2020 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử loài người là một năm để lại nhiều dấu ấn sâu sắc nhất. Dấu ấn bởi vì những gì con người đã trải qua sẽ khắc sâu trong ký ức, không dễ gì quên (tai ương, dịch bệnh). Sâu sắc bởi vì những nỗi đau để lại trong lòng người rất khó để nguôi ngoai: sự ra đi cô độc của những người thân. Riêng đối với người phật tử thì năm qua là thời điểm giúp chúng ta chiêm nghiệm lại những lời dạy của Đức Phật về Vô thường và Khổ.
Thế có bao giờ ta ngẫm nghĩ xem trong thời gian qua, mình đã tu tập ra sao? Hiểu Rõ vô thường, ta thay đổi thế nào? Thấm thía nỗi khổ, ta tiến bô hay chưa? Ở nhà cả ngày, ta đã làm gì?
Theo một cuộc thăm dò của Daily Mail, khi được hỏi "Thời gian rảnh rổi ở nhà trong thời gian đại dịch, bạn thường làm gì?", thì câu trả lời ở những người dưới 60 tuổi, được gói ghém trong hai từ "lướt web", nghĩa là họ giết thời gian trên internet. Cùng câu hỏi đó, khi được hỏi ở những người trên 60, thì câu trả lời được tóm gọn trong ba chữ "ăn và ngủ". Hóa ra con người, khi rảnh rổi, thì chỉ biết ăn, chơi và ngủ.
Thế còn thiền sinh chúng ta thì làm gì khi rảnh rỗi trong mùa đại dịch?
Tác giả bài viết đã làm một cuộc thăm dò bỏ túi với 10 thiền sinh, với câu hỏi "Suốt một năm qua, sự hiện diện của Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự tu tập của anh/chị thế nào ? Cụ thể về 3 mặt: a/ Nghe pháp; b/ Đọc bài viết của thiền Tánh không; c/ Thực hành thiền". Và kết quả như sau:
a/ Nghe các audio của Ni sư Triệt Như: Yes (Có nghe): 90 %
b/ Đọc các bài viết (Tâm tình với nhau của Ni sư, Cùng nhau tu học của thiền Tánh Không, Cùng nhau Thảo luận và Cùng nhau chia sẻ của bạn đồng tu): Yes (Có đọc): 100 %
c/ Thực hành thiền: Yes (Có thiền): 40 %, nghĩa là 10 người thì chỉ có 4 người thực hành (như trước khi đại dịch xảy ra)
Sau đây là những lý do "Vì sao tôi không còn thực hành thiền thường xuyên như trước?":
- làm biếng, giãy đãy (sao nghe quen quen!)
- già rồi cơ thể đòi hỏi phải ngủ nghĩ nhiều hơn (nên tôi chiều theo nó)
- không đi sinh hoạt nữa nên mất "từ trường" tu tập
- không rõ lý do
Điều này cho thấy phần đông phật tử thường thích nghe pháp, đọc kinh nhiều hơn là thực hành. Cho dù với bất cứ lý do gì, thì rõ ràng là ý chí tu tập của chúng ta không còn mạnh mẽ, hay đã bắt đầu lung lay thoái chuyển. Trên con đường tâm linh, văn (nghe) và tư (suy nghĩ để hiểu) chưa đủ, mà cần phải thực hành. Vì chỉ có thực hành thì mới có kết quả.
Nhiều người trong chúng ta đều biết câu nói: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là cái đãy đựng sách”. Hãy suy nghĩ và đừng làm cái đãy sách!
Đức Phật có dạy rằng "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác". Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư”. Phật là người chỉ đường nhưng nếu chúng ta không chịu đi thì lỗi tại chúng ta, chứ không phải lỗi tại Ngài. Con đường tâm linh đòi hỏi mỗi người phải tự bước chân đi, ngay cả bạn đồng tu cũng không thể đi dùm.
Một năm nhìn lại, chúng ta cần nhận rõ yếu tố chính cản trở con đường tu không phải từ bên ngoài, không phải từ ai xa lạ, mà từ chính bản thân ta: giãy đãi, lười biếng, tham ái (ham ăn, khoái ngủ). Không cần tìm lý do bào chữa bởi vì tu tập là cho chính mình chứ không vì ai khác.
Con corona virus chính là vị thiên sứ đến cõi ta bà này để cảnh tỉnh con người, nhắc nhở ta về những chân lý ngàn năm mà Đức Phật đã khám phá. Một năm qua, đã có biết bao cảnh đầu bạc khóc đầu xanh, biết bao sự chia ly không được nhìn mặt người thân. Ngày mai ra đi, ta đã chuẩn bị gì cho mình chưa? Đừng chần chờ thêm nữa.
Như Chiếu
Send comment