó nặng sẽ chìm xuống, mấy cái thứ kia nó nhẹ sẽ nổi lên. Nhưng nếu đun lửa mạnh quá thì nó sôi sùng sục lên thì nó lại trộn 2 cái đó lại và anh không thể tách vàng ra được bởi vì nguyên lý muốn tách cái hợp kim nhẹ ra khỏi vàng nặng thời phải có một độ nóng nhất định thôi.
Nếu mà nóng quá thì nó sôi nó không tách ra được mà nếu nguội quá thì nó không có trở thành chất lỏng thì cũng không thể rót ra được. Như vậy, có ba chuyện hay ba cái vấn đề là. Một nếu nó nguội quá thì không tách ra được. Hai nếu mà nóng quá thì nó sôi sùng sục nó lẫn với nhau. Ba nếu anh nấu lên xong để đó mà anh không chịu rót ra tức là nó chảy đúng độ rồi anh phải nhìn hai chuyện đó không có bỏ lửa mạnh mà phải rót ra để cho cái cái phần nhẹ trên mặt nó đi ra ngoài và cái phần nặng vẫn còn lại ở trong.
Cho nên trong lúc ngồi thiền cũng tương tự như vậy. Có ba chuyện tức là không thể nóng quá không thể nguội quá mà khi đúng nhiệt độ rồi anh phải rót ra. Trong lúc ngồi thiền, khi tâm nó xao lãng quá thì anh phải tác ý tướng tịnh giống như là tác ý “không tác ý tất cả tướng” chứng vô tướng tâm định hay là tác ý “trạng thái không nói” cho tâm nó rơi vô cái tướng tịnh dụ như lúc nó nóng quá làm cho nó nguội lại. Tinh cần dụ như rót ra, tinh cần là lấy cái bất tịnh ra thành ra khi mà đúng nhiệt độ rồi anh phải tinh cần anh lấy cái hợp kim ra. Khi mà thấy tâm đang trạo cử, kiến giải lung tung thì phải trả về xả để cho nó bình thản trở lại.
Thế tôn dùng bài kinh Kẻ lọc vàng này để nói lên các giai đoạn từ lúc phải gạt bỏ bùn đất rồi tới giai đoạn 2 phải quạt bụi ra, giai đoạn 3 là đun nó lên. Đun lên lại có ba chuyện. Trong lúc tác ý phải biết khi nào làm cho tâm tịnh lại. Nếu như tâm nghiêng qua trạo cử thì tác ý “trạng thái không nói” hay tác ý “không tác ý tất cả tướng” để đạt vô tướng tâm định để làm cho tâm nguội lại chút xíu. Nếu mà tâm nguội quá thì phải bỏ nhiệt tâm tinh cần vô, phải tác ý liên tục để cho tâm nóng lên trở lại. Nếu tâm nóng vừa đủ và ở trạng thái xả rồi phải nhận diện ra những cái vi tế là tách các chất tham để lấy nó ra. Như vậy về lâu dài thì cái nồi đó chỉ còn vàng ròng. Vàng ròng được mô tả là tâm trở nên nhu nhuyến thuần tịnh dễ sai khiến giống như vàng nguyên chất rồi thì có thể làm được đủ thứ loại nữ trang, dát mỏng hay đủ thứ hết. Đó là nội dung của bài kinh Kẻ lọc vàng là ghi chú quan trọng số 3.
Ghi chú quan trọng số 4 là hai chủ đề. Bây giờ mới nói cái đi tới một, cái chỗ nào là đi tới một để thấy cái gì? Đây là hai chủ đề rốt ráo trong Phật giáo Nguyên thủy thôi trong khi Phật giáo Phát triễn sẽ gồm ba chủ đề là Không, Vô nguyện và Vô tướng. Phật giáo Nguyên thủy lấy Tứ Thánh Đế làm chuẩn như trong bài kinh Dấu chân voi. Cho nên chủ đề của định là nội dung của 4 Thánh Đế. Ngưởi thực hành thiền định phải lấy đây là Khổ để họ tác ý vô, đây là khổ của cái trạng thái này đây, rồi sau đó đây là khổ tập tức là tham ái cần phải từ bỏ và họ tác ý trên chủ đề đó. Đối với người tu theo Phật giáo Nguyên thủy và Pháp môn Tứ niệm xứ chỉ có hai pháp trước mặt họ: một là Pháp đó là hữu vi hay là vô vi. Đối với pháp hữu vi thì đây là khổ, đây là khổ tập. Đối với pháp vô vi thì đây là tịch tịnh đây là thù thắng. Nó là cái mô tả cần phải học thuộc lòng về cái trạng thái Diệt. Tức là cái mô tả về Pháp Vô Vi. Nguyên văn của câu này là đây là tịch tịnh đây là thù thắng tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sinh y, ái biệt ly, tham đoạn diệt, Niết Bàn. Khép lại thì nguyên cái đoạn đó là cái sự mô tả về cái Pháp Vô Vi trước mặt dùng cái cấu trúc của Tứ Thánh Đế là cái chủ đề “đây là” về cái Pháp khi mà sử dụng cấu trúc “đây là” là đang sử dụng an trú chánh niệm trước mặt; tại vì nhìn thấy nó như là nó đang diễn ra.
Thật ra đối với Phật giáo Nguyên thủy thì hai cái chủ đề: chủ đề của Pháp hữu vi tức là nhìn ra Khổ đế và Tập đế và chủ đề của Pháp vô vi tức là nhìn ra Diệt đế. Trạng thái Diệt đế thực sự là một chủ đề thiền định mà nó hướng tới cái tiến trình sabba saṅkhāra samatho là sự tịnh chỉ tất cả hành là chỗ để cho Tâm nó hướng tới để mà tu tập.
Kết lại, bài này nó chỉ có 7 điểm như vậy thôi. Ba điểm bên trái trên bảng này quý vị nhìn lại là hai cái định nghĩa nói về định, chánh định, các thiền chi và các trở ngại. Bên phải trên bảng xem như là sự đúc kết của 4 bài kinh được nói trong lớp. Tuệ Huy xin dừng lại ở đây để quý vị đặt câu hỏi.
Sinh Hoạt Đạo Tràng Tánh Không Nam Cali
27 tháng 5 năm 2023
Tuệ Huy
https://youtu.be/O2d2u_wbMqE