KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA THỤY SỸ
Khóa tu hằng năm tổ chức tại Thụy Sỹ là khóa nhập thất tại Vaumarcus Le Camp, một trung tâm nổi tiếng bên bờ hồ Neuchâtel. Hồ này rất lớn, chiều dài 38km, chiều ngang 8km, là hồ rộng nhất, nằm trọn vẹn bên trong lãnh thổ Thụy Sỹ. Trong khi hồ Léman rộng lớn hơn, nằm giữa Pháp và Thụy Sỹ, gần dãy núi Alpes. Hồ Léman còn có tên gọi là hồ Genève.
Khóa tu năm nay tổ chức trong thời gian: 7 ngày, từ thứ hai 29- 8- 2022 tới chủ nhật 4- 9- 2022. Lần này cũng có Như Dung tháp tùng. Chuyến bay khởi hành lúc 1:30pm từ phi trường LAX, ngày 27. Từ thiền viện đi tới phi trường khoảng 1:30 giờ lái xe, nếu không kẹt xe. Nhưng luôn luôn có kẹt xe, trong giờ cao điểm lúc đi làm và khi hết giờ làm việc, nên mình phài rời thiền viện khoảng 7:30 sáng. Từ LAX bay tới phi trường Istanbul, Turkey, hơn 13 tiếng, thiệt là dài, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ chỉ trên một cái ghế nhỏ. Tới Istanbul là giữa trưa ngày 28 rồi. Có 2:30 phút để chuyển máy bay khác cũng hảng Turkish airlines. Từ Istanbul bay qua Geneva chỉ mất khoảng 3:15 phút. Tới Geneva là 5:30 pm, giờ địa phương ngày 28. Sau khi làm tất cả thủ tục nhập cảnh và chờ lấy hành lý xong, về tới nhà cô trưởng đạo tràng thì trời đã về chiều. Cô HT, là Hội trưởng hội Sunyatā Meditation of Lausanne cũng là trưởng đạo tràng từ khi thành lập đạo tràng tới nay chắc cũng hơn 10 năm. Hôm nay kể lể dông dài chắc tại vì đã nghỉ ngơi suốt gần 3 năm tại tổ đình, nay bắt đầu bay lại, cảm thấy qua núi qua biển nhiều quá cũng hơi mệt rồi.
Nhà cô HT trên đồi Lausanne, đường phố khi lên cao khi xuống dốc, nhà cửa lầu cao, san sát nhau, dọc theo hồ Léman. Đứng trên balcon nhà nhìn ra hồ, chỉ cách nhà một con đường nhỏ, thấy mặt hồ loang loáng nắng bao la. Nghỉ ngơi một đêm tại nhà, sáng sớm hôm sau lên trung tâm Vaumarcus Le Camp. Trung tâm trên một ngọn đồi cao trải dài ngay bờ hồ Neuchâtel, có một khu ruộng nho, loại nho trái nhỏ, chín màu nâu đen, để làm rượu, và một khoảng rừng bên cạnh, có đường thiền hành mát rượi.
Khoảng 10 giờ thiền sinh tề tựu đủ. Năm nay đặt phòng không tốt như những năm trước. Thường ban tổ chức phải thuê phòng từ một năm trước. Qua hai năm trong tình trạng xã hội lây nhiễm covid-19, đạo tràng không tổ chức được. Đến khi biết tin sẽ tổ chức, thì không còn hai căn nhà mình vẫn quen sử dụng. Năm nay chỉ còn một căn khác, tầng trệt là phòng ăn và bếp, hai tầng lầu là phòng ngủ và phòng học. Phòng học nhỏ phải chứa 34 người, ngồi gần nhau, mà không ai mang khẩu trang. Vì thế, thiền sinh thường thực tập ngoài trời, mỗi khi thời tiết tốt, nắng ấm, không có mưa, không quá lạnh. Thiệt may mắn là tuy dự báo thời tiết có mưa, mà lại không mưa, có khi chỉ lất phất.
Khóa tu năm nay, đặc biệt vì có nhiều thiền sinh từ đạo tràng Paris, Toulouse, Berlin qua tham gia chung với đạo tràng Thụy Sỹ. Số người có giới hạn vì hết chỗ ở trung tâm nên giờ chót phải khóa sổ. Trong số 34 có 1 ông người Thụy Sỹ và 4 cô người Pháp và Thụy Sỹ, tất cả đều nói tiếng Pháp, nên khóa tu là song ngữ Việt – Pháp. Thiền sinh thông dịch chính là Tâm Minh, mới quy y trong ngày bế giảng khóa cùng với các cô Như Liên (người Pháp), cô Như Bảo (từ Berlin- Đức) và cô Như Hà cũng từ Berlin.
Khóa tu năm nay, đặc biệt vì phòng học nhỏ nên chỉ tọa thiền buổi sáng sớm, 6:00am- 7:00am và buổi tối, 8:00pm- 9:00pm, là thực hành trong phòng. Ngoài những lúc giải đáp thắc mắc hay chia sẻ kinh nghiệm thực tập trong lớp, những hoạt động khác thường ra ngoài trời.
Ở đây, buổi sáng 6:00am, trời còn mờ tối, thiền sinh tề tựu trong phòng học, bắt đầu niệm danh hiệu Phật bằng tiếng sanskrit “Namo Sākya Muni Buddha> vì có mấy thiền sinh người Pháp từ Toulouse và Poitiers qua. Tất cả thường thực hành Thở, hít vào thở ra chầm chậm tự nhiên, biết rõ đang hít thở, không thêm gì khác, khế hợp với nguyên tắc Phật thường nhắc nhở “vị tỳ kheo đi đến khu rừng, hay gốc cây, hay ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt chánh niệm trước mặt, hít vào, tuệ tri, thở ra, tuệ tri...” Có buổi thực tập nghe. Tiếng chuông vang lên chầm chậm, từng tiếng rời rạc, càng lúc càng xa hơn, dẫn dắt cái Biết kéo dài ra và từ Biết có âm thanh lần tới Biết không âm thanh, buông đối tượng mà vẫn Biết. Đó là bước đầu gom tâm lại vào tiếng chuông. Lần lần nhận ra vẫn nghe mà không có âm thanh nữa, tức là nhận ra tâm đang biết chính tâm. Hay là đang an trú trong cái Biết thuần nhất: tĩnh lặng, trong sạch, đó là bản tâm trong sáng của chính mình. Con đường tu chỉ đơn giản như vậy.
Ở đây, buổi sáng mặt trời lên khoảng 6:45am. Nhìn thấy tia sáng ửng hồng nơi chân trời phẳng lặng giao tiếp mặt nước hồ, thiền sinh ra sân, ngắm mặt trời lên trong khoảng mười phút là đủ, bây giờ mặt trời đã lần lần lên cao hơn mặt nước, chiếu sáng nhiều hơn, in bóng lồng lộng xuống mặt hồ trong veo, như rải vàng lấp lánh lên hồ Neuchâtel. Ngắm 10 phút tia sáng mặt trời hồng hồng buổi bình minh cũng tác động tới tuyến Tùng (Pineal gland nằm giữa, phía sau, hai Đồi Thị /Thalamus), tương tự nhìn ánh sáng nắng chiếu xuống sân vườn, chiếu xuống mặt đường, chiếu xuống xe hơi đang đậu ngoài sân, trong 10 phút, cũng tác động tuyến Tùng, tiết ra Serotonin và Melatonin. Serotonin làm cho sảng khoái, hăng hái hoạt động, có thể điều chỉnh trầm cảm, nhức đầu (migraine), uể oải lười biếng. Melatonin điều chỉnh giấc ngủ tốt, tăng hệ miển nhiễm, tốt cho mắt có thể ngăn ngừa cataract. Hai chất Serotonin và Melatonin có ở tuyến Tùng, ngoài ra cũng có ở cuống não. Nếu thực hành Thở, tâm yên lặng, tác động Đối giao cảm thần kinh, cuống não sẽ tiết ra Serotonin và Melatonin công dụng cũng tương tự; lại thêm có Acetylcholine từ đầu dây đối giao cảm tiết ra, giúp hóa giải hai chất Noradrenaline và Adrenaline, cân bằng nội tạng, sức khỏe tốt.
Sau khi ngắm bình minh, thiền sinh tập khí công ngoài trời. Mặt trời đã lên cao, khí trời mát, ấm. Ngoài trời chỉ tập các tư thế đứng: tim, phổi, thận, thấp khớp đầu gối. Trong phòng có sàn gỗ mới tập được các tư thế ngồi và nằm, quỳ.
Đã đến giờ chuẩn bị buổi ăn sáng, 7:30am, một nhóm vào bếp. Tám giờ là tất cả vào phòng ăn. Trước các buổi ăn, niệm danh hiệu Phật bằng tiếng sanskrit và ăn trong im lặng, chỉ nói khi cần.
Mỗi ngày bắt đầu lớp lúc 9:00am. Thường là thiền hành khi thời tiết mát, có nắng ấm. Con đường đi thay đổi: khi đi vào rừng, khi đi trên đường làng dọc theo ruộng nho, khi đi vòng trong sân , khi đi xuống dọc bờ hồ, lên cao xuống thấp thì người lớn tuổi mệt, nếu mệt cứ ngồi nghỉ trên băng gỗ trong sân cỏ. Mỗi lần thiền hành khoảng 15 phút đi và 15 phút trở về lớp. Chủ đề thường là “Biết đang đi” tức là cái Biết đặt ở chỗ chân xúc chạm với đường đi. Cũng có khi chủ đề khác: “Biết tất cả, qua mắt thấy, qua tai nghe, qua mũi ngữi, qua da xúc chạm lạnh, nóng...” mà không diễn nói gì trong tâm. Buông chủ đề “Biết đang đi”. Đó là tập sử dụng nhiều phương thức Biết khác nhau để không dính mắc vào thói quen nào. Không rơi vào chấp pháp.
Có khi thiền hành 15 phút xong rồi, ngồi lại trên băng gỗ, hay trên ghế rải rác, ngắm nhìn cảnh tổng quát trước mắt, thấy gì, nhận ra gì... 15 phút sau trở lại lớp, trình bày ra. Vì lớp quá đông, không thể mỗi người có thời gian trình bày được, nên chỉ những ai muốn phát biểu thì giơ tay để phát biều thôi. Không những quá đông, lại còn nói hai thứ tiếng nữa, nên hơi chậm, mặc dù các em thông dịch trực tiếp qua máy nghe cá nhân.
Đó là thiền hành và khi nhìn cảnh là có Quán chiếu, để nhận ra vô thường, nhận ra cảnh là do Duyên sinh, thay đổi luôn. Nhiều thiền sinh ghi nhận cảnh và tả lại tĩ mĩ cảnh, đó là thấy biết “cái đang là”, không phóng tâm quá khứ hay tương lai.
Thiền sinh ngắm cảnh một cách tự nhiên, rồi diễn tả lại cũng chân thật tự nhiên, như không phải là thực hành Thiền. Cho nên ai cũng thoải mái, cho dù chưa theo học Thiền trực tiếp bao giờ, hay chưa làm quen kinh điển, cũng có thể hiểu và làm đúng yêu cầu. Khi đúc kết buổi học, thiền sinh mới biết rõ mình đã thực tập Quán/ Anupassanā, hay Chỉ/ Samatha hay Định/ Samādhi, hay Tuệ/ Vipassanā.
Đây là phương hướng mới được áp dụng: không giải thích giáo lý, kinh điển trước, mà để cho mỗi thiền sinh tự mình trải nghiệm, nhận ra trước, hay “sống tự nhiên trong Thiền”. Như vậy, Thiền là sống đơn giản, sống chân thật với chính mình, chân thật hài hòa chia sẻ với mọi người. Chỉ có vậy thôi.
Không cần giảng nào là: phải tinh tấn, phải kiên nhẫn, phải nhiệt tâm, phải giữ chánh niệm, phải chú tâm cảnh giác, phải ly gia cắt ái, phải diệt trừ cái ngã, phải dẹp tham, sân, si, v v...Bao nhiêu sách vỡ luận bàn về giáo pháp, càng làm rối trí thêm cho những ai sơ cơ, mải mê nghiên cứu, mải mê tìm cầu bên ngoài.
Các bạn ơi, cái tâm đó là cái tâm của mình, không bao giờ mất. Chúng ta cứ sống tự nhiên, thì là thanh thản, thì là trong sạch. Nhìn ngắm cái gì, Biết cái đó. Đi Biết đang đi, ăn Biết đang ăn. Có gì rắc rối? Có gì khó khăn? Trong khi thiền hành, Biết đang đi, khi ngồi ngắm cảnh, thấy cái cây, thấy bông hoa, thấy mây trên trời... làm sao có tham, sân si, làm sao có dính mắc quá khứ, tương lai, hiện tại, làm sao có ý sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu...ngay cả khi vào lớp trình bày lại, cũng không có pháp ác. Như vậy là tâm cũng trong sạch, khách quan tương đối trong phút đó. Thực tập thường xuyên sống đơn giản như vậy cũng tốt cho sức khỏe, cho trí tuệ, vì chúng ta là người còn có gia đình, còn sống trong xã hội.
Một điểm đặc biệt ở trung tâm Vaumarcus là thuận tiện đốt lửa trại ngoài trời. Năm nào khóa tu của chúng ta cũng có một đêm lửa trại. Củi sẵn có ở trung tâm, trước kia có khi mình vào rừng đem về. Chúng ta chỉ cần chuẩn bị vài thức ăn nhẹ: khoai lang hay khoai tây hay bắp để bỏ vào lửa than nướng chín, và bánh ngọt, trái cây...tùy ý. Trời mát, gió se lạnh, ngồi gần nhau, bên đống lửa hừng, củi khô lách tách nổ dòn, ánh sáng lung linh, tiếng hát, tiếng cười, thiệt ấm cúng.
Sau khóa tu 7 ngày bình yên, vui vẻ, là bế giảng với lễ quy y cho 4 thiền sinh: 1 nam, 3 nữ trong đó có 1 cô người Pháp.
Vài ngày sau rảnh rang, một nhóm thiền sinh Paris còn lưu lại tại nhà cô trưởng đạo tràng, cùng nhau tham quan quanh vùng Lausanne: vùng trồng nho và làm rượu nổi tiếng của Thụy Sỹ, nhà thờ cổ, hồ Léman, và đặc biệt là tham quan Charles Chaplin’s Museum, mình được nhìn ngắm tận mắt phim trường của riêng Charlot và ngôi nhà ở của gia đình Charlot ngày xưa, bây giờ là một điểm du lịch cho những ai hâm mộ người diễn viên phim ảnh đen trắng hài hước, đầy kịch tính sống động mà thâm thúy của những thập niên thế kỷ XX, khi thế giới phim ảnh chỉ mới khởi phát.
Rời Lausanne qua Paris bằng xe lửa tốc hành TGV. Cô Huệ Thông, đạo tràng Paris đã lo mua vé từ trước và ở lại đưa cô và Như Dung qua Paris ngày 10 tháng 9. Chuyến xe không đông lắm, chỗ ngồi thoải mái, lại được ngắm cảnh dọc đường. Những ngày nắng ấm, bầu trời trên hồ rất đẹp: nhiều cụm mây trắng như tuyết bềnh bồng trên khung trời xanh ngắt mênh mông. Khi thì qua những cánh đồnh xanh cỏ thẳng tắp, khi thì làng quê nhà rải rác, lúc thấy bò trắng ăn cỏ, ở xa nhìn tưởng là cừu trắng, gần thì thấy là bò, cái đuôi phe phẩy, cái sống lưng nhô lên. Khi thì vào thành phố, nhà cửa san sát nhau, xe nhộn nhịp, đường sắt song song nhiều ngã nơi trạm xe lửa, nhà ga người đứng chờ, người xuống, người lên.
Cảnh đời thay đổi. Kiếp người có khác gì chuyến xe lửa tốc hành, chạy thật mau, thật mau, qua bao nhiêu là khúc quanh, đồi núi, đồng bằng, người mới tới, người ra đi khó gặp lại, trạm cuối cùng thì ngừng, để rồi sáng mai lại bắt đầu chuyến tốc hành khác. Đưa rước những người khách khác, hay có khi cũng là những người khách quen cũ.
Rồi lại chạy mau để tới trạm cuối. Rồi lại tiếp tục nữa. Tới bao giờ mới dừng, những chuyến xe lửa tốc hành của chính ta?
Thiền viện, 17- 9- 2022
TN