HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

HT Thích Thông Triệt: GIÁO TRÌNH_Các BÀI ĐỌC THÊM: TẠI SAO TU THIỀN PHẢI DỪNG VỌNG TƯỞNG

18 Tháng Tư 202211:18 SA(Xem: 2261)

TẠI SAO TU THIỀN PHẢI DỪNG VỌNG TƯỞNG

Trích trong bài đọc thêm "Tại sao tu thiền phải dừng vọng tưởng"

do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn

 

sư phụ

 

 

Tất cả ý nghĩ tạo thành vọng tưởng, kể cả sự suy nghĩ đều được lập thành dựa trên sự nói thầm hay đối thoại thầm lặng trong não. Không có sự nói thầm hay đối thoại thầm lặng, vọng tưởng hay suy nghĩ không được thành lập. Nếu nắm vững nghĩa này, ta sẽ biết cách thực hành "Không Theo Vọng." Còn không nắm được nghĩa đàng sau của vọng tưởng, ta vẫn chơi trò chơi cút-bắt với vọng.

Hỏi: - Thế nào là chơi trò chơi cút-bắt với vọng?

Đáp: - Đó là ta dùng nhiều lời có nội dung, rồi nói lên lời đó để hy vọng dừng được vọng. Đây là chơi trò chơi cút-bắt với vọng. Vì ta không bao giờ dừng được vọng với lời có những ý nghĩ kèm theo để hy vọng là vọng tự dừng.

Thí dụ như nói: "Ta hãy quay đầu lại, đừng phóng tâm ra ngoài. Càng ngó ra ngoài, ta càng theo vọng."

Hoặc nói: "Cái khổ của con người là do chúng ta không biết buông vọng. Nó không phải là mình mà chúng ta cứ nhận giặc làm con. Như vậy, chúng ta làm sao giải thoát được. Chúng ta biết nó là giả rồi, nó là giặc rồi, chúng ta đừng theo nó nữa ! Chúng ta hãy buông nó đi ! "

Hoặc: "Biết tất cả danh vọng, địa vị, của cải trên thế gian này đều giả, ta chớ nên theo nó. Buông nó đi để quay về với chân tâm. Đừng chạy theo nó nữa. Nó là vọng."

Ba thí dụ trên là ba "nhóm từ đùa giỡn với vọng." Nếu ta cứ đặt ra nhiều lời mang nhiều ý nghĩa cao siêu hay hàn lâm để hy vọng dừng được vọng, thì đây là ta chơi trò chơi cút-bắt với vọng. Ta không làm sao dừng được vọng. Ta buông được vọng này, vọng khác lại trồi lên ! Chỉ vì vọng chính là lời. Ta càng dùng lời để hy vọng đạt được không theo vọng, ta càng theo vọng liên tục.

Tóm lại, bất luận chủ đề Thiền nào, ta cần nắm rõ nghĩa đàng sau của dụng ngữ hay thuật ngữ, rồi sau đó thiết lập kỹ thuật để thực hành. Nếu chỉ nắm nghĩa đàng trước, ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu. Ta chỉ chơi trò chơi cút-bắt với niệm, hoặc giải thích dần lân về ý nghĩa dụng ngữ hay thuật ngữ Thiền. Trên mặt kiến thức, nghĩa đàng trước rất hay, nhưng trên mặt thể nghiệm hay thể nhập chủ đề, ta không làm sao "uống nước nóng lạnh tự biết" bằng những lời giải thích dần lân được.

Hỏi - Ai khởi vọng ?

Đáp: - Vọng khởi dưới hai dạng. Dạng ta tự nói thầm về nhiều chủ đề nào đó, và dạng vọng tự khởi lên từ các vùng ký ức vận hành, ký ức dài hạn, hay ký ức ngắn hạn. Đây là dạng ngoài tầm kiểm soát của ta. Ta không muốn khởi mà vọng vẫn cứ khởi. Cuối cùng ta bị bao vây trong mạng lưới vọng mà không hay biết.Ta có thể lập sơ đồ như sau:


các loại ký ức

 


Ký ức vận hành (Working memory) được xem như ký ức ngắn hạn vì nó không giữ các dữ kiện lâu dài. Vị trí của nó đóng tại vùng tiền trán. Vì chúng ta có 6 căn, nên nó có 6 loại ký ức vận hành. Nó giữ hình ảnh, dữ kiện trong tâm trong thời gian ngắn, như đọc sách, xem truyền hình, nghe băng nhạc. Nó nhận và giải mã dữ kiện ra thành hình ảnh trong tâm. Hình ảnh này chỉ được nhận ra bằng nhận thức ấn tượng. Nó cũng giúp chúng ta nhớ bằng suy tính hay tính rợ (tính mà không cần viết ra thành lời).

Các định khu ký ức thường khởi lên tạp niệm lăng xăng trong lúc ta ngồi thiền. Đây là những niệm ngoài phạm vi kiểm soát của ta. Chúng có khả năng dệt thành những mẩu chuyện đối thoại thầm lặng suốt thời thiền.

Riêng các phạm vi suy nghĩ, lý luận, trí năng, và ý thức là do ta khởi niệm nói thầm hoặc đối thoại thầm lặng.

Hỏi: - Vọng khởi ra như thế nào ?

Đáp: - Nó khởi ra bằng dạng nói thầm dưới nhiều chủ đề khác nhau thuộc các phạm vi liên hệ đến đời sống của từng thành phần giai cấp, giới tính, chủng tộc, nghề nghiệp, truyền thống, và tín ngưỡng của con người trên ba thời khác nhau.

Thí dụ

-    Người hấp thụ truyền thống Đông phương khởi vọng khác người có truyền thống giáo dục Tây phương.

-   Hiện tại khởi khác, tương lai khởi khác, quá khứ khởi khác.

-   Nam khởi vọng khác hơn nữ.

-   Già khởi vọng khác hơn trẻ.

-   Người tu Thiền khởi vọng khác hơn người tu Tịnh.

-   Người đạo Phật khởi vọng khác hơn người Hồi giáo.

-   Nhà nông khởi vọng khác hơn nhà văn.

-   Họa sĩ có những vọng tưởng không giống như thi sĩ.

-   Nhà báo khởi vọng khác hơn người làm công tác xã hội.

-   Nhạc sĩ khởi vọng bằng những khúc nhạc hùng hay êm dịu.

-     Người làm kinh tế thì vọng tưởng xoay quanh những vấn đề giá cả thị trường hay những mức độ sản xuất phù hợp với số nhu cầu của quần chúng.

-   Kẻ trộm khởi vọng khác hơn kẻ cướp.

-    Người tu theo Mật tông có những vọng tưởng khác hơn người tu theo Tịnh độ tông, v.v...

Tóm lại, vọng tưởng khởi tùy theo nhu cầu của người khởi vọng. Những nhu cầu này luôn luôn dựa trên các nguyên tắc:

1) Khi các căn tiếp xúc, hay chạm trán, hoặc đối diện trực tiếp với các trần, tức môi trường, tình huống, hay hoàn cảnh xã hội, thiên nhiên.

2) Sau đó vọng được thiết lập hay khởi ra.

3) Nội dung của vọng luôn luôn phù hợp theo trí tuệ và khuynh hướng nghề nghiệp hay tâm lý, nói chung là phù hợp theo từng căn cơ của người khởi vọng.

4) Vọng luôn luôn được biểu lộ trên ba phạm trù thời gian: quá khứ, hiện tại, và vị lai.

5) Nhưng điểm giống nhau của sự khởi vọng là tất cả đều bắt đầu bằng sự nói thầm hay đối thoại thầm lặng, rồi sau đó nói ra thành lời hay bằng chữ viết, hoặc cử chỉ tay chân.

Hỏi: - Động cơ nào thúc đẩy vọng khởi ?

Đáp: - Đầu mối vọng tưởng khởi là do ba tác nhân. Tác nhân thứ nhất là tâm ngôn chưa yên lặng, nên niệm nói thầm cứ tự do khởi lên. Đây là do quán tính giải mã của vùng Broca. Khi các căn tiếp xúc đối tượng, nó cứ giải mã liên tục làm cho ta không bao giờ ngưng nói thầm.

Tác nhân thứ hai là từ các vùng ký ức tự khởi lên những loại vọng tưởng tạp nhạp. Đây là lúc tạp niệm lăng xăng dao động khởi lên ngoài sự kiểm soát của tự ngã do các tín hiệu niệm (thought signal) phát ra từ các vùng ký ức. Hình ảnh quá khứ và niệm nói thầm cứ luân phiên đan kết trong tâm.

Tác nhân thứ ba là do tập khí hay lậu hoặc tác động vào tâm thức, khiến tâm ta phải dao động, khởi niệm qua sự biểu lộ bằng các tiến trình ngôn ngữ: hết tính chuyện này đến lo chuyện khác. Thèm muốn, ham muốn, khao khát, phóng tâm không bao giờ yên lặng trong sát na thời gian. Tâm ba thời khởi lên từ nguyên lý này. Quá khứ thì luyến tiếc, hối hận; hiện tại thì dính mắc với sở thích, thói quen; tương lai thì nguyện vọng, hoài bão. Do đó, chính tập khí hay lậu hoặc là nhân tố thúc đẩy tâm khởi lên vọng tưởng trong ba thời quá khứ, hiện tại, và tương lai. Ba loại nghiệp thiện hay ác của thân, lời, và ý cũng tiếp tục được xây dựng trên nguyên lý này. Tâm "ở đây và bây giờ" không thể nào có mặt được.

Tập khíthuật ngữ trong Phật giáo Phát triển, còn lậu hoặcthuật ngữ trong Phật giáo Nguyên Thủy. Cả hai đều là nhân tố cơ bản của tiến trình thiết lập thân nghiệp, lời nghiệp, và ý nghiệp của con người.

Cả hai thuật ngữ tập khílậu hoặc chỉ cho những quán tính đam mê, ghiền nghiện dục lạc thế gian vốn tiềm tàng trong nghiệp thức con người. Từ ham mê tiền bạc, tài sản, của cải vật chất, say đắm sắc dục, ham thích ăn uống, ngủ nghỉ, khoái thích địa vị, danh thơm tiếng tốt, say mê các quyền lợi vật chất hay tinh thần đến đam mê những quan điểm, quan niệm thuộc các phạm vi triết học, văn chương, văn hóa, văn nghệ, học thuật, tín ngưỡng, xã hội, chính trị, kinh tế... Chúng đã ăn sâu trong tâm thức ta từ khi ta có ý thức sống trên thế gian này. Chúng tạo thành những thứ ghiền nghiện, đam mê dục lạc, uy quyền, danh lợi mà tất cả thành phần giới tính, già trẻ, giai cấp, và thành phần tu sĩ hay không tu sĩ khó từ bỏ được. Chính vì thế, vọng tưởng cứ khởi ra mãi qua những hình thức suy nghĩ, nói năng, và hành động của ta. Tâm cứ di động theo những đam mê, ghiền nghiện nói trên để tìm cách thỏa mãn những khao khát. Chỉ khi nào ta sạch hết tập khí/lậu hoặc, vọng tưởng mới không còn khởi lên. Khi tập khí/lậu hoặc còn, vọng tưởng còn khởi. Vì vậy, trên phương diện này, chư Tổ dạy ta tu để dừng vọng hay không theo vọng để tâm được giải thoát, tri kiến được giải thoát.


Chung quanh vấn đề giả và thật

Hỏi: Tại sao chư Tổ nói vọng tưởng là "giả, không thật," còn chúng ta cho rằng vọng là "thật ?"

Đáp: - Đứng trên mặt thể tánh hiện tượng, chư Tổ nói vọng tưởng là "giả," "không thật," vì các ngài nhận ra bản thể nó "Trống không," hay "Không" (Śūnyatā = Emptiness), nên nói nó "không thật." Nó "hư giả." Và sự hiện hữu của nó là do duyên sinh. Tức là do nhiều điều kiện kết hợp lại để lập thành vọng tưởng trong tâm chúng ta. Chứ không phải vọng tưởng tự nhiên mà có. Vì thế, sự có của vọng tưởng là “giả có”. Nhưng thực chất tính của nó là "Không." "Không" là thể tánh hay bản thể (nature) của nó. Trái lại, trên mặt tác dụng, ta thấy nó không giả. Nó có thật.

Thí dụ, buồn, vui, sầu, khổ, thương, ghét, lo âu, sợ hãi, sân hận là những phản ứng của tâm. Những phản ứng này có thật. Bởi vì chính ta biểu lộ những sắc thái xúc cảm đó ra ngoài mặt, lời nói và hành động cử chỉ. Ta không thể nói nó "không có !" Đồng thời cũng do ta kinh nghiệm được, cảm nhận được, thấy được, biết được những sắc thái xúc cảm đó xảy ra như thế nào trên thân và tâm của ta.

Cho nên trên phạm vi cảm nhận hay cảm thọ này, ta nhận ra vọng tưởng là "thật có." Nếu nói rằng nó không có tại sao nó chi phối hay tác động tâm ta, đưa đến ta phải biểu lộ những sắc thái xúc cảm khác nhau đối với người chung quanh hay đối với đối tượng trước mặt ? Chẳng hạn, khi vui, ta biểu lộ khác; khi giận ta biểu lộ khác; khi buồn, ta biểu lộ khác.

Vọng luôn luôn biểu lộ trên hai mặt: ngấm ngầm hay công khai. Ngấm ngầm là nó tiềm tàng ray rứt trong tâm. Không bộc lộ ra bên ngoài thân hay lời. Còn công khai là nó biểu lộ qua phong thái cử chỉ, nói năng và thần sắc của ta đối với người khác hay đối với các đối tượng khác. Thí dụ như ánh mắt, nụ cười của ta biểu lộ như thế nào trên gương mặt, hay những xúc cảm hồi hộp qua những sự kích động của tim và sự tuần hoàn của máu mà ta cảm nhận được.

Qua cách nhìn với những truyền thống qui ước của người thế gian, dựa vào sự biểu lộ thần sắc, âm thanhcử chỉ của người khác, ta nói vọng tưởng là thật.

Thí dụ, qua sự chửi mắng của người khác, chính tai ta nghe rõ ràng nội dung chửi mắng, ta không thể bảo âm thanh đó là không thật, nội dung chửi mắng kia là không thật. Cũng như khi thấy sắc mặt xanh như tàu lá hay đỏ tía tai của người đương nổi sân, và tay chân họ đương có những cử chỉ thô tháo, dùng ngón tay xỉ xỏ ta, ta không thể bảo những sự biểu lộ đó là giả. Hoặc lỡ người đó tát vào má ta một cái đau điếng, ta không thể bảo cái tát kia là không thật được. Rõ ràng qua các giác quan của mắt, tai và thân, ta đã cảm nhận được những mức độ biểu lộ vọng của đối phương như thế nào và chính sự phản ứng từ nơi tâm của ta ra sao, khi ta bị ăn đòn đau điếng hay tỏ ra bực bội, giận tức đối với người khinh miệt ta, xài xể ta, mắng nhiếc ta.

Như vậy, trên mặt hiện tượng hay tục đế, vọng tưởng có thật. Nó do chính ta khởi lên và cũng do chính ta cảm nhận được. Nhưng nếu muốn tìm thực chất nó là gì, ta sẽ nhận ra nó không thực chất tính. Tức là nó trống không. Trống không là thể tánh (nature) hay bản thể của vọng tưởng. Với tâm giác ngộ, ta mới nhận ra được bản thể hiện tượng. Còn với tâm mê, ta không thể nào nhận ra được thể tánh vọng tưởng.

Vì thế, ở trường hợp này, trên mặt tục đế, chúng tôi nói "vọng tưởng là thật có." Để rồi từ đó ta tiến hành cách làm chủ nó. Cho đến khi nó không còn tự động khởi lên nữa. Bấy giờ ta mới đạt được mục tiêu dừng vọng hay không theo vọng. Khi thực sự đạt được dừng vọng, ta sẽ kinh nghiệm được thể tánh vọng tưởng là Không. Chữ "Không" này là thể tánh của hiện tượng, chứ không phải là "không có" trong nghĩa phủ định. Đây chính là lúc tâm ta không còn bị cảm thọ chi phối. Nghĩa là cảm thọ tuy có, nhưng không chi phối tâm ta, vì ta biết thể tánh của tất cả hiện tượng là Không.

Nhiều người lầm tưởng thể tánh với tác dụng. Khi nghe Phật và chư Tổ nói thể tánh hiện tượng là "Không", rồi cho rằng vọng tưởng là "không có."

Chúng tôi xin lặp lại: - ở đây, "Không" có nghĩa "tánh Không" hay "không thực chất tính." chứ không phải "không" là không có gì theo nghĩa phủ định. Nếu vọng tưởng không có, tại sao Thiền tông chủ trương tu để dừng vọng tưởng ? Hòa Thượng Thanh Từ dạy ta "Không Theo Vọng" ? Như vậy, đâu phải chư Tổ Thiền tông sai ? Tại ta hiểu sai ý nghĩa "Không" trong thuật ngữ Phật giáo. Ta nghĩ rằng "Không" là "không có gì." Chứ không ngờ "Không" là thuật ngữ được Phật dùng để chỉ bản thể hiện tượng. Nó có nghĩa "Trống Không." Từ Sanskrit là śūnya (tĩnh từ - empty) hay śūnyatā (danh từ - emptiness). Có nghĩa "Tánh Không."

Các ngài đã nhận ra thực chất tác dụng của vọng tưởng như thế nào đối với thân, tâm, và trí tuệ con người nên mới dạy ta tu để làm sao dừng cho được vọng tưởng; tu làm sao để không theo vọng. Vì nếu ta không dừng được, ba nghiệp thân, lời, và ý của ta sẽ chồng chất thêm lên nữa. Chấm dứt khổ đau, giác ngộ, và giải thoát sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nơi ta.

Tóm lại, chư Tổ nói "vọng là giả, không thật" là do các ngài đứng trên mặt thể tánh của vọng mà luận. Còn đứng trên mặt tác dụng các ngài xem nó là thật, tuy các ngài không công bố điều này. Nhưng xét về lối dạy của các ngài, chúng ta tự hiểu rằng các ngài xem "vọng là thật." Nếu không xem nó là thật, tại sao các ngài dạy ta "Không Theo Vọng" hay dạy ta phải "Dừng Vọng" ? Và các ngài còn cảnh giác ta, "nếu cứ theo vọng, ta sẽ tiếp tục luân hồi trong lục đạo."

Do đó, trên mặt tục đế, chúng tôi cũng nói "vọng là thật", và hướng dẫn thiền sinh nhiều cách thực hành để dừng vọng hay làm chủ vọng. Có làm chủ vọng, ta mới thoát khổ. Không làm chủ được vọng, ta sẽ khổ mãi.

Tại sao khổ? Đó là tâm ta rối loạn do vọng tạo ra những mối xúc cảm tâm lý bất bình thường. Vui, buồn lẫn lộn. Lo âu, sợ hãi, hờn, ghen, ghét gia tăng. Kết quả đưa đến là thân sẽ đau ốm do tác dụng của những mối xúc cảm lo âu, sợ hãi, buồn, khổ, sân hận do tâm tạo ra. Sau cùng, trí tuệ ta không bao giờ được sáng. Sự dụng công tu thiền chắc chắn phải bế tắc chỉ vì vọng cứ thường xuyên bao phủ nội tâm. Thay vì làm chủ vọng, không theo vọng, ta lại để vọng tự do khởi lên. Nó cứ thúc đẩy trí năngsuy nghĩ dao động. Nếu trầm tĩnh được thì tốt, không trầm tĩnh được thì lọt hố. Đó là hố tội lỗi, hố sa ngã, hố tội ác. Rồi cũng từ đó, nghiệp chướng lại chồng chất thêm.

Tác động vọng tưởng với tâm, thân, và trí tuệ

Thông thường, nếu sự khởi vọng liên tục và mang nhiều nội dung xúc cảm ray rứt, ngấm ngầm, tác dụng của nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ba mặt tâm, thân, và trí tuệ. Với tâm thì tinh thần ta sẽ căng thẳng hay phiền não triền miên, với thân thì đưa đến bệnh tâm thể, với trí tuệ thì đưa đến sự mê lầm, mê chấp hay điên đảo.

Tuy nhiên, vọng tưởng có thứ tốt và xấu. Thứ tốt là trọng tâm của vọng nhắm đến việc phụng sự nhân sinh với tinh thần bồ tát. Thứ xấu là những ý nghĩ, những tư tưởng đen tối. Những loại vọng này luôn luôn gây tác hại thân, tâm, và trí tuệ bằng những thứ tâm lý xúc cảm lo âu, phiền não, sợ hãi, sân hận, gây hấn, lừa đảo, đấu tranh, đố kỵ, gièm pha, thấy lỗi người, quên lỗi mình, ác ngôn, ác khẩu, và những âm mưu phá hoại.

Chính những thứ vọng tưởng này là tác nhân gây uất cảm (stress). Mạng lưới vọng tưởng càng gia tăng hoạt động, mức độ xúc cảm cũng theo đó gia tăng. Như vậy, uất cảm được tạo ra là dựa trên những tiến trình phát huy cao độ của những nội dung vọng tưởng khác nhau. Nếu vọng tưởng bị kiểm soát, uất cảm không xảy ra, thân và tâm sẽ được cân bằng; bệnh tâm thể do đó cũng không xảy ra. Như vậy, bệnh tâm thể có là do trạng thái uất cảm tạo ra những tác động dây chuyền trong não bộ và các hệ thống chất nước hóa học bên trong não và hệ tuyến nội tiết. Uất cảm có là do sự tác động của tâm lý xúc cảm. Tâm lý xúc cảm được tạo ra bởi những tiến trình hình thành vọng tưởng. Vọng tưởng khởi triền miên là do tự ngã không tỉnh, tức còn mê. Vì còn mê nên tâm còn dính mắc, chấp trước, và điên đảo.

Hỏi: - Tại sao tu thiền phải kiểm soát vọng tưởng ?

Đáp: - Bởi vì nếu không kiểm soát được vọng tưởng, tâm ta cứ dao động thường trực trước các đối tượng của giác quan. Từ đó ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được định, cũng không kinh nghiệm được tuệ trí. Phiền não, lo âu, sợ hãi, buồn, khổ, giận tức, bực bội, oán trách cũng theo đó xen kẽ khởi lên. Nếu xúc cảm càng gia tăng, tâm ta càng rối loạn, theo đó, ta không thể nào tránh khỏi bệnh stress, tức uất cảm. Nếu uất cảm thường xuyên gắn liền trong cuộc sống, chắc chắn ta khó tránh khỏi bệnh tâm thể. Đây là lý do ta phải kiểm soát vọng tưởng.

Hỏi: - Làm thế nào để không theo vọng tưởng ?

Đáp: - Bằng Thiền Quán, giúp ta nhận rõ chân tánh hiện tượng thế gian. Ta có nhận thức mới về thế giới hiện tượng, qua đó ta có thể hạn chế bớt những dính mắc vào hiện tượng thế gian. Ta sẽ hạn chế bớt sự chạy theo vọng tưởng. Bằng Thiền Định, ta thực tập cách không định danh đối tượng hoặc ta thực tập cách không nói thầm trong não. Bằng Thiền Huệ, ta áp dụng không dán nhãn đối tượng hoặc áp dụng cách thấy như thật, biết như thật, nghe như thật, xúc chạm như thật, nhận thức biết như thật.


 Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 2022(Xem: 1805)
Lý do chủ yếu của những nỗi thống khổ đó là do ta có cái nhìn lầm lạc (a perverted vision) về cuộc đời, về thế gian và hiện tượng thế gian; đặc biệt nhất là ta lầm lạc đối với chính ta.
12 Tháng Chín 2022(Xem: 1972)
Thiền giúp cho cuộc sống con người được hài hòa cùng với môi trường chung quanh. Đó là những sự hài hòa giữa thân và tâm của cá nhân, hài hòa giữa cá nhân này với cá nhân kia, và hài hòa giữa cơ thể của cá nhân với thời tiết trong thiên nhiên.
12 Tháng Chín 2022(Xem: 1617)
"Đó là không bị nhiễm bởi bất cứ ý nghĩ gì của ngã. Bố thí của cải không đủ, chừng nào mà ý nghĩ nhỏ nhất của ngã còn lại trong việc bố thí, nó sẽ hủy hoại hết việc thiện của ông. Những ý nghĩ của ngã che lấp ngay cả mục tiêu cao thượng, như tro che dấu lửa, nếu dẫm chân lên đó, bàn chân sẽ bị bỏng."
17 Tháng Hai 2021(Xem: 3772)
Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc, không quán thọ ... không quán tưởng ... không quán hành ... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỳ kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
18 Tháng Sáu 2020(Xem: 3642)
Từ năm 1995, hướng dẫn tu học ở các Khóa Thiền Trung Cấp Bát Nhã, chúng tôi đều có soạn Bài Đọc Thêm kèm theo bài giảng. Chủ đích của việc soạn Bài Đọc Thêm này là chúng tôi nhắm hệ thống hóa bài giảng có thứ lớp và làm sáng tỏ thêm bài giảng. Thiền sinh sẽ có đủ tư liệu liên hệ đến bài giảng, giúp cho việc thực hành lời dạy của Phật và Tổ được tốt hơn: không lo ngại ghi chú thiếu, hoặc hiểu sai bài học. Nay nhận thấy những Bài Đọc Thêm này có nhiều tác dụng hữu ích đối với quí vị mới bắt đầu đi vào Thiền, chúng tôi cho in kèm theo bài giảng. Nếu thấy cần có thêm kiến thức Thiền học, Phật học, và Khoa học, hay cần nhớ lại bài đã học, quí vị có thể xem Bài Đọc Thêm.
08 Tháng Năm 2020(Xem: 3303)
Từ năm 1995, hướng dẫn tu học ở các Khóa Thiền Trung Cấp Bát Nhã, chúng tôi đều có soạn Bài Đọc Thêm kèm theo bài giảng. Chủ đích của việc soạn Bài Đọc Thêm này là chúng tôi nhắm hệ thống hóa bài giảng có thứ lớp và làm sáng tỏ thêm bài giảng. Thiền sinh sẽ có đủ tư liệu liên hệ đến bài giảng, giúp cho việc thực hành lời dạy của Phật và Tổ được tốt hơn: không lo ngại ghi chú thiếu, hoặc hiểu sai bài học. Nay nhận thấy những Bài Đọc Thêm này có nhiều tác dụng hữu ích đối với quí vị mới bắt đầu đi vào Thiền, chúng tôi cho in kèm theo bài giảng. Nếu thấy cần có thêm kiến thức Thiền học, Phật học, và Khoa học, hay cần nhớ lại bài đã học, quí vị có thể xem Bài Đọc Thêm.
06 Tháng Năm 2020(Xem: 3810)
Từ năm 1995, hướng dẫn tu học ở các Khóa Thiền Trung Cấp Bát Nhã, chúng tôi đều có soạn Bài Đọc Thêm kèm theo bài giảng. Chủ đích của việc soạn Bài Đọc Thêm này là chúng tôi nhắm hệ thống hóa bài giảng có thứ lớp và làm sáng tỏ thêm bài giảng. Thiền sinh sẽ có đủ tư liệu liên hệ đến bài giảng, giúp cho việc thực hành lời dạy của Phật và Tổ được tốt hơn: không lo ngại ghi chú thiếu, hoặc hiểu sai bài học. Nay nhận thấy những Bài Đọc Thêm này có nhiều tác dụng hữu ích đối với quí vị mới bắt đầu đi vào Thiền, chúng tôi cho in kèm theo bài giảng. Nếu thấy cần có thêm kiến thức Thiền học, Phật học, và Khoa học, hay cần nhớ lại bài đã học, quí vị có thể xem Bài Đọc Thêm.
16 Tháng Hai 2012(Xem: 32178)
Các Bài Đọc Thêm Năm 2011: Hệ Thần Kinh Tự Quản và Hồi Đáp Sinh Học Trong Thiền.
16 Tháng Bảy 2010(Xem: 18734)
Mục tiêu dạy Thiền của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là hướng dẫn người tu đạt được tâm Phật, tức tâm tathà qua phương thức KHÔNG LỜI. Muốn hiển thị (unfold) đạo không lời, Tổ đưa ra thí dụ về mẫu chuyện hỏi đáp giữa hai thầy trò, với mục đích nhắm giúp người tu nhận ra tác dụng thâm sâu của Nhận Thức Biết Không Lời qua phương thức chỉ bày tác dụng của Vô tâm.
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 34741)
Dù tất cả chúng sinh đều có tánh giác và Phật tánh, tánh giác và Phật tánh đó vẫn chưa trở thành hiện thực trong thân và tâm ta. Bởi vì Phật tánh là tiềm năng giác ngộ vốn tiềm tàng bên trong chúng sinh. Tiềm năng này đòi hỏi phải có sự tác động từ bên ngoài hay bên trong tâm mới đủ điều kiện bật ra. Chính vì thế, loài người dù có Phật tánh, Phật tánh cũng nằm im đâu đó trong tâm chúng ta. Loài thú dù cũng có Phật tánh, Phật tánh cũng đành mai một trong chúng. Bởi vì cả hai đều thiếu điều kiện từ bên ngoài hay bên trong tác động, nên Phật tánh không thể bật ra được.
22 Tháng Tư 2010(Xem: 23622)
Lời mở đầu Từ năm 1995, hướng dẫn tu học ở các lớp Thiền Căn Bản, chúng tôi luôn luôn có soạn Bài Đọc Thêm kèm theo bài giảng. Chủ đích của Bài Đọc Thêm là chúng tôi nhắm giúp thiền sinh có thêm kiến thức về bài giảng. Nay nhận thấy những bài này có nhiều tác dụng hữu ích đối với quí vị mới bắt đầu đi vào Thiền, chúng tôi cho in kèm theo bài giảng. Nếu thấy cần có thêm kiến thức Thiền học, Phật học, và Khoa học, hay cần nhớ lại bài học, quí vị có thể xem Bài Đọc Thêm, còn nếu thấy đủ thì không cần xem thêm. Thầy Thích Thông Triệt
69,256