HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI CƯ SĨ
Hạnh phúc là hai từ mà có lẽ ai cũng mong được có. Nhưng Hạnh phúc là gì? Chắc chắc sẽ có rất nhiều định nghĩa khác nhau vì mỗi người có cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Cùng một sự việc xảy ra, có người sẽ hạnh phúc, có người thì không. Với người này, phải có quyền uy, dạnh vọng mới là hạnh phúc. Nhưng với người khác, chỉ cần có một việc làm đã là hạnh phúc. Với người nghèo, có miếng ăn, chổ ở là hạnh phúc. Với người bệnh, sức khỏe là niềm hạnh phúc. Với kẻ thất tình, lấy được người mình yêu mới là hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc hay không là tùy ở mong muốn của mỗi người.
Con người ta thường làm tất cả để có hạnh phúc. Và thế là họ cứ mải miết đi kiếm tìm hạnh phúc. Có người tìm thấy dễ dàng, có người cả đời không có được. Có người có rồi lại mất, có người bỏ cuộc và buông xuôi. Thế nhưng, nếu hỏi họ định nghĩa hạnh phúc là gì thì ít người trả lời được, và câu trả lời của một người cũng không hề giống nhau khi được hỏi vào nhiều thời điểm khác nhau.
Thật sự thì cảm giác hạnh phúc là một cảm giác vốn không bền vững. Có thể hôm nay ta cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc, nhưng đến ngày mai một vài việc không như ý xảy ra, chúng ta lại cảm thấy cuộc sống của mình bất hạnh. Có thể bây giờ kiếm được nhiều tiền là hạnh phúc, nhưng khi có được rồi lại thấy cô đơn và nghĩ rằng phải có người mình yêu thương ở cạnh bên mới là hạnh phúc. Đó không phải là hạnh phúc thực sự.
Thế thì hạnh phúc thật sự là gì? Và đạo Phật nói gì về hạnh phúc?
Thời Đức Phật tại thế, Ngài Cấp Cô Độc là một vị trưởng giả triệu phú ở kinh đô Xá Vệ của vương quốc Kiều Tát La, miền Bắc Ấn Độ. Vì thường hay chu cấp giúp đỡ cho những kẻ khốn khó, cô đơn, danh tiếng vang lừng cả vương quốc, cho nên mọi người đã kính mến và tặng cho ông biệt hiệu là Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người cứu giúp kẻ nghèo khó và cô độc”.
Có lần, Ngài Cấp Cô Độc thỉnh bạch Đức Phật về điều gì giúp người cư sĩ có được hạnh phúc thì Đấng Thế tôn đã thuyết giảng như sau:
1- Hạnh phúc sở hữu: là niềm hạnh phúc do có được tài sản hợp pháp, bằng sự nỗ lực siêng năng làm việc. Khi nghĩ đến sự sở hữu tài sản một cách chân chính như vậy thì người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
Khi chúng ta có một công ăn việc làm chân chánh (chánh mạng), ta kiếm được đồng tiền bằng chính mồ hôi nước mắt của mình, thì đến mỗi kỳ lãnh tiền lương, ta sẽ cảm thấy sung sướng biết bao! "Đi cày" tuy cực, nhưng không phải nơm nớp lo sợ, phập phồng ăn ngủ không yên, như những kẻ kiếm đồng tiền bất chánh (trộm cắp, tham nhũng, buôn bán các đồ vật bất hợp pháp như ma túy). Có công ăn việc làm, có đồng lương nuôi sống gia đình, có mái nhà che mưa che nắng, có quần áo mặc, có xe đi làm, tất cả những thứ sỡ hữu đó khiến người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
2- Hạnh phúc hưởng thụ: là niềm hạnh phúc khi thọ hưởng tài sản mình đang có, nuôi bản thân, nuôi gia đình và làm các việc mình muốn. Khi nghĩ đến sự thọ hưởng những tài sản mình tự tạo ra như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
Khi có đồng lương trong tay, ta có thể tiêu xài cho gia đình, đưa vợ để đi chợ, hay sắm sửa cho con chiếc áo mới. Đồng tiền khó nhọc kiếm được, ta có thể xài một cách ngang nhiên, chứ không phải nhức đầu, tìm cách lén lút rửa tiền, nghĩa là phải làm sao để biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản hợp pháp. Hưởng thụ những thứ do ta làm ra bằng chính công sức, mồ hôi nước mắt của mình sẽ giúp người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
3- Hạnh phúc không nợ nần: là niềm hạnh phúc có được khi không bị mắc nợ ai cả, dù ít hay nhiều. Khi người cư sĩ biết sống vừa đủ với thu nhập của mình, không để bị thiếu nợ; người ấy sẽ cảm thấy thoải mái hạnh phúc.
Những ai đã mang nợ thời khắc biết nỗi lo mắc nợ là thế nào. Nhà nhỏ thì muốn nhà to, xe cũ muốn đổi xe mới, thành ra mắc nợ ngày càng nhiều. Nhìn cái mã bề ngoài thì sang lắm, oai lắm, nhưng bên trong thì nợ ngập đầu. Chỉ cần mất job là mất tất cả, vì không còn khả năng trả nợ. Các lần khủng hoàng kinh tế, vỡ bong bóng nhà đất, đã có hàng ngàn người tự tử, cũng chỉ bởi lòng tham.
Người xưa có câu “lòng tham không đáy". Chính bởi lòng tham nên con người không bao giờ cảm thấy đủ. Đó là nguyên nhân khiến con người ta mượn nợ ngày càng nhiều chỉ để thỏa mãn nhu cầu vật chất.
Để đối trị lòng tham, đạo Phật dạy chúng ta nên giảm bớt ham muốn và biết đủ. Nếu biết bằng lòng với những gì đang có, thì dù nghèo ta vẫn cảm thấy hạnh phúc, còn nếu cứ "đứng núi này trông núi nọ", thì có giàu vẫn muốn giàu hơn, đó là con đường dẫn đến nợ nần khiến ta luôn bị stress.
Vậy muốn được hạnh phúc an vui, chúng ta cần phải thiểu dục và tri túc.
4- Hạnh phúc không lỗi lầm: là niềm hạnh phúc có được khi không làm điều tội lỗi, không phạm tội theo luật của quốc gia và không phạm các giới thân khẩu ý theo đạo Phật.
Khi người cư sĩ sống mà không vi phạm các lỗi lầm trên, thì tâm tư thanh thản, hạnh phúc, không bị đau khổ hay lo lắng, không phải sợ sệt hay phập phồng.
Khi phạm tội, cho dù ít người biết, nhưng con người ta luôn lo lắng, sợ hãi, bởi vì "cây kim trong bọc cũng sẽ có ngày lòi ra", sớm hay muộn thì cũng phải nhận lãnh hình phạt. Đây cũng chính là lý do mà sau những ngày nơm nớp run sợ, ăn không ngon ngủ không yên, trốn chui trốn nhủi, cuối cùng nhiều người đã quyết định ra tự thú, để trút được gánh nặng ngàn cân, để tìm lại sự an ổn cho tâm hồn, bởi vì khi phạm tội, họ đã không có được niềm "hạnh phúc không lỗi lầm".
Các điều khoản quy định của xã hội, hay pháp luật của quốc gia là những ràng buộc đến từ bên ngoài, thuộc về tha luật (chịu sự trói buộc kiểm soát của người khác một cách bắt buộc); còn giới luật của Phật giáo xuất phát từ bên trong - nhu cầu tự thân, thuộc tự luật (tự kiểm soát bản thân một cách tự nguyện). Người giữ giới là tự nguyện muốn giữ, còn gọi là “tự thông chi pháp” (tự hiểu rõ), đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, lo nghĩ vì người khác, mà tự nguyện nhận giữ.
Khi có ý nghĩ xấu ác, tâm ta tự biết. Khi nói lời hung dữ, lời vu khống, lương tâm của người cư sĩ sẽ cắn rứt. Khi tạo thân nghiệp, hại người, người phật tử sẽ lo sợ phải lãnh quả báo. Không phạm lỗi lầm, sống là một công dân tốt, tu tập là một phật tử giữ tròn năm giới sẽ giúp cho chúng ta có được hạnh phúc.
Trong bốn điều hạnh phúc trên, điều nào có giá trị cao nhất?
Đó là "Hạnh phúc không lỗi lầm". Vì sao? Vì một khi thân khẩu ý trong sạch, người phật tử sẽ có được niềm hạnh phúc an vui trọn vẹn.
Thời Đức Phật tại thế, Ngài và nhiều vị tỳ kheo trong tăng đoàn không sở hữu thứ gì cả ngoài 3 chiếc y và một bình bát; không hưởng thụ vật chất (không lợi dưỡng), ngay cả gốc cây ngồi thiền cũng chỉ ngồi không quá 3 ngày; không giữ tiền bạc, không nợ nần. Thế mà các Ngài luôn an lạc, thảnh thơi, không gợn chút lo âu, phiền não. Bởi vì các Ngài "sở hữu" một cái Tâm thanh tịnh, không ô nhiễm. Bởi vì các Ngài giữ tròn các giới, trong sạch hoàn toàn thân khẩu ý. Hạnh phúc không lỗi lầm là niềm hạnh phúc cao quý nhất.
Như Chiếu