NÓI CHUYỆN VỀ CÁI KHÔNG BIẾT
Do năm ngoái tôi có viết thử một bài Cái Không Biết, anh đã nhận xét là ý lạ, cũng hay, nên đã đăng lên Diễn đàn cùng nhau tu học.
Có anh bạn cùng tu thỉnh thoảng gặp nhau nói chuyện thiền. Chúng tôi thường thảo luận với nhau về Không nói, Không lời, và Không biết. Nay mượn ý trong lúc trao đổi qua lại mà viết lên bài này.
Trở về với cái Không Biết.
Hỏi: Thực hành làm sao ?
Ở trong Không biết, vô cùng là đây.
Phụ chú: xin thêm vào đây là sự đóng góp của một bạn đồng tu.
Anh đã cho thêm ý kiến về bài Cái Không biết, xin cùng chia sẻ với bạn đọc.
AC: Ý kiến rất độc đáo, thực tế, dễ làm!
Cũng giống như triết gia Socrates nói "tôi biết là tôi không biết" nên không có gì để cãi cọ hay khởi ý chống đối nữa và qua đó lại thâu nhận vô tư mọi việc như mới, cuối cùng là biết không lời, biết hết! Nhưng, theo tôi hiểu cái biết không lời là cái biết mà tâm không khởi (ác) ý, nếu có khởi thiện ý thì đâu có sao (coi còn khá hơn là không khởi). Vậy thì không phải thông qua cái KHÔNG BIẾT (đối tượng) mà là BIÊT CÓ GÌ XẢY RA trong tâm khi tiếp xúc với ngoại cảnh và nội cảnh. Nếu có gì bậy bạ thì phải dẹp dần dần cho đến khi KHÔNG còn gì lấn cấn, lầm bầm trong tâm, đây là chỗ an tĩnh, chỗ không lời. Nếu gặp lại đối tượng cũ thì làm sao mà "không biết" được (chỉ có giả bộ "không biết" thì được, nhưng trong tâm lại biết quá rồi).
Thí dụ lúc trước thấy việc làm, cử chỉ hay lời nói của đối tác là nổi giận, lên tiếng phản đối và quậy lung tung. Sau khi rút kinh nghiệm đau thương, nên tâm mới đổi ý, vẫn nổi giận, đáp trả nhưng không dám quậy nữa. Dần dần còn nổi giận trong lòng nhưng không dám nói năng chi nữa. Cuối cùng là tâm xả bỏ, biết không ăn thua gì ở đây nên chả thèm giận, cười khì, pha trà uống hoặc khoác áo đi dạo cho những đối tượng tự nhiên vốn không lời (cây cỏ, núi sông, cảnh vật, ...) lấp vào chỗ của tâm đang lăn tăn gợi sóng đó và đưa đến chỗ yên ổn.
Bạn có thí dụ nào cụ thể để người đọc dễ dàng lần được ý của bạn không?
HD: Ông bạn thân mến,
* Không biết có giống như Socrates nói "tôi biết là tôi không biết". Dịch ra tiếng Việt từ tiếng Hy lạp cổ, chưa kể thông qua La tinh hay Anh ngữ, cũng khó mà chuyển tải hết thâm ý của câu nói quá ngắn đó.
* ...theo tôi hiểu cái biết không lời là cái biết mà tâm không khởi (ác) ý...
Cái biết không lời là chỉ cái biết của tánh giác như mình đã học. Không khởi ý dù là thiện ý. không có lời dù chỉ là gọi đúng tên, không khởi phân biệt thiện ác, đúng sai.
* ...nếu có khởi thiện ý thì đâu có sao (coi còn khá hơn là không khởi)...
Mình học thiền ở đây chỉ chuyên chú không lời trong não, sự tĩnh lặng trong tâm. Dẫu có thiện ý thì vẫn còn ý phân biệt, ý thức và ý căn vẫn hoạt động, chưa ngừng. Như vậy ở đây, không có ý khởi lên dù là thiện tâm, hay làm lành lánh dữ.
* ...cho đến khi KHÔNG còn gì lấn cấn, lầm bầm trong tâm, đây là chỗ an tĩnh, chỗ không lời...
Đây chỉ mới dừng lầm bầm trong tâm, hay gọi là trạng thái chỉ trong quán chỉ định tuệ. Chưa phải chỗ không lời của định.
* ...không dám nói năng chi nữa. Cuối cùng là tâm xả bỏ, biết không ăn thua gì ở đây nên chả thèm giận, cười khì, pha trà uống...
E rằng tâm xả bỏ này là không thật xả bỏ, mà tránh né hay sợ rắc rối cũng nên. Sao không nhìn lại tâm mình lúc gặp chuyện nó phản ứng ra sao ? Không dám nói năng chi... phải chăng tâm sợ hãi vì nhớ lại trước kia, càng nói càng căng, đã xảy ra những điều trái ý, gây tổn thương hai bên. Vì không muốn lăp lại lỗi trước nên ta tránh né giao tiếp. Vì mong cầu một tương lai an ổn hơn nên tránh né thực tại mâu thuẫn, bất ổn, không giáp mặt với chính mình. Nếu can đảm giáp mặt thì mọi phản ứng trong tâm sẽ rõ ràng.
* ...khoác áo đi dạo cho những đối tượng tự nhiên vốn không lời (cây cỏ, núi sông, cảnh vật, ...) lấp vào chỗ của tâm đang lăn tăn gợi sóng đó và đưa đến chỗ yên ổn.
Giao tiếp với con người là bài học tốt nhất. Dùng cây cỏ, núi sông, cảnh vật... để lấp vào chỉ là tạm thời tránh né hiểm nguy, nổi trận lôi đình, đau thương chất ngất.
Giao tiếp vợ chồng là bài học siêu cấp, thật tâm nhìn lại để thấy sâu thẳm trong ta, hận yêu chồng chất. Nhận thức quan hệ vợ chồng là nhận thức ô nhiễm đáng để học mỗi ngày. Nhìn em là anh biết ngay, không kịp nghĩ suy thì mọi thứ cảm xúc đã có mặt rồi. Bao nhiêu dây mơ rễ má vây quanh mối quan hệ này, có thể thấy rõ cái ô nhiễm mà ta đã học trong bài Nhận Thức.
* Bạn có thí dụ nào cụ thể...
Ví dụ như tôi xuất gia (tôi sẽ rủ anh cùng đi), gặp các nữ thí chủ thì có thể xem như ai cũng như ai, tâm bình ý lặng. Nhưng nữ thí chủ đó là vợ tôi, thì thăm tôi... hay thăm chùa...thăm tôi... hay thăm chùa... ? Giả bộ như những nữ thí chủ khác hay sao? Chưa xuất gia cũng phải thành thật, huống chi xuất gia rồi, phải thành thật từ trong tâm ra tới ngoài cử chỉ hành động. Người học thiền không nên chơi trò giả bộ "không biết". Nỡ nào phớt lờ nhẫn tâm như vậy! Tội nghiệp lắm người ơi...
AC: Khoan đã, anh bạn à!
Bây giờ đến lúc phải hỏi kỹ cho anh bạn kể tiếp thí dụ số 2, chứ thí dụ "đi tu" nghe không ổn.
Chuyện cũ mà xem như mới, như tiếp xúc lần đầu, như không biết là làm sao đây, tôi không biết nên chọn lúc đầu hay lúc cuối của chuyện?
Thoáng qua tôi nghĩ "xem như lần đầu" mình phải "lánh mặt" nhờ tánh giác bình tâm nghe xem cho hết câu chuyện cái đã, mặc dầu mình biết nó xảy ra tuần tự như lập trình đã thuộc lòng. Nếu không có gì mới mà toàn là bản cũ soạn lại thì mình coi như không nghe, không thấy và "không biết" luôn cho khỏe, khỏi phải động não và đương nhiên không tốn một lời nào. Xếp câu chuyện vào tủ tâm thức ngay chỗ cũ cho đỡ tốn bộ nhớ. Ra ngoài trời hít vài cái dài hơn rồi đi pha trà uống và "biết" mình đang "không biết" gì cả, bình an vô sự.
Nói lý thuyết như vậy thôi chứ rất tiếc là tánh giác chỉ làm việc chớp nhoáng rồi để mặc cho mình cáng đáng việc ấy, thế là thua trận như thường lệ. Có phải vậy không? Anh bạn làm sao kể thêm đi chứ!
Tôi thấy làm như vậy chẳng khác nào tâm mình đang nổ lực đẩy lui những phản ứng tự khởi của tâm, cái biết của sự trải nghiệm mà nếu thuần thục thì cái biết đó đã không lời như gánh nước, bửa củi, nấu cơm, tụng kinh, ngồi thiền. Còn tấn tuồng cãi vã cũ mèm giữa vợ chồng không lẽ xem như mới. Ừ, nếu coi như mới coi chừng mình cũng xử sự bốp chát như lần đầu thì sao? Thôi, không dám xem như mới đâu, nguy hiểm quá!
Tóm lại, tôi không biết phải hiểu "không biết" như thế nào cho khỏi bị "xoắn não".
HD: Ông bạn thân mến,
Để trạng thái "không biết" được trình bày thì mình nói về "cùng đi tu" mà không phải vô chùa. Đồng hành thì đúng hơn, vì tôi không làm người chỉ đường, chỉ là rủ anh cùng đi, cùng nhau làm sáng tỏ con đường mà mình đang đi, cùng làm rõ chủ đề mà mình đang đề cập.
...Nói lý thuyết như vậy thôi chứ rất tiếc là tánh giác chỉ làm việc chớp nhoáng rồi để mặc cho mình cáng đáng việc ấy, thế là thua trận như thường lệ. Như anh nói là đúng cho tất cả mọi người.
Việc thực hành là thấy biết cái tánh giác chỉ làm việc chớp nhoáng này. Thực sự thấy biết nó chứ không phải lý thuyết nữa. Cái lóe sáng này là tự mình thấy nó lóe lên, thấy nhiều lần, nó chính là dựa vào nhận thức không lời để kéo dài trong thực hành. Thực hành là nhìn đâu cũng lóe, vì tánh giác lúc nào cũng hoạt động. Không thấy lóe là không thực hành, mặc dù lúc nào cũng có đó mà người thường thì không thấy biết. Vậy thì thực hành cho cái thấy biết đó lâu ngày thành nhận thức.
...không biết phải hiểu "không biết" như thế nào cho khỏi bị "xoắn não"...
Ha ha..."xoắn não" là đương nhiên vì nó không phải là thứ để hiểu. Như kẻ đi trước, người theo sau, không thể nào nắm bắt. Phải đồng hành mới được, thực hành ngay lúc mắt thấy tai nghe. Trạng thái "không biết" là trạng thái của tâm trống rỗng để đón nhận mọi thứ mà giác quan tiếp xúc. Trạng thái "không biết" thì không thể hiểu qua nghĩ suy, vì tác ý muốn biết nó thì sao gọi nó là "không biết"...
AC: Ja, anh bạn à!
Quả là như vậy. ĐẠO mà mình học cho đã, suy nghĩ cho nhiều, nói cho hay cuối cùng cũng dẹp qua một bên; lầm lì ĐI và sẽ thấy vào một ngày đẹp trời nào đó.
Thấy (tuệ tri) do tánh giác làm việc, không (cần) biết, không cần suy nghĩ chi cho mệt.
Mai mốt được tự do mình rủ nhau "đi tu" đó đây!
HD: Vậy thì hay quá, rõ rồi, mình cùng đi.
Nay mượn lời thô thiển để diễn bày,
Như dùng que củi khô để vẽ lại cánh rừng xanh.
Chỉ là chủ quan của góc nhìn cá nhân.
Xin một lần nữa, chia sẻ cùng bạn đồng hành.
Huệ Quang.
(có lẽ phải liên lạc thêm)
Bài cũ May 4, 2022:
https://www.tanhkhong.org/a3145/dd0372-hue-quang-cai-khong-biet
Cái Không Biết
Cái Không biết kéo dài cái biết không lời.
Nhìn mây trôi mà tôi không khởi biết mây trôi.
Mây vẫn trôi, tôi vẫn nhìn.
Nhìn mưa rơi, chỉ thấy mưa rơi.
Nghe tiếng mưa gõ trên mái hiên nhà.
Tiếng mưa nghe rõ.
Cái biết rồi, đó là mưa đang rơi, cái biết không lời chấm dứt .
Vâng, đó là tiếng mưa đang bày tỏ cùng ai.
Khi được xác nhận, ngữ ngôn trong đầu đã khởi.
Cái Không biết làm nên cái biết liên tục.
Vì không biết nên tiếp tục cái biết đi tới trước.
Đó là chỗ cho cái biết không lời hoạt động.
Như trời cao là chỗ cho mây không lời bay.
Tôi đã biết hay tôi biết rồi là chấm hết.
Mây thành mưa, đổ xuống thành tiếng nói trên mái hiên nhà.
Đó là sự lên tiếng xác nhận của ý thức, tôi biết rồi.
Tiến trình biết không lời dừng lại bởi thói quen của ý thức.
Cái lóe sáng của tánh giác khi giác quan làm mới đối tượng.
Không Biết là đặc tính của chân tâm linh hoạt.
Như mây trắng thong dong.
Biết rồi đồng nghĩa với ý căn đã hoạt động và ghi nhận.
Như mưa rơi xuống đất, đất ghi nhận !
Không biết hay biết Không là hai mặt của bàn tay tánh giác.
Vì mây chính là mưa.
Chỉ biết hay biết tự nhiên như mặt trời chân tâm luôn có đó.
Kết luận là kết thúc cái biết của tánh giác.
Biết rồi là mây đen che ánh sáng của mặt trời.
Diễn bày ra chỉ là ngôn ngữ cứng khô.
Huệ Quang