TIẾNG CƯỜI GIỮA SA MẠC
Tổ Đình đã hai mươi năm chẵn, từ ngày thành lập tới nay, vẫn mang dáng vẻ cổ xưa, chưa từng được sơn lại bao giờ. Nước sơn vách tường bên ngoài màu trắng ngà, không trắng cũng không vàng, lan can trên tầng thượng là hàng cọc sắt thì màu đen, các đường viền quanh mấy khung cửa sổ cũng màu đen. Có mấy chỗ tường cao, nước mưa lâu ngày chảy xuống thì vẽ từng dòng như rỉ sét. Vậy mà ngôi tổ đình này vẫn sừng sững hai mươi năm qua, thế hệ tăng đoàn tiên phong gầy dựng đã lần lượt ra đi, mà ngôi tổ đình cũng vẫn là mái ấm bảo bọc những người tìm đến.
Có một lần, cần phải chụp hình thiền viện để giới thiệu, cầm máy chụp hình ra trước ngõ, nhìn vào. Mình mới giật mình, ủa, thiền viện mình sao không có cổng chính để vào chánh điện? Thường thì thiền sinh vào cửa phòng ăn rồi đi vào chánh điện, nên không ai để ý việc này. Khi chụp hình mặt tiền của tổ đình rồi, mình phải “sơn phết” cho sáng hơn qua photoshop, từ đó mình mới có ý định phải xây dựng lại cửa chánh điện cho trang nghiêm, có bảng đề tên thiền viện rõ ràng, phải sơn phết lại tường vách cho tương xứng với cây cỏ hoa lá xanh tươi chung quanh.
Ý định như vậy mà bao năm qua mê mải đi khắp đó đây, vẫn chưa thực hiện được. Hai năm nay, ở yên một chỗ, vì covid-19, mình có thể nghĩ tới việc sửa sang một chút ít ngôi tổ đình. Khung cảnh chung vẫn giữ nguyên, vì mình vẫn tôn trọng”cảnh cũ, người xưa”, khi thiền sinh lui tới vẫn còn thấy ấm áp như hồi còn Thầy và tăng đoàn đầu tiên. Mình đang dự định kéo dài chánh điện ra để làm cửa chính cho tổ đình. Cửa chính sẽ nhìn ra khu vực có tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, nhìn ra hai cỗng lớn và con đường phía trước.
Và mình cũng khởi ý muốn sơn lại bên ngoài thiền viện. Thì hôm nay duyên đã tới!
Một cô thiền sinh báo tin sẽ bay về Cali thăm anh chị em vài tuần, sẽ dành ra 10 ngày về thiền viện. Mình biết em này làm công quả giỏi lắm, mà cũng kinh nghiệm trong việc xây cất, sau khi biết ý định muốn sơn lại bên ngoài thiền viện, em nhận ngay và bắt tay vào lập tức.
Buổi sáng thứ bảy vừa qua, xuống phố để vào zoom giảng pháp, tình cờ ngang qua khu nhà mới, mỗi nhà mỗi kiểu, mỗi nhà sơn màu sắc khác khau, tha hồ nhìn ngắm và chọn màu. Có nhà sơn hai màu, có nhà ba màu, khi màu sáng, khi màu sẫm hơn, có màu nhu hòa, có màu tươi thắm. Mình chọn màu hơi ngà nhạt, viền nâu đậm. Các em chụp hình, rồi xác định màu. Tuy nhiên màu sắc thật khó, khi ra nắng nó đổi khác, khi sơn lên khoảng vách tường rộng, nó lại khác. Sơn một lớp lại khác với sơn hai lớp. Thôi thì tương đối.
Sáng hôm sau, cô thiền sinh lên thiền viện cùng với cô em dâu, trước đó đã ghé tiệm đặt làm dầu sơn rồi, ba màu: trắng cho khung cửa, ngà cho vách tường, và nâu cho gỗ, và dụng cụ lỉnh kỉnh nữa. Hai chị em bắt tay vào việc. Qua hôm sau, cô chị xin nghỉ làm hai ngày, lên thiền viện phụ. Lúc này đang vào hạ, trưa nắng gắt, lên tới 90 độ. Các em bắt tay làm từ sáng sớm, trời còn mát, thiệt ra thì mới 7 giờ mà nắng đã lên rồi. Như trưa nay tới 94 độ, các bạn ơi!
Hai ngày qua sơn được gần phân nửa tường vòng quanh, xong khu garage, nhà bếp, phòng ăn, còn phần tường vòng quanh chánh điện và trên tầng lầu, vòng quanh 4 phòng. Qua ngày thứ ba, hai cô con gái cô thiền sinh và hai cậu con trai cô chị lái xe lên thiền viện tiếp sức. Vậy là cả thảy 7 người, thiền viện nhộn nhịp hẳn lên. Bốn gương mặt trẻ này làm sáng hẳn không gian đồi núi. Tất cả đều đang học đại học, vui cười. Bảy người, trong một gia đình, mặc trên người áo quần xấu nhất, xem như bỏ đi vì bê bết dầu sơn, tay cũng dính sơn. Mỗi người có một cái nón lá. Các em xung phong leo thang lên tầng thượng, sơn hai buổi sáng là xong. Buổi trưa, nắng nóng gắt quá, chỉ uống nước và uống nước. Nhìn các em vui cười làm việc, thấy thương.
Trưa thì cho ăn cơm chay, may là có cô N.T. lo cho tươm tất, các em được vài bửa cơm ngon. Có một chuyện vui vui. Khoảng bốn năm giờ trưa, nóng quá, cả bảy người mệt quá, mồ hôi như nước, vào ngồi trên băng đá, nghỉ mệt dưới bóng mát cây tiêu cổ thụ. Còn vài tô bún ca ri, ba cô thiền sinh ăn, bốn em trẻ chỉ ăn chips, uống nước đá lạnh, nói chuyện chơi. Sau đó ráp lại làm thêm vài giờ, rồi về thất nghỉ. Mấy cái thất nhỏ rải rác trong vườn, cách xa thiền đường cũng khoảng trăm bước. Nghe kể lại, nhóm trẻ mệt quá, tắm gội nghỉ ngơi, ngủ luôn một giấc, khi thức dậy, đói bụng quá, lên phòng ăn thì đã khóa cửa tắt đèn hết. Thường mình khóa các cửa khi trời tối, 9 giờ thường tắt đèn rồi lên phòng tuy chưa ngủ. Đêm đó các em vào xe của mình kiếm bịch chips nhai đỡ. Vậy mà sáng hôm sau cũng vui cười. Chắc cũng vì vậy nên ăn sáng, ăn trưa nào chỉ rau và rau mà cũng khen ngon.
Công việc chỉ làm có 4 ngày là xong. Vòng tường chung quanh thiền viện tầng trệt và tầng lầu. Phần trước mặt tiền của thiền viện thì để cho thợ chuyên môn làm, vì tường cao và cần sơn giống với cửa chánh điện sẽ làm tiếp theo.
Cô NQ nói: “Tập cho nhóm trẻ biết làm công quả, anh em lâu ngày gặp nhau, làm chung, chơi chung, cũng vui”. Sư chú KT buổi sáng cuối cùng, trước khi các em ra về, đã tặng cho mỗi em một cái áo khí công. Các em mặc ngay và chụp hình. Đây là sáu tay “thợ tài tử” với tài chỉ huy của một tay “thợ chuyên nghiệp”.
Hôm nay thì nhóm thợ bất đắc dĩ này đã tung tăng đi cắm trại ở đâu rồi, thì ra nhóm trẻ đã bàn với nhau lên thiền viện làm cho nhanh để rồi đưa các bà mẹ đi chơi xa. Tuy vậy, khi trở về sẽ lên thiền viện sơn tiếp bên trong khu nhà bếp, trước khi về lại tiểu bang của mình.
Đã từ lâu, ít nhất là ba năm qua, từ khi có lệnh “stay home!” vì covid-19, thiền viện vắng tiếng cười. Thỉnh thoảng cũng có mươi thiền sinh lên, cũng vui vẻ, mà đâu có tiếng cười khúc khích. Ở đây, vùng quê heo hút, quanh năm không thấy mặt người hàng xóm ra sao. Ngồi trong phòng làm việc, nhìn ngay ra cổng, cách xa khoảng hai trăm thước, thỉnh thoảng có một chiếc xe hơi chạy ngang qua, mà có thấy gi đâu. Có khi cả tuần không thấy ai ngoài mấy người trong thiền viện.
Mấy hôm nay, tổ đình được thay màu áo mới, tươi mát hơn, tăng đoàn vui, bảy em dang nắng cũng vui, tất cả thiền sinh mình cũng vui, mặc cho nhiệt độ bên ngoài đã trên 90 độ, niềm vui vẫn lan toã trên vùng sa mạc đồi núi nắng cháy nầy.
Thiền viện 10- 6- 2022
TN