KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA STUTTGART 8-2023
Sau khi bế giảng khóa nhập thất ở Thụy Sỹ, nghỉ ngơi vài ngày, mình và cô Như Minh bay qua Đức. Stuttgart là một thành phố nhỏ ở nam Đức, cho nên luôn phải kết nối bằng một chuyến bay nội địa. Lần này chuyến bay từ Geneva qua Stuttgart phải qua 1 trạm là Munich rồi mới từ đó bay tới Stuttgart. Tới phi trường Stuttgart, không thấy hành lý đâu, cả hai, mình và cô Như Minh đều gởi 2 cái carry-on theo mày bay vì nghĩ là mình có chuyển máy bay nội địa nên cần đi nhanh. Không ngờ là 2 cái carry-on lại còn đi chậm hơn mình và đi lạc về đâu không biết. Được biết mình cần thông báo với hảng máy bay qua online việc mất hành lý, nên mình yên tâm ra về. Thế rồi, mỗi ngày hai thiền sinh, Quang Không và ông Tường Bách thay nhau lái xe ra tận phi trường Stuttgart, dự định nếu có hành lý thì mang về ngay. Buổi chiều nào cũng trở về tay không. Từ thiền viện Tánh Không Schenkenzell ra phi trường dường như 98km, lái xe khoảng 1 tiếng rưỡi nếu không kẹt xe. Cho tới khi chủ trì lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Đạo tràng Tánh Không Stuttgart mà không có khoác chiếc Y vàng và rồi bế giảng khóa tu 3 ngày, mình và cô Như Minh bay về Cali, cũng nhẹ nhàng vì không có hành lý. Cho tới nay, đã 12 ngày qua, phi trường vẫn không có 1 thông tin nào gởi tới.
Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm của đạo tràng Stuttgart (ngày 19 tháng 8- 2023) , tiết mục quan trọng nhất chắc phải kể là video chiếu lại những hình ảnh sinh hoạt trong các khóa tu học từ xưa, từ khi thầy Thiền Chủ khai giảng các lớp ban đầu, cho tới các năm sau này, Thầy chụp máy f-MRI tại trường đại học Y khoa Tubingen nam Đức, trong chương trình nghiên cứu của 2 ông tiến sĩ Michael Erb và Ranganatha Sitaram, về sự hoạt động của não bộ khi không Thiền (suy nghĩ) và khi Thiền (dừng bặt suy nghĩ). Từ những kết quả này, hai nhà khoa học có thể định vị được 4 vùng yên lặng khi Thiền ở phía sau bán cầu não trái: thấy, nghe, xúc chạm và nhận thức. Còn khi suy nghĩ thì vùng tiền trán hoạt động, hiện lên đỏ rực trên màn hình. Video ghi lại sinh hoạt của Đạo tràng từng năm, những hình ảnh cũ hiện ra, những con người sống động trở lại. Hai mươi năm qua, biết bao nhiêu là thay đổi, mà đạo tràng vẫn còn gắn bó cho tới bây giờ, thiệt đáng khen.
Khóa tu ở đây song ngữ Việt Đức, ông Tường Bách, cô Minh Tuyền và Minh Kiến thay nhau thông dịch. Thiền sinh khoảng 25 người, từ nhiều nơi tới, ở Paris đi xe lửa qua, ở Berlin rủ nhau lái xe tới, ở Goslar thì lái xe khoảng 8 tiếng về. Vì thiền viện ở vùng núi cao, đồi thông, rừng thông, cây cối xanh um, không gian tĩnh mịch, xa thành phố, nên tất cả thiền sinh đều ở rất xa thiền viện. Thành ra ai tới tham gia đều phải nhập thất luôn, nhưng không đủ chỗ nên nhóm Berlin phải ở khách sạn gần gần đó.
Giữa tháng 8 rồi mà thời tiết ở đây ban ngày giữa trưa rất nóng, chỉ sáng sớm và chiều tối là mát thôi. Thành ra sáng sớm và chiều mát, thiền sinh ra ngoài trời thiền hành, tập khí công, buổi trưa trưa nắng nóng thì chỉ ở trong chánh điện tu học. Khóa học chỉ tổ chức trong 3 ngày nên thời gian thực tập không nhiều, chỉ là nhắc lại cốt lõi thôi.
Ngày cuối, mình giải thích thêm về pháp Như Thực, ý nghĩa và từng bước thực hành. Tạm có 3 bước thực hành như sau:
- Bước 1: thấy, nghe, xúc chạm, Biết như thực, hay Biết cái đang là, hay cái Bây giờ và ở đây. Tâm trong sạch, bắt đầu khách quan, không dính mắc với cảnh, một cách tương đối. còn có thể dùng lời nói, hay so sánh phân biệt, vì mình còn phải sống bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, tâm không có tham, sân hay si trong lúc đó, tạm xem như bắt đầu có tuệ trí, và đây là tuệ trí có lời.
- Bước 2: không nói thầm nữa, chỉ Biết thầm lặng như thực qua thấy, nghe, xúc chạm. Khi tâm vững chắc, không diễn nói về cảnh nữa, là có định và tuệ đồng thời. Định vì là biết thầm lặng. Tuệ là biết khách quan. Ở đây còn tâm, còn cảnh. Cảnh là cái đang là. Chỗ này tạm xem như “đối cảnh vô tâm”.
- Bước 3: Buông cảnh, quay lại quan sát tâm mình, tức là tương tự lời đức Phật dạy ông Bāhiya: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri…” Tới đây xem như an trú trong tâm mình thôi, tâm mình đang trống rỗng, tĩnh lặng, xem như lúc diễn tả về đức bồ tát Quan thế Âm “nhập lưu vong sở” vậy. Bây giờ thấy tâm ra sao? Tâm “như vậy” thôi. Cảnh thì sao? Cảnh “như vậy” thôi. Đó là mình tạm diễn tả vậy chứ bấy giờ không có khái niệm gì hết thì đâu còn cảnh, cũng đâu có tâm.
Tiếp theo. cũng trong buổi học chót, mình đúc kết lại thực hành Niệm xứ, mình cũng tạm chia ra 3 bước như sau:
- Bước 1: tuệ tri là cái biết bằng trí tuệ, tức là trong sạch, tĩnh lặng, khách quan. Cái biết này là từ chân tâm, tuy nhiên có khi vẫn còn suy nghĩ, phân biệt đúng sai và có thể diễn tả bằng âm thanh lời nói. Cái biết này không có ý tham, sân hay si thì là của chân tâm. Bước 1 này xem như tạm gom tâm lại trong 1 đối tượng. Đối tượng thay đổi luôn vì là đời sống bình thường, nhưng mỗi lúc chỉ 1 đối tượng mà thôi. Đối tượng không ra ngoài 4 lãnh vực: thân, thọ, tâm pháp của mình. Bước 1 này là áp dụng Tuệ / Vipassanā. Cũng là Biết như thực.
- Bước 2: Quán/ Anupassanā. Trong đời sống hàng ngày, mình phải quán thêm, khai triển thêm sự hiểu biết về thế giới bên ngoài: nội (thân, thọ, tâm, pháp) và ngoại (thân, thọ, tâm, pháp). Xem như khai triển trong không gian. Sau đó khai triển thêm: hiểu tánh sanh diệt của thân, thọ, tâm, pháp. Xem như khai triển mặt thời gian. Bước 2 này quan trọng: xem như phá chấp, đoạn diệt “cái đối tượng” đang có, đang được biết qua giác quan, trong bước 1.
- Bước 3: An trú chánh niệm như vậy. Không chấp trước, không nương tựa bất cứ cái gì trong đời.
Đúc kết lại, bài kinh Niệm Xứ, là “con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn”. Từ đầu tới cuối, chỉ là cái Biết trong sạch, tĩnh lặng và khách quan của chân tâm mỗi người mà thôi. Bằng cái Biết này quan sát cái vũ trụ bé nhỏ trong thân tâm mình rồi cũng bằng cái Biết đó quan sát cái vũ trụ bao la bên ngoài, cả hai giống nhau, cùng là pháp sanh diệt. Thì là hết bám víu cái gì, là giải thoát.
4- 9- 2023
TN