VẠN PHÁP NHƯ HUYỄN
* HỎI: Nếu nói "Vạn pháp như huyễn" thì "Huyễn" ở đây mình nên hiểu như thế nào?
Ý kiến đóng góp
- TS Khánh Hạnh: Theo tôi, cái huyễn (tức là giả, không có thật) ở đây là nhìn từ góc độ của “chân đế”. Theo cách nhìn của đạo Phật, vạn pháp chứa đựng hai sự thật : sự thật tương đối (còn gọi là tục đế) và sự thật tuyệt đối (chân đế).
Sự thật tương đối (tục đế) là sự thật…huyễn. Ví dụ: con người, con chó, cái nhà, hòn núi, dòng sông …đó là những sự thật huyễn. Tại sao gọi là huyễn?
Đức Phật dạy, bất cứ cái gì do duyên mà có, do duyên mà mất , cái đó là HUYỄN, là không có tự ngã, không có tự tánh, là vô ngã.
Thế nào gọi là do duyên mà có, do duyên mà mất? .
Dưới đây là vài thí dụ:
- Cái bàn là do duyên mà có: nó được hình thành nhờ vô số yếu tố (nhà Phật gọi là “duyên”) hợp lại chớ không phải tự nhiên mà có. Nếu đó là cái bàn gỗ thì khi làm cái bàn ta phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải có cây, muốn có cây thì cần có mầm cây được gieo trồng, phải có đất, phân bón, nước, không khí, ánh sáng mặt trời… cho cây tăng trưởng…Có cây gỗ rồi phải có người tiều phu đốn gỗ kéo về, phải có người thợ mộc chẻ cây, bào gỗ, ghép gỗ….Tuy nhiên nó cũng có thể do duyên mà mất: nước làm cho mục rã, lửa làm cho cháy…
- Con người, thú vật, do duyên mà có: dòng tâm thức tái sanh của một chúng sanh vừa qua đời theo nghiệp lực đi vào tử cung của người mẹ tương lai, kết hợp với tế bào noãn sào (trứng) của mẹ và tinh trùng của cha, hình thành nên một thai nhi. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố (duyên) trên thì thai nhi sẽ không thể hình thành. Tuy nhiên con người, thú vật, cũng có thể do duyên mà “mất”: nếu thiếu thực phẩm, hay thiếu dưỡng khí, cơ thể quá lạnh hoặc quá nóng…cũng có thể mất mạng.
Sự thật tuyệt đối (chân đế) là sự thật không bị sự vô thường làm cho thay đổi.
Dưới đây là vài thí dụ:
- Lý nhân quả: Nước là tổng hợp của 2 phần chất Hydro và 1 phần chất Oxigen. Nước sẽ sôi khi được đun nóng lên 100 độ . Cái thấy không có “con người” nào cả, chỉ có những dòng năng lượng chuyển động không bao giờ ngừng nghỉ (tâm là những dòng năng lượng luôn trôi chảy, thân là một khối năng lượng luôn biến thái). Ngoài những dòng, khối năng lượng đó, không có ai cả, không có đàn ông, không có đàn bà, không có ông sư, không có ông hoàng, bà chúa…
Trong khi giao dịch, quan hệ với người khác trong đời sống thường ngày, để hiểu nhau, chúng ta không thể không xử dụng những khái niệm, những tên gọi do con người qui ước để ám chỉ những sự vật, những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Tuy nhiên người Phật tử luôn được Đức Phật nhắc nhở là phải tỉnh giác, phải biết phân biệt cái gì là giả, cái gì là thật. Nếu biết đó là giả thì không nên buông lung sa đà trong việc thích hay không thích nó, bởi vì đã là giả thì có nghĩa là nó chịu sự chi phối của luật vô thường, nếu chấp chặt, dính mắc vào một thứ bị vô thường chi phối thì mình sẽ bị đau khổ khi mất nó.
- TS Như Chiếu:
1/ Huyễn là gì? Huyễn có nghĩa là tạm bợ, luôn thay đổi, có rồi mất. Trên đời này, có những sự thay đổi ta có thể thấy được bằng mắt thường, nhưng cũng có những sự thay đổi ta chỉ có thể nhận ra bằng trí tuệ.
2/ "Vạn pháp như Huyễn" nghĩa là gì?
Theo đạo Phật thì mọi hiện tượng thế gian đều do nhiều điều kiện yếu tố họp lại thành, và khi hết duyên thì mọi vật sẽ hoại đi và biết mất. Đó là "Lý duyên khởi - Pháp duyên sinh":
"Cái này có cái kia có
Cái này sanh cái kia sanh
Cái này không cái kia không
Cái này diệt cái kia diệt".
Nói một cách khác thì mọi hiện tượng thế gian, trong đó có con người, đều tuân theo "Quy luật biến dịch: Sinh, trụ, hoại, diệt, thành". Đó là "Lý Như Huyễn" trong đạo Phật.
* Lý như huyễn: Đức Phật thấy rõ tất cả các pháp đều không thật có, vì chúng do nhiều nhân duyên họp lại mà thành. Như thế, con người và hiện tượng thế gian không có tự tánh, nên bản thể của chúng là Vô thường, Vô ngã và Trống không. Nhưng khi ta nói vạn vật trống không, không phải là chúng hoàn toàn không có. Chúng "có', vì chúng hiện hữu qua giác quan của con người. Nhưng chúng có mà thay đổi theo thời gian không gian, nên cái thực có này chỉ nằm trong vòng tương đối, trong đạo Phật gọi bằng một danh từ khác: là "Huyễn Có". Huyễn Có là ngay bây giờ thì có, nhưng lát nữa thì thay đổi rồi. Nó không hoàn toàn "Có" mà cũng chẳng hoàn toàn "Không" .
Con người luôn đặt nặng trên hình thức: hoặc là có hoặc là không. Những vật nào mà giác quan nhận thấy được gọi thì ta cho là có, vật nào giác quan không nhận thấy được thì ta cho là không. Đó là vì vô minh nên con người không nhìn hiện tượng thế gian theo đúng lẽ thật.
3/ Ý nghĩa của Huyễn trong việc tu tập:
Chính vì không hiểu rõ "Vạn pháp như huyễn", nên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn nhìn mọi người và sự vật bằng tâm phân biệt, cho rằng mọi thứ là thật có và sẽ bền mãi mãi. Do thấy không đúng lẽ thật (si) nên ta sinh ra lòng ham muốn (tham). Nếu lòng tham được thỏa mãn, ta lại càng tham đắm nhiều hơn, muốn sở hữu nhiều hơn. Còn nếu không thỏa mãn được lòng tham thì ta sẽ phát sinh sân hận. Phiền não cứ thế mà ngày càng nhiều, khiến cuộc đời càng khổ.
Nếu hiểu rõ Lý Như Huyễn, thật sự thấu hiểu "Vạn pháp như huyễn", chúng ta sẽ thấy cuộc đời ta trải qua bao nhiêu thăng trầm, buồn vui, sướng khổ, thật ra chỉ như một giấc mộng dài. Những người đến đi trong cuộc đời ta, thương hay ghét, cũng chỉ là những hành khách ngồi chung toa trong những chuyến metro, lên tàu rồi lại rời ga. Mộng đẹp hay ác mộng thì cũng chỉ là mộng. Mà đã là cơn mộng thì có gì đáng để ta nắm giữ tranh dành?
Có lẽ chúng ta ai ai cũng đã từng đọc qua bài thơ MỘNG của Hòa thượng Thích Thanh Từ:
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng.
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Ai thật sự thấu hiểu được "Vạn pháp như huyễn"
thì sẽ là người có thể "dạo cảnh mộng" để khi "mộng tan rồi, cười vỡ mộng".
Mong rằng các ý kiến đóng góp trên đây có thể giúp chúng ta "biết được mộng"
để mà "tỉnh cơn mộng".
Như Chiếu
Tổng kết "Cùng nhau Thảo luận"
(ĐT Montreal)