HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Triệt Như SÁCH BÀI TRÌNH THẦY Audio PHỤ LỤC 2: MẤY NHỊP CẦU TRE

21 Tháng Hai 20227:36 SA(Xem: 2532)
Triệt Như
SÁCH BÀI TRÌNH THẦY
Audio PHỤ LỤC 2:

MẤY NHỊP CẦU TRE

audio-icon_thumbnailCLICK icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm để download

Line golden 1

PHỤ LỤC  2

BÀI TRÌNH CUỐI KHÓA I BÁT NHÃ

  

LỚP TRUNG CẤP 2

 

Một trong những con đường

qua biển sanh tử

 

Mấy Nhịp Cầu Tre

 

I-         GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:

Kính thưa Thầy,

Thưa các bạn,

Trong văn chương bình dân của chúng ta, có câu hát ru em:

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Thật vậy, con đường thiền mà chúng ta đang đi đây cũng lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Tuy nhiên Thầy đã trang bị cho chúng ta đầy đủ hành trang là các lý thuyết cùng với những phương thức dụng công để chúng ta tiến từng bước từ bờ bên này sang bờ bên kia được an toàn. Trong phạm vi bài trình này, tôi không khai triển tất cả những chủ đề của khóa Bát Nhã, tôi chỉ khai triển một con đường trong nhiều con đường mà Thầy đã giảng dạy. Tôi xin trình bày lần lượt các bước đi trong sự nhận định qua kinh nghiệm của tôi.

II- KHAI TRIỂN CHỦ ĐỀ:

Chúng ta đang sống trong đời, thường xuyên giao tiếp với người khác trong cộng đồng, trong gia đình, nơi sở làm ... luôn luôn chúng ta phải suy nghĩ, tính toán hơn thiệt, phải phân biệt phải trái, xấu tốt. Đầu óc chúng ta không lúc nào yên lặng, thảnh thơi. Trái lại lo âu, sợ hãi, buồn phiền, bực bội, hay vui mừng...cứ thay phiên nhau xuất hiện trong tâm. Cuộc đời chúng ta cứ như thế trôi dài theo ngày tháng, thấm thoát mấy mươi năm, đến khi tóc xanh đổi màu và chứng kiến nhiều cảnh tử biệt sinh ly, chúng ta mới sực tỉnh. Chúng ta mới nhận ra cuộc sống con người không lẽ vô nghĩa, không lẽ nhàm chán đến như thế sao ? Nếu chúng ta cứ triền miên tạo ra nghiệp, nghiệp ác hay cả nghiệp lành, chúng ta cũng sẽ phải chìm đắm mãi trong biển sanh tử triền miên. Từ đó, chúng ta bắt đầu tìm hiểu kinh sách của Phật, tìm bậc thiện tri thức hướng dẫn mình thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của sanh tửđau khổ triền miên này.

Chúng ta đã bắt đầu bước lên NHỊP CẦU THỨ NHẤT.

I - TỤC ĐẾ BÁT NHÃ: Đây là một chủ đề học của lớp Trung cấp 1, ở đây tôi chỉ lướt qua phần lý thuyết về thuật ngữ Bát Nhã.

1- Ý nghĩa Bát Nhã (P: Paññā, Skt: Prajñā) có nội dung là:

-     tuệ trí (insight)

-     kiến thức cao nhất (the highest knowledge)

-     tri thức trực giác (intuitive knowledge)

-     chân tuệ (true wisdom)

-     trí tuệ vượt trội hay siêu việt trí (transcendental wisdom)

-     tuệ giác (intuitive wisdom)

-     thượng trí (higher wisdom)

-     trí đầy đủ (complete knowledge)

Tất cả những từ ngữ trên đều muốn nói đến cái Biết cao hơn cái biết của ý thức, trí năng, suy nghĩtri thức thông thường của thế gian. Hay ta có thể nói gọn hơn: đó là trí tuệ tâm linh, xuất phát từ nền tảng của TÁNH GIÁC. Trong nó không có phân biệt hai bên, không có suy nghĩ tính toán, không có dính mắc, không có ý niệm ngã xen vào. Trí tuệ này không do học hỏi từ kinh sách hay từ bậc thiện tri thức dạy, hay kinh nghiệm từ bên ngoài mà có, nó chính là cái khả năng giác ngộ tiềm tàng từ trong ta bây giờ được bật ra, được phát huy. Nó chính là Phật tánh (Buddhatā).

Để đạt đến trí tuệ Bát Nhã này, các hệ thiền Phật giáo có những hướng đi riêng:

-     Hệ Theravāda lấy pháp THẤY NHƯ THẬT  (Yathābhūta- dassana; seeing things as they really are) làm cơ bản.

-     Hệ Phát Triển lấy CHÂN NHƯ (Tathatā, Bhūtatathatā; suchness of existents) hay CHÂN KHÔNG (Bhūta Śūnyatā; true emptiness) làm cơ bản.

-     Hệ Trung Quán lấy KHÔNG hay TÍNH KHÔNG (Śūnyatā: Emptiness) làm cơ bản.

-     Thiền Tông lấy TÁNH GIÁC (Buddhitā; Awareness) làm cơ bản. 

Phương thức cơ bản của mỗi hệ đều có khả năng đưa hành giả tới nơi phát huy trí tuệ siêu việtgiải thoát rốt ráo. Chỉ vì tất cả đều đặt trên nền tảng TÂM THUẦN NHẤT (the unity of mind) hay ĐƠN TÂM (the singleness of mind). Đó là niệm biết trong bây giờ và ở đây.

Nhưng vì sao lại có Tục Đế Bát Nhã ?

2- Tiến trình hình thành tục đế Bát Nhã:

Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài nhận thấy pháp mà ngài chứng được thật sâu kín, khó thấy, vi diệu, siêu lý luận, đi ngược dòng tham ái của người đời, chỉ người trí mới hiểu thấu. Do đó muốn giáo hóa mọi trình độ căn cơ, Đức Phật thiết lập hai loại sự thật. Đó là chân lý qui ướcchân lý tối hậu.

Tất cả mọi hiện tượng trên thế gian từ khởi thủy đều không có tên, không có thuộc tính hay phẩm chất, chúng là những thực tại rỗng không và tĩnh lặng. Về sau, con người lần lần đặt tên gọi, gắn lên chúng nhiều sắc thái, phẩm chất để dễ truyền thông với nhau trong một tập thể, một xã hội v.v. Do đó hình thành nên chân lý qui ước. Chân lý qui ước càng vững chắc, càng phức tạp thì càng che lấp thực tại ban sơ của những hiện tượng thế gian. Chính thực tại ban sơ không tên, không lời, không danh, không tướng kia là chân lý tối hậucon người phải trở về.

Chân lý qui ước còn gọi là Tục Đế Bát Nhã dành cho những người căn cơ thấp, chưa giác ngộ, thường xuyên sử dụng ý thức phân biệt, suy nghĩ, lý luận, chấp ngã, tham ái...Chân lý tối hậu còn gọi là chân đế Bát Nhã.

Đức Phật đã chứng ngộ chân tướng của hiện tượng thế gian qua các qui luật:

-    Vô thường hay không hiện hữu vĩnh viễn

-     Khổ hay xung đột nội tâm hay bất toại nguyện

-     Vô ngã hay không thực chất tính

-     Không (không ta, không cái của ta, và không tự ngã của ta)

Đức Phật đã hệ thống các sự thật này thành Tam Pháp Ấn, Tứ Pháp Ấn, Ngài thiết lập Tứ ĐếBát Chánh Đạo, thuyết Duyên Sinh, thuyết Nhân Quả v.v.

Đức Phật đem những sự thật này ra giảng dạy, tùy mỗi trình độ căn cơ, con người đều thực sự thấy chúng, thực sự kinh nghiệm chúng. Nhưng những kinh nghiệm thuộc chân lý qui ước đều đặt trên nền tảng tri thức, suy nghĩlý luận nên kết quả có giới hạn. Còn chân lý tối hậu thì vượt ra ngoài luận lý của thế gian, nên đưa đến sự phát huy trí tuệ siêu việt.

3- Phương thức thực hành tục đế:

-   Sử dụng: Trí năng, Suy nghĩ, Ý thức. Nói chung là cái Biết có khái niệm, có lời nói kèm theo.

- Quán: Anupassanā: Nhìn liên tục đối tượng để nhận ra bản thể của đối tượng, quán tưởng hay quán chiếu, chiêm nghiệm, quán sát.

- Nội dung quán: Tam Pháp Ấn, Tứ Pháp Ấn, Nhân quả, Duyên sinh.

Tam Huệ: Văn, Tư, Tu: Đây là văn huệ, tư huệ, tu huệ ở mức độ thấp.

4-  Kết quả:

-     Tâm sẽ dần dần không còn tạp niệm, nhưng còn có lời nói thầm về đối tượng dụng công. Khi không còn nói về đối tượng dụng công, tâm ngôn dừng, sẽ đạt được trạng thái Chỉ.

-     Chuyển đổi nhận thức dần dần, bớt chấp trước, bớt dính mắc, do đó nội tâm bớt dao động, bớt phiền não.

-     Nếu quá cố gắng, đè nén, có khả năng gây ra bệnh tâm thể, vì còn sử dụng suy nghĩ, ý thức, và trí năng, nên tác động hệ giao cảm thần kinh, ảnh hưởng không tốt đến nội tạng và các tuyến nội tiết...

-     Điều quan trọng nhất là trí tuệ tâm linh chưa phát triển, mà chỉ phát triển trí năng, hay ý thức ở mức độ cao.

-     Tóm lại, chúng ta vẫn còn đang đứng ở giữa dòng sanh tử, nghĩa là vẫn còn đang ở Bờ Bên Này, dù bước đầu có bớt được dính mắc và phiền não.

Nếu ta không biết đường đi tới, thì mãi mãi vẫn còn lẩn quẩn trong CÁI BỊ SANH. Đây chính là kinh nghiệm của Đức Phật, giai đoạn thứ 1 tu thiền Yoga và giai đoạn thứ 2 tu Khổ hạnh, Ngài sử dụng ý thức, trí năngý chí nên không phát triển trí tuệ siêu việt. Mục tiêu của Thiền là CÁI VÔ SANH, chúng ta phải bước qua CHÂN ĐẾ BÁT NHÃ, tức là từ đây, ta bước qua con đường SIÊU LÝ LUẬN, con đường của TRÍ TUỆ TÂM LINH.


Sau đây tôi trình bày NHỊP CẦU THỨ HAI.

 

II-  BIẾT KHÔNG LỜI:

Đây là chủ đề học của lớp 1 và lớp 2. Ở đây tôi chỉ nhắc lại vài điểm chủ yếu ngắn gọn. Tánh Giác (Buddhitā) là cái Biết không lời, thường hằng, rõ ràng, toàn diện, tức khắc. Khi ta nhìn một đối tượng, cái LÓE SÁNG BIẾT ĐẦU TIÊN là cái biết của Tánh Giác. Nó nhận ra rõ ràng đối tượng mà không cần suy nghĩ, chưa gọi tên đối tượng, chưa xét đoán phẩm chất đối tượng, nên nó là cái BIẾT KHÔNG LỜI.

1-   Tiến trình hình thành cái lóe sáng biết đầu tiên:

Khi các CĂN tiếp xúc đối tượng (TRẦN), ví dụ mắt ta khi nhìn một vật, sắc tướng của vật truyền vào thần kinh thị giác của ta bằng những xung lực điện tử, phát sanh CẢM THỌ, ngay khi đó, như tia chớp, cái lóe sáng BIẾT đầu tiên bật ra. Nó nhận ra cái thực tại trước mắt tức khắc, rõ ràng, toàn diện và yên lặng tuyệt đối. Đây là chức năng Kiến Giải Tổng Quát của Tánh Giác. Tuy nhiên liền theo sautri giác (TƯỞNG) nhận được tín hiệu, tạo ra những mạng lưới khái niệm có lời, liền đó phát sanh các hoạt động cấu tạo nên những sắc thái khác nhau của tâm (HÀNH) và cuối cùng là THỨC: sự nhận biết đối tượng qua suy nghĩ, phân biệtlý luận. Cái biết cuối cùng này không còn đúng như chính thực tại nữa, mà đã thiên lệch, méo mó, dính mắc, nói chung là vô minh. Vậy khi trực nhận ra cái lóe sáng biết đầu tiên, ta phải miên mật dụng công để duy trì nó thành cái Biết Không Lời vững chắc. Tóm lại, Cái Lóe Sáng Biết Đầu Tiên là nền tảng của tất cả các tiến trình định, đặc biệt là định với chủ đề ĐẠT TÁNH GIÁC. Do đó nó là nền tảng của con đường phát triển trí tuệ tâm linh; trong kinh, Phật gọi cái biết lóe sáng đầu tiên này là cái Thấy của người bắt đầu bước vào dòng Thánh.

2-   Chức năng Tánh giác:

+ Kiến giải tổng quát: Các nhà khoa học não bộ gọi vùng phía sau bán cầu não trái là Vùng Kiến Giải tổng quát (General Interpretative Area). Nó gồm bốn cơ chế: vùng thấy, vùng nghe, vùng xúc chạm và vùng nhận thức biết. Nó nhận biết tất cả những xung lực điện tử truyền vào từ mắt, tai và thân, kiến giải ra nhưng chưa tạo khái niệm có lời. Nên cái nhận biết này là trực tiếp, tức khắc, trung thực.

 + Ngộ: Vùng này còn được gọi là vùng Giác Tri Tâm Linh, hay vùng Ngộ (Gnostic Area). Tức là nó kiến giải những điều hoàn toàn mới lạ, không cần học hỏi hay kinh nghiệm.

Tiếp theo tôi xin trình bày những kỹ thuật dụng công để cho Tánh Giác có mặt vững chắc.

3- Thực hành:

Trong lớp 1 và 2, chúng ta đã thực hành 5 kỹ thuật:

1-   Thở

2-   Không Định Danh Đối Tượng

3-   Không Dán Nhãn Đối Tượng

4-   Chú Ý Trống Rỗng

5-   Thầm Nhận Biết

Tôi xin lướt qua từng kỹ thuật.

1)   Thở: - Đây chính là pháp mà Đức Phật đã sử dụng trong bốn tầng Thiền và đi tới giác ngộ tối hậu. Đức Phật thiết lập nhiều bước thở (Ānapānasati):

Niệm hít vào thở ra: ta quan sát hơi thở vào ra mà trong đầu còn có lời nói thầm: “tôi biết tôi hít vào, tôi biết tôi thở ra...” Phật xếp tầng Thiền này là Hữu Tầm Hữu Tứ Định: trạng thái tâm hỷ lạc nhưng còn nói thầm và đối thoại thầm lặng.

Định- Niệm hít vào thở ra: - Biết hơi thở vào ra mà tâm yên lặng, niệm hoàn toàn không khởi. Phật xếp tầng Thiền này là Vô Tầm Vô Tứ Định.

Ở đây, Thầy đã khai triển pháp thở thành ba bước của mức đầu dụng công:

  • Thở có lời: khi hít vàothở ra, nói thầm : “Tôi biết tôi hít vào, tôi biết tôi thở ra.” Giữ niệm biết .
  • Thở hai thì có lời : hít vào chậm, nói thầm : “Tôi biết tôi hít vào chậm...,” thở ra dài (gấp 2), nói thầm : “Tôi biết tôi thở ra dài ...”Kéo dài niệm biết.”
  • Thở hai thì không lời : không nói thầm nữa, đã quen hít vào chậm, thở ra dài hơn, chỉ giữ niệm biết không lời, khi có tạp niệm khởi lên, biết, niệm sẽ tự động lặn mất. Nếu niệm khởi nhiều, trở lại bước hai.

Tác dụng của cách thở này là phá tan đám rối tư duy.

Kết quả: thực hành nhuần nhuyễn có khả năng đi đến Định không tầm không tứ.

2)   Không Định Danh Đối Tượng: - Khi các căn tiếp xúc với đối tượng, không gọi tên đối tượng đó là gì, hay là nhận biết rõ ràng đối tượng nhưng trong não hoàn toàn yên lặng.

Thực hành miên mật pháp này có khả năng đi đến Vô Tâm: đối duyên xúc cảnh, tâm không dao động.

3) Không Dán Nhãn Đối Tượng: - Khi các căn tiếp xúc đối tượng, nhận biết đối tượng mà không khởi ra phân biệt, suy nghĩ, xét đoán nội dung, hay phẩm chất nào của đối tượng. Thực hành pháp này đưa đến tâm không dính mắc, không chấp trước thành kiến, định kiến đối với người khác.

4) Chú Ý Trống Rỗng: - Chú ý nhìn đối tượng mà không khởi ra một lời nói thầm nào về tên, thuộc tính, sắc tướng, phẩm chất, nội dung của đối tượng. Chiêu thức nhìn xa bằng chú ý trống rỗng có tác dụng hữu hiệu kích thích tánh giác làm cho bật ra tiềm năng giác ngộ.

5) Thầm Nhận Biết: khi tiếp xúc với đối tượng hay khi tọa thiền đều giữ cái biết không lời của tánh giác, đó là thầm nhận biết hay thầm lặng biết.

Nói chung, tất cả năm kỹ thuật này đều đưa đến kết quả là ta làm chủ sự suy nghĩ. Rồi tùy theo mức độ miên mật dụng công, khi nào ta kinh nghiệm được thầm nhận biết trong bốn oai nghi, tâm ngôn không tự do khởi lên, lúc đó chính là Tánh giác có mặt.

Ta có nhiều chiêu thức khác nhau để thực tập 5 kỹ thuật này, như nhìn xa, nhìn gần, nhìn lướt, nhìn chằm chằm, nhìn vào trong, đó là sử dụng mắt, cũng có thể sử dụng các giác quan khác như: tai để nghe, thân xúc chạm v.v...

Tóm lại, ở bước này ta sử dụng chức năng của Tánh giác để dụng công: căn bảntánh thấy, tánh nghe và tánh xúc chạm.

4- Kết quả: trên 3 mặt:

-     Tâm: chuyển đổi tâm, chuyển đổi nhận thức một cách tự nhiên, không qua giáo điều. Bớt dính mắc, bớt phiền não, bớt dao động. Từ đây, lậu hoặc/ tập khí được loại trừ lần lần theo mức độ dụng công tinh tấn. Do đó, nghiệp cũng bắt đầu chuyển đổi.

-     Thân: tâm an vui tác động đến hệ đối giao cảm thần kinh, tác động đến nội tạng và hệ thống tuyến nội tiết, tạo ra nhịp điệu hài hòa cho toàn thân tâm.

-     Trí tuệ tâm linh bắt đầu phát triển từ lần, khi ta đạt được trạng thái Biết không lời vững chắc, hay có kinh nghiệm Định. Tuy nhiên, tiềm năng giác ngộ, hay Phật Tánh muốn triển khai phải qua một tiến trình dụng công lâu dài.

Ta phải bước đi tiếp lên NHỊP CẦU THỨ BA.

III- NHƯ THẬT:  Yathābhūta.

1-         Tiến trình thiết lập pháp Như Thật: Đức Phật khi còn là Bồ Tát, đang tu khổ hạnh trong rừng sâu, Ngài đã thấy như thật, nghe như thật, biết như thật về tất cả những thực tại, những tiếng động trong rừng, nên Ngài vượt qua được sự lo âu, tưởng tượng và sợ hãi. Ngài đã đi đến tận nơi dùng mắt để nhìn, dùng tai để nghe, nên nhận ra đây là tiếng con công vỗ cánh bay, đó là tiếng cành cây khô gảy...Đến khi ngồi dưới cội Bồ Đề, Ngài thành tựu các tầng thiền, từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền đến Tứ Thiền. Đêm cuối của tuần  thứ tư, Ngài chứng được Tam Minh. Canh một, ngài chứng Túc Mạng Minh: thấy suốt các kiếp quá khứ của Ngài; canh hai chứng Thiên Nhãn Minh: thấy chúng sanh chết đây sanh kia, thấy rõ như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy chúng sanh qua lại các nẽo luân hồi trong lục đạo; canh ba, chứng Lậu Tận Minh: thấy như thật về Khổ, nguyên nhân gây ra khổ, và con đường diệt khổ. Cả ba Minh đều là Thấy Như Thật- mà cũng có thể nói đó là Thấy Như Vậy- nhưng lúc này không còn sử dụng giác quan như trong trường hợp trước, mà sử dụng nhận thức ngoài giác quan, nói cách khác, đây là mắt tâm nhìn thấy, hay trí tuệ tâm linh kiến giải, hay Phật Tánh đã bật ra và kiến giải tất cả những nghi vấn Ngài bị bế tắc từ lâu. Như vậy, bằng sự tự nội chứng, Đức Phật đã Thấy Như Thật qua hai phương thức hay hai mức độ:

-     Thấy Như Thật bằng giác quan- tri giác

-     Thấy Như Thật ngoài giác quan.

Về sau, Phật thiết lập pháp NHƯ THẬT để giáo hóa. Từ kinh nghiệm tự nội chứng này, Phật thiết lập nền tảng giáo lý của Ngài: Tam Pháp Ấn, Tứ Pháp Ấn, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, thuyết Duyên Sinh hay Duyên Khởi. Tất cả đều là Chân Đế Bát Nhã, tất cả đều phải được nhận hiểu và dụng công trên nền tảng đệ nhất nghĩa đế.

2- Nội dung Như Thật: tức là thấy CÁI ĐANG LÀ của tất cả hiện tượng thế gian: đối tượng như thế nào, thấy biết y như thế đó. Nói cách khác, cốt lõi Thấy Như Thật chính là nhận ra NHƯ THẾ. Trong tiến trình này chỉ có cái nhận biết không lời mà thôi. Do đó, đối tượng cũng hiện hữu không tên, không lời, không có phẩm chất hay thuộc tính gắn trên nó.

+ Đây là pháp dụng công cơ bản của Phật giáo Nguyên Thủy để đạt đến giải thoát tối hậutrí tuệ siêu việt. Nội dung tu tập gồm: Tam Pháp Ấn, Tứ Pháp Ấn, Tứ Diệu Đế, Bát Thánh Đạo, Duyên sinh...tất cả đều phải Thấy Biết Như Thật.

+ Hệ Phát Triển khai triển thành một phương thức dụng công quan trọng gọi là Như Thật Đạo (Yathābhūtamarga). Pháp Như Thật chính là nền tảng của ba tầng Định cao nhất trong Phật giáo Phát Triển: Thể nhập Chân Như, Như Huyễn Tam Muội, và Không Định.

+ Thiền Tông: Thấy cây gậy chỉ là cây gậy, cái nhà chỉ là cái nhà (thiền sư Vân Môn), thấy núi sông là núi sông (thiền sư Duy Tín) đều là khai triển pháp Như Thật của Phật trong bốn oai nghi, lúc đối duyên xúc cảnh, mục tiêu đạt Ngộ, và Kiến Tánh.

3- Thực hành:

Thiền Nguyên Thủy sử dụng : Vipassanā : Tuệ Minh Sát. Phật dạy rất rõ: Đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, mặc áo biết mặc áo...Đây là cái Biết không lời của Tánh Giác.

-    Thấy như thật

-    Biết như thật

-     Thấy biết như thật

-     Nhận thấy như thật hay Như Thật Quán.

-   Nghe như thật: đây chính là Văn Huệ (trong tam huệ: Văn, Tư, Tu)

Tức là thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe, nghĩa là thấy, nghe mà không khởi niệm nói thầm kèm theo. Điều này cũng có thể nói: Thấy Như Thật là Thấy Như Thế, Thấy Như Vậy (Tathā). Không thể diễn giải gì thêm nữa.

Pháp Như Thật sử dụng:

-     Phản xạ bình dị: khi thấy biết bằng cái lóe sáng đầu tiên của tánh giác.

-     Phản xạ giác quan- tri giác: khi thấy biết bằng giác quan tiếp xúc trực tiếp đối tượng và cái biết giữ lại ở tánh giác. Cả hai loại phản xạ này là chức năng thứ nhất của tánh giác: chức năng Kiến Giải Tổng Quát.

-     Phản xạ ngoài giác quan: khi tọa thiền, 6 căn không tiếp xúc 6 trần. Tâm không động, tánh giác bật ra kiến giải sâu sắc về những điều bế tắc từ lâu. Đây là chức năng thứ hai của tánh giác: chức năng NGỘ.

Đến đây xem như ta đã có kinh nghiệm làm chủ sự suy nghĩ, có kinh nghiệm cái biết không lời, ta dụng công trong bốn oai nghi để cho Tánh Giác có mặt thường trựcvững chắc và trở nên nhân chứng đối với tất cả đối tượng giác quan. Nghĩa là dù sáu căn tiếp xúc sáu trần mà sáu thức không khởi.

4-  Kết quả:

-     Tâm không dính mắc với bất kỳ đối tượng nào. Tâm trở nên an lạc, trong sáng.

-     Nếu dụng công Thấy Như Thật bằng giác quan- tri giác: ta đạt Định trong bốn oai nghi, hay Định trong động. Từ đó, huân tập quán tính không lời, ta dễ vào Định sâu khi tọa thiền, ta sẽ có kinh nghiệm Thấy Như Thật ngoài giác quan, hay Thấy NHƯ VẬY (Tathā) bằng trí tuệ tâm linh của chính mình, đây là cái thấy siêu lý luận.

-     Pháp Như Thật có khả năng đưa đến NGỘ. Thời Phật tại thế, nhiều đệ tử Phật ngộ khi thực hành pháp Như Thực. Chính Đức Phật cũng chứng ngộ từ pháp này. Đây là một pháp rốt ráo, có thể bật ra tiềm năng giác ngộ, tức Phật Tánh.

Tuy nhiên bước tới đây rồi, nếu ta vẫn chưa Thấy Như Vậy, hay chưa Ngộ, ta phải tiếp tục đi tới. Đến đây có ba nhịp cầu song song cùng dẫn tới Bờ Bên Kia. Đó là ba Pháp dụng công căn bản, rốt ráo của hệ Bát Nhã: Chân Như, Như Huyễn và Không. Đây là trọng tâm tu tập của lớp Trung cấp 2 này. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ chọn một và không khai triển hai pháp còn lại.

Tôi xin trình bày NHỊP CẦU THỨ TƯ: CHÂN NHƯ.

IV- CHÂN NHƯ:

1- Tiến trình hình thành thuật ngữ Chân Như:

+  Khi Đức Phật thành đạo, đêm cuối của tuần lễ thứ tư, trong trạng thái Định Bất Động với tâm thuần nhất vững chắc, Ngài đã chứng Tam Minh, trong đó Minh thứ ba là Lậu tận minh, Ngài đã nhận ra Tứ đế"như vậy" (tức tathā)

+ Tathatā: (danh từ của Tathā): được các nhà Phật học Phát Triển Trung Hoa dịch là Như, Như Như, hay Chân Như..

+ Ngài Mã Minh dùng từ Bhūtatathatā: được dịch là Chân Như.

2- Ý nghĩa Chân Như: Ý nghĩa cốt lõi của những thuật ngữ này muốn nói lên rằng: sự thật tối hậu của vạn pháp là NHƯ THẾ, không thể giải thích hay nói ra được, phải tự chứng nghiệm mà thôi. Vì sao ? Bản thể rốt ráo của vạn pháp từ khởi thủy vốn không tên, không lời, không sắc tướng. Làm sao có thể dùng tên gọi, dùng lời lý luận hay dùng ý thức phân biệt, suy nghĩ, mà diễn đạt về chúng ? Nhưng nếu không giải thích thì làm sao người khác có thể nhận ra được chân như ?

Cho nên, ta tạm mượn lời nói, mượn khái niệm để nói về chân như.

Chân nhưthực tại tối hậu, là chân tánh thường hằng, là nền tảng bất biến, bất động của thế giới hiện tượng này. Chân như là cái không tên của vạn pháp, là trạng thái trống rỗng tuyệt đối và tĩnh lặng tuyệt đối của vạn pháp. Đó chính là trạng thái trống không hay Tánh Không. Muốn hội nhập vào cái trống không của vạn pháp, hệ Bát Nhã giả lập ra một phương thức để dụng công, đó là lấy Chân Như làm đối tượng dụng công. Đối tượng mà thực sự không phải là đối tượng vì chân như là cái rỗng không tuyệt đối và tĩnh lặng tuyệt đối của tâm và cũng của vạn pháp. Do đó, nếu ta thấy thực sự có Chân Như hay có Không, là sai. Vì sao ? Không và Chân như cũng chỉ là giả danh đặt ra, đều là HUYỄN. Nếu ta thấy chân như là có, là hiện hữu trong thế giới hiện tượng này, là một pháp, thì chân như đã trở thành một pháp do điều kiện làm ra, tức một pháp hữu vi, một pháp được thấy biết bằng giác quan của con người, nó đã là CÁI BỊ SANH, thì đồng thời là CÁI BỊ DIỆT. Chân Như thực sự là một phạm trù SIÊU LÝ LUẬN- nó vượt ra ngoài sự suy luận hợp lý của trí thế gian- Vì vậy, khi ta dùng lời để diễn tả là ta chỉ nói tới bên ngoài của Chân như, người nghe cũng chỉ nghe hiểu và nhận ra bên ngoài của Chân như mà thôi. Còn bên trong Chân như là gì ? Ta phải vào bên trong nó, ta mới nhận ra được nó rõ ràng thông suốt.

3- Thực hành: Phương thức thể nhập Chân Như

Đến đây, tư thế tọa thiềnthích hợp nhất, vì cần thư giãn toàn bộ cả tâm và thân. Hơn nữa, ta phải khai triển cái diệu hữu của sự thể nhập chân như: phần này tôi sẽ trình bày rõ hơn khi nói về kết quả của Định thể nhập Chân Như

Phương thức sử dụng: có thể có nhiều cách, tùy căn cơ mỗi người. Trong lớp, Thầy gợi ý ba cách:

1-         Cái lóe sáng biết đầu tiên của Tánh Giác: đây là điều kiện tiên quyết và nền tảng của tất cả các tầng Định trong Thiền Phật Giáo. Trước nhất phải nhận ra cái Biết Không Lời của Tánh Giác, đối với người sơ cơ, đó chính là cái lóe sáng biết đầu tiên khi các căn tiếp xúc các trần. Khi ấy không có một khái niệm nào khởi lên trong đầu. Sau, phải miên mật dụng công để cái lóe sáng này được vững chắc, được lâu dài hơn, để đi vào định. Định, nói ngắn gọn, là trạng thái KHÔNG LỜI. Từ đó, thể nhập làm một với chân như, cũng là cái Không Lời.

2-         Biết mà không khởi niệm biết: Đây cũng là cái Biết của Tánh Giác, tức là cái Biết Không Lời. Trong trạng thái Thầm Lặng Biết một cách sâu sắc, hay Biết mà không có lời nói thầm trong não kèm theo, ngay cả không khởi niệm biết, tâm hoàn toàn trống không, mới thể nhập chân như là cái trống không, không lời tuyệt đối.

3-         Nhận thức không lời: Đây là một chủ đề quan trọng của lớp Trung cấp 2 này, nó khai triển sâu sắc cái Biết Không Lời của Tánh Giác. Ta có thể nói đây là mức độ cao hơn, sâu sắc hơn của chức năng tánh giác. Nó là nền tảng của tất cả các Định trong Thiền Phật giáo, như ba định căn bản rốt ráo: NHƯ HUYỂN TAM MUỘI, KHÔNG ĐỊNHTHỂ NHẬP CHÂN NHƯ. Ta có thể nói nó là cái khung của tất cả các loại định của 3 hệ Thiền Phật Giáo.

Vì thế tôi xin khai triển rõ hơn trong NHỊP CẦU THỨ NĂM.

V- NHẬN THỨC KHÔNG LỜI:

1-         Ý nghĩa NHẬN THỨC: (P: Parijānanā: cognition) Đó là một tiến trình biết bằng kinh nghiệm, bao gồm tri giác qua giác quan, suy nghĩ, xét đoán, lý luận, ghi vào ký ức và nhớ lại. Đây là trường hợp phổ thông của con người bình thường, sử dụng ý thức phân biệt, suy nghĩtrí năng để có thể đáp ứng thích nghi với mọi tình huống xảy đến cho mình. Tuy vậy nó không phát triển trí tuệ tâm linh và không thực sự chấm dứt phiền não vì khi suy nghĩ, phân biệt, lý luận, ta thường chủ quan, thiên lệch, bởi cái Ngã tham ái, Ngã ích kỷ, Ngã kiêu mạn xen vào. Thiền đòi hỏi nhận thức trong sạch, tức là không có Ngã. Trong tiến trình nhận thức trong sạch chỉ có giác quan- tri giác, ký ức và cái biết không lời có mặt trong suốt tiến trình nhận biết, ghi nhớ và gợi lại. Như vậy, nhận thức có hai loại:

+ Nhận thức có lời

+ Nhận thức không lời.

Nhận thức không lời đặt nền tảng trên tánh giác, tức cũng là cái biết không lời; tuy nhiên, đối tượng nhận biết có chọn lọc và được cất giữ trong ký ức, nên khi gợi lên, dù là gợi lên trong Không Lời, nó có ấn tượng sâu sắc và rõ ràng. Cái Biết Không Lời là chức năng kiến giải tổng quát của Tánh giác, có khi không để lại dấu vết trong ký ức. Còn trong nhận thức không lời, đối tượng được nhận thức đã nằm yên sẵn trong nhận thức rồi. Thuật ngữ thiền nói là đối tượng đã NỘI TẠI trong nhận thức không lời. Như vậy, khi ta có kinh nghiệm nhận thức không lời về chân như, có nghĩa là chân như đã nội tại trong nhận thức không lời. Nói cách khác, thể nhập chân như có nghĩa là làm cho chân như nội tại trong nhận thức không lời.

Tóm lại, cái Biết Không Lời là nền tảng của những mức độ Định ĐẠT TÁNH GIÁC. Còn Nhận Thức Không Lời là một cái khung KHÔNG LỜI sâu sắc hơn của những tầng định cao hơn: Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định, Thể Nhập Chân Như, Như Huyễn Tam Muội...

Chính chức năng NỘI TẠI TRONG NHẬN THỨC KHÔNG LỜI đã mở ra một chân trời bao la cho Định. Tất cả các loại Định, hay các loại Tam Muội đều là những đối tượng nội tại trong nhận thức không lời.

Có nhiều loại nhận thức:

+ Nhận thức bản năng: mặc dù không có suy nghĩ, nhưng nó không có sự hiểu biết rõ ràng, thiền không sử dụng.

+ Nhận thức qua suy luận, qua phân biệt, qua suy nghĩnhận thức có lời. Đây là chức năng của ý thức, ý căntrí năng. Ở đây, ta cũng không sử dụng tới.

+ Nhận thức trực tiếp qua giác quan- tri giác: là nhận thức không lời, sử dụng mắt, tai v.v. và ghi nhớ, gợi lại đều trong không lời. Đây cũng là Thấy Như Thật. Đây là chức năng Kiến Giải Tổng Quát của Tánh Giác và cơ chế ký ức dài hạn để cất giữ đối tượng.

+ Ngoài ra còn có một loại nhận thức cao hơn, là nhận thức ngoài giác quan. Trong tiến trình này, các giác quan không tiếp xúc với đối tượng, ví dụ khi tọa thiền, không sử dụng giác quan, không có đối tượng. Nhận thức không lời ở đây là do trí tuệ tâm linh, hay tánh giác tự động bật ra kiến giải, nhận thức rõ ràng về điều gì từ trước ta chưa hề biết. Trường hợp này, không cần kinh nghiệm cất giữ trong ký ức nữa. Bấy giờ những nhận thức tuần tự hiện ra trong tâm, ta cứ yên lặng nhìn ngắm, đó cũng là Thấy Như Thật (Yathābhūta), Thấy Như Thế (Tathā)...Nhận thức ngoài giác quan đưa đến Ngộ sâu sắc hơn nhận thức qua giác quan.

Phương thức đi đến bến bờ giải thoát mà tôi chọn để trình bày hôm nay là THỂ NHẬP CHÂN NHƯ bằng NHẬN THỨC KHÔNG LỜI NGOÀI GIÁC QUAN. Trước khi trình bày tiến trình dụng công thể nhập chân như, tôi xin trình bày giai đoạn chuẩn bị: Thiết lập Bản Đồ Nhận Thức.

2-         Bản Đồ Nhận Thức: là sự ghi nhớ pháp học và pháp thực hành mà ta đã học, đã biết vào ký ức, để khi dụng công ta có dữ kiện sẵn. Bản đồ nhận thức có bốn thành phần:

+ Nhận thức ngữ nghĩa: Ở đây đối tượng là Chân Như. Khi ta nắm rõ và ghi nhớ ý nghĩa rốt ráo của thuật ngữ chân như-  đó là cái Không Lời, Không Tên-  biểu tượng không lời, không tên đã nội tại trong nhận thức ngữ nghĩa của ta.

+ Nhận thức thủ tục: khi ta miên mật thực hành, từng bước thực hành sẽ được ghi vào ký ức thủ tục, ví dụ thực hành trong bốn oai nghi, hay tọa thiền. Khi ta khởi ý dụng công, lập tức từng bước trước sau cứ diễn tiến theo thói quen.

+ Nhận thức tình tiết: từng chi tiết trong mỗi bước thực hành cũng được ghi vào ký ức tình tiết. Đây là kết quả tất nhiên của sự thực hành đều đặn: tế bào não có thói quen mới: làm theo thủ tục và tình tiết mà ta đã huấn luyện nó.

+ Nhận thức gợi lên: trong lúc tọa thiền, khi có niệm khởi, ta dùng nhận thức gợi lên để chận niệm. Đó là gợi lên: Không Lời. Niệm sẽ tự lặn mất.

Nhận xét chung về bản đồ nhận thức: khi ta đang dụng công, nhận thức gợi lên là quan trọng nhất, ta phải biết cách gợi lên, chỉ bằng nhận thức không lời, nếu không khéo, gợi lên có lời là sai. Nhận thức ngữ nghĩa cũng quan trọng vì nó quyết định nội dung định của ta. Nếu ta cho chủ đề là Tánh Giác, khi vào trạng thái không lời, ta biết đó là tánh giác có mặt. Khi ta cho chủ đềchân như, thì đó là trạng thái hội nhập chân như. Còn nhận thức thủ tục và tình tiết đòi hỏi ta phải thực hành đều đặn, thường những dữ kiện này là tổng quát cho các loại định. Tóm lại, bản đồ nhận thức cần những điều kiện:

1-   Phải có kinh nghiệm vững chắc về cái Biết Không Lời của tánh Giác, vì cả bốn nhận thức đều là nhận thức không lời.

2-   Phải hiểu rõ, dù bằng trí năng, ý nghĩa rốt ráo của chủ đề dụng công: Chân Như.

Ta đã bước tới nhịp cầu thứ năm, xem như ta đã thông suốt những điều kiện cần thiết rồi, bây giờ tôi xin trình bày tiến trình dụng công thể nhập Chân Như.

 

 3- Tiến trình dụng công thể nhập Chân Như:

Hành trang Thầy đã cho chúng ta đầy đủ, con đường đi Thầy cũng đã chỉ rõ ràng từng lối dọc ngang, không sợ lạc, không sợ vấp ngã, tuy nhiên mỗi người có một cách đi riêng thích hợp với mình. Tôi trình bày đây không phải là một mô thức tổng quát áp dụng cho tất cả mọi người, đây chỉ là kinh nghiệm của tôi.

Tới bước này, tư thế tọa thiềnthích hợp nhất vì chỉ trong tư thế này, ta mới có thể hoàn toàn thư giãn thân và tâm.

Bước 1: sử dụng pháp: Khởi Ý- Tắt Ý.

 Sau khi ngồi kiết già ngay ngắn, lưng thẳng, hai bàn tay đặt đúng vị trí như thường lệ, khởi ý: Thể Nhập Chân Như. Ngay sau đó, tắt niệm ( Đây là vai trò của nhận thức thủ tụcnhận thức tình tiết). Cái Không Lời có mặt. Nói rõ hơn, chân như đang nội tại trong nhận thức không lời. Nếu ta thực sự đạt được Không Lời vững chắc, thì ngay đó đã Thể Nhập Chân Như rồi. (Đây là vai trò của nhận thức ngữ nghĩa). Tâm lúc đó là tâm Thuần Nhất, Trống Không, không có một niệm khởi, dù là niệm an lạc, hay niệm biết cảm thọ trong thân. Lúc đó, tác động sinh học do tế bào não phản ứng, sẽ khởi lên, ta biết nhưng ta không dính. Nhưng làm sao để không dính với cảm thọ ? Đây chính là mấu chốt quan trọng nhất để thực sự thể nhập Chân Như.

Bước 2 : Khởi Ý Vô Trụ: Tâm phải hoàn toàn trống không, không duyên vào đâu, không chứa đựng một khái niệm gì mới thực sự là hội nhập chân nhưchân như không thực sự hiện hữu trong thế giới hiện tượng này, nó là một giả danh chỉ cái không có, cái không tên, cái không lời, không sắc tướng, không nắm bắt được bằng sáu giác quan của con người. Chân như không thể suy nghĩ, tưởng tượng, so sánhnhận ra, nó Siêu Lý Luận. Vì thế Thể nhập Chân Như, tâm phải tuyệt đối trống rỗng. Nếu ta nhận ra cảm thọ trong thân, thí dụ: hơi ấm, thân nhẹ, hơi thở nhẹ, đầu nặng, hoạt hóa máu v.v. tức là khi đó cảm thọ nội tại trong nhận thức không lời của ta rồi chớ không phải chân như nội tại. Vì thế, lúc đó ta khởi ý vô trụ (không trụ nơi nào), chỉ khởi ý không lời. Ta sẽ nhận ra cảm thọ mờ lần và mất hẳn. Không phải những tác động sinh học không còn mà là tâm ta và cảm thọ là hai, nói cách khác, cảm thọ ở bên ngoài tâm ta. Nói rõ hơn nữa: cảm thọ ở bên ngoài nhận thức của ta.

Tôi xin nói thêm một chút điểm vi tế này. Không nên tưởng rằng khi ấy ta vô tri vô giác (như trạng thái Diệt Thọ Tưởng Định).  Lúc ấy, tâm ta đang ở trạng thái Vô Trụ, Trống Không, nếu muốn biết về cảm thọ, hướng tâm đến thì sẽ biết lập tức. Trạng thái Vô Thức này là không có ý thức khởi ra, nhưng vẫn nhận biết rõ, khác với vô thức trong nghĩa thông thường là mất tri giác.

Bây giờ, chỉ là sự Trống Không, chỉ là sự Tĩnh Lặng tuyệt đối. Ta không còn, Chân Như không còn, Lời không có, Khái niệm không có, cũng không gọi được là Trống Không, cũng không nói được là Tâm Thuần Nhất, cũng không thấy có Tánh giác, và không thấy có cả Nhận Thức Không Lời. Khi ấy, chỉ là NHƯ VẬY, NHƯ THẾ chỉ là NHƯ THẾ mà thôi. Đó chính là NHẬN THỨC KHÔNG LỜI NGOÀI GIÁC QUAN, hay Tánh giác đang kiến giải Chân Như: NHƯ THẾ LÀ NHƯ THẾ NÀO. Khi tánh giác thầm lặng kiến giải, “Ta” chỉ thầm lặng nhìn ngắm nó: cho nên cũng có thể nói: đó là Thấy Như Thật - Thấy Như Thật ngoài giác quan- Ngay chỗ này Thấy Như Thật, Thấy Như Vậy, Thể nhập Chân Như, Như Huyễn tam muội, Vô Trụ Tam Muội, Không định, Vô Tướng định, Vô Nguyện định cùng đồng nhau. Đây chính là lý do vì sao Phật nói chỗ này là Atakkāvacara: SIÊU LÝ LUẬN, hệ Phát Triển gọi là Chân Như. Đó là cái mà Đức Phật gọi là TATHĀ (tĩnh từ), TATHATĀ (danh từ)

Tôi xin khai triển thêm câu tôi vừa nói: “Ta không còn.”

Tôi tạm chia ra bốn mức độ nhận ra VÔ NGÃ:

1-   Được Thầy giảng dạy về vô ngã trong Tam Pháp Ấn, ta biết mọi hiện tượng đều do nhiều duyên kết hợp mà thành, thân người do năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong thân người thực không có cái TA nào là chủ thể thường hằng. Nếu ta thấy nó đang hiện hữu, sự hiện hữu này là Như Huyễn mà thôi. Đó là ta nhận ra ý nghĩa vô ngã thông qua suy luận của trí năng tỉnh ngộ.

2-   Khi ta bắt đầu có kinh nghiệm về trạng thái Biết Không Lời của Tánh Giác, ta nhận ra Tưởng, Hành, Thức cũng là không thực có, không có bản chất cố định. Đây là ta nhận ra Vô Ngã qua cái biết không lời, qua kinh nghiệm tánh giác.

3-   Trong khi Thể nhập Chân Như, là trạng thái tâm thuần nhất, hoàn toàn không còn tướng cảm thọ nên sắc thân cũng không. Đây là ta nhận ra trực tiếp vô ngã trong Định, trong Chân Như. Đây chính là NHẬN THỨC NGOÀI GIÁC QUAN về VÔ NGÃ. Tức là tiềm năng giác ngộ kiến giải Vô Ngã là thế nào: rốt ráo cả sắc, thọ, tưởng, hành và thức đều hòa nhập vào Chân Như, vào Trống Không. Nói cách khác, chính sắc, thọ, tưởng, hành và thức ngay khi ấy là Chân Như, là Không, là thực tại tối hậu của vạn pháp.

4-   Đồng thời ngay khi ấy, ta cũng nhận ra rằng tất cả các pháp đều đồng là chân như, là trống không, là vô ngã, là vô sanh. Sự nhận ra này không thông qua suy luận hay quán chiếu, mà qua sự kiến giải sâu sắc của Tánh nhận thức biết.

Trong trạng thái thể nhập Chân Như mới thực sự là vô ngã: nhân vô ngã, pháp vô ngãnhân không, pháp không.

Sau giây phút nhận diện được Chân Như, một nỗi vui mừng lan tỏa trong thân tâm. Ta dùng nhận thức gợi lên: “Không Lời” để không dính mắc cảm thọ này. Nếu ta an trú trong nỗi vui mừng này, ta lần lần ra khỏi định. Vì từ cảm thọ an lạc, sẽ phát sinh tri giác (tưởng), mạng lưới khái niệm có lời thành hình, để tạo ra tầm (sự nói thầm trong tâm). Tuy nhiên dù cho mới hớp được một ngụm nước biển, ta cũng biết một chút mùi vị ban đầu của đại dương ra sao. Từ đây, ta mới thích thú dụng công để đào bới kho châu báu của riêng mình.

4- Kết Quả: rõ ràng và sâu sắc trên ba mặt:

+ Chuyển đổi tâm: nhận thức được thực tướng của tất cả hiện tượng thế gian là trống không, nhận thức được con ngườivạn pháp đều là chân như, nhận thức được rõ vô ngã là thế nào, nhận thức được thế gian như huyễn là sao, từ đó tâm lần lần bớt chấp trước, bớt dính mắc những điều thị phi, tâm trở nên bình thản, dửng dưng, an vui nhẹ nhàng. Tâm Bi lần lần phát triển, muốn giúp đỡ người khác được hưởng an vui, được trí huệ như mình đã được.

+ Hài hòa thân- tâm: Nhờ các tác động sinh học trong định, sức khỏe phục hồi, các bệnh tâm thể tự động được chữa trị. Đây là lý do tư thế tọa thiền cần thiết, để tạo ra những tác động sinh học (bioaction).

+ Phát triển trí tuệ tâm linh: đây là mục tiêu chính yếu của Thiền Phật giáo. Từ khi có kinh nghiệm về Tánh giác, trí tuệ tâm linh đã bắt đầu hé mở. Đến khi có kinh nghiệm thể nhập Chân Như, trí tuệ bắt đầu triển khai theo mức độ dụng công miên mật của hành giả. Tại sao ? Ta đã biết khi cánh cửa Ý thức, Suy nghĩTrí năng đóng lại, lập tức cánh cửa của Tánh giác mở ra. Cánh cửa trước đóng lại càng chắc, cánh cửa sau mở ra càng nhiều. Từ đây, mỗi khi có một vấn đề cần giải quyết, ta đừng bóp trán, nhăn mày suy nghĩ, ta hãy xách gối thiền ra, tọa thiền, vào định. Tánh giác sẽ tung ra kiến giải. Ta hãy tập cho mình có thói quen mới, là Làm Biếng Suy Nghĩ, để bắt Tánh Giác phải làm trọn chức năng của nó là Kiến Giải tất cả mọi  vấn đề. Từ lần, trực giác, trí tuệ siêu việt, trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật sẽ được phát huy. Cho đến khi nào ta đạt được Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật là ta mới thực sự Ở BỜ BÊN KIA.

Ý NGHĨA BỜ BÊN KIA:

 BA LA MẬT hay BA LA MẬT ĐA (Pāramī /Pāramitā): đáo bỉ ngạn: tới bờ bên kia.

Bờ bên kia là bờ giải thoát, là Niết bàn.

Bờ bên này là bờ sanh tử luân hồi, là thế gian.

Muốn qua đến Bờ Bên Kia, phải bằng trí tuệ Bát Nhã. Có kinh nghiệm Thể nhập Chân Như chưa phải là bước cuối cùng, đó mới là bước đầu của con đường tu tập dài thăm thẳm của hành giả muốn đạt tới Trí Tuệ Kiện Toàn. 

Từ đây là con đường Bát Nhã Ba La Mật, thuật ngữ gọi là THẬP ĐỊA của Bồ Tát. Trong kinh Hoa Nghiêm Nhân Vương, nêu ra 10 địa, mà Hoan Hỷ Địa là địa thứ nhất bắt đầu nhận ra Chân Như.

Để cụ thể hoá những phương thức tu:

  • hệ Nguyên Thủy thiết lập Thập Độ Ba La Mật
  • hệ Phát Triển thường sử dụng Lục Độ Ba La Mật.

Trong phạm vi tu học của khóa Bát Nhã này, tôi chỉ trình bày tới đây.

III- TỔNG KẾT TOÀN BÀI:

Kính thưa Thầy,

Thưa các bạn, 

Tôi vừa trình bày một con đường dẫn tới CHÂN NHƯ, là thực tại cuối cùng của vạn pháp. Tôi đã phân tích từng chặng đường, về lý thuyết và phương thức dụng công, đó là mấy nhịp cầu từ Bờ Sanh Tử dẫn tới Bến Bờ Chân Như. Đến đây, tuy chưa hẳn là Bờ Bên Kia, Bờ Giải Thoát tối hậu, nhưng khi đã đứng ở Bên Nầy, là Bến Bờ Chân Như, nhìn lại thì đâu thấy Bờ Kia nữa. Không có Bờ Kia thì cũng đâu còn Bờ Này. Hai bờ không còn, MẤY NHỊP CẦU TRE cũng không có. Không có lời nào có thể diễn tả được cái thực tại Trống Không, nếu dùng lời thì chỉ nói lên được cái bề ngoài của thực tại, vì thực tại rốt ráo là Không Lời.

Pháp học và pháp hành cũng chỉ là ngón tay để chỉ trăng. Khi đã nhận ra mặt trăng rồi, ngón tay không cần nữa.  Trong Chân Như, thực sự không chứa đựng một cái gì, cho nên nói: nó là Cái Như Thật Không, nhưng trong nó là kho báu vô lượng của Trí Tuệ siêu việt, của vô lượng công đức, nếu tâm chúng ta thể nhập vào nó, nên nó cũng là Cái Như Thật Bất Không.

Thiền Tông đã biểu trưng trạng thái Thể nhập Chân Như bằng bức tranh Chăn Trâu thứ 8, vòng tròn trống không: không người, không đối tượng, không pháp dụng công, không lời, không tên, không khái niệm. Rốt ráo, cái vòng tròn trống không cũng chỉ là giả tướng, và Chân Như cũng chỉ là giả danh. Nó chỉ là một đối tượng dụng công để thấy lại bộ mặt thật xưa nay của mình, để trở về nguồn cội của tất cả thực tại thế gian, là cái Không Tên, Không Lời thường hằng không sanh diệt, bất độngtrong sạch. Đó cũng là trạng thái Tâm Thuần Nhất hay Tâm Không. Ngài Long Thọ nói: Người nào hòa nhập Không, thì hòa nhập cùng vạn pháp. Chỗ này kinh thường nói: bất khả tư, bất khả thuyết, bất khả tư nghị.

Kính thưa Thầy,

Đây là tất cả cái mà con muốn trình bày hôm nay, cuối cùng, rốt ráo chỉ là  NHƯ THẾ.

Trình ngày 5- 12-1999

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
69,256