TAM PHÁP ẤN
Suốt 49 năm hoằng pháp, Đức Phật đã để lại cho chúng sinh một kho tàng chánh pháp vô giá, một triết lý sống đậm nét nhân bản xuyên qua nhân gian và thời gian. Kho tàng giáo lý ấy truyền trải qua hơn 25 thế kỷ. Giáo lý Phật giáo đã được các sư tổ kế thừa, phát huy và ứng dụng cho từng hoàn cảnh, từng đối tượng, tùy căn cơ cao thấp, sâu cạn, mà xiển dương.
Bằng tuệ giác siêu việt của mình, Thế tôn đã để lại cho chúng ta một phương pháp để thẩm định đâu là giáo lý Phật giáo, đâu không phải là những lời dạy của đức Phật. Phương pháp đó là gì? Đó chính là Tam pháp ấn : Vô thường, Khổ và Vô ngã. Tất cả các giáo lý của đức Phật đều mang dấu ấn của Vô thường, Khổ và Vô ngã, là những nét đặc thù căn bản nhứt của giáo lý đạo Phật.
Tất cả các giáo lý của đạo Phật đều phải mang ba dấu ấn đó. Giáo lý nào không có mang ba dấu ấn đó thì giáo lý đó không phải là giáo lý chính thống của Phật giáo.
1/ Xuất xứ và định nghĩa Kinh Pháp Ấn:
Kinh Pháp Ấn do Thiền sư Thi Hộ đời nhà Tống chuyển dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Kinh nầy thuộc về Kinh bộ A hàm. Ngoài ra trong Đại tạng, còn có hai kinh nói về Tam Pháp Ấn.
Pháp có nghĩa là giáo pháp. Ấn là chiếc ấn hay khuôn dấu. Pháp Ấn là khuôn dấu hay dấu hiệu của chánh pháp, là tiêu chuẩn để chứng minh cho tính đúng đắn và chính thống của giáo lý đạo Phật. Tam Pháp Ấn là ba đặc điểm nổi bật của giáo lý đạo Phật, là ba khuôn dấu của chánh pháp, là ba bản chất của thế giới hiện tượng : Vô thường, Khổ và Vô ngã.
Ba đặc điểm nầy xác định tính đích thực của giáo lý đạo Phật, nhằm đảm bảo mọi sự suy tư, diễn giải, thực hành của người đệ tử Phật, không vượt ra ngoài mục đích giải thoát mà Đức Phật đã giảng dạy.
2/ Phân tích Tam Pháp Ấn:
2A - PHÁP ẤN THỨ I: Vô thường
Bốn mùa luân chuyển, hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết. Theo đạo Phật, tất cả các pháp, mọi sự vật, mọi hiện tượng vật lý và tâm lý trong vũ trụ biến đổi, sinh diệt, trôi chảy không ngừng nghỉ. Đức Phật dạy trong Kinh Pháp cú, Phẩm Vô thường, như sau : Có còn thì có mất, Rơi xuống bởi trèo cao, Hết hợp rồi tới tan, Có sống là có chết. (Thường giả giai tận, Cao giả tất đọa, Hiệp hội hữu ly, Sanh giả hữu tử).
Vậy thế nào là "Vô thường"?
Vô thường, tiếng Phạn là Anitya, có nghĩa là biến dịch, thay đổi, không cố định. Vạn vật không đứng yên một chỗ mà luôn luôn biến đổi hình dạng, đi từ trạng thái hình thành sang trạng thái biến hoại rồi tan rã theo định luật : Thành - Trụ - Hoại – Không.
Theo Phật giáo, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian do các tập hợp duyên sanh đều mang tính Vô thường. Nói cách khác, Vô thường nghĩa là sự vật không mang tính đồng nhất bất biến. Hòn núi là tập hợp duyên sinh, thân thể con người là tập hợp duyên sinh, mây trôi nước chảy, lá rụng bên đường cũng là tập hợp duyên sinh. Do vậy, hòn núi, thân người, lá cây, đều luôn biến đổi, tức phải chịu sự tác động của Vô thường.
Phật giáo chia Vô thường làm ba loại như sau :
a) Thân vô thường
Trong Kinh Pháp cú, Thế tôn đã dạy Thân nầy không bao lâu, sẽ vùi sâu đáy mồ, như cây khô khúc gỗ, vứt bỏ vì vô tri. Cái thân của chúng ta không thể ước lượng được với thời gian, cũng không thể biết trước được sự sống chết. Khi hơi thở không ra vào nữa thì đã chấm dứt một kiếp người. Chính ngay thân xác ta còn không giữ được, huống chi là tài sản, vợ con, danh vọng, phú quý của cuộc đời.
b) Hoàn cảnh Vô thường
Chẳng những thân thể của chúng ta luôn luôn biến chuyển thay đổi không ngừng mà ngay cả sơn hà đại địa cũng không tránh khỏi định luật Vô thường . Điển hình và sống động nhất là đợt sóng thần Tsunami đã cướp đi bao sinh mạng, bao của cải vật chất của con người.
Vô thường không chỉ tác động đến thế giới vật chất mà nó còn chi phối cả thế giới tâm linh. Tâm thức con người luôn luôn biến đổi, hết giận rồi thương, vui đó rồi buồn đó....Nó luôn luôn biến chuyển như dòng suối. "Tâm viên ý mã" Tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rong chơi ngoài đồng nội.. Trong Kinh Pháp cú, đức Phật dạy : Tâm con người thường dao động, hốt hoảng, biến chuyển, khó chế phục. Dòng tâm thức biến đổi, sinh diệt , chính là vọng tưởng điên đảo của lớp vô minh trùng trùng điệp điệp, lôi cuốn chúng sinh trôi lăn mãi trong bễ khổ luân hồi sinh tử.
Trước khi nhập Niết bàn, đức Thế tôn còn dạy " Trong các dấu chân, dấu chân voi là lớn hơn cả. Trong các phép quán niệm xứ thì niệm vô thường là hơn cả" (Kinh Đại Bát Niết Bàn)
Khổ đau là thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giả cõi đời. Con người luôn luôn tìm cách vượt thoát khổ đau, tìm kiếm hạnh phúc nhưng vì không hiểu rõ bản chất của khổ đau nên không tìm được lối thoát thật sự; đôi khi ngược lại, càng tìm kiếm hạnh phúc càng khổ đau. "Du" có nghĩa là khó còn "kkha" có nghĩa là chịu đựng. Nói cho dễ hiểu, Dukkha có nghĩa là sự bức bách, đau đớn, khó chịu...Chữ Hán có nghĩa là "đắng"; có ý nói rằng sự đau khổ trong thế giới hữu tình chứa đựng nhiều vị đắng chát, chua cay, đem lại cảm giác bất an.
Trong Kinh Tương Ưng, đức Phật diễn tả sự khổ đau của con người như sau : Toàn thể thế giới bốc cháy, toàn thể vũ trụ đắm chìm trong khói lửa, toàn thể vũ trụ làm mồi cho lửa...Đức Phật đã căn cứ vào những hiện tượng duyên khởi hiện hữu - vô thường - biến dịch của nhân sinh và vũ trụ mà xác nhận rằng thế gian là giả tạm, bất toàn, trống rỗng. Ngay đến những trạng thái mà người đời cho rằng hạnh phúc, an vui, cũng đều là mầm mống của khổ đau. Khổ đau là một sự thật mang tính phổ biến và hiện diện với nhiều hình thái đa dạng khác nhau. Khổ ở đây chính là Khổ đế mà đức Thế tôn đã trình bày trong Tứ Diệu Đế : Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Tứ Diệu Đế là nội dung của Kinh Chuyển Pháp luân, đã được Như lai thuyết giảng lần đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như nghe.
* Tam khổ: Tam khổ là ba nỗi khổ xét theo nguyên nhân và mức độ gây khổ.
1- Khổ khổ
Nghiã là những sự khổ của thế tục, chẳng hạn khổ vì đói khát, vì chiến tranh. Đây là mức độ khổ thấp nhất mà ai cũng cảm nhận được.
2- Hoại khổ
Nghĩa là khổ vì sự thay đổi. Ở cấp độ nầy, ngay cả những kinh nghiệm tưởng có vẻ khoái lạc thì cũng là khổ. Sở dĩ con người cảm thấy các kinh nghiệm đó là vui sướng là bởi họ đã so sánh chúng với những kinh nghiệm đau đớn. Sự vui sướng đó chỉ là tương đối.. Trong khi đó sự vật luôn thay đổi. Vì vậy, sau một thời gian thì những kinh nghiệm tưởng chừng là vui sướng đó chỉ còn là sự nhàm chán, không thoả mãn, sự vui sướng rồi cũng mất đi.
3- Hành khổ
Nghĩa là khổ vì duyên sinh, tức trạng tháí khổ ở kiếp nầy không chỉ là nến tảng cho cái khổ ở kiếp nầy mà còn là nền tảng cho cái khổ ở kiếp sau. Cái khổ nối tiếp nhau kéo từ đời nầy sang đời khác một khi con người vẫn còn nằm trong sự vô minh. Sự nhận biết ở mức độ nầy là sâu sắc nhất.
* Bát khổ: Bát khổ là tám nỗi khổ, xét theo hình thức, sự việc, thực ra đều thuộc loại Khổ khổ trong Tam khổ. Nhân sinh quan Phật giáo cho "đời là bể khổ". Là con người, ai cũng phải chịu bát khổ:
- Sanh khổ: Với con người, sanh có nghĩa là từ khi kết thai cho đến khi ra đời. Sự kết thai khởi đầu đã khó khăn, phải đủ điều kiện như nghiệp thức, tinh cha huyết mẹ kết hợp, và phải trong lúc ba mẹ có khả năng thụ thai,vv...thì thai nhi mới hình thành. Người mẹ cũng như thai nhi phải chịu nhiều đau khổ trong thời gian chin tháng mười ngày. Sau khi sanh ra, lớn lên trong cuộc đời, đời sống con người cũng gặp biết bao là khó khăn, trắc trở. Hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng chua cay. Mong ước mà không thể thành tựu thì sự tuyệt vọng càng thêm ưu sầu, càng thêm khổ.
- Già khổ: Đức Phật đã dạy (Phân biệt Tâm kinh – Trung Bộ 3): "Sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái răng rụng, tóc bạc, da nhăn, mắt mờ, tai điếc, tuổi thọ rút ngắn, các căn biến hoại. Như vậy gọi là già".Cơ thể của con người biến diệt, hư hoại trong từng giờ, từng giây, từng sát na. Càng già, khí huyết càng hao mòn, trí não càng suy kém, khiến cho con người phải đau khổ.
- Bệnh khổ: Là con người, ai cũng phải bệnh tật. Bệnh tật hành hạ xác thân, làm cho khổ sở đau đớn. Đó là chưa nói đến những bệnh trầm kha, những bệnh nan y có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào.
- Tử khổ: Người bệnh khi hấp hối bị hành xác mới cảm nhận cái chết là đáng sợ. Biết mình sắp chết thì tâm lý dao động, rối loạn, sợ hãi.. Lúc đó, các căn suy yếu, hư hoại, đau đớn vô cùng. Đối với kiếp nhân sinh, cái chết thật là khổ đau.
- Ái biệt ly khổ: Sống trong tình thương, đầm ấm của vợ con, cha mẹ, bạn bè...thế mà bị chia ly thì thật là khổ đau.Thật là đau lòng xót dạ. Ấy là "sanh ly khổ". Còn có "tử biệt khổ". Sanh ly, tuy có khổ nhưng mà còn có hi vọng có ngày gặp lại. "Tử biệt" là sự chia ly vĩnh viễn. "Tử biệt khổ" thì không còn mong có ngày gặp lại nên sự đau khổ sẽ càng thêm thê thảm hơn.
- Cầu bất đắc khổ: Con người hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng cao khi không được như ý nguyện. Sự bất như ý khi không đạt được công danh, phú quí, khi tình duyên trắc trở mang đến cho con người sư đau khổ.
- Oán tăng hội khổ: Thương yêu mà xa lìa khổ đẵ đành nhưng thù ghét mà phải luôn gặp mặt thì nỗi khổ cũng lắm phần đắng cay.. "Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt, ở chung với người nghịch như nếm mật, năm gai".Ngay trong gia đình, bà con quyến thuộc, vợ chồng, con cái, anh chị em, một khi vì một lý do nào đó mà bất hoà với nhau, khi gặp nhau còn thấy khó chịu vô cùng, huống hồ là kẻ thù , luôn phải gặp mặt mà còn phải giả đò thân quen thì nỗi khó chịu đau đớn thật là tột cùng.
- Ngũ uẩn khổ (hay ngũ uẩn xí thạnh khổ): Thân người do năm ấm hay năm uẩn (sắc, thọ, tưỏng, hành, thức) hợp lại mà thành. Nếu giữa ngũ ấm có sự xung đột, mâu thuẫn, chi phối lẫn nhau thì con người sẽ luôn luôn đau khổ. Có thể nói, chẳng hạn, mơ ước (tưởng) quá thì cũng khổ, biết nhiều (thức) thì cũng khổ.
Tóm lại, hễ có thân thì có khổ.
Khái niệm "Khổ" trong giáo lý Tam Pháp Ấn bao hàm ý nghĩa về "Khổ đế" trong Tứ Diệu Đế. Đây là hiện trạng thực tế trong cuộc đời. Bất cứ ai trong cõi đời nầy cũng đều phải trải qua. Muốn thoát khổ, chúng ta phải nhìn thẳng vào khổ đau, học tập về " bốn chân lý nhiệm mầu", là Tứ Diệu Đế, đã được Đức Phật thuyết giảng ngay trong buổi giảng kinh đầu tiên. Kinh đầu tiên là "Kinh Chuyển Pháp luân".
2C - PHÁP ẤN THỨ I I I: Vô Ngã
Vô ngã nghĩa là không có một bản chất trường tồn, bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có một linh hồn bất diệt, không có đấng sáng tạo vĩnh cửu. Vì tất cả sự vật đều do duyên sinh, sự hiện hữu của mỗi sự vật, mỗi chúng sanh, là sự hiện hữu trong tương quan, do tác động nhân duyên mà thành .
Pháp ấn "Vô ngã" của đạo Phật đã được đức Phật giảng giải trong bài kinh "Kinh Vô Ngã tướng", là bài kinh thứ hai do đức Phật thuyết giảng sau khi đã chứng ngộ, sau bài kinh "Chuyển Pháp Luân" mà đức Phật đã giảng cho năm anh em Kiều Trần Như. . Kinh "Vô Ngã tướng" dựa trên khái niệm "Ngũ uẩn", cũng được gọi là "Ngũ Ấm".. Ngũ uẩn là 5 nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người : sắc (tức là thân), và tâm, gồm có thọ, tưởng, hành, thức. Ngoài ngũ uẩn, không có gì gọi là cái "ta". Vì nếu có cái "ta" làm chủ thể thì, đối với "sắc" (tức là thân) chẳng hạn, "cái ta" sẽ điều khiển thân, không cho bịnh tật hành hạ con nguời, như vẫn thường xảy ra. Sau khi nghe đức Phật giảng Kinh "Vô Ngã Tướng", bốn anh em còn lại của Kiều Trần Như đắc quả A la hán. (Kiều Trần Như đã chứng ngộ ngay sau khi nghe đức Phật giảng Kinh "Chuyển Pháp Luân").
Đạo Phật cho rằng, mọi sự vật trên đời đều không có tướng trạng cố định, tất cả đều luôn biến đổi, chuyển động không ngừng. Hay nói cách khác, vạn pháp luôn luôn thay đổi, có vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến già, từ sanh đến diệt. Theo Phật giáo, tất cả các sự vật, mọi hiện tượng trên thế giới đều không có chủ thể nhất định và vì thế, tất cả đều vô ngã.
Vô thường và vô ngã có liên quan chặt chẽ với nhau. Vô thường là về mặt thời gian còn vô ngã là đứng trên bình diện không gian mà luận bàn.
Kết luận:
Ba sắc thái đặc biệt của Phật giáo : Vô Thường - Khổ - Vô Ngã được đức Thế tôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài thuyết pháp của mình. Ba dấu ấn nầy được bàn rải rác trong hệ thống giáo lý Phật giáo kể cả trong kinh điển Nam tông lẫn Bắc tông. Tam Pháp Ấn "Vô thường, Khổ và Vô ngã" đã mang lại một luồng sinh khí mới lành mạnh cho vạn loại chúng sinh, đã mở ra lối đi cho con người trước những bế tắc, những khủng hoảng về xã hội, về tư tưởng triết học và đạo đức theo lối tư duy hữu ngã.
Tam Pháp Ấn là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện mẫu người sống có vị tha và vì hạnh phúc của mọi người. Tam Pháp Ấn tương đồng với ý niệm bình đẳng, nhân đạo, qua đó, giáo dục mục đích và lý tưởng sống cho con người.
Nguyễn Thanh Bạch
(ĐT Montreal)
Send comment