Bế giảng khóa tu ở Berlin xong, ngày hôm sau, 19- 5- 2023 ni đoàn, có cô ni Như Minh, cô ni Như Sen và mình, bay về Paris. Sáng hôm sau, 20, khai giảng khóa tu ngắn hạn, chỉ có 3 ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai. Khóa này cũng song ngữ Việt- Pháp vì có một số ít người nói tiếng Pháp, các em thông dịch trực tiếp qua các máy nghe cá nhân, nên không ảnh hưởng gì tới người khác, buổi giảng vẫn tiếp diễn bình thường. Năm nay lớp không đông như năm trước, vì chỉ có thiền sinh đạo tràng Paris tham dự, còn đạo tràng Toulouse mới học xong nên không tham gia nữa, riêng có Tâm Minh lên hỗ trợ thông dịch khi cần. Đạo tràng Stuttgart thì tháng 8 sắp tới sẽ tổ chức khóa tu nên cũng không qua Paris.
Hầu hết thiền sinh là kỳ cựu, chỉ có vài ba người mới, không khí ấm áp thân mật. Kỳ cựu có nghĩa là đạo tràng Paris có mặt rất sớm, cũng 20 năm rồi, tương tự đạo tràng Stuttgart. Vì thế, các em tới lớp phần lớn là để gặp mặt thầy và bạn bè thôi. Chứ nội dung giáo lý hay thiền tập các em đã nhuần nhuyễn rồi. Khi hỏi tới: mở mắt nhìn, thấy rõ đối tượng mà không nói thầm tên đối tượng, tâm yên lặng, các em đều cho biết là thực hành được. Vậy là các em có kinh nghiệm làm chủ tâm ngôn vững chắc, từ đó cứ thực tập thường xuyên, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng hơn nữa.
Tuệ trí chính là ở chỗ ta phải biết rõ tâm mình trong lúc đó như thế nào? Và cũng phải biết cách trình bày ra cho đúng.
Phương thức đó chính là: “không định danh đối tượng”. Ngày xưa thầy Thiền chủ xếp nó là một kỹ thuật thực hành đưa tới kinh nghiệm tâm yên lặng (Samatha) và sau đó là tâm dừng lại vững chắc (Samādhi). Vì kỹ thuật này quan trọng như vậy, nên nó là cái thước đo mình có kinh nghiệm cái Biết không lời vững chắc hay chưa vững chắc.
Khi ta đã có kinh nghiệm không định danh đối tượng rồi, ta cần suy gẫm thêm để nhận ra nhiều kết quả kỳ diệu hơn nữa.
Khi ta “không định danh đối tượng”, ta đâu có tác ý xấu ác, bất thiện, thì 5 giới cư sĩ được trọn vẹn, là Giới hạnh trong sạch.
Lúc đó, ta thấy đối tượng rõ ràng, khách quan, tức thấy “cái đang là”, vậy cái thấy “không định danh” cũng là cái thấy “như thực”. Đây cũng là Tuệ, tâm khách quan.
Khi ta “không định danh đối tượng”, tức cái Biết lúc đó hoàn toàn trống rỗng, khế hợp với lời Phật dạy: “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”.
Khi ta “không định danh đối tượng”, tức là không khởi ý gì hết khi tiếp xúc với bên ngoài, đó cũng là “đối cảnh vô tâm”. Cũng là Định trong đời.
Khi sống trong đời, thường xuyên tiếp xúc qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ta đều không tác ý gì hết, không nói tên đối tượng, thì làm sao có dán nhãn thêm, làm sao có xét đoán phê bình thêm, vậy là ý trong sạch, thì lời và hành động đều trong sạch. Không tác ý gì hết thì ta không dính mắc bất cứ cái gì, không trụ vào cái gì, thì là tâm “vô trụ”. Là thong dong, là tự tại, là giải thoát trong lúc đó.
Các bạn hiền ơi, chỉ cần một con đường đơn giản này thôi, nó là con thuyền bát nhã đưa ta qua bờ. Khi ta “không định danh đối tượng” lập tức bước lên con thuyền bát nhã, không có đáy, vì lúc đó tâm trống rỗng, ngã không, pháp không, không có thuyền, không có người, ta trở lại là ta, cái bản tâm tự nhiên trong sạch, tĩnh lặng, chiếu sáng tự bao giờ.
Thiền viện, 9-7-2023
TN