HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Bản Đồ Nhận Thức

02 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 12518)

Bản Đồ Nhận Thức

 

Trong lớp Bát Nhã 1, Nhận Thức là một chủ đề rất quan trọng vì nó chính là chìa khóa để đưa đến giác ngộ, giải thoát. Những năm gần đây, chủ đề Chân Như thường hay được sử dụng trong các khóa chuyên tu Thiền Định. Mục đích của các khóa chuyên tu này là để giúp cho Thiền sinh thiết lập bản đồ nhận thức về Chân Như qua mã số Không Nói. Vì Chân Như là một chủ đề trừu tượng và siêu vượt cho nên rất khó nắm bắt. Bài viết này không nhằm ôn lại lý thuyết về nhận thức nữa mà chỉ xin chia sẻ vài kinh nghiệm trong việc thiết lập bản đồ nhận thức.

Trong đời thường, chúng ta đã từng thiết lập những bản đồ nhận thức một cách rất tự nhiên: như khi lái xe từ nhà đến sở, như khi nấu cơm, giặt đồ, đi xe đạp, bơi lội...

Khác ở chỗ là một bên dễ nắm bắt được vì nó cụ thể, có nơi xuất phát, có chỗ để đến; trong khi một bên thì trừu tượng, không hình tướng, không màu sắc...Thí dụ như khi muốn lái xe từ nhà đến sở: lần đầu tiên lái xe, ta phải cần có một bản đồ vẽ đường trong tay. Bản đồ này chỉ rõ đường nào phải đi, ngả nào phải quẹo… Đi vài lần như thế thì bản đồ này không còn cần thiết nữa vì ta đã nhớ rõ và biết từng khúc đường, khi nào quẹo phải, khi nào rẽ trái, đúng thủ tục và đầy đủ tình tiết chi ly do ta góp nhặt được qua mỗi lần lái xe như khúc nào có đèn, khúc nào có dấu stop... Bây giờ, ta chỉ cần khởi ý muốn lái xe đến sở là nhận thức về lái xe sẽ chủ động điều khiển theo bản đồ đã được thiết lập trong ký ức.

Tương tự, khi ta học bơi cũng thế. Tập bơi tạm chia ra làm bốn giai đoạn: trước tiên là tập đạp chân cho đúng sau đó là tập quạt tay; kế tiếp đến cách thở bằng miệng và cuối cùngphối hợp các động tác lại với nhau cho nhịp nhàng. Càng tập nhiều chừng nào thì tuệ trí về bơi lội sẽ phát sanh. Chẳng hạn như làm thế nào để các động tác ăn khớp mà không gây chướng ngại cho nhau, làm sao không bị lệch hướng mỗi khi xoay đầu để thở, thở sao cho nước không vào miệng, thở sao để không làm trì hoãn nhịp bơi … Điều đáng để ý là sau khi đã biết bơi, mỗi khi nhảy xuống nước ta không còn phải theo thứ tự từng giai đoạn như khi mới tập bơi nữa. Bốn giai đoạn trở thành một dòng liên tục rất nhịp nhàng; nếu có giai đoạn nào chưa trôi chảybiết mình còn bị dính mắc ở giai đoạn đó.

Trở lại chuyện lái xe đến sở làm, đường từ nhà đến sở có khoảng cách, tốc độ của xe lại chậm nên phải cần thời gian. Chính vì thế mà ta có thể diễn tả hay kể lại các cảm thọ, cảm giác hay những hình ảnhâm thanh trong suốt chặng đường qua mỗi lần đi. Khi đã thuần thục, thì ta sẽ có thêm tuệ trí về khúc nào hay kẹt xe, và thường kẹt vào lúc nào. Khi nào cần phải đổi lane, lúc nào nhanh lúc nào chậm cho nhịp nhàng với dòng xe. Mỗi lần đi là mỗi lần khác; không lần nào giống lần nào cả. Do đó tuệ trí là cái không chấp trước, không dính mắc, không mong chờ hay ham muốn.

Bây giờ hãy thử tăng vận tốc của xe nhanh lên bằng vận tốc của dòng điện trong não bộ, thì ngay khi vừa dứt tác ý “đi đến sở làm” là tức thì ta đã ở ngay tại nơi đó rồi. Cũng tương tự như thế, ta sẽ ngộ ra rằng từ lúc tác ý Không Nói cho đến lúc thể nhập Chân Như chỉ còn là một sát na mà thôi. Thầy thường nói vào Định nhanh như một búng tay là vậy. Chính vì lý do này mà đôi khi một hành giả sau khi thực hành được rồi lại không có khả năng hướng dẫn người khác thành tựu được như mình.

Thực tập “Không Nói” chẳng khác gì ăn cháo trắng mà chẳng có gia vị gì cả. Sáng, trưa, chiều đều là cháo trắng. Chẳng có chút mùi vị gì. Thấy dễ nhưng mà khó kinh khủng. Ăn vài buổi thì dễ nản lòng và sanh nghi ngờ. Thực tập Không Nói cũng thế, đi cũng không nói, đứng cũng không nói, nằm cũng không nói, ngồi cũng không nói, ăn cũng không nói. Mọi thời, mọi lúc đều không nói. Ban đầu thì hơi bực bội, khó chịu nhưng nhờ ở trong cùng Đạo tràngmọi người đều thực hành “không nói” y như nhau nên riết rồi lại có được quán tính mới yên lặng. Cũng giống như ăn cháo trắng riết rồi thì sẽ no. Điều quan trọng là phải miên mật, đều đặn; dù có chán và ngán cũng không được bỏ cháo trắng để thử cơm hay phở vì giống như đang thực tập “không nói” lại chuyển qua theo dõi hơi thở hay theo dõi bụng phồng xẹp… Rốt cuộc là chẳng có kinh nghiệm gì về cháo cả. Điều tai hại là đã không có kinh nghiệm về cháo mà lại thích nói nhiều về cháo.

Đôi khi ta lại ngây thơ đi hỏi kết quả tu tập của người khác, rồi bắt chước qua tưởng tượng. Chẳng khác nào đi hỏi người đã ăn no, rồi bắt chước người no; họ làm gì thì mình làm theo là mình lại bị kẹt. Vì họ no rồi thì họ ngưng ăn mà mình cũng bắt chước ngưng theo thì bị đói rã ruột. Do đó khi thực hành phải luôn giữ niệm biết để có được tuệ trí trong mỗi giai đoạn và nhất là phải tự tin ở chính mình.

Trong đời sống thường có những nghịch lý, người bỏ được thói quen hút thuốc hay uống rượu thì cảm thấy rất tự hào. Họ đã tự dính mắc, và đắm chìm vào các thứ nghiện ngập này trong quá khứ. Nay vì có nhu cầu mới, có phương pháp cai nghiện thích hợp cùng sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè mà bây giờ ngưng được thói quen hại nhiều hơn lợi này. Họ đã quên đi rằng ngay từ lúc họ mới sanh ra, họ đâu có sẵn cái bệnh ghiền thuốc hay nghiện rượu. Khi đã về trở lại lúc ban đầu không nghiện ngập, thì đâu còn có nhu cầu, đâu cần có phương pháp, hay cần sự giúp đỡ gì để mà buông bỏ?

Tương tự như thế, nhờ có nhu cầu tâm linh, cùng sự yểm trợ của các Đạo tràng và qua pháp “Không Nói”, ta có thể buông bỏ được những cơn nghiện ngập dán nhãn, định danh, tầm và tứ triền miên… để trở về lại bản tánh “tatha” sẵn có trong mỗi chúng sinh. Nào ngờ…

Xin hãy cùng nhau thực tập „Không Nói“.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Toàn Năng

Thiền Sinh Tánh Không

blank 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 2010(Xem: 13250)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm, Trích tập san Tánh Không 2008.
29 Tháng Bảy 2010(Xem: 11662)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Sư Cô Triệt Như
29 Tháng Bảy 2010(Xem: 10556)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Thầy Không Chiếu
11 Tháng Bảy 2010(Xem: 11190)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Thuần Ngộ, Thiền sinh Tánh Khộng
11 Tháng Bảy 2010(Xem: 10547)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Phương Diệu, thiền sinh lớp 1 khóa IV
69,256