TỰ LỰC - THA LỰC VÀ THIỆN TRI THỨC
1/ Tìm hiểu Tự lực và Tha lực:
- Tự có nghĩa là chính mình. Tự lực nghĩa là dùng sức lực, năng lực, khả năng của chính bản thân để làm 1 điều gì đó. Trong khi tha lực hàm ý rằng ta làm một việc gì với sự trợ giúp từ người khác hay từ một tác động bên ngoài. Chữ "tha" được dùng trong dân gian qua các cụm từ như "tha hương" (sống tha hương, kiếp tha hương) để nói về một người đang sống ở một xứ sở khác, không phải quê hương mình, hay "tha nhân" (giúp đỡ tha nhân) nghĩa là giúp những người khác, không phải mình.
Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã để lại những lời dặn dò các đệ tử như sau "Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!". Đây là một lời dạy tiêu biểu cho sự khuyến khích tự lực. Đức Phật khuyên mỗi người phải cố gắng tinh tấn nỗ lực tu tập cho chính bản thân mình. Chứ Ngài không nhắc tới bất kỳ yếu tố nào để chúng ta nương tựa vào.
Trên con đường tâm linh, tự lực nghĩa là tự mình cố gắng, dốc sức để tự chuyển hóa tâm, thay đổi chính bản thân nhằm hoàn thiện con người mình theo lời dạy của Đức Phật. Sự tu tập đúng chánh pháp, với sự nỗ lực miên mật sẽ mang lại cho chúng ta những lợi lạc an vui ngay trong đời sống này.
Tuy nhiên trong xã hội hiện nay, chúng ta không thể sống biệt lập một mình, nên còn chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố xung quanh, ít nhiều có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới cuộc sống và con đường tâm linh của chúng ta. Cụ thể là các yếu tố nào?
a/ Hoàn cảnh: ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác ít nhiều có tác động tới sự tu tập. Ví dụ:
- bàn thờ Phật trang nghiêm, hương đèn, áo tràng: là các phương tiện hỗ trợ cho việc tu hành. Khi khoác lên người tấm áo lam, người phật tử quỳ trước tượng Đức Phật, tai nghe tiếng chuông mõ, tự thân sẽ cảm thấy dâng trào một tình cảm thiêng liêng, vừa kính trọng, ngưỡng mộ vừa tri ân Ngài. Nhờ đó sẽ có thêm động lực mà tinh tấn để đền đáp công ơn Đấng Như Lai
- ngồi thiền: một môi trường yên tĩnh sẽ giúp tâm dễ tĩnh lặng, vọng tưởng sẽ ít khởi lên hơn, nếu so với một không gian náo động với nhiều âm thanh hỗn tạp. Nhờ đó sẽ có thêm tiến bộ để phấn chấn trên đường tu.
Bởi vì các yếu tố ngoại duyên kể trên có tác động, ảnh hưởng đến sự tu tập của chúng ta, nên trong một chừng mực nào đó cũng có thể xem đây là những nguồn tha lực.
b/ Con người: Một hình thức tha lực khác có tác động không ít tới con đường tâm linh của ta, đó là:
- sự dẫn dắt của một người thầy: giải đáp thắc mắc cho ta, hướng dẫn ta tu tập đúng chánh pháp
- bạn đồng tu: có thể giúp ích cho ta qua những chia sẻ kinh nghiệm hay hỗ trợ, động viên ta tu tập.
Những người này, trong đạo Phật, được gọi là Thiện Tri thức. Theo định nghĩa, thiện tri thức là người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng hướng dẫn người khác theo chánh pháp.
Ngày nay danh từ này thường được hiểu một cách đơn giản là một người bạn đạo, cùng chí hướng trên con đường tâm linh, có khả năng giúp đỡ, dẫn dắt ta tu tập.
Ai cũng đã từng nghe câu "Gần đèn thì sáng", hay như ông bà ta thường dạy "Chọn bạn mà chơi", nghĩa là nếu ta giao tiếp với những người bạn tốt, thì ta sẽ học hỏi, tiêm nhiễm những tánh tốt, ta sẽ trở thành con người tốt, và cuộc sống của ta sẽ được tốt lành, sự nghiệp ta sẽ thăng tiến. Trên đường tu cũng vậy, thiện tri thức rất quan trong. Gần gũi những thiện tri thức, ta sẽ được hướng dẫn những điều đúng chánh pháp, sẽ huân tập những đức tính tốt và con đường tâm linh sẽ mau tiến bộ.
2/ Thiện tri thức có 3 hạng:
- Giáo thọ thiện tri thức: dẫn dắt ta trên con đường tu hành: người thầy, minh sư, giảng dạy chánh pháp cho ta
- Đồng hạnh thiện tri thức: những bạn đồng tu, người cùng chí hướng tâm linh với ta
- Ngoại hộ thiện tri thức: người giúp đỡ, tạo điều kiện cho ta tu hành, ví dụ người cho mượn tư gia làm nơi sinh hoạt đạo tràng, hay người dùng xe mình chở bạn bè tham dự khóa nhập thất ...
3/ Trong thời Phật giáo nguyên thuỷ, danh từ này được dùng để chỉ một vị tăng đầy đủ đạo hạnh như thâm sâu Phật pháp và có kinh nghiệm tu chứng, có thể giúp đỡ chúng sanh trên con đường tu học.
Bậc Thiện tri thức dùng Tứ Nhiếp Pháp, là bốn phương pháp thu phục (nhiếp) để mang lại lợi ích cho người khác, nhằm mục đích giáo hóa chúng sanh. Tứ Nhiếp Pháp bao gồm:
1. Bố thí: đem những gì mình có, cả về vật chất lẫn tinh thần ra giúp người khác, từ đó gieo thiện cảm nơi họ, rồi từ từ hướng dẫn họ quay về với chánh pháp
2. Ái ngữ: dùng lời nói ôn hòa, nhã nhặn, an ủi, động viên khi cần thiết thì sẽ thu phục được tình cảm, niềm tin nơi người khác, rồi dần dần họ sẽ theo ta để học pháp và tu sửa.
3. Lợi hành: lời nói, suy nghĩ và hành động làm cho người khác được lợi ích, khiến họ cảm mến rồi sẽ noi theo gương ta mà tu học.
4. Đồng sự: làm công việc giống như người khác để dễ có sự cảm thông, rồi từ từ dẫn dắt họ đến với Phật pháp
Bốn pháp này là bốn phương pháp cảm hóa lòng người, giúp bậc thiện tri thức dễ dàng gần gũi, hòa đồng, thông cảm với chúng sanh, từ đó giúp cho chúng sanh phát tâm tìm hiểu và thực hành chánh pháp. Nói chung bậc thiện tri thức dùng khẩu giáo và thân giáo để giáo hóa người khác.
4/ Làm sao nhận biết ai là thiện tri thức?
Thiện tri thức là người có thể giúp ta khởi sinh và phát triển năm thiện pháp: tín, giới, văn, thí, tuệ.
- Tín: tin sâu Tam bảo, tin vào Phật-Pháp-Tăng.
- Giới: là những nền tảng đạo đức. Người cư sĩ cần giữ 5 giới (không sát sanh, không trộm cắp, không vọng ngữ, không tà dâm, không uống rượu). Một người xúi ta làm điều bất thiện (trộm cắp, sát sanh) hay rủ rê ta đi nhậu nhẹt thì không phải là thiện tri thức.
- Văn: nghe, học tập giáo pháp của Đức Phật. Ai giúp ta có cơ hội nghe giảng và hiểu đúng giáo pháp chính là thiện tri thức.
- Thí: bố thí, chia sẻ tài sản, sức lực, thời gian. Người khuyến khích ta dấn thân giúp đỡ, mang lại lợi ích cho người khác là thiện tri thức
- Tuệ: thấy biết đúng bản chất của hiện tượng thế gian. Người giúp ta hiểu rõ các chân lý mà Đức Phật đã dạy, là thiện tri thức
Trong đời sống bận rộn ngày nay với mạng lưới giao tiếp, quen biết chằng chịt, người học Phật cần phải sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra ai là người giúp ta khởi sinh và phát triển 5 thiện pháp trên, thì họ chính là thiện tri thức, ta cần nên gần gũi để học hỏi.
Ngược với thiện tri thức là Ác tri thức. Người xưa có câu "Gần mực thì đen". Khi gần gũi Ác tri thức, không những khiến ta giảm 5 thiện pháp (tín, giới, văn, thí, tuệ) mà còn khiến ta khởi sinh và gia tăng các tâm tham sân si, gia tăng làm điều xấu ác.
Tóm lại:
Nỗ lực tự thân trong tu tập là điều quan trọng nhất và không thể thiếu, nhưng ngoài yếu tố tự lực, nếu chúng ta biết vận dụng và kết hợp với các yếu tố ngoại duyên (tha lực) để hình thành các phương tiện, thì sẽ giúp con đường tâm linh thăng tiến rất mau.
Trên đường đời, ta cần phải biết chọn thầy tốt để học, bạn lành để kết giao. Trên đường đạo, người phật tử phải sáng suốt chọn minh sư, bạn đồng tu, thiện tri thức để gần gũi thì quá trình tu tập của ta mới có thể thành tựu viên mãn.
Như Chiếu
(Đúc kết Thảo luận Đạo tràng Montreal)
20-08-2020