MÙA LỄ TẠ ƠN
Ơn người, ơn đời
Ơn sâu vạn loại
Nghiêng mình trân qúy
Ấp ủ trong lòng.
Ngày Lễ Tạ Ơn là ngày sum họp gia đình và cũng là ngày bắt đầu mùa lễ hội rộn ràng kết thúc năm cũ sắp qua và chào đón năm mới sắp đến ở Hoa Kỳ.
Theo truyền thống hiếu nghĩa của người Việt, thiền đường Tánh Không Nam Cali tổ chức Lễ Tạ Ơn rất trang nghiêm và thân mật vào sáng ngày thứ bảy 25-11 trong cái se se lạnh của đất trời chớm đông.
Thầy Không Đăng chủ lễ và tụng kinh theo truyền thống thiền Tánh Không. Cả thiền đường như hoà vào lời tri ân sâu sắc cùng với những lạy tạ cung kính Hồng Ân Tam Bảo và tưởng nhớ Hòa Thượng Thiền Chủ Thích Thông Triệt, người đã khai sáng dòng thiền Tánh Không.
Rồi các giáo thọ nói về lòng biết ơn. Tuệ Huy trình bày đề tài “Hạnh Biết Ơn và Đền Ơn trong hệ kinh Nikaya”. Có thể vào xem và nghe ở https://youtu.be/YS5QJVskZr8
Tuệ Chiếu cũng nói về lịch sử ngày Tạ Ơn trong văn hoá Mỹ. Các thiền sinh cũng phát biểu lời tri ân lẫn nhau. Sau đó, mọi người dùng bữa ăn chay thịnh soạn do nhiều thiền sinh cúng dường trong tinh thần hòa hiệp, thân ái.
Chúng ta Thọ Ơn thế nào?
Thọ Ơn Người
Ơn trước hết là ơn người. Là người đã giúp đỡ ta, gia đình, tổ chức, hiệp hội, cơ sở kinh doanh, cộng đồng..... của ta. Là vị thầy đã đưa ta vào đạo, đã dạy ta pháp Phật nhiệm mầu. Trong phần “Chuyện bây giờ mới kể”, anh Tuệ Nguyên đã cảm tạ nhiều ân nhân, đặc biệt là các ân nhân ẩn danh thường giúp đỡ thiền đường từ bấy lâu nay.
Quê hương ta ngày xưa ảnh hưởng văn hoá Tàu mạnh mẽ, cũng đặt nặng trật tự xã hội “Quân, Sư, Phụ” như Tàu: Vua, Thầy, Cha Mẹ. Nên Tứ Trọng Ân, theo Nho giáo, nói rất rõ ơn người không chỉ là ơn người đã giúp ta. Mà đó là ơn vua, ơn thầy (đa phần là thầy dạy học), ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng ta nên người và sau cùng là ơn chúng sanh...
Theo thời gian và với bản chất vô thường của vạn pháp, chân lý hôm nay có thể trở thành nghịch lý ngày mai. Hay có thể nói theo câu châm ngôn của Pháp “chân lý chỉ ở bên này rặng Pyréné”. Bên kia rặng Pyréné thì không phải là chân lý. Bây giờ không ai còn biết ơn vua nữa. Ở các nước dân chủ, nhất là ở Mỹ, tổng thống Biden bị người dân Mỹ cho điểm lên xuống và chỉ trích hằng ngày. Nhiều thầy cô giáo ở nhiều nước bị học sinh hành hung trong và ngoài lớp. Nhiều bậc cha mẹ già ở Mỹ, Việt Nam và khắp nơi bị con cái ngược đãi, bạo hành, thậm chí có khi bị con giết chết nữa. Đức Phật dạy rằng giết cha mẹ là phạm vào một trong năm tội Ngũ Gián; khi chết sẽ bị đoạ điạ ngục ngay lập tức.
Đức Thế Tôn cũng dạy trong kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân: “Ơn của thế gian và xuất thế gian có bốn bậc: một là ơn Cha Mẹ, hai là ơn Chúng Sinh, ba là ơn Quốc vương, bốn là ơn Tam Bảo. Bốn ơn như thế, hết thảy chúng sinh đều bình đẳng gánh chịu.”
Ơn Tam Bảo gồm ơn Phật bảo, ơn Pháp bảo, và ơn Tăng bảo. Sau này có người lại thêm ơn Giới luật, gọi là Thượng Tứ Ân, bốn Ân sâu lớn. Cũng thật là hay. Giới luật là thành trì vững chắc cho hai giới cư sĩ tại gia và hai giới xuất gia nương tựa để dừng nghiệp và chuyển nghiệp, sống an vui trong cuộc sống này và ra khỏi luân hồi về sau. Dù giới luật do Đức Thế Tôn đặt ra, nhưng biết ơn giới luật, tựa như lời nhắc nhở hằng ngày, giúp hành giả dễ tu tập tinh tấn, giảm được sự kềm toả của ngũ dục và ngũ triền cái.
Thọ Ơn Đời
“|Ơn vua, ơn quốc vương” là mang ơn các vị vua đã và đang trị vì đất nước vào một triều đại nào đó.
Ngày nay có thể hiểu là “ơn đời, ơn xã hội”. Là ơn với tất cả mọi người góp phần làm đời sống ta tốt đẹp, an lành hơn. Người làm ơn này có khi cả đời ta không gặp dù họ vẫn quanh quẩn đâu đây. Nhưng không có họ, mọi chuyện có thể rối loạn, đời ta có thể khốn đốn. Họ có thể là những người dọn vệ sinh, gom rác và đổ rác ở khắp nơi. Không có họ giúp một tay thì nơi ta ở sẽ ô nhiễm vì ngập tràn rác. Họ có thể là những công nhân làm đường, làm freeway ngày đêm. Không có họ, giao thông, đi lại sẽ vô cùng nguy hiểm khó khăn. Họ có thể là những nông dân cần mẫn trong nông trại; nhờ họ mà ta có lương thực, thực phẩm để dùng hằng ngày. Không có họ, ta sẽ chết vì đói. Trong đại dịch CoVid vừa qua, nếu không có những chuyên gia y tế, nhân viên phòng thí nghiệm miệt mài nghiên cứu thử nghiệm, rồi sáng chế các loại thuốc chủng ngừa mà hằng tỷ người trên hành tinh này, trong đó có ta, được an toàn, thoát chết. Thuốc chủng có rồi, nhưng không có người đóng gói, phân phối đi khắp nơi trong nước Mỹ và trên thế giới thì vẫn có người chết. Thuốc chủng có rồi, nhưng ta không biết chích vì ta không phải là y tá. Ta cũng có thể chết.
Nói thế là để minh họa vài “ơn đời, ơn xã hội”. Ơn này trùng trùng điệp điệp phủ lấp cả đời ta từ khi lọt lòng mẹ đến lúc thở hơi cuối cùng mà ít người chú ý nhận biết.
“Dẫu là hạt muối vậy thời,
Cũng là con Thọ Ơn Người vậy con.”
Thọ Ơn Vạn Loại Chúng Sinh
Vạn loại chúng sinh được Phật chia làm hai thành phần. Chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình. Các loài động vật có ít hay nhiều cảm xúc là chúng sinh hữu tình. Loài người là sinh vật hữu tình thượng tôn nhất. Cỏ cây hoa lá, gỗ đá, sông biển núi rừng, gió mây non nước, không khí môi trường... là các chúng sinh vô tình vì không có xúc cảm.
Động vật là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người từ bao ngàn năm nay. Tại các nước châu Âu, bò không chỉ cho thịt. Từ sữa bò, người ta làm ra các loại kem (cream), bơ, phô mai, sốt mayonnaise, shortening, sữa chua... Văn hóa ẩm thực Âu châu lệ thuộc gần như 100% vào các phó phẩm từ sữa này. Không có chúng, người Âu Mỹ sẽ nấu nướng ăn uống như thế nào đây? Gần nhất là không có bơ thì làm sao có bánh kem hay các loại bánh hấp dẫn khác để ăn.
Nhưng cơ thể con người nào chỉ đơn giản như thế. Con người vô cùng cần các loại sinh tố, vitamins, các loại chất khoáng và chất tinh bột để phát triển, tồn tại và có sức khoẻ tốt. Những chất này, ngoại trừ sinh tố B12 có trong gan bò, tất cả đều chỉ có trong rau củ quả và các loại hạt mà thôi. Không ăn thịt, người ta vẫn sống đến trăm tuổi. Nhưng không ăn rau trái, người ta sẽ bị đủ thứ bệnh rồi từ từ chết mà không cứu chữa được. Con người có thể sống mà không ăn ba, bốn tuần. Nhưng sẽ chết chắc sau vài ngày không có nước. Các nghiên cứu đã làm ra thịt trong phòng thí nghiệm. Nhưng cho đến nay chưa nhà khoa học nào có thể chế tạo ra nước. Hãy chờ xem trí tuệ AI có làm được không nhé.
Gần đây, các chuyên viên y tế cũng cho thấy các loại vi khuẩn hay vi sinh trong hệ tiêu hóa của chúng ta không chỉ giúp việc tiêu hoá nhanh chóng dễ dàng mà còn ảnh hưởng rất mạnh đến sức khỏe não bộ và hệ thần kinh con người nữa.
Và cũng nên nhớ nếu mặt trời không cho trái đất ánh sáng và sức nóng, nếu không có mưa cho nước, sẽ không có lúa mì, gạo, rau củ trái cây cho các sinh vật trên hành tinh này sinh tồn.
Thế mới biết con người lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và các loại chúng sinh khác, đặc biệt là các loài chúng sanh vô tình bên ngoài và bên trong cơ thể chúng ta. Và sự hỗ trợ âm thầm tựa như vô hình này vẫn diễn ra từ vô thủy đến hôm nay ở khắp mọi nơi. Vì âm thầm nên bao người vô tư đón nhận mà chẳng quan tâm gì hết.
Lợi Ích Của Lòng Biết Ơn
Giả sử một tỷ phú đem theo một núi tiền nhưng lạc trong sa mạc đã nhiều ngày và cũng mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Lương thực đã hết. Nước cũng đã hết. Nếu không được cứu kịp thời, anh nhà giàu này chắc chắn sẽ bỏ mạng ở đó như bất cứ một người bình thường nào khác. Núi tiền không giúp anh ta mua được nước để cứu mạng mình. Tiền vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Vì thế có câu “ money is verything”, tiền là tất cả. Nhưng “money is not everything”, tiền không là tất cả, trong tình huống này. Đời sống các loài vô tình và hữu tình trên mặt đất này là đời sống cộng sinh. Tất cả dựa vào nhau mà sống. Giàu như tỷ phú hay danh vọng ngất ngưởng, quyền lực ngút trời hay thành công rực rỡ cũng không thể tách con người khỏi sự cộng sinh này.
Hiểu được như vậy sẽ thấy rõ mình chẳng là cái đinh gì cả. Từ đó mà thấm thía ơn người, ơn đời, ơn vạn loại chúng sinh.
Nhờ lòng tri ân mà ta sống hoà hợp với mọi người, làm tất cả cho mọi người mà không mong cầu hồi đáp. Nhờ lòng tri ân vạn loại, lòng tri ân Mẹ Thiên Nhiên, Mẹ Đất, Mother Earth, chúng ta thích sống khiêm tốn, cần kiệm, tri túc, trân quý từng giọt nước, tận dụng từng cộng rác, nước thải, và đặc biệt là tăng trưởng ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau vì hiểu rằng “không gì mất đi mà chỉ là sự chuyển hoá từ trạng thái này sang trạng thái khác”. Như thế, chỉ với lòng biết ân, không dụng công nhiều mà cái tôi dễ bị bào mòn. Bạn ơi! Ngã mạn càng mòn, ngày sáng đạo càng gần.
Hơn nữa, có ai biết chăng với lòng tạ ơn chân thành sâu sắc, bữa ăn chay đạm bạc sẽ thành dược phẩm trị bách bệnh, thuốc uống vào trị bệnh sâu mầu mà chẳng bị hoặc rất ít bị phản ứng phụ.
Nhân mùa Lễ Tạ Ơn, thân ái tặng bạn mấy vần thơ sau đây để khép lại bài.
Ân nào nặng nhất trong tứ Ân?
Mẹ Cha, Tam Bảo hay Muôn Loài?
Ơn nào cũng nặng như nhau cả
Thiếu một Ân là chẳng có ta.
Đừng chỉ đáp Ơn mùa Tạ Ơn
Hãy nhớ đền Ơn mỗi mỗi ngày.
Làm điều tốt đẹp cho tất cả
Là cách tuyệt vời để trả Ơn
Đời dù mong manh như mộng huyễn
Đời vẫn đẹp sao lòng Báo Ân!
Ngọc Huyền, December 2023
Hận thù vẻ vào cát.
Ơn nghĩa khắc vào đá.
Tâm Thiện Đức