HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

HT Thích Thông Triệt: Giáo trình_Các bài đọc thêm: ĐẠI CƯƠNG VỀ KHÁI NIỆM

05 Tháng Sáu 20225:21 CH(Xem: 1700)

ĐẠI CƯƠNG VỀ KHÁI NIỆM

  

 Trích trong Bài đọc thêm
"Chân Lý Qui ước"
do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn

Khoa Can Ban 2010, Toronto, # 5

 

VI. THÀNH PHẦN CƠ BẢN LIÊN HỆ TRONG TỤC ĐẾ

 

Để có thêm dữ kiện về thành phần trong tục đế, chúng ta cần biết rõ đại cương về “khái niệm”.

 

  • Khái niệm thuộc thành phần cơ bản của tục đế. Bởi vì không có khái niệm, tục đế hay chân lý qui ước không thành lập được. Nhưng khái niệm được hình thành thông qua tiến trình gọi tên hay tiến trình tạo thành ý nghĩ (ideation) về hiện tượng hay sự vật. Đây là hai mấu chốt của tục đế mà ta cần nắm cho vững để khi chuyển sang chân đế, ta liền biết cách đi vào hay ứng dụng, hoặc nhận ra cốt lõi chân đế.

 

  • Bất cứ tư tưởng cố định với ý nghĩ cố định đều là khái niệm. Dù là vật thể, sự kiện, thực thể, hiện tượng hay phẩm chất, nếu được thiết lập thành tên gọi, thành quan điểm, chúng đều là khái niệm. Trong cuộc sống con người, khái niệm là phương tiện trao đổi thông tin khi con người muốn trình bày tất cả kiến thức của mình cho người khác biết. Do đó, khái niệm trở thành thành phần cơ bản của suy nghĩ hợp lýdiễn tả hợp lý theo qui ước. Không có suy nghĩ hợp lý, không thể tạo thành khái niệm. Đồng thời, nếu diễn tả viễn vông, khái niệm cũng không thể thành lập.

 

Thí dụ, “chân như” là một khái niệm trừu tượng, nhưng trên mặt tục đế, cần truyền thông với nhau về pháp tối hậu của chân đế, ta phải nhờ vào khái niệm chân như. Trái lại, nếu diễn tả chân như bằng những lý luận siêu hình, khái niệm chân như sẽ trở thành huyễn hoặc. Người nghe không hiểu khái niệm đó là gì, hoặc tưởng tượng khái niệm đó mang nội dung kỳ bí nào đó. Đây gọi là diễn tả khái niệm không hợp lýsuy nghĩ không hợp lý.

 

Như vậy, suy nghĩ cũng là đầu mối tạo ra khái niệm. Đây là điểm ta cũng cần lưu ý.

 

  • trải qua nhiều khúc quanh và thăng trầm sóng gió, cuộc đời vẫn như là một dòng nước chảy liên tục, không bao giờ đứt quãng. Trong đó, hoạt động của con người không bao giờ ngưng nghỉ. Do đó, con người không bao giờ xa lìa khái niệm tư duy (conceptualized thinking). Khái niệm tư duy trở thành sự cần thiết trong sinh hoạt con người. Tuy nhiên, khi chưa triển khai được tánh giác, hay trí huệ Bát Nhã chưa phát huy, suy nghĩ là nét đặc biệt cơ bản của con người, khái niệm trở thành thành phần cần thiết của cuộc sống tạm bợ. Vì không suy nghĩ hợp lý thì không thể có khái niệm. Cuộc sống tạm bợ trở nên nhiều phiền toái. Nhưng đến khi tánh giác thường xuyên lộ ra, tâm phân biệt không còn tự động khởi lên, khái niệm tư duy trở thành không còn cần thiết nữa. Lúc bấy giờ ta liền kinh nghiệm chánh kiến hay chánh niệm.

 

• Theo chiều xuôi, đầu mối khái niệm khởi ra như sau: khi mắt thấy đối tượng, hình ảnh của đối tượng hiện lên trong nhãn thức (visual consciousness). Từ nơi đây Xúc (contact: phassa) sinh ra. Rồi từ nơi Xúc làm khởi lên cảm giác hay cảm nhận, gọi là Thọ (vedanā: feeling or sensation). Từ nơi Thọ, khái niệm không lời được lập thành. Ngay khi đó, cái lóe sáng biết đầu tiên liền có mặt. Đây là cái biết ngoại lệ (extraordinary awareness), được xếp là cái biết của bậc thánh. Nó là nền tảng của Bát Nhã hay trí huệ tâm linh. Nhưng con người phàm tục không nhận ra được năng lực này nên để cho những tiến trình khác đóng vai chủ động. Đó là Thọ tiếp tục truyền đến Tưởng là tri giác. Nơi đây cá nhân cảm nhận (feels), cảm thấy (perceives: sañjānāti) và bắt đầu tạo ra những tiến trình khái niệm với nhiều lý luận (reasons: vitakketi). Mạng lưới khái niệm được thành lập. Tưởng truyền đến Hành. Hành tạo ra những loạt phản ứng của tâm. Cuối cùng, một loạt khái niệm tư duy dưới nhiều dạng nội dung khác nhau tuần tự nối tiếp khởi ra. Các nhóm trí năng, ý thức, kiến thức (knowledge), ý căn cùng xen kẽ tham dự trong tiến trình suy nghĩ và tạo ra mạng lưới khái niệm. Từ điểm này cá nhân trở thành nạn nhân của tất cả loại suy nghĩ và khái niệm.

 

Tuy nhiên, bằng sự vận dụng tiến trình tư tưởng hợp lýthông minh, con người có thể kiểm soát tiến trình khái niệm, đem lại lợi ích cho việc tu tập hay việc đời. Chính vì thế, có nhiều nhà đại tư tưởng, khoa học gia, triết gia ở những lãnh vực khác xuất hiện trên thế giới. Điều quan trọng là ta biết dừng khái niệm tại nơi đâu và biết phát triển khái niệm từ chỗ nào. Đặc biệt nhất là ta biết khai triển cái lóe sáng biết đầu tiên, làm cho năng lực biết này được kéo dài thêm để phá tan quán tính tư duy hay quán tính suy luận của trí năng. Đây cũng là đầu mối ta cần nắm vững.

 

  • Theo chiều ngược, đầu mối của khái niệm khởi ra từ Tứ (vicāra). Chính Tứ  tạo ra một mạng lưới khái niệm hóa trùng điệp (the web of prolific conceptualization). Triều tâm (the flux of minds) hay sóng thức (the waves of consciousness) khởi lên từ chỗ này. Nhưng nếu không có Tầm (vitakka), là sự nói thầm hay định danh đối tượng, mạng lưới khái niệm cũng khó thành lập. Nhưng Tứ lại được lập thành từ tri giác, tức Tưởng (saññā - perception). Chính Tưởng tạo ra lý luận về những sắc thái tri giác. Như vậy, ta có thể nói, Tưởng là nơi tạo ra mạng lưới khái niệm hóa hay khái niệm có lời (verbal concepts). Vì muốn có lý luận, phải có khái niệm. Tuy nhiên, khi khái niệm có lời quá nhiều, hết viện dẫn điều này đến viện dẫn điều kia, làm cho người nghe chán ngấy, lý luận trở thành lố bịch, buồn cười, gọi là hý luận (ludicrous dialogue: prapañca). Đây là lúc Hành, tức sự phản ứng của tâm có mặt làm khởi lên đủ loại tâm sở. Nhưng Tưởng lại nhận tín hiệu thông tin từ nơi Thọ (vedanā - feeling). Thọ là nơi tạo ra những khái niệm không lời (nonverbal concepts). Nhưng nếu không có cái lóe sáng biết đầu tiên trong tiến trình giác quan tri giác (sense-perception), Thọ không thể khởi lên. Vậy Thọ khởi lên là nhờ cái biết tức thời (the immediate awareness). Đây là cái biết không khái niệm tư duy.

 

  • Khái niệm tư duyvấn đề cơ bản trên đó tất cả kiến thức hay tri thức (knowledge) được thiết lập. Trong Phật giáo, khi con người chưa thực sự giác ngộ, sự suy nghĩ này được xếp rộng rãi như chánh và tà (right: sammā; wrong: micchā). Chánh, đưa con người đến chân trí. Tà đưa con người đến phiền não. Nhưng muốn có chánh tư duy, đòi hỏi phải có chánh kiến hay chánh niệm.

 

  • Người phàm phu (ordinary worldlings), tâm chưa giác ngộ, thích khái niệm hóa nhiều vấn đề. Đó là lúc tự ngã liên tục dệt những nguyện vọng, hoài bão hay những ưu tư trong cuộc sống. Khi mạng lưới khái niệm càng được dệt, tâm linh hay chân tâm càng bị “chôn dấu”. Tiến trình tâm linh hay Phật tánh chỉ có thể phát sáng khi khái niệm hóa bị chấm dứt. Người nhiều vô minh thì thích tạo ra những mạng lưới khái niệm hóa dày đặc. Vì thế họ càng xa niết bàn, càng xa giác ngộ. Trái lại, họ gần phiền nãođau khổ.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
69,256