HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Bài Đọc Thêm: Đối Chiếu Kinh - PHẨM ĐÁNG ĐƯỢC CUNG KÍNH

10 Tháng Năm 20237:33 CH(Xem: 1275)

Bài Đọc Thêm

ĐỐI CHIẾU KINH

PHẨM ĐÁNG ĐƯỢC CUNG KÍNH

blank
"Như vầy tôi nghe:

"Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatti (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Đà Lâm), tại khu vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Tại đấy, Thế Tôn nói như sau:

- Thành tựu sáu pháp, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, không ưa thích, không ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng, không ưa thích, không ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

Thế Tôn thuyết như vậy. Các vị Tỳ kheo ấy hoan hỷ, tin thọ lời Thế Tôn dạy."

(Trích Phẩm ĐÁNG ĐƯỢC CUNG KÍNH, Tăng Chi Bộ Kinh, tập 3, tr. 9-10, do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Pàli tạng.)

 

GIẢNG

1. Ý NGHĨA

Đây là bài pháp Phật dạy các vị Tỳ kheo  thực tập bằng cách trong 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, khi mắt thấy các hình tướng, các màu sắc của cảnh vật, người, thú; khi tai nghe tiếng (âm thanh đủ loại, từ tiếng nhạc, lời ca đến những lời ngon ngọt, dịu dàng hay thô kệch, xấc xược, hỗn láo), mũi ngửi hương thơm hay khó chịu; lưỡi nếm vị cay, đắng; khi thân xúc chạm với đối tượng bên ngoài hay những cảm giác từ bên trong khởi lên; khi ý khởi lên những hình ảnh kỷ niệm xa xưa, những xúc cảm đau buồn hay vui sướng, hoặc những ý nghĩ do sự tác động của 5 giác quan liên hệ đến quá khứ, tương lai, và hiện tại, các vị đó cần phải "không ưa thích, cũng không ghét bỏ và tâm phải luôn luôn ở trong trạng thái bình thản hay thanh thản trước các đối tượng của giác quaný căn, mà Phật gọi là "trú xả." "Trú" là "ở trong," "xả1" là "bình thản hay thanh thản." "Trú xả" là ở trong trạng thái bình thản, trạng thái không dính mắc vào các đối tượng trong 3 thời quá khứ, tương lai và hiện tại. Nhưng làm sao đạt được "không ưa thích," 'không ghét bỏ," và "xả" trước các đối tượng của 5 giác quan và sự khởi lên của ý căn thuộc 3 thời? Ở đây, Phật không dạy gìn giữ sáu căn, cũng không dạy quán chiếu sáu trần là tạm bợ hay không có thực chất; Phật dạy pháp CHÁNH NIỆM VÀ TỈNH GIÁC. Nghĩa là dù sáu căn tiếp thu sáu trần hay sáu trần khởi động trong sáu căn, các vị Tỳ kheo luôn luôn phải nhớ là không khởi niệm phân biệt "ưa thích," hay "ghét bỏ" về các đối tượng đó, mà chỉ nhớ là duy trì niệm biết rõ ràng về các đối tượng đó thôi. Có như thế, tâm mới "bình thản" được. Niệm biết rõ ràng này chính là tánh giác vậy.

Như vậy, bằng cách thực hành chánh niệm và tỉnh giác, có khả năng giúp các vị Tỳ kheo đạt được trạng thái tâm không ưa thích, không ghét bỏ và bình thản trước các đối tượng thế gian, hay tâm không còn dính mắc vào các đối tượng khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần hay sáu trần tự khởi động bên trong sáu căn mà không có sáu thức tham dự vào. Chỉ vì tánh giác đã có mặt.

________________________

1. xả: thanh thản, bình thản: P: upekkhā: equanimity.  Một trong 4 vô lượng tâm, quan trọng bậc nhất về đức hạnh của người Phật tử. Nó là nền tảng của tâm giải thoát, vì nó không vướng mắc vào vui buồn và khổ đau, phiền não, vượt lên trên những phân biệt hai bên.

 

2. KẾT QUẢ

Nếu thành tựu trọn vẹn pháp chánh niệm và tỉnh giác trong 4 oai nghi, các vị Tỳ kheo xứng đáng được mọi người chắp tay cung kính, được mọi người tôn trọng, cúng dường, và được xem như có rất nhiều ruộng phước trên đời.  Riêng trên mặt tâm linh, vị Tỳ kheo đó đã thành tựu được cách làm cho tánh giác hiển lộ; bóng đen của vô minh hắc ám đã bị đẩy lùi để cho ánh sáng trí huệ được phát huy; tâm chấp trước đã bị đẩy lùi về quá khứ để cho tâm thanh tịnh, phóng khoáng, bao dung xuất hiện. Và đặc biệt là định và huệ đều đồng có mặt trong 4 oai nghi của vị Tỳ kheo đó. Bởi vì trên căn bản, tánh giác là hiện thân cho định và huệ.

 

3. ĐIỂM THEN CHỐT

Như vậy, xuyên qua bài kinh ĐÁNG ĐƯỢC CUNG KÍNH, ta nhận ra rằng Phật dạy các vị Tỳ kheo trong 4 oai nghi đều giữ chánh niệm và tỉnh giác để khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần (đối tượng), sáu thức không khởi động.  Có như thế các vị ấy mới không ưa thích, không ghét bỏ và trú xả.

Với hàng cư sĩ, nếu dựa theo bài kinh này để ứng dụng, ta không cần kềm giữ sáu căn, cũng không cần quán chiếu sáu trầnkhông thật, trái lại ta chỉ ngồi nhìn sự có mặt của sáu trần bên trong cơ chế sáu căn khởi lên mà tâm vẫn an tịnh; mặc tình cho các mô thức tri giác cứ luân phiên xuất hiện, nhưng chẳng quậy phá gì được bề mặt của tánh biết. Do đó, điểm then chốt của bài kinh nằm trong 4 chữ "chánh niệm tỉnh giác" mà ta cần nắm rõ nghĩa thuật ngữ này để thông suốt cốt tủy bài pháp. Đồng thời ta cũng soi rọi lại sự dụng công của ta qua pháp tỉnh thức biết trong bước 1 và bước 2 trước đây, xem Thiền và Giáo lý có đi chung với nhau không.

 

4. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CHÁNH NIỆM VÀ TỈNH GIÁC.

Về thuật ngữ, "chánh niệm và tỉnh giác" xuất phát từ trong nhóm từ của tiếng Pàli là sati ca sampajañña ca (mindfulness and clear awareness) mà Phật thường sử dụng để dạy trong các kinh: Kinh Niệm Xứ (10) và Nhập Tức Xuất Tức Niệm (118) Trung Bộ Nikàya và Kinh Sa Môn Quả (2), Kinh Đại Niệm Xứ (22), Kinh Phúng Tụng (33), Trường Bộ Nikàya, và các kinh trong Tăng Chi Bộ như kinh Đáng Được Cung Kính, kinh Niệm Chết, kinh Bốn Hạng Người... Trong đó chữ "sati"  được dịch theo nghĩa chính của từ này là "chánh niệm" vì từ này được Phật kết hợp chung với từ sampajañña  (full awareness, total awareness or clear awareness), có nghĩa "biết đầy đủ," "biết toàn thể" hay  "biết rõ ràng," được dịch thoát nghĩa là "tỉnh giác."

 

1. Nghĩa thứ nhất - Từ sati có nhiều nghĩa. Thông thường, nghĩa chính của nó là "niệm" hay "chú ý tới" hoặc "nhớ tới." Trong trường hợp sati được kết hợp chung với sampajañña, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch đúng nghĩa là "chánh niệm." Tức là, hễ có tỉnh giác hay "biết đầy đủ," "biết toàn thể," "biết rõ ràng," phải có chánh niệmNhư vậy, trong trường hợp này nghĩa của chánh niệm và tỉnh giác được hiểu là "nhớ tới” hay "chú ý tới" "sự biết rõ ràng" một cách chân chánh; không tà niệm trong đó.

 

Nhưng biết rõ ràng cái gì? Đó là biết rõ ràng sáu trần động trong sáu căn hay trong sáu căn có sự khởi động của sáu trần mà tâm ta vẫn ở trong trạng thái bình thản

Tại sao phải biết như thế? Vì có giữ niệm biết như thế, tâm mới không duyên theo hay không dính mắc với sáu trần trong 4 oai nghi và hằng ở trong trạng thái xả hay bình thản. Đây là mục đích yêu cầu của bài kinh.

Đặc biệt nhất là lúc tọa thiền, khi các mô thức tri giác riêng rẽ từ sáu căn khởi lên, ta không dính mắc với chúng. Nếu dính mắc với chúng, niệm biết kia liền trở thành "tà niệm phân biệt," không còn mang ý nghĩa "chánh niệm." Khi "tà niệm phân biệt" có mặt, chúng sẽ phá tan tiến trình định của ta. Tức là trong lúc đó ta đã theo vọng tưởng, dưới các dạng của mô thức tri giác riêng rẽ và sự đối thoại thầm lặng. Chính vì thế, để đạt chánh niệm, ta phải tỉnh giác (hay tỉnh biết). Nếu mê, tức không tỉnh, ta sẽ bị niệm từ các mô thức tri giác trong sáu căn dẫn đi.

Đây là lý do vì sao Phật dạy các vị Tỳ kheo phải "chánh niệm và tỉnh giác." Vì có nhớ tới cái "biết rõ ràng," tâm ta mới không dính mắc với các sự kiện xảy ra từ bên trong sáu căn, xem như ta đạt được "trú xả" hoặc đạt được "không ưa thích," "không ghét bỏ" về những điều gì do sáu căn thu vào từ sáu trần bên ngoài hay bên trong cơ thể.

 

Cho nên, để làm rõ ý nghĩa niệm, ở trường hợp này từ sati được hiểu là "chánh niệm." Tức là ta phải hằng nhớ tới một niệm, đó là niệm "tỉnh giác."

 

Điều quan trọng ở đây, chúng ta cần hiểu rõ thêm ý nghĩa 2 từ "tỉnh giác" hay "biết đầy đủ," "biết toàn thể," "biết rõ ràng" trong trường hợp này như thế nào. Giác là biết. Từ Pàli là jañña. Trong con người, trên thực tế có ba cái biết: biết của ý thức, biết của ý căn và biết của tánh giác. Biết của ý thức là biết phân biệt rõ ràng giữa hai vật, trong đó có kèm theo ngôn ngữ. Biết của ý căn là biết của trí năng biện luận hay tư duy tính toán, trong đó cũng có kèm theo ngôn ngữ. Còn cái biết của tánh giác thì biết toàn thể, trong đó không có ngôn ngữ. Ở đây, để tránh lẫn lộn với hai cái biết có kèm theo ngôn ngữ, Phật dùng thêm từ sampa kết hợp với jañña, lập thành từ kép sampajañña. Từ này có nghĩa "biết rõ ràng," "biết đầy đủ," "biết toàn thể." Trong tự thân con người chỉ có Tánh Giác đóng được vai trò "biết rõ ràng," "biết đầy đủ," "biết toàn thể."  Như vậy, khi Phật dùng từ sati đi kèm theo từ sampajañña, ta biết rằng đây là Phật chỉ thẳng chức năng biết của tánh giác. Bởi vì chỉ có tánh giác mới biết rõ ràng, biết đầy đủ, biết toàn thể đối tượng bên ngoài hay bên trong sáu căn mà vẫn luôn luôn ở trong trạng thái xả, hay không dính mắc với các đối tượng giác quan một cách tự động. Lý do, cái biết của tánh giác là cái biết không ngôn ngữ, không cảm thọ, nên tuy biết mà nó vẫn bình thản, không phê phán, không bày tỏ tình cảm một cách tự nhiên. Ngoài ra nó lại biết luôn sự khởi động của ý căný thức. Còn ý thứcý căn thì luôn luôn biết đối tượng theo từng phần qua sự truyền vào của 5 giác quan, và đòi hỏi phải có suy luận, có phân biệt của ngữ ngôn trong đó. Nên cái biết này luôn luôn biểu lộ ưa thích hay ghét bỏ. Tức là cái biết đó luôn luôn biểu lộ tâm phân biệt, luôn luôn biểu lộ hai mặt: tốt/xấu; thiện/ác; lưng chừng/ba phải. Nói chung là hai bên.

 

2. Nghĩa thứ hai. - Nhưng làm thế nào để không hai bên? Chỉ có im lặng từ trong tâm thức (không lời) mới cụ thể hóa được không phân biệt, không hai bên, không ưa thích, không ghét bỏ.  Còn nếu nói ra thành lời, dù đó là lời trung thực, lời chân chánh vẫn có bên này hoặc bên kia ngay!  Lý do là ta vẫn còn đứng trên bình diện phàm tâm vọng chấp để nhận định hay phê phán đối tượng kia là tốt hay xấu, phải hay không phải. Do đó, ở nghĩa thứ hai, chánh niệm đồng nghĩa với KHÔNG LỜI hay VÔ NGÔN.  Vì nếu có lời phát ra, tâm ta sẽ ở vào một bên hoặc chánh hoặc tà, hoặc thiện hoặc ác. Cho nên để tránh chấp trước, tránh phân biệt, Phật dạy các vị tỳ kheo là "an trú trong chánh niệm," "không chấp trước một việc gì trên đời." Có nghĩa "không an trú trong tà niệm phân biệt," mà "an trú trong sự tĩnh lặng nội tâm và không dính mắc với đối tượng hay không duyên theo đối tượng của các căn."

Như vậy, ở trường hợp thứ hai, nghĩa chánh niệm cũng đồng nghĩa với vô niệm. Nó được dùng để chỉ cho trạng thái tâm hằng yên tĩnh và đàng sau trạng thái hằng yên tĩnh này xuất hiện một dòng biết không hai. Đó là sampajañña, biết rõ ràng, biết đầy đủ, biết toàn thể về đối tượng hay sự kiện trước mắt mà không có kèm theo lời nói thầm. Hoặc nếu có phát ra lời, lời đó không có sự can thiệp của trí năng hay của ý thức mà là sự kiến giải của tánh giác. Bởi vì nếu có trí năng hay ý thức tham dự, nội dung lời nói của ta sẽ không được thanh tịnh, không được trong sạch, không được thanh cao. Ít hay nhiều đều vướng mắc sự chấp trước, ưa thích hay ghét bỏ, chủ quan hay thiên lệch, hoặc bị sự tác động của quyền lợi. Bởi vì lời nói đó do tự ngã chủ động phát ra, luôn luôn được đặt dưới sự suy luận hay phân tích của ý thứcý căn. Trong lúc đó, ý thứcý căn vốn được xây dựng trên cơ sở tập khí hay lậu hoặc.

 

Chú ý: - Trong trường hợp khác, chánh niệm (P: sammāsati; Skt: samyaksmṛti: right mindfulness) là yếu tố thứ bảy trong Bát Chánh Đạo; có nghĩa niệm chơn chánh. Niệm chơn chánh theo Bát Chánh Đạo là "không có tà phân biệt," "không có tâm tán loạn, tâm xao động," hay "tâm không duyên theo sáu trần," tâm không nghĩ thiện, không nghĩ ác." Nói gọn lại là "nhất tâm" hay "một tâm." Tức là tâm không dính mắc với bất cứ đối tượng gì.

Trên mặt tích cực, tâm duyên theo sáu trần thuộc tà niệm, vì tâm còn ở phạm trù đối đãi giữa hai sắc thái của đối tượng là: phải và trái; tốt và xấu; cao thấp... Đây là sắc thái tâm do ý thức phân biệt tạo nên. Chính vì thế, theo sau ý thức không thể nào có chánh niệm, dù cho trạng thái ý thức đó được xem là cao siêu cùng tột hay sâu thẵm nhất, bởi vì thực chất nó vẫn là cái bị sanh. Chỉ có theo sau tánh giác mới có chánh niệm. Vì tánh giác là cái vô sanh. Cho nên chánh niệm được xếp vào hàng thứ bảy, sau chánh định. Vì có đạt được sự không theo sáu trần hay sự không loạn động của tâm, ta mới thành tựu được định. Nhưng thế nào là tâm không theo sáu trần? tâm không loạn động? Đó là trạng thái tâm ngôn không động. Chính vì điểm chủ yếu này nên chánh niệm được xem là nhân của chánh định, vì muốn đạt được chánh định, trước hết ta phải đạt được "nhất tâm." Trong con người có hai sắc thái tâm: vọng tâmchân tâm. Như vậy, sự nhất tâm này phải là sự có mặt của chân tâm. Mà chân tâm là gì? Là tánh giác! Như thế, sự nhất tâm này là trạng thái biết thường hằng nhưng tâm ngôn không khởi động của tánh giác, chứ không phải còn một thứ tâm tập chú vào một đối tượng, hoặc tâm nghĩ đến thiện hay không nghĩ đến của ý thức. Như vậy, chánh niệm đồng nghĩa với tánh giác.

Tóm lại, chánh niệm và tỉnh giác có nghĩa khi các căn tiếp xúc đối tượng, hay khi các đối tượng tự khởi trong các căn dưới hình thái các mô thức tri giác, mà Thiền tông gọi là pháp trần, ta cố gắng nhớ giữ niệm biết của tánh giác để tự ngã không có mặt trong tiến trình biết này. Do đó, tuy hằng biết rõ ràng đối tượng mà tâm vẫn không dính mắc với đối tượng.  Vì sao? Vì trong đó không có mặt tự ngã mà có mặt tánh giác. Một khi tánh giác xuất hiện, bóng đen của vô minh phải bị tan mất. Nó càng có mặt thường xuyên, phiền nãođau khổ càng lánh xa trong cuộc sống hằng ngày của ta. Đây là pháp tu mà Phật dạy hàng Tỳ kheo sử dụng để tâm được bình thản trước các duyên. Hay đứng trước các pháp thế gian, tâm không ưa thích, không ghét bỏ, không dính mắc; trái lại được bình thản. Mọi sự chấp trước không còn khởi dậy trong tâm vị đó nữa. Khi đã nhuần nhuyễn sự yên lặng nội tâm, vị ấy mới đáng được chắp tay cung kính, đáng được cúng dường và đáng được hưởng phước điền.

Nếu nói theo Lục Tổ Huệ Năng (638-713), vị ấy đã được tâm bình hạnh thẳng. Còn nói theo Mã Tổ (709-788), cháu đời thứ hai của Lục Tổ, vị ấy đạt được bình thường tâm.

 

5. LÀM THẾ NÀO CỤ THỂ HÓA CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC?

Để cụ thể hóa chánh niệm tỉnh giác trong tiến trình đạt được "trú xả," ta đã áp dụng hai bước.  Bước 1, thực hành trống rỗng chú ý, không định danh đối tượng, không dán nhãn sự vật và thực tập thiền hành vô ngôn.

Sau khi có kinh nghiệm về cái biết không lời, ta bắt đầu thực hành bước 2 là tỉnh thức biết. Trong pháp tỉnh thức biết chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, trong 4 oai nghi, tỉnh thức canh chừng niệm khởi dưới hình thái các mô thức tri giác riêng rẽ khởi lên trong sáu căn bằng tánh biết. 

Giai đoạn 2, thầm nhận chủ đề: "tỉnh thức mà không lập lại nội dung thực hành đó trong đầu." Thuật ngữ gọi là "tỉnh thức biết mà không tỉnh thức biết, đó là chân tỉnh thức biết." Tức là khi đã nhuần nhuyễn cách thực hành chủ đề tỉnh thức biết, ta mới thực hành giai đoạn này. Đây là giai đoạn thực hành với chủ đích tác động thẳng vào tánh giác, làm cho tánh giác trở thành một năng lực. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là trước khi tọa thiền, chủ đề này không hiện ra trong tâm thức ta nữa. Tâm ta ở vào trạng thái trống không, nhưng ta vẫn "hằng biết phương thức tỉnh thức biết thực hành như thế nào." Mỗi khi có một mô thức tri giác xảy ra trên thân hay tại vùng ký ức vận hành, ta đều biết rõ ràng.  Bằng sự biết này, ta sẽ trừ được các tạp niệm mỗi khi chúng khởi lên. Bởi vì đây là cái biết không lời của tánh giác! Khi nó có mặt, các tạp niệm liền bị xua tan.

Tóm lược

- Trên mặt lý luận, đại cương pháp này được giảng là đối trước sáu trần, ta lúc nào cũng tỉnh thức biết nhưng biết trong vô ngôn để canh chừng niệm khởi từ bên trong các mô thức tri giác riêng rẽ của sáu căn khởi lên. Mỗi khi chúng khởi lên, ta đều nhận biết.

- Sắc thái biết này là cái biết của tánh giác chứ không phải biết của ý thức. Do đó, trong trạng thái biết này không có mặt tự ngã (self-ego). Và ý niệm ta/tôi trong trường hợp này được đồng hóa như "ông chủ" hay "chân ngã" hoặc "cái ta giác ngộ" (the "I-enlightenment") biết rõ đường đi về nhà phải đi bằng lối "tỉnh thức biết", hay cái ta trong vai trò "nhân chứng." Vì ta biết sự động của sáu trần trong cơ chế sáu căn mà ta không duyên theo, không hùa theo chúng. Trái lại ta chỉ đứng nhìn sự xuất hiện của chúng với tâm trạng bình thản; giống như người đứng ngoài vòng "tranh chấp" giữa hai nhóm "sáu trần" trong "sáu căn" đang gấu ó (quarreling) với nhau.

- Trên thực tế, lúc bấy giờ chỉ có mặt tánh biết với sự động của các mô thức tri giác trong cơ chế các căn. Tuy nhiên, ta vẫn trong tư thế tỉnh thức, chứ không mê ngủ. Vì có tỉnh thức, ta mới canh chừng được niệm khởi, không bị niệm dẫn đi. Hễ một niệm vừa khởi lên, ta liền biết, niệm kia liền tự tắt ngay. Ta không cần khởi niệm diệt vọng, mà vọng cùng tự lặn mất. Bởi vì đây là sự biết không lời của tánh giác. Khi tánh giác có mặt, tất nhiên vọng kia phải bị xua tan ngay!

- Ta đã biết rõ sự khác nhau giữa hai sắc thái tỉnh thức của ý thứctỉnh thức của tánh giác. Ở đây, tỉnh thức biết là sự tỉnh thức của tánh giác. Như vậy, khi nói đến tỉnh thức biết, ta nhận rõ ngay đây là sự tỉnh thức biết không lời, vốn là chức năng của tánh giác. Sở dĩ ta áp dụng kỹ thuật tỉnh thức biết, ấy là vì bằng cách này ta mới làm cho tánh giác có mặt thường trực được. Khi nó thực sự có mặt, sáu trần dù có xuất hiện trong sáu căn, cũng không tác động được sáu thức, nên tâm ta vẫn thường trực trong trạng thái không ưa thích, không ghét bỏ hay "trú xả," phù hợp theo lời Phật dạy trong kinh "Đáng được cung kính" vậy.

- Như thế, bằng cách thực hành tỉnh thức biết, chính ta đã ứng dụng phù hợp theo lời dạy của Phật trong pháp CHÁNH NIỆM VÀ TỈNH GIÁC. Vì sao? Vì muốn thành tựu chánh niệm ta phải ứng dụng kỹ thuật tỉnh thức; muốn thành tựu tỉnh giác, ta phải áp dụng biết không lời.

 

HẾT

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
69,256