NIỀM VUI GIẢI THOÁT
Có bao giờ ngồi xuống, bạn nhìn lại cuộc đời mình, để rồi nhận ra cuộc sống con người chỉ gồm những vòng lẩn quẩn.
Này nhé, khi sinh ra, em bé bú sữa mẹ, sau đó mọc răng nhai được thức ăn, rồi khi về già rụng hết răng, không nhai được thì lại phải uống sữa.
Này nhé, khi trưởng thành, chúng ta làm quần quật không màng tới sức khỏe, cày 2-3 jobs để kiếm tiền, rồi khi về già đổ bệnh ra, lại phải dùng tiền mà chữa bệnh mua lại sức khỏe.
Này nhé, 2 vơ chồng son buồn chán nên muốn có con đàn cháu đống cho vui cửa vui nhà, rồi khi về già con cháu đủ lông đủ cánh bay đi hết, còn lại 2 "khỉ già" ngồi nhìn mặt nhau.
Này nhé, khi trẻ thì mua nhà cho lớn, cho to, rồi khi về già lại down size bán nhà to mua nhà nhỏ.
Này nhé, khi chào đời hai tay trắng, cả một đời bôn ba, đấu tranh để nắm giữ mọi thứ, đề rồi cuối đời ra đi cũng trắng hai tay.
Bao nhiêu vòng lẩn quẩn, cứ như thế mà cuộc đời người xoay vần theo năm tháng. Và cũng bao nhiêu vòng lẩn quẩn, cứ như thế mà con người luân hồi bao tăng kỳ kiếp.
Vì sao đời người cứ lẩn quẩn bao nhiêu đó? Đức Phật dạy rằng chính 5 thứ ái dục đã trói chặt chúng sanh từ kiếp này sang kiếp khác. Đó là:
- Tài: Tiền thì ai cũng muốn, cũng ham. Người xưa có câu "Có tiền mua tiên cũng được". Không có tiền thì bỏ mồ hôi công sức ra mà kiếm. Có rồi thì lại tham, dùng mọi cách, thậm chí mọi thủ đoạn để càng có nhiều hơn.
- Sắc: Không chỉ là vẻ đẹp, như đàn ông mê sắc của đàn bà. Sắc còn là những hình tướng bên ngoài ta có thể nhìn thấy, như nhà to, xe hơi mới, v.v... những thứ khiến con người khởi lòng mê đắm.
- Danh: Danh tiếng, quyền uy, địa vị. Con người ai cũng muốn được nể trọng, muốn nói câu nào cũng được ngợi khen, được mọi người tuân nghe răm rắp.
- Thực: Ham ăn. Ông bà mình có câu "Có thực mới vực được đạo" cho thấy cái ăn rất quan trọng. Hay "Trời đánh tránh bữa ăn" muốn ám chỉ làm gì thì làm, phải để tui ăn xong cái đã. Tham ăn khiến con người giết tất cả mọi sinh vật, luôn cả dế, cào cào, châu chấu. v.vv, hễ con gì còn ngọ ngọe là con người cho vào miệng tuốt.
- Thùy: Ham ngủ. Nhiều người biết tu tập rồi, biết bố thí, bớt màng danh lợi, ăn chay, nhưng tham ngủ vẫn cứ còn.
Với bạn, trong 5 thứ ái dục trên, thì thứ nào là khó dứt bỏ nhất?
Càng dính mắc, càng ham cảm thọ khoái lạc do 5 thứ ái dục trên mang lại, thì chúng ta càng khó tu, hay nói rõ hơn là tu thì tu, nhưng đường tu không bao giờ thăng tiến. Khi ăn mà nếu cứ xuýt xoa khen ngon, chê dở thì có tu cũng sẽ dậm chân tại chỗ. Sáng nào mà cứ ngủ nướng tới "cháy khét" thì làm sao mà tinh tấn?
Thông thường thời trai trẻ, con người ta tham danh, tham tài, tham sắc. Tới tuổi xế chiều, nhìn lại quá khứ, chỉ còn là kỹ niệm. Hướng tới tương lai, cái chết đang chực chờ. Khi đó, chúng ta mới bắt đầu tập buông bỏ. Tuy nhiên, thực và thùy vẫn đeo bám chẳng buông tha.
Đức Phật dạy rằng có những niềm vui, những hỷ lạc đến từ bên trong mà chỉ những ai tinh tấn tu tập mới tự nếm được hương vị.
Người đời thường cho hành thiền là tiêu cực, khổ hạnh, ép xác, gò bó, mất tự do về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng người thật sự tinh tấn tu tập sẽ hưởng được nhiều niềm vui bên trong. Người phật tử nhiệt tâm đặt niềm tin nơi Tam bảo, tin tưởng vào sự giác ngộ sẽ đem hết cuộc đời mình thực tập Chánh pháp, thực hành Giới, Định, Huệ, thì chắc chắn sẽ được an vui.
■ Vui trong Giới: Trong khi người đời cho giữ giới là mất tự do, không còn được hưởng thụ thì người tu có trí tuệ, tin nhân quả biết rõ mình sẽ được an vui, được tự do khi giới hạnh trong sạch, không tạo nghiệp xấu về thân khẩu trong hiện tại cũng như trong tương lai.
■ Vui trong Định: Nhờ tinh tấn miên mật ngồi thiền, kinh hành, trạng thái an lạc, hoan hỷ sẽ phát sanh do tâm được an trụ, thanh tịnh, vắng lặng.
Có năm loại hỷ sanh khởi khi có tâm định:
▪︎ Tiểu Hỷ: Cảm thấy lâng lâng, sảng khoái.
▪︎ Sát Na Hỷ: Hoan hỷ đến chớp nhoáng, mạnh hơn tiểu hỷ.
▪︎ Hải Triều Hỷ: Thân nhẹ nhàng như có sóng biển vỗ nhẹ vào từng chập.
▪︎ Thượng Thăng Hỷ: Thân cảm thấy nhẹ như bông, như bay bổng lên khỏi chỗ ngồi.
▪︎ Sung Mãn Hỷ: Trạng thái thân tâm mát dịu thấm nhuần toàn thân như nước tràn đầy, không thấy đói khát.
■ Vui trong Huệ: Đây được gọi là hoan hỷ giải thoát, có được từ kinh nghiệm, hiểu biết sự thật, giải tỏa được mọi thắc mắc về giáo pháp, về giác ngộ. Sự an vui giải thoát này là "của báu" vĩnh viễn vì khi được rồi thì còn mãi, trong khi vui giới và định lúc có, lúc mất.
Khi hành thiền, gặp bất cứ niềm vui sướng (hỷ, lạc) nào cũng đừng vội an hưởng mà phải chánh niệm ghi nhận, phải hiểu rằng đây là cái vui còn tạm bợ, còn tương đối, còn thay đổi, không nên bám giữ nó. Như người đi đường xa khi chưa tới đích, dù gặp nhiều điều ưa thích dọc đường cũng không dừng chân lại, mà cứ vững chí tiếp tục đi.
Một khi đã chọn cho mình đường tu để giải thoát khỏi đau khổ do sinh, già, bệnh, chết thì bất cứ giá nào ta cũng phải đạt cho được niềm vui giải thoát có được từ sự tu tập tinh tấn miên mật này. Loại niềm vui hạnh phúc này không bao giờ bị mất mát hay bị tiêu hoại.
Đối với người Phật tử đang bước theo dấu chân Đức Phật, trên thế gian này không có ngọc ngà châu báu nào có thể so sánh bằng pháp bảo, bằng sự giác ngộ. Nếu không cố gắng thấy được vô thường ngay bây giờ trong từng giây phút, thì một ngày nào đó vô thường cuối cùng sẽ đưa ta vào khổ cảnh. Một niệm thấy vô thường là một niệm không tham, sân, si. Một niệm thấy vô thường là một niệm giúp ta thu ngắn cuộc hành trình trong sinh tử luân hồi.
Mỗi chúng ta đều có khả năng tạo hạnh phúc cho chính bản thân. Hãy cố gắng lìa xa ái dục và tự tìm cho mình niềm vui giải thoát.
Như Chiếu
Như Chiếu
Send comment