Phật giáo lấy sự tự giác ngộ làm yếu tố cơ bản, vì thế trí tuệ được xếp vào một trong ba môn học (Giới, Định, Tuệ). Ở đây, trí tuệ trong Phật giáo chủ trương khác với với trí tuệ thế gian. Trí tuệ thế gian bao gồm ý căn, ý thức và trí năng, trí thông minh do sự học vấn triển khai để đạt được tri thức. Đây là loại trí hữu sư. Còn trí tuệ trong Phật giáo là trí vô sư. Trí vô sư này được đặt trên cơ sở Tánh Giác, Phật gọi là Trí Vô Sanh. Trong hệ Nguyên Thủy lấy Như Thật Tri làm cơ bản. Trong hệ Phát Triển lấy Chân Như làm cơ bản. Trong hệ Bát Nhã và Trung quán (cũng thuộc Phật giáo Phát Triển) lấy Không làm cơ bản. Trong Thiền tông lấy Tánh Giác làm cơ bản, gọi là Căn Bản Trí.
Theo Hệ Nguyên Thủy, Huệ là đỉnh cao nhất của Phật giáo. Nó là giai đoạn thứ ba của phương thức Giới- Định- Huệ.
Trong Bát Chánh Đạo, Huệ bao gồm chánh kiến (right view, right understanding), chánh tư duy (right aspiration).
- Chánh kiến là nhìn đúng, biết đúng, gồm hiểu biết Khổ, Nguyên nhân Khổ, sự Diệt Khổ và Con đường đưa đến sự diệt Khổ. Nó cũng có nghĩa là chấp nhận Tứ Diệu Đế hay nhận ra rằng, Ta là chủ của nghiệp do ta tạo ra, chứ không do một đấng thần linh nào tạo ra nghiệp cho ta.
- Chánh Tư duy là suy nghĩ chân chánh, có ý định chân chánh. Tâm hướng đến lòng vị tha, lòng nhân từ (benevolence) và tư tưởng thoát khỏi tham dục (free from lust), ác tâm (ill-will) và hung bạo (cruel).
Ở đây, Huệ có nghĩa khả năng lãnh hội (comprehension) đầy đủ Tứ Diệu Đế, và trong một nghĩa khác nó có nghĩa sự chứng được các uẩn (the aggregates), các căn (sense-organs), các trần (worldly objects), các giới (elements) đều không thực chất (substanceless) hay vô ngã (no-self).
Trong Phật giáo Nguyên Thủy xem trí huệ Phật = Buddha's insight = "seeing things as they really are." Chỉ cho "yathā-bhūta-jñāna-darsana = knowing and seeing things as they are." Ý nghĩa của câu biệt ngữ (expression) trên chỉ cho thể tánh của trí huệ Phật là Ngài thấy vũ trụ (universe) và tình trạng con người như thật. Phật thấy thế gian này là vô thường (anitya), khổ (duhkha) và vô ngã (anātman) ("transitory" or "impermanent"), ("painful" or unsatisfactory) and ("devoid of a self).
Tuệ giải thoát = paññAvimutti = giải phóng tâm khỏi mọi sự chấp trước để tâm an trụ trong vô sinh. Bằng phương pháp 6 căn tiếp xúc 6 trần mà KHÔNG DÍNH (không yêu/ghét, không hai bên), KHÔNG SAY ĐẮM VÀO ĐỐI TƯỢNG, chứ không chạy trốn đối tượng. Đây gọi là nhiếp tâm, hay làm chủ 6 căn. Người tu thiền không để tâm bị dính vào bất cứ đối tượng gì; cho đến cuối cùng pháp Phật cũng phải buông bỏ. Đây là tu Thiền với tinh thần giải thoát. Đây là chỗ trí cao nhất của Thiền: thấy, nghe đúng như thật mà không dính. Thiền tông khai thác yếu tính này trong Phật giáo Nguyên Thủy. Đây là cốt lõi của Thiền Phật giáo nói chung. Thiền tông hay Thiền Nguyên Thủy nói riêng.
Huệ là sự sáng tỏ, không còn nghi ngờ. Huệ là sự nhận biết và hiểu rõ bản chất của các pháp và không còn dính mắc vào các pháp nghĩa là không ham thích, bám giữ mà cũng không ghê sợ, chối bỏ hay chê bai. Huệ làm nhiệm vụ soi sáng và phản ảnh các pháp trần vào trong các thức như chúng đang là. Nhìn hoa cúc, huệ biết là hoa cúc và tâm tiếp xúc với cái đang là hay cái như vậy của hoa cúc nhờ vào xúc. Huệ tức là hết si mê và có nghĩa hiểu biết sáng suốt. Con người nhìn thấu rõ sự vật, biết tính chất vô thường của nó nên không bị bất cứ thứ gì lôi kéo, đó là sự nhận biết sáng suốt. Do bị si mê, lầm tưởng che lấp vô số kiếp nên con người luôn u tối sống trong khổ đau mà lầm tưởng là hạnh phúc và an lạc. Người nghiện thuốc lá, biết tác hại của thuốc lá nhưng không đủ can đảm để vứt bỏ nên mãi làm nô lệ cho nó, có người chỉ bày cho nhưng không tin, hoặc muốn tin nhưng lại bị cơn ghiền nghiện sai khiến.
Huệ biết rõ kết quả của hiện tại là do nghiệp của các đời quá khứ và nhân của hiện tại sẽ tạo ra các quả của tương lai. Huệ nhận biết con người có sự tiếp nối, không sinh cũng không diệt nên không chủ trương đoạn diệt hay đoạn sinh. Sự thật cho thấy con người đầy dẫy những đau khổ, thích tích lũy đau khổ, thờ ơ với thực tại đau khổ hay dính mắc vào đau khổ. Hiểu biết sự thật, con người có huệ sẽ sử dụng huệ đó để chuyển hóa khổ đau, xây dựng hạnh phúc miên viễn. Trí thông minh ô nhiễm không phải là huệ Bát Nhã mà là trí thông minh thế gian đem đến nhiều khổ đau hơn là an lạc. Trí huệ Bát Nhã, là trí xuất thế gian, đưa đến thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.
Huệ theo Pāli là Pañña và theo tiếng Sanskrit là Prajña có nghĩa trí huệ Bát Nhã. Con người thường chấp vào có hoặc không, trong khi người có trí huệ Bát Nhã biết không có cũng không không. Như nói về các pháp, tự tính của nó là không sinh cũng không diệt. Khi nhân duyên hội đủ, các pháp có mặt, khi nhân duyên chưa đủ, các pháp vắng mặt. Các pháp không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Điều này có nghĩa là các pháp thành lập do nhân và duyên.
Huệ mang tính chất của khiêm cung, sử dụng huệ để tu tập nên không khen mình chê người. Bất cứ hành vi thiếu khiêm cung đều đồng nghĩa với ái dục và dung chứa ái dục. Người có học thức cao chưa chắc có huệ vì ta biết rằng bằng cấp, kiến thức khoa học không thể giải quyết hết những khổ đau của con người. Người này nếu có tu tập sẽ nhận ra việc học vấn cao chẳng qua chỉ là kết quả của những nhân tốt trong quá khứ cũng như hiện tại mà bây giờ gặt hái. Sự nhận thức này là biểu hiện của huệ. Người tu có chánh niệm và định, thì huệ sẽ phát triển và dĩ nhiên huệ không phải là thứ được chế tác mà là thứ tìm về. Huệ đã có sẵn từ lâu, chỉ vì vô minh, thất niệm, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… làm cho nó bị che khuất. Bầu trời âm u vì mặt trời bị mây che phủ, nếu mây tan mặt trời xuất hiện, vạn vật chan hòa ánh sáng. Cũng vậy, con người bị vô minh che lấp nên huệ không thể bừng sáng được, chỉ khi nào kinh nghiệm định vững chắc, huệ sẽ chiếu sáng. Với Tâm dừng (Định) người hành giả có khả năng bào mòn và đào thải được lậu hoặc/ tập khí, kiết sử, tùy miên và nghiệp là những nhân tố chi phối nhân cách của con người. Từ những tiến trình Định sẽ phát huy từ trường Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ và Tâm Xả đến vô biên.
Phật dạy muốn đạt Định thì phải tịnh chỉ các hành: Ngôn hành (Tầm Tứ), Tâm (hay Ý) hành (Thọ Tưởng) và Thân hành (tịnh tức). Với kỹ thuật “Không Nói” của dòng thiền Tánh Không qua 7 bước an trú trong Tâm Tathā, hành giả sẽ thành tựu được:
Ngôn ngữ đạo đoạn (an tịnh Tầm Tứ)
Tâm hành xứ diệt (an tịnh Thọ Tưởng)
Pháp Như Niết Bàn (thể nhập Chân Như là Niết Bàn).
Tuệ Chiếu