Ngày xưa khi còn đi học, tôi là người viết luận văn dở nhất lớp. Cho nên, khi nghe các anh chị trong đạo tràng Tánh Không Sacramento kêu gọi viết bài đăng báo tôi rất ái ngại, vì tôi biết, tôi có thể nói lên ý chính những gì mình cảm nhận được nhưng viết thành văn thì tôi không biết diễn đạt làm sao để người đọc hiểu được mình một cách dễ dàng.
Trước hết, nhân duyên đưa tôi đến với Đạo Phật là do tôi có dịp đọc một quyển sách Phật Pháp. Đó là quyển "Phật Pháp Tại Thế Gian" của Hoà Thượng Trúc Lâm. Quyển sách này tôi đã đọc hơn mười lần, đọc và nghiền ngẩm từng lời, từng ý… Qua những lời Pháp, tôi biết thế nào là tham, sân, si, biết làm sao để loại bỏ nó ra khỏi Tâm mình. Nói một cách khác, những lời Pháp trong sách là những bài dạy của Đức Phật Thích Ca đã giúp tôi cách tu tập để tự thay đổi chính mình. Tôi dần dần bớt nóng giận, thay đổi cách sống, cách ứng xử với người chung quanh, với người thân trong gia đình và với các bạn cùng sinh hoạt ở chỗ làm.
Hoà Thượng Trúc Lâm là vị thầy đã khai ngộ, đã vén bức màn “vô minh” cho tôi, để tôi có thể tiếp xúc với ánh sáng của Đạo Phật. Tuy vậy, cho đến bây giờ, tôi mới nhận ra những gì tôi biết vào thuở ấy chỉ là “một chút xíu”, quá ít ỏi … so với con đường Tâm linh Phật giáo. Con đường theo dấu chân Đức Phật để thoát khổ, giác ngộ và giải thoát là một con đường dài của trí tuệ sáng ngời trải dài trước mặt, mà mỗi người Phật tử chúng ta phải có quyết tâm, phải luôn luôn tinh tấn, thực hành đều đặn và miên mật mới có thể chuyển hoá cho bản thân mình.
Qua sự khuyến khích của chị Chúc Tú và chị Bảo, tôi đến với Đạo Tràng Tánh Không Sacramento để học lớp Thiền Căn Bản. Đây là lớp Thiền đầu tiên dành cho những người sơ cơ, có thể chưa biết gì hoặc chỉ mới biết qua một ít kiến thức về Phật giáo. Ngày đầu vào lớp tôi không biết Thiền là gì và thiền sinh sẽ làm gì hay được gì khi thực hành Thiền. Cũng vậy, khi nghe Ni sư giảng về thực hành Thiền liên quan đến Não bộ như thế nào, những thuật ngữ Thiền như vọng niệm, biết không lời, tầm và tứ … lời nói thầm … đều là những những từ ngữ mới mẻ đối với tôi. Thế nhưng, dần dần những lời giảng của Ni sư đã trở nên thú vị. Tôi đã hiểu ý nghĩa của “Tầm và Tứ”. Đó là lời nói thầm và những lời đối thoại thầm lặng trong Tâm. Thực hành Thiền là thực tập để bỏ thói quen cứ “suy nghĩ” càm ràm trong Tâm, có nghĩa là tập đi tập lại để Tâm được tĩnh lặng, trong ấy không còn lời nói thầm. Kỹ thuật “Không Nói” là một cách thực tập để cắt đứt “suy nghĩ”, tức “vọng niệm” mà thuật ngữ Phật giáo gọi là “Tầm và Tứ.” Đó là bước đầu của thực hành Thiền.
Khi hành Thiền, Tâm dừng vững chắc, người thực hành có thể cảm nhận được trạng thái Tâm yên lặng không có một vọng niệm nào của mình, đó là cái “Biết không lời”, tức là bước đầu vào Định. Định có nhiều mức.
Ngoài ra, khi Tâm hoàn toàn tĩnh lặng, người thực hành cũng có thể cảm nhận một vài phản ứng nhẹ trên thân. Có khi có vẻ như trên da mặt có đường rưng rức rất nhẹ như kiến bò, có khi trên đỉnh đầu có cảm giác xoay tròn nhè nhẹ … Rõ ràng nhất là nước bọt tiết ra. Sự kiện này gọi là “phản ứng sinh hoá học” trong thực hành Thiền. Khi Tâm tĩnh lặng, do tác động của giác quan qua tai, mắt hay da … tương ứng với nghe, thấy hay xúc chạm …, “hệ thần kinh đối giao cảm được tác động”, đầu giây thần kinh “đối giao cảm” kích thích tuyến nước bọt làm nước bọt tiết ra … Đó là một trong những dấu hiệu thực hành Thiền đúng. Sau mỗi thời Thiền, thực hành đúng kỹ thuật, người thực hành Thiền cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an lạc. Thực hành đều đặn, kết quả đúng sẽ đem lại thân tâm hài hoà. Từ thân tâm hài hoà, thiền sinh sẽ thay đổi dần nhận thức của mình. Thực hành thiền đều đặn và miên mật, theo thời gian, người thực hành sẽ chuyển hoá nhận thức. Người thực hành Thiền bắt đầu có “nhận thức tâm linh”, sẽ bớt dần tham sân si và từ lần sẽ phát triển tâm từ bi. Đó là dấu hiệu của thoát khổ, bước đầu tiên của con đường Tâm linh Phật giáo.
Qua các lớp học Thiền Tánh Không, thiền sinh được hướng dẫn thực hành một số kỹ thuật và chiêu thức để vào Định. “Thở” và “Không Nói” là hai chủ đề lớn. Các chiêu thức khác gồm: Không định danh đối tượng, Không dán nhãn, Nhìn lướt, Nhìn lưng chừng… Ở mức độ cao hơn thì có: Chú ý trống rỗng, Như thật …
Chủ đề tâm đắc nhất của tôi là "Không dán nhãn đối tượng." Tôi lấy đó làm kim chỉ nam để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Ồ, sao mà hay quá!!! Cái gì hay? Chủ đề “Không dán nhãn đối tượng.”
“Dán nhãn” cho một người khi tiếp xúc dường như là một việc làm thường xuyên của mọi người. Trong cuộc sống, chúng ta thường có ấn tượng tốt hay xấu đối với người khác. “Không dán nhãn đối tượng” đã giúp tôi có cái nhìn bình đẳng, hài hoà khi tiếp xúc với những người chung quanh. Tôi đã bỏ qua những lỗi lầm, những lời nói khiếm nhã của người khác đối với tôi. Việc thực hành Thiền ở nhà đã hỗ trợ nhiều cho tôi trong thực hành “Không dán nhãn” khi tiếp xúc với con người trong đời sống hằng ngày. Tôi cười nhiều hơn, lòng thanh thản hơn khi không còn thói quen có những ấn tượng tốt xấu về người khác. Đây là bài học thứ hai trong đời tôi trên con đường Tâm linh Phật giáo.
Những ngày nhập thất ở Black Mountain Retreat Center với chủ đề “Không Nói” và nội dung "Bảy Bước An Trú Trong Tâm Ta Thà" đã cho tôi thêm niềm tin vào thực hành Thiền. Chủ đề “Không Nói” thật vô cùng lợi lạc cho người thực hành. Hai từ “Không Nói” có vẻ như quá tầm thường trong đời sống thế gian. Nhưng trong Thiền Tánh Không, nó không tầm thường. Nó tuyệt vời làm sao! Nó là “thanh kiếm” giúp người thực hành chặt đứt những vọng niệm, những ý tưởng lăng xăng luôn nhảy múa trong đầu mình. Cái tuyệt vời của hai từ “Không Nói” qua ba ngày thiền tập đã dần dần đưa Tâm tôi đi vào tĩnh lặng. Những lúc tâm tĩnh lặng như thế, một giờ toạ thiền qua quá nhanh, khi Ni sư thỉnh chuông xả thiền, tôi thầm ao ước phải chi Ni sư cho thêm chút nữa. Tôi tiếc rẻ nên mắt vẫn khép hờ và muốn kéo dài hơn sự tĩnh lặng của Tâm.
Cái tĩnh lặng mà hơn 60 năm qua tôi chưa một lần biết đến. Tôi không thể làm mất cái tĩnh lặng này trong Tâm tôi. Tôi phải hết sức trân trọng giữ gìn và thực tập để nuôi dưỡng và phát triển nó. Tôi thực hành Toạ thiền mỗi ngày dù đời sống của tôi rất bận rộn.
Ngồi Thiền với chủ đề “Không Nói” ở nhà, thực tập “Không dán nhãn” khi tiếp xúc với mọi người mỗi ngày là nếp tu tập đều đặn của tôi hiện nay.
Kính thưa Thầy Thiền Chủ,
Con xin thành kính tri ân Hoà Thượng Trúc Lâm đã khai ngộ cho con. Con xin thành kính Tạ Ơn Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt đã đem hai từ “Không Nói” đến cho các thiền sinh, trong đó có con. Con xin ghi ơn Ni sư Triệt Như đã dắt tay đưa con vào mảnh đất thiền xanh mướt. Con xin ghi ơn Thầy Không Chiếu đã dìu dắt anh chị em thiền sinh chúng con trên con đường Thiền.
Xin cảm ơn tất cả các anh chị em trong đạo tràng Thiền Tánh Không Sacramento đã khích lệ tinh thần tôi. Sự tri ân không thể diễn tả bằng lời mà bằng tất cả tấm lòng biết ơn qua mỗi ngày tôi chăm chỉ thực hành Thiền để tiến bộ hơn trên con đường Tâm linh.
Từ Bích
ĐT Sacramento
..Những lúc tâm tĩnh lặng như thế, một giờ toạ thiền qua quá nhanh..