Xâu chuỗi bồ đề của chính mình
Ba bài viết của Cô về các xâu chuỗi bồ đề (của Đức Phật, Tỳ kheo và Bồ tát) đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong đạo tràng chúng con.
Có phật tử cho rằng sợi chỉ đỏ tượng trưng cho ý chí tu tập, như dòng máu đỏ từ tim chảy tuần hoàn nuôi cơ thể. Đức Phật, Tỳ kheo hay Bồ tát đều bắt đầu từ sự quyết tâm tu thì mới có kết quả cuối cùng là giải thoát. Có thiền sinh lại nói gút thắt là ngụ ý cho sự vô minh, con người tự cột, tự trói mình vào tham ái lậu hoặc, nên phải trải qua một chặng đường dài (vô lượng kiếp), qua nhiều giai đoạn (nhiều hột bồ đề) để rồi cuối cùng lại trở về mốc xích ban đầu là phải dứt trừ vô minh.
Xâu chuỗi của Đức Phật, Tỳ kheo hay Bồ tát đều có một chỉ đỏ xuyên suốt 15, 16 hay 10 hột bồ đề. Sợi chỉ từ điểm khởi đầu, đi một vòng, lại trở về nơi xuất phát, kết thành nút nơ đỏ. Hay chính từ nút nơ đó mà phát sinh ra sợi chỉ?
Đức Phật bắt đầu bằng sự tỉnh ngộ, khi Ngài nhận ra lẽ vô thường của cuộc sống: sinh lão bệnh tử. Chính nhờ tỉnh ngộ mà Ngài biết rõ mục tiêu là phải đi tìm con đường để giải thoát con người khỏi sinh tử luân hồi. Và kết quả cuối cùng, Ngài đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Các vị Tỳ kheo, nhờ nghe pháp, nhận ra cuộc đời là bể khổ nên quyết định cắt ái ly gia, thọ đại giới, tu tập thân-lời-ý thanh tịnh cho đến khi chứng ngộ quả vị A la hán. Khi đạt được quả vị này thì các Ngài nhập Niết-Bàn.
Khi còn thân, thì gọi là Hữu-Dư-Y-Niết-Bàn. Trong thời gian này các ngài đi giáo hoá chúng sanh. Khi bỏ thân, thì nhập Vô-Dư-Y-Niết-Bàn, không tái sanh nữa.
Bồ tát là những người có nguyện vọng tu thành Phật, hoặc những ai có ước nguyện tự giác giác tha, không nhập Niết-Bàn, "đời đời thừa hành Bồ-Tát đạo". Mục tiêu tu hành của những vị này là nhắm tới quả vị Phật chứ không dừng ở quả vị A-La-Hán.
Xâu chuỗi của Đức Phật, Tỳ kheo hay Bồ tát đều kết bằng những hột bồ đề. Bồ đề là danh từ dịch âm từ chữ "bodhi" trong tiếng Phạn, có nghĩa là giác ngộ. Xâu chuỗi nhiều hột bồ đề là quá trình dài đi từ tỉnh thức đến đạt ngộ. Chứng đạt giác ngộ là thể nghiệm cá nhân và vì vậy chỉ có người đạt ngộ mới thấu triệt bản chất và ý nghĩa của giác ngộ.
Đại thừa phân biệt ra ba loại Bồ-đề: giác ngộ cho chính mình (giác ngộ của một vị A la hán), giải thoát cho chúng sanh (giác ngộ của một vị Bồ tát) và giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật.
Con đường tâm linh khởi đầu bằng trí năng tỉnh ngộ. Nhận ra đời là khổ, hiểu được vô thường, từ đó biết mình phải làm gì, biết rõ mục tiêu con đường mình đi. Nghe, hiểu rồi thực hành. Tu từng chút một. Bớt ăn ngon mặc đẹp. Cẩn trọng thân khẩu ý. Biết xấu hổ khi làm việc bất thiện. Chú tâm cảnh giác. Giữ gìn chánh niệm. Tu tập là cả một quá trình dài đi từ tâm lăng xăng đến tâm không còn vọng niệm.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt những hột bồ đề là quá trình chuyển từ cái Biết có lời đến Nhận thức Không lời. Nói một cách khác, sợi chỉ đỏ là quá trình tu tập để giúp Phật tánh hiển lộ. Nút nơ đỏ, xinh đẹp, vẫn có đó tự bao giờ, như Phật tánh ngời ngời ai cũng có, chứ đâu cần phải đi cả một vòng thì chỉ mới kết thành nơ?
Hạt bồ đề ai cũng có. Hãy tự kết thành xâu chuỗi của chính mình!
Như Chiếu