Hồi ký chuyến hành hương 2023
Thưa Ni sư,
Đây là hồi ký chuyển hành hương mà được Ni Sư hướng dẫn.
Con xin lỗi trước nếu có lỗi về những từ hay chính tả vì như Ni sư biết, con không thông tiếng Việt bằng tiếng Pháp nhưng con ráng viết với tự điển kế bên.
Sau 8 tiếng hành trình ,chuyến máy bay bắt đầu đáp xuống New Delhi trưa ngày 7/11.
Thành phố nhìn từ trên cao như bị bao trùm bởi một lớp sương mù màu xám.
Hình như là New Delhi là thành phô bị ô nhiễm nhất thế giới hiện nay.
Lấy hành lý xong, Liên và Tâm Phổ được đón tiếp bởi Shakya con ông chủ hãng du lịch và 3 Chị đã tới trước từ Melbourne.
Trong vòng 14 ngày, 49 người từ Úc, Mỹ, VN và Pháp sẽ trải nghiệm một cuộc Hành Hương trên Xứ Phật đầy tương phản và thú vị nhờ sự dẫn dắt của Ni Sư Triệt Như .
Sáng 8/11 cả đoàn trên 2 xe bus tiến về Agra, nơi Vua Jahan đã xây đài Taj Mahal để tưởng nhớ người vợ yêu Mumtaz Mahal đã mất.
Cả thế giới cho đó là Đài Tình yêu. Nếu nghĩ xa hơn thì là Đài Đau khổ. Chẳng nhưng Ông đau khổ mà bao nhiêu mạng người đã mất trong việt xây cất Đài này mà rốt cuộc chỉ có chứa 2 ngôi mộ.
Sáng 9/11 , hành trình 12 tiếng đưa đoàn đến Srasvatti. Nhờ ban văn nghệ (A.Tâm Chiêu, Tăm Đăng và Chị Thu Hà) nên chuyến đi bớt "ngán" và mọi người có dịp quen biết nhau thêm.
Hôm sau 10/11 ta viếng Kỳ Viên tinh xá (Jetavana) tỉnh Srasvatti, nơi mà Đức Phật đã định cư 24 mùa mưa. Khu vườn này đã được cúng dường bởi Ông Cấp Cô Độc và vua Jeta cho Đức Phật lúc bây giờ đã được nhiều đệ tử .
Khu vườn thật yên tỉnh rất xa sự xáo trộn bên ngoài nên Ni Sư mời phái đoàn ngồi định vài phút cũng gần như mỗi lần mình đến thăm một nơi quan trọng trong di tích Phật Pháp.
Sau khi ăn trưa, cả đoàn lên đường đi Lumbini(Nepal), nơi Phật ra đời.
Tuy là cách Srasvatti dưới 300km, phải ra biên giới Ấn Độ rồi vào biên giới Népal , mỗi lần phải lên xuống xe và chờ khá lâu nên khi tới khách sạn, đêm đã xuống từ lâu và mọi người đều mệt mỏi.
Sáng 11/11 cho ta đi viếng thành Kapilavastu (Ka tỳ la vệ), được công nhận bởi Unesco là vương quốc của Hoàng tộc Shakya , hiện giờ chỉ còn những nền đá vì đã bị vua xứ Kosala xâm chiếm và tàn phá.
Buổi trưa sau khi ăn cơm, chúng ta được đi viếng cái Tứ động tâm đầu tiên:
Nơi Đức Phật ra đời tại Lumbini.
Nơi đó hiện giờ có 1 Đài kỷ niệm cho Hoàng hậu Maya và 1 cây cột mà vua A Dục đã xây để cho biết là một nơi quan trọng trong Phật giới.
Nơi đây, Ni sư đã làm lễ giao duyên cho một Phật tử từ Adelaide. Một buổi lễ trang trọng và đầy cảm động.
Sau một đêm nữa ở Lumbini; 12/11 phái đoàn lên đường trở về Ấn Độ viếng Tứ động tâm thứ hai là nơi Phật nhập niết bàn (Mahaparinirvana) tại Kushinagar.
Nơi đó, họ cho viếng nơi Đức Phật uống nước lúc cuối cùng và một đền thờ trong đó có tượng Phật nằm rất lớn và một đền stupa vĩ đại để tưởng niệm nơi thiêu ngày.
Hôm 12/11 cũng là lễ Diwali của dân bản xứ nên sau khi ăn Shakya và các bạn có đốt cho đoàn ta xem 1 tràng pháo bông trước khách sạn.
13/11 Lên đường đi Bồ Đề đạo tràng (Bodhgaya) nơi Đức Phật thành đạo .
Đó cũng là tứ động tâm thứ ba.
Trên đường được viếng thành Vaishali.
Đây là nơi Phật giảng Pháp lần cuối cùng trước khi đi Kushinagar.
Quan trọng là nơi mà Phật làm lễ nhập đạo cho Mẹ nuôi Maharajapati và từ đó cho phép phái nữ vào tăng đoàn (Sangha).
Nơi đây còn có một stupa thờ phần tro của Phật và một cột của vua A Dục.
Tối đến Bồ đề đạo tràng. Sẽ ở tại đây 5 ngày vì nơi tứ động tâm này là nơi mà Đức Phật đã thành đạo.
Nơi mà Phật tử và du khách từ khắp nơi xuôi đến. Rất nhiều Phật tử ở Việt Nam.
Tuy vậy, điều rất khó hiểu là tỉnh này cũng tiếp tục còn là một nơi thật nghèo nàn.
Cảm tưởng là mọi chuyện bất đông bấy lâu nay ngoài tiệm buôn bán và vài xe hơi.
Sáng 14/11, Ni Sư hướng dẫn đoàn ta đến một khu vườn riêng trong khu vực Bodhgaya. Nơi đó tương đối yên lặng để ngồi thiền và làm lễ xuất gia cho cô Như Sen.
Một buổi lễ đầy trang trọng .
Mọi người sau đó có thể đi viếng trung tâm khu vực: Đại tháp giác ngộ, trong đó có một tượng Phật khổng lồ, gần cây Bồ Đề mà Đức Phật được thành đạo sau khi ngồi thiền 49 ngày.
Trong vườn đó gồm có các nơi mà Ngài đã đi qua sau khi thành đạo.
Riêng tôi, nhận thấy năng lượng và sự nhiệt tình của mọi người quá nhiều để thanh thản mà thiền nơi đây (có lẻ vì tâm linh chưa được cao) nên rất tri ơn Ni Sư đã cho mình thiền trong khu vườn riêng.
Những ngày hôm sau, được viếng:
-Núi Linh thứu, nơi Đức Phật lưu trú 7 năm sau khi thành đạo và giảng những bài kinh quan trọng,
-Di tích còn lại của Đại học Nalanda là Đại học thứ nhất trên thế giới (500 năm trước Oxford bên Anh Quốc) mà xưa có chứa 9 triệu sách về Phật Pháp, thật là đau lòng khi biết gần như tất cả các quyển sách đó đã bị hỏa hủy trong vòng 3 ngày.
Hòa thượng Huyền Trang là một người có nhiều thành tích cho Phật giáo vì khi về Trung Quốc , ông đã mang về 657 văn bản Phật giáo.
-Khu rừng mà ngày Gautama đã tu khổ hạnh trong 6 năm trước khi bà Sujata dâng cho Ngài một bát chè cơm nấu sửa .
-Trúc lâm thiền viện mà Ngài lưu trú khi đến vùng này để giảng Pháp.
Ngoài ra chúng tôi cũng được viếng các ngôi chùa Tây Tạng, Việt Nam, Nhật Bản và thích nhất là một ngôi trường cho các trẻ em nghèo khó trong vùng do các Ni cô chùa Kiều Đàm Di đảm trách.
Sau 5 ngày tại Bồ đề Đạo tràng, Ni sư hướng dẫn đoàn đi đến Sarnath (Lộc Uyển) chiêm bái tứ động tâm cuối cùng là nơi Đức Phật sau khi được giác ngộ đã chuyển bánh xe Pháp lần đầu cho các vị đã tu khổ hạnh với Ngài khi xưa.
Gần đó là thành phố Varanesi (Benares), để sáng sớm hôm sau chúng ta được đi thuyền trên sông Hằng (Gange), sông linh thiên của người bản xứ.
Ni sư nhận xét là số đông đoàn mình nhìn bên thành phố nơi có nhiều chuyển động và giải trí. Cô gợi ý mong dẫn đám đông qua bên bờ giác ngộ bên kia sông ....
Trưa hôm đó 19/11, phái đoàn lấy máy bay trở về New Delhi.
Tới phi trường, xe bus chở đoàn đến thẳng bảo tàng viện để chúng ta được chiêm bái một trong tám xá lợi Phật mà gia đình Shakya để lại cho bảo tàng viện.
Nhờ vì bảo tàng viện sắp đóng cửa nên ít người. Một số bạn có được ngồi thiền vài phút nơi đây.
Vậy là chấm dứt một cách tuyệt vời một hành trình đầy thú vị mà chúng ta được học hỏi rất nhiều nhất là chúng ta được đi cùng Ni sư trên xe bus.
Sau đây con xin thưa với Ni Sư vài nhận xét mà con nghĩ là nhận xét chung :
-Xứ ẤN ĐỘ còn giữ xã hội giai cấp rất nhiều vì quyền lợi của thiểu số. Có lẻ vì vậy nên còn rất nhiều sự nghèo nàn đáng thương vì những người trong giai cấp Dalit (thấp nhất) nghĩ là sanh ra vậy thì chịu vậy thôi.
Đạo Phật lại muốn bỏ giai cấp nên Đạo nầy không được phồn thịnh bên đó.
-Đi Ấn Độ để xem những thánh tích về Phật là chuyện nên làm dù là trong đạo hay không vì sẽ nhận ra là ta may mắn sống trong xã hội công bằng và văn minh hơn.
Nếu trong đạo thì sự hành trình này rất ích lợi cho sư tu tập vì cảm thấy gần gũi Đức Phật hơn vì Ngài cũng là một người bình thường tuy là Hoàng tử mà đã bỏ hết để trải nghiệm nhiều cách tu trước khi Đại giác ngộ.
Vì vậy làm mình kính nể Đức Phật như là Thầy vì dạy cho mình những chuyện không nên làm và khuyến khích mình nên trải nghiệm chánh đạo hơn là chỉ nghe ông kể thôi.
Một lần nữa, con xin tri ơn Ni Sư đã tạo duyên cho chúng con được đi cái khóa Pháp đặc biệt này. Về nhà tụi con phấn khởi hơn trên đường tu tập.
Con Kiêm Liên.