SOI GƯƠNG
Hoàng Thanh
Sáng nào trước khi đi làm mình đều soi gương, chải tóc, xịt keo, xức kem dưỡng da. Các ông thì cạo râu, xức "brillentine" cho mái tóc bồng bềnh, láng bóng. Ngày nào soi gương mà thấy một cục mụn nhú lên thì ôi thôi, phải lo đi mua thuốc xức cho bằng được. Vì sao? Mục đích là để làm đẹp, để ra đường cái Ngã được người khác ngợi khen.
Vậy có bao giờ trong đời mình soi gương để nhìn lại TÂM mình? "Soi gương" để tự nhìn lại Tâm, trong Đạo Phât còn gọi là "phản quang tự kỷ". Vậy chúng mình hãy cùng tìm hiểu nhé!
1 . Thế nào là soi gương ?
Đối với người tu học :
a) Nhìn vào trong: để sửa đổi tâm mình
- nhìn vào bản TÂM mình, nhìn vào những … góc khuất của tâm
- nhìn vào THÂN mình , nhìn từng những sinh hoạt lớn nhỏ trong nếp sống hàng ngày của mình
b) Nhìn ra ngoài: để phát triển bản thân mình
- nhìn người khác để:
+ học hỏi điều hay , điều tốt của họ để mình bắt chước
+ để thấy những điều dở, điều sai của họ để mình tránh
Tất cả những điều nầy, đều là soi gương .
Ngược lại , nếu nhìn người khác để thấy mình hay, mình giỏi, để khen mình hay để chê cười người khác thì gọi là … đập gương .
2) Thực hành việc soi gương :
Trong Phật Pháp, hành trình tu học trên lý thuyết được thực hiện dựa trên công thức Giới , Định, Tuệ
a. Về Giới học: khả năng kiểm soát thân và khẩu
- Đối với người xuất gia: phải học Luật trước để biết những điều luật nên làm và những điều cấm không nên làm
- Đối với cư sĩ:
* phải học giáo lý căn bản để biết những gì nên làm và không nên làm , lấy kinh điển làm căn bản trong cuộc sống của mình để coi mình làm có đúng chưa?
* một người cư sĩ cứ thường xuyên sử dụng email, tin nhắn, điện thoại, v.v để giải trí, như vậy có tốt chưa, có đúng chưa?
Hay là dùng những phương tiện nầy để gieo rắc phiền não cho người khác?
Đó là soi gương về Giới học!
b. Về Định học: thực tập hành thiền để có được nội tâm an yên và nhờ sự tĩnh lặng đó, mình mới thấy được nội tâm của mình ra sao
c. Về Tuệ học :
- quan sát những cử động của thân trong tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi, co duỗi, nhúc nhích trong mỗi giây phút; mỗi sinh hoạt hàng ngày gọi là Chánh Niệm )
- quan sát hơi thở vào ra để biết hơi thở dài, ngắn ra sao
- quan sát để biết được mình đang ở trong tâm trạng gì? cảm xúc gì?
d. Về cách nhìn:
- nhìn vào bản thân: để phát triển điều hay , chỉnh sửa điều dở
- nhìn ra ngoài: để thấy cái hay , cái tốt của người khác để học hỏi . Để thấy điều xấu, điều lỗi của họ để mình tránh
4) Mỗi người trong chúng ta đều có :
a. Tiền Nghiệp
b. Khuynh hướng tâm lý
c. Môi trường sống
Tuỳ thuộc vào ba yếu tố nầy nên mỗi người trong chúng ta đều có cái nhìn khác nhau , tâm lý khác nhau. Và chính cái tâm lý khác nhau đã cho mỗi người chúng ta có cái nhìn khác nhau trong mọi sự việc .
ĐIỀU QUAN TRỌNG THIẾT YẾU là:
- con đường nào, pháp môn nào khi mình đi theo, càng hành trì mà mình càng bớt tham dục, muốn xa lánh đám đông , giúp cho mình tinh tấn hơn, an lạc hơn là đúng , đó chính là Phật Pháp.
- không để bị lôi cuốn theo sở thích của mình trong sách báo, âm nhạc, thi ca v.v.. Mà những sở thích nầy được xây dựng theo ba yếu tố: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý (lậu hoặc) và môi trường sống và như thế cứ xoay vòng mãi (bánh xe luân hồi).
- cầm một quyển kinh, một quyển sách phải coi từ trong quyển sách đó mình đã học được những gì?
- phải xem món ăn của mình có tốt cho sức khỏe hay không?
- thời gian còn lại trong cuộc đời rất là ngắn ngủi , mình đang bước vào giai đoạn suy sụp của cuộc đời mình nên phải “ cố gắng “ chỉnh sửa và làm chủ những ý thích của mình . Làm theo những cái mình cần chứ không làm theo những điều mình thích.
Tóm lại:
Soi gương là soi lấy bản tâm của mình, soi cái mình thích, soi cái mình ghét. Vì không
phải cái mình ghét đã là xấu hay cái mình thích là tốt .
Soi gương là phải coi mình, coi đời. Phải thấy mình đang khổ và mình muốn thoát khổ. Muốn thoát khổ thì phải “buông“. Mà muốn “buông“ thì phải thấy cuộc đời nầy là khổ.
Do vậy phải sống trong Chánh Niệm thì mới thấy cuộc đời nầy là khổ. Có thấy cuộc đời nầy là khổ thì mới buông. Buông được bao nhiêu thì bớt khổ bấy nhiêu .
Bớt khổ ở đây nghĩa là không còn … nắm nữa. Cái khổ ở đây là gì ? Là quan niệm thân nầy là tôi, là của tôi, nên khi sắp ra đi thì vẫn sợ, vẫn tiếc nuối điều nầy, điều kia …
Nếu từ trước đến giờ, chúng ta soi gương theo công thức "chải đầu, xức kem, cạo râu..., thì nay hãy tập soi gương mỗi ngày theo công thức "Giới - Định - Huệ". Khi Tâm ta thay đổi tốt hơn thì cuộc sống cũng thay đổi, thân tâm hài hòa, thần sắc trong sáng, có phải là đẹp hơn xưa?
Hoàng Thanh
(ĐT Montreal)
Send comment