NHỮNG ĐIỀU NGỠ RẰNG ĐÃ BIẾT
Kính thưa Cô,
Chuyến đi San Jose học lại lớp Thiền Căn bản lần này đã giúp con có thêm nhiều kiến thức mới lạ. Nay con viết thư gửi Cô chia sẻ về Những điều ngỡ rằng đã biết .
Con đã học lớp Thiền Căn bản vào tháng 8 năm 2010 tại Houston. Khi đó con hiểu bài lắm, nên khi Cô khuyên lên San Jose để học lại lần nữa lớp này, con hơi ngần ngại (vì đã học rồi kia mà?). Nhưng thôi sẵn dịp rảnh, cứ lên học lại xem sao.
Ý chính của bài thì cô giảng không khác, nhưng phần triển khai của Cô thì có thay đổi. Nhưng con nhận ra một điều là học lần thứ hai, con tiếp thu và ghi nhớ rõ ràng hơn nhiều. Ba năm trước thì học cho biết, giờ đây 3 năm sau, học lại tự nhiên nhớ vô cùng. Thậm chí không cần ghi nhớ mà lời Cô giảng lại cứ đi vào não bộ thật dễ dàng. Ngày trước con nghe thì nghe chứ không ép mình phải nhớ cấu tạo của não bộ cùng vị trí chính xác của các vùng trong não. Bây giờ tự nhiên con cứ nhớ.
Khi nhìn các phác họa, các sơ đồ cô vẽ trên bảng, con thấy dễ hơn trước rất nhiều. Không phải vì cô vẽ khác đi, nhưng con tự cảm thấy không cần phải dùng cell phone chụp đi chụp lại nữa. Con cứ nhìn tổng quát cả sơ đồ, cứ nhìn như vậy và tất cả đi vào bộ nhớ.
Lần này Cô khai triển các đề tài thật hay. Nghe cứ tưởng rằng Cô kể chuyện đời xưa cho cả lớp vui, nhưng con nhận ra là mình học thêm rất nhiều điều mới lạ và bổ ích. Mỗi lời Cô nói, mỗi câu chuyện Cô kể đều là một bài học. Con tâm đắc lời Cô nói " Cái khó nhất là mình chiến thắng được chính mình: chiến thắng cái Ngã của Vô minh, cái Ngã của Khát Ái, cái Ngã của Ích kỹ và cái Ngã của Đau khổ ".
Tâm đắc là bởi vì trúng tim đen của con. Con nhận ra là 4 cái Ngã của mình quá lớn, vậy mà hơn 40 năm con cứ mang theo kè kè bên mình mà không biết. Giờ biết rồi thì phải sửa. Nửa đời người, con đã chiến thắng nhiều lần. Thắng cái nghèo cái đói. Thắng những ngày tháng cùng khổ nhất khi rời Việt nam ra nước ngoài với hai bàn tay trắng. Thắng cái tự ti mặc cảm khi thấy mình thua kém những người qua trước. Những chiến thắng này, tưởng rằng không dễ dàng, nhưng với bản tính kiên cường phấn đấu vốn có sẵn trong con thì lại không hề khó. Vậy thì con sẽ thử xem sao, 4 chiến thắng chính mình mà Cô đã giảng, con tin rằng sớm muộn gì con cũng sẽ làm được.
Khi Cô giảng về sự dính mắc, con thấm vô cùng. Hễ dính mắc là đau khổ. Thế mà cả đời con cứ dính mắc tùm lum. Một câu nói cũng làm con buồn con vui. Một cử chỉ cũng khiến con nghĩ vẩn vơ rồi tự suy diễn này nọ. Đúng là tự làm khổ mình. Giờ Cô dạy rồi "Mình không thể bắt buộc được ai phải thương mình. Mình không thể thay đổi được ai. Điều duy nhất mình làm được là thay đổi chính mình". Cô ơi, sau lớp học này, con tin rằng con sẽ thay đổi.
Ngày đầu khi Cô nói về quá trình tu chứng của Đức Phật, con nghe rồi nghe lại vẫn mê say. Lại nhận ra nhiều điều hay từ câu chuyện này, thành thử con vẫn cứ mải mê nghe từng lời Cô giảng. Càng khâm phục Đức Bổn sư về sự tỉnh ngộ rất sớm của Ngài.
Bài 3 sắc thái biết cũng vậy. Ngày xưa con học thì hiểu hết, thấy rất hay rất thích. Bây giờ nghe lại, khi Cô nói tới đâu tự dưng trong đầu con cứ hình dung ra ngay vị trí của Ý căn, Ý thức, rồi của Tánh Giác ... ở nơi nào trong bộ não. Ngày xưa cứ nghe Cô giảng hệ thống viền não, cuống não, vùng Broca, vùng đồi thị, dưới đồi, tuyến yên, tuyến tùng ... ôi thôi, nghe thì nghe vậy, chứ chẳng để tâm mà nhớ. Giờ nhìn các tấm hình Cô giơ cao cho cả lớp xem, nhận ra là mình tự nhiên nhớ mà không cần ép mình phải nhớ. Lạ không? Có những điều cứ đi vào bộ não một cách dễ dàng hơn mình tưởng.
Khi Cô giảng bài Thiền Định, con lại có một suy nghĩ mới. Ba năm trước con đã được nghe các định nghĩa này rồi, vậy mà bây giờ câu định nghĩa "8 gió thổi không động" khi Cô liệt kê ra là những ngọn gió gì, con nhận ra ngay là mình luôn bị dao động bởi những luồng gió này, hễ cứ thổi qua, dù rất nhẹ, cũng dễ dàng làm con lung lay. À thì ra, đây là một trong các định nghĩa của Định, vậy một khi mình có Định vững chắc thì mình sẽ không còn bị lay chuyển bởi bất cứ ngọn gió nào. Nghĩa là nói gì thì nói, phải có Định trước đã, mà muốn được vậy, chỉ duy nhất một con đường: chuyên cần công phu không giải đãi.
Bài Hồi đáp sinh học trong Thiền, khi con nghe lần thứ hai mới thật đặc biệt. Cũng bấy nhiêu chất (Acetylcholine, Norepinephrine, Cortisol, Serotonin, Dopamin, etc...), mà con lại đã từng học qua rồi ở trường dược, vậy mà vẫn hay. Khi phối hợp lại với kiến thức trong ngành thuốc, con nhận ra sự hữu ích thật sự của Thiền. Phải rồi, con sẽ hướng dẫn các bệnh nhân cách nhìn ánh sáng nắng, nhìn bóng đen, chỉ cho họ cách làm sao cho tâm bớt động, thì bệnh họ sẽ mau khỏi, một cách tự nhiên không cần dùng thuốc, mà lại tiết kiệm được bao nhiêu tiền bạc. Sơ đồ cô vẽ hết sức rõ ràng, giúp con có cái nhìn tổng thể về sự tương tác giữa thân, tâm và não bộ. Lần này con hiểu cặn kẽ lắm. Khi cô nói về Trí tuệ tâm linh, con lại càng khẳng định rằng để có được Huệ, có được trực giác, tâm từ bi hỷ xả, biện tài vô ngại ... tất cả những gì mà Cô đang có, cũng chỉ phải qua một con đường duy nhất: đó là Thiền.
Còn bài Ngũ uẩn nữa. Cũng đã học rồi. Vậy mà bây giờ học lại, con vẫn thích thú vô cùng. Con càng thấy rõ mình phải biết "chặn" ở chỗ nào (Thọ) để đừng dẫn đến các nghiệp về ý, lời và thân. Con cũng nhận ra (điều mà 3 năm trước con chưa thấy) là nếu có được cảm giác bất lạc bất khổ thì đời mình sẽ tự tại hơn nhiều.
Bài Kinh Nhất dạ hiền giả, ngày trước con học sơ qua, chẳng để ý gì mấy. Bây giờ nghe Cô giảng lại, mới thấm sự đau khổ do dính mắc mang đến. Sao mà mình cứ vô mình hoài vì dính mắc như thế chứ ? Phật dạy chỉ nên dính mắc với Tánh Giác mà thôi, vì đó là một may mắn. Con cũng thật sự thấm hơn ý nghĩa lời Ngài khuyên "Quá khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng". Thế mà cả đời con cứ buồn vì quá khứ, mơ tưởng đến tương lai. Và hai câu "Hôm nay nhiệt tâm làm. Ai biết chết ngày mai?" đã cảnh báo con rằng tu mau kẻo trễ, cái chết không đợi ai bao giờ, mà khi ra đi với cái tâm lăng xăng thì nhất định sẽ đi về cõi xấu.
Học lại lớp Căn bản lần thứ hai, con mới nhận ra rằng có những điều mình cứ ngỡ rằng đã biết, nhưng khi nghe lại vẫn thấm thía và ý nghĩa vô cùng. Giờ con mới hiểu vì sao Cô đã nghe Thầy giảng về Thiền Căn bản 26 lần không chán.
Tâm là cái vô thường nhất. Và con thấy rõ như vậy. Mới ngày nào con nói với Cô rằng con thích nghe pháp chung chung, bây giờ thì con lại thích đi sâu hơn về khoa học như Cô đã làm. Mới ngày nào con cứ càm ràm sao mà kinh điển khó nhớ, bây giờ thì con lại thích tìm hiểu kinh điển. Ai biết trước ngày mai, một khi có thực hành đều đặn, có kinh nghiệm định vững chắc, có cảm nhận rõ ràng về những chuyển đổi nơi thân và tâm của chính mình, thì biết đâu con sẽ chọn con đường mà Cô đang đi?
Qua lần học này, con càng quyết tâm công phu thiền tập đều đặn hơn nữa, bởi vì con hiểu rõ rằng chỉ có Định mới giúp con có được sự an lạc, hài hòa thân và tâm, mới giúp con khai mở trí Huệ - điều mà 3 năm trước tại Houston, con chưa thật sự cho là quan trọng.
Con xin tri ân Cô về các bài giảng cùng những kiến thức Cô mang lại - ngỡ rằng đã cũ nhưng lúc nào cũng mới, đã giúp con có thêm nhiều nhận thức mới về đạo lẫn về đời.
Con xin tri ân Cô đã chỉ thẳng những điểm yếu điểm mạnh, những lậu hoặc con phải vượt qua, và góp ý cho con về hướng đi trên con đường đạo, giúp con biết mình phải làm gì, phải sửa đổi gì và phải sống sao cho vững chãi "bát phong bất động".
Send comment