Đức Phật có dạy rằng:
Này các tỳ kheo, kẻ nào vi phạm một pháp này, ta nói kẻ ấy không chừa một ác nghiệp nào mà không làm. Một pháp đó tức là "rõ biết mà nói dối".
Người nào đã nói láo
Là vi phạm một pháp
Không kể đến đời sau
Không ác gì không làm
(Kinh Nói Dối)
Vì sao một người "rõ biết mà nói dối, thì không chừa một ác nghiệp nào mà không làm?".
* Nói dối, hay vọng ngữ (vọng là không chân thật, ngữ là lời nói) là một trong năm giới của người phật tử. Vọng ngữ trong đạo Phật bao gồm:
- chuyện không nói có, chuyện có nói không
- nói lời hung ác
- nói lưỡi đôi chiều
- nói lời thêu dệt.
Đây là 4 loại nói dối dễ khiến con người tạo nghiệp ác. Trong đạo Phật, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phiền não khổ đau, dẫn đến chia ly tan tác, dẫn đến ganh ghét hận thù, dẫn đến lao lý tù tội.
Khi nói dối là ta tạo nghiệp. Mà khẩu nghiệp là nghiệp dễ phạm nhất. Vì sao? Bởi tâm chúng sanh như con khỉ chuyền cành, ý vừa thoắt xẹt trong đầu là đã ra tới miệng, rồi phun ra ngay. Bởi thế người xưa mới khuyên "Uốn lưỡi 7 lần hẵng nói". Bởi thế, mấy ai trong đời dám bảo rằng "ta đây chưa từng nói dối?".
Khi nói dối, con người sẽ cảm thấy lo lắng, bất an, sợ hãi vì cơ thể tiết ra cortisol, hormone này kích thích tim đập nhanh, lâu dài sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
Lần đầu tiên khi ta mở miệng nói ra một lời dối gian, mà ta biết rõ là không đúng sự thật, nếu không thấy ai có phản ứng gì, thì ngay lập tức, ta cho rằng mọi người tin vào lời ta nói. Tâm thái "nhẹ nhõm" (thở phào) lập tức khởi lên, cảm giác "an toàn" (không bị phát giác) tức thì xuất hiện, rồi kế đến là sự "tự tin" (tạm bợ) được hình thành. Cứ như thế, ta nói dối lần thứ hai, thứ ba và riết rồi trở thành thói quen, ta có thể nói dối một cách tự nhiên hơn và bớt dần cảm giác lo lắng, áy náy, sơ hãi như ban đầu.
Những lần đầu ta nói dối, thường là vụng về nên sẽ khiến người nghe nghi ngờ, hỏi lại hay chất vấn, thì theo phản xạ tự nhiên, ta tìm cách chống chế, cố gắng khỏa lấp (cũng lại là lời nói dối). Nếu người nghe bị thuyết phục, tin ta nữa thì sẽ gieo vào đầu ta ý tưởng "cứ tiếp tục nói dối thì cuối cùng cũng khiến người khác tin theo". Điều này vô tình huân tập cho người nói dối một "khả năng" nói dối ngày càng nhanh nhẹn, khéo léo, tinh vi và tự nhiên khó bị nhận biết.
Đức Phật dạy rằng:
Người nào đã nói láo
Là vi phạm một pháp
Không kể đến đời sau
Không ác gì không làm .
Người nào đã nói láo, tức là "rõ biết mà nói dối", là vi phạm giới Vọng ngữ.
Vì sao vi phạm một pháp này thì "Không kể đến đời sau, Không ác gì không làm?"
Khi nói dối, cho dù người khác có tin, nhưng lương tâm không gạt ta được. Khi ta nói dối, tâm ta bất an, ta buộc phải luôn ghi nhớ những điều không chân thật. Vì sợ bị "dấu đầu lòi đuôi" nên khi nói một lời gian dối, ta phải bịa đặt thêm nhiều lời không thật nữa để che lấp. Cứ thế lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác và cho tới khi bản thân bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do chính mình tạo ra.
Khi đó, ta quen với những điều dối gian ấy mà lấy đó làm điều đúng cho mình để hành xử trong đời. Con người cứ bồi đắp cho bản thân những suy nghĩ bất thiện thì sớm muộn gì cũng làm điều xấu ác.
Nói dối là một hành động không trung thực. Hành động đó dần dần sẽ khiến cho con người không sống thực với bản thân mình, làm con người mất đi lý trí và sẽ sống trong sự giả dối của lương tâm. Con người khi không còn lý trí để biết đâu là đúng hay sai thì sớm muộn gì cũng làm điều xấu ác.
Ông bà xưa có câu "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt" ám chỉ một việc làm xấu nếu cứ lập đi lập lại hoài thì sẽ trở thành thói quen, rất khó bỏ. Trong đạo Phật gọi đó là "huân tập những tập khí lậu hoặc". Một khi đã nói dối quen miệng thì sẽ trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối một lần, hai lần trót lọt (người khác tin) thì kẻ nói dối sẽ đinh ninh rằng "bất cứ việc gì cũng có thể qua mặt người khác nếu biết khéo nói dối". Từ suy nghĩ đó người này sẽ không ngần ngại gì khi làm những việc bất thiện, ngay trong đời này, cần chi đợi đến đời sau?
- Người phạm giới tà dâm đều bắt đầu từ việc nói dối. Về nhà trễ, bỏ bữa cơm gia đình, trau chuốt cách ăn mặc, khi bị vợ/chồng gặn hỏi thì người này luôn tìm cách nói dối. Hết viện cớ này tới đưa ra lý do khác, hết "bận họp nên về trễ" tới "anh mệt muốn ngủ sớm". Toàn những lời nói dối. Không kể đến đời sau, mà ngay ở đời này.
- Người phạm giới trộm cắp đều bắt đầu từ việc nói dối. Ăn cắp quen tay, từ cây viết, xấp giấy ở sở làm tới thâm thụt ngân quỹ của công ty, từ chôm chỉa vài món đồ lặt vặt tới tham nhũng hằng chục triệu đồng. Bị bắt gặp ư? "Ồ, tôi vô tình cầm nhầm"; "Tôi cứ tưởng để đây ai cũng có thể lấy". Phạm tội phải ra tòa ư? "Tôi không biết nên lỡ dại"; "Tại hoàn cảnh tôi thế này, thế kia...". Toàn những lời nói dối. Không kể đến đời sau, mà ngay ở đời này.
Là người phàm phu thì không thể tránh khỏi nói dối, cho dù nói dối không hại ai hoặc nói dối đùa chơi nhưng vẫn là nói dối, vẫn làm mất uy tín của mình và vẫn huân tập một thói quen bất thiện. Vì thế, chúng ta cần phải tránh xa tật nói dối.
Người không nói dối là người tạo cho mình một uy tín. Người không nói dối là người được kính trọng và tin tưởng.
Hậu quả của việc nói dối
- Nói dối khiến con người sinh bệnh tật: người thường xuyên nói dối hay bị lo âu, dễ dẫn đến mất ngủ hay bị viêm loét dạ dầy. Người nói dối thường bị stress khiến cơ thể tiết ra các hormone kích thích nhịp tim, gây cao máu, làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Stress còn khiến cơ thể giảm tiết ra chất endorphin (là hormone giúp con người phấn chấn, yêu đời).
- Nói dối là huân tập tập khí bất thiện sẽ khiến con người làm điều bất thiện
- Nói dối là tạo nghiệp xấu thì chắc chắn sẽ lãnh quả ác. Tâm ác thì nói ác, nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì khi tái sanh làm sao về được cõi lành?
- Nói dối mà người khác biết được thì không còn ai muốn thân cận, nghĩa là nói dối sẽ làm mất uy tín của bản thân.
- Nói dối (những lời vu khống, chụp mũ) sẽ khiến con người dính vào vòng lao lý
- Nói dối sẽ dẫn con người làm những điều bất hợp pháp và sẽ dính vào vòng tù tội
- Một người phạm giới nói dối sống trong tấm màn dối trá do bản thân tạo ra nên không còn biết đúng sai, ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi, khó gỡ ra được.
- Một người phạm giới nói dối sống không thật với người khác và với bản thân thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chi tới chứng ngộ hay giải thoát.
- Thời tại thế, Đức Phật có dạy La Hầu La: "Người nói dối cũng như cái chậu đựng nước rửa chân không thể nào dùng được". Bởi thế, người phạm giới nói dối thì không thể tu chứng đạo.
Tu tập Khẩu nghiệp
- Chúng ta phải hiểu rõ "Nói dối là một thói xấu xa đem lại rất nhiều tác hại" và cần phải quyết tâm dứt trừ tật nói dối.
- Chúng ta cần chú trọng "tu cái miệng". Trong cuộc sống, ta cần phải cẩn ngôn, cẩn ngữ. Không nói dối, mà ta phải nói lời chân thật. Không nói gạt người, ta sẽ nhận được nhiều uy tín. Không nói lời thêu dệt, mà nói lời trung thực, ta sẽ được nhiều người tin tưởng. Không nói lời đâm thọc, mà nói lời hoà hợp, ta sẽ được nhiều người ủng hộ. Không nói lời hung ác, mà nói lời ái ngữ, ta sẽ được nhiều người yêu thương. Khẩu nghiệp là nghiệp dễ phạm nhất. Tu cái miệng là tu nửa đời người.
- Tập sống chậm lại, nói chậm lại, suy nghĩ trước khi nói để kịp nhận ra mình có sắp mở miệng nói một điều không đúng sự thật hay không, để kịp thời ngăn chận. Đây là tu tập "đằng ngọn", giúp ngăn ta không tiếp tục tạo thêm khẩu nghiệp xấu ác.
- Tu tập đằng gốc là phải làm sao để tâm ý không còn khởi nghĩ điều không chân thật. Tâm không nghĩ thì miệng làm sao nói? Muốn vậy, ta cần phải thực hành pháp "Như thật": thấy, nghe, biết "cái đang là" thì tâm không còn dính mắc với đối tượng. Khi có cái Biết Không lời thì không còn phân biệt đúng/sai, thật/dối thì làm sao mà tạo nghiệp?
Kết luận: Lời Phật dạy là để cảnh báo, nhắc nhở chúng ta về tác hại cực kỳ của tật nói dối. Tuy thuộc về khẩu nghiệp, nhưng người nào vi phạm giới vọng ngữ thì chẳng chóng thì chầy sẽ tạo thêm thân nghiệp và rồi sẽ phải lãnh nhiều quả báo xấu ác.
Không nói dối là một đức hạnh chân thật. Người xuất gia cũng như người cư sĩ tại gia cần phải sống theo đức hạnh này để mang lại lợi ích cho mình và cho người khác.
Người Phật tử muốn tu hành được thăng tiến và thành tựu thì phải tránh tạo khẩu nghiệp và phải tuyệt đối dứt trừ tật nói dối.
Như Chiếu