XUÂN HẠ THU ĐÔNG …và BÀI KINH BÁT NHÃ
Năm 2003 có một cuốn phim sôi động Nam Hàn mang tên Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân, được chiếu rình rang bên Âu châu.
Phim dài khoảng 100 phút, nhạc êm dịu ít tiếng đối thoại, thỉnh thoảng có tiếng cười của chú tiểu, tiếng nước nhẹ tênh bên hông thuyền… ngoài ra hoàn toàn tĩnh lặng. Phim rất … thiền và hay đến độ sau này tôi vào Netflix xem thêm lần nữa vì có vài đoạn mình không hiểu. Thuở ấy dân Âu nhiều người thích lắm ai cũng tin phim sẽ đoạt giải Cannes hay Oscar, rất tiếc lại tay không, nhưng trong tôi nó là một trong những phim hay đầy ý nghĩa nhất mà theo năm tháng còn nằm hoài trong trí nhớ.
Thú thật khen phim hay chứ nội cái tựa phim cũng là một sự suy nghĩ vì khó hiểu. Nghe, đọc bình luận nhiều lắm, cả Âu lẫn Á… nhưng cá nhân tôi phải nhiều năm, rất nhiều năm sau, mới thoáng đoán, hiểu được rằng cái tựa có khác gì cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời từ thuở ấu thơ, thanh niên, trưởng thành, già đi rồi lại bắt đầu ở thời niên thiếu… đi cùng với bao nỗi Khổ của mỗi khoảng thời gian dương thế.
Vì vô minh nên hồi nhỏ ác độc với loài sâu bọ cóc nhái, lớn lên thì biết yêu, bị cấm thì khổ, tiếng sét ái tình cao vùn vụt, ào ào thác đỗ, mạnh hơn cả đại dương khi nổi cơn bão táp… làm chàng thanh niên sẵn sàng bỏ Thầy bỏ chùa chạy cuống quít theo tiếng gọi chữ yêu.
Rồi khổ khi biết mình bị phản bội. Cái khổ tột cùng làm mất lương tâm, cộng với cái tánh ác thuở bé đượm màu đã biến nhanh cái yêu thương mãnh liệt ngày nào thành cái ghét tận cùng chỉ mong xóa sổ qua một nhát dao.
Hắn, kẻ sát nhân trốn về lại chùa tá túc, đêm khuya lén ra tự tử. Thầy cứu được, nhưng đánh cho một trận nên thân, để hiểu thêm thế nào là Khổ.
Sáng, khi lính tìm tới bắt đi, Thầy xin để hắn viết hết bài kinh Bát Nhã bằng con dao của tội ác.
Trải dài dù lặng lẽ khuất sau nhân vật rõ ràng… cuộc đời là khổ, mọi mưu cầu vướng mắc trong thế gian đều gây ra khổ, buông hết ra sẽ hết khổ.
Nhưng phương pháp diệt khổ (Đạo Đế) trong phim chẳng lý là bài kinh Bát Nhã?
Vì khi khắc cả ngày lẫn đêm bằng con dao phạm tội bài kinh Bát Nhã mà Sư Thầy dùng đuôi con mèo chấm mực viết sẵn, lòng hắn nguội lại, thản nhiên chấp nhận theo lính vào tù.
Chẳng lý chỉ một đêm người phạm tội ấy, cho dù trước kia có tu chút chút với Thầy, lại giác ngộ và sáng ngời con đường Đạo Đế với Tứ như Ý túc, Ngũ căn Ngũ lực, Thất Bồ đề phần, Bát Chánh đạo… mau như thế sao?
Biết đó là một câu chuyện phim trường, không nên trông đợi có câu trả lời cho sự thắc mắc vì ngay cả lời tuyên bố của nhà đạo diễn Kim Ki-Duk với ký giả Đức cũng chung chung. Ông nói ông chỉ muốn diễn tả cái vui buồn khổ hạnh phúc trong mỗi con người chúng ta qua từng lứa tuổi như bốn mùa xuân hạ thu đông và sự trưởng thành của từng cá nhân trước bao sự cố … Không có gì dính tới Tứ Diệu Đế và Bát nhã Tâm kinh!
Dù vậy tôi vẫn ngờ ngợ người đạo diễn có gắn đâu đây lời giải thích mà tôi chưa đủ trình độ mò ra. Như trong Tây Du Ký ai cũng thừa biết tác giả Ngô Thừa Ân là người thông hiểu kinh điển Phật, dựng lên ngoài Pháp sư Huyền Trang còn ba nhân vật giả tưởng có thần tượng hóa, với bao biểu thị ý nghĩa sâu xa của Tâm lý học Phật giáo.
Bao nhiêu năm thắc mắc!
Cái cảnh người đàn ông hết hạn tù trở về lại chùa giữa mùa đông tuyết, thấy mảnh thuyền vướng giữa đám băng, ông ta hiểu liền, chắp tay xá. Với tay không, vớt hết xá lợi của Thầy gói vào một gói đỏ, đụt một tảng băng đặt xá lợi vào đó. Mọi cử chỉ hành động ung dung, tâm an bình qua nét mặt không hề chấn động. Cũng bình thường như một ngày nọ có người phụ nữ giấu mặt đem đứa bé con gửi chùa. Rồi ra về lại lọt xuống hố băng (mà người đàn ông đào để lấy nước dùng) chết đuối. Người đàn ông sáng tinh sương vớt cơ thể người đàn bà xấu số lên, tháo luôn cái khăn che mặt người ấy… sao mà điềm nhiên tự tại, không lời.
Thì ra Thiền sư đã ngộ, đã nhìn mọi sự việc Như là, Tâm đứng yên bất động, không còn phân biệt, sau khi Hiểu và Thực hành rốt ráo
…Thị chư Pháp không Tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không Trung, vô sắc vô thọ tưởng hành thức … qua bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.
Thiền Sư đã đạt đến Chân Như.
Và tôi một lần nữa nhận đuợc một bài học quý hơn cả viên kim cương*
Con xin đảnh lễ tri ân Ni Sư
Như Bảo/Tố Nga
Đạo tràng Berlin
*audio số 290,Melbourne 10/2024.