VU LAN
Nhà tôi theo đạo Phật. Hồi nhỏ mỗi năm sau Tết là tôi thường theo má đi chùa, gọi là đi thập tự. Các bà tụ nhau thành một nhóm, đi vào tận trong các xóm xa, vòng vèo, tới xóm nào cũng có đám con nít rần rần chạy theo, hy vọng hưởng được ít bạc cắc. Trong một khoảng thời gian từ buổi sáng đến quá trưa là về nhà nghỉ ngơi cơm nước. Vậy mà thăm được mười chùa, lớn nhỏ, trong một phạm vi ...toàn đi bộ. Điều đó chứng tỏ dân miền Nam rất mộ đạo. Có chùa oai nghiêm, cổng chánh điện đàng hoàng, mở rộng, tiếng chuông chùa ngân nga. Cũng có chùa thảm thương, xiêu vẹo như sắp đổ, bên trong tối om, sư trụ trì ốm ròm như que củi, vội vã khoác áo cà sa, gióng hồi chuông nghe sao buồn như tiếng buông chưa hết bụi đời.
Đi thập tự trước là viếng chùa, bỏ dép bên ngoài, vào chánh điện lạy Phật, rồi cúng dường tam bảo. Tôi nhớ má chỉ nhắc “con quỳ xuống, cúi đầu lạy Phật ba lạy” chứ không nghe bà dặn dò phải cầu nguyện, xin xỏ điều gì.
Tôi học ở trường nữ Lê Văn Duyệt, giờ là Võ Thị Sáu, hồi chưa được phép đi xe đạp, thấy tôi đi bộ xa, má tôi gửi gắm tôi ra ở nhà cậu mợ trong “Trường Tiền” đối diện Lăng Ông, rất gần trường. Tôi không phải thức dậy sớm, cuối tuần mới về nhà. Thoát sự kiểm soát nghiêm ngặt, tôi cũng bắt chước vài đứa con bà mợ ...cúp cua, đi ăn kem thay vì vào lớp. Dù không thuộc bài vở, bù lại thuộc rất nhiều bài kinh, vì mợ tôi theo đạo Phật nhánh Kỳ Viên, tối nào cũng đọc kinh và bắt bọn con nít đọc theo. Đứa nào cũng ngáp ngắn ngáp dài, rơi rụng dần, cuối cùng còn mỗi mình tôi là gồng đến chót, đã vậy còn bắt được nhịp, tụng theo, nên mợ thích, định xin phép ba má cho tôi ở luôn, để có đạo hữu tụng kinh chung.
Cuối tuần về lại nhà, buổi tối tôi cũng đem kinh ra đọc trước bàn thờ Phật. Đọc leo lẻo có vần ê a (kinh tiếng Phạn) như đã từng vào cổng chùa làm chú sa di lâu năm. Nhưng chắc đó không phải là nguyên do má tôi bắt về, không cho ở nhà mợ nữa. Bà để dành tiền mua cho tôi cái xe gắn máy loại candy, bắt tập rồi cho phép lái đi học. Vì chỉ sau một lục cá nguyệt tất cả mọi môn tôi đều tuột dốc một cách cực kỳ thảm hại, không còn cách chi nguỵ biện.
Có xe tôi khoái, nên cũng không buồn, khi không còn được phép ra ở nhà mợ nữa. Bị bắt học nên tôi đọc kinh bớt dần rồi bỏ hẳn lúc nào không hay.
Lớn một chút, hết thích đi chùa, còn lười, lấy cớ bận học, nên má tôi cũng không thèm rủ đi thập tự hàng năm nữa.
Lấy Tú tài, tôi rời gia đình, rời luôn bàn thờ Phật.
Hồi ở Ý có khi buồn kinh khủng, tôi vào nhà thờ, không biết làm dấu thánh, nhưng quỳ trên ghế, chấp hai tay lại, nhìn lên tượng Giê Su, như muốn hỏi vì sao?
Sau này qua Đức, thời gian còn đi học sinh ngữ, tôi lang thang đến nhà thờ ...làm quen. Berlin theo Tin Lành, các ông cha Tin Lành rất dễ mến, thấy tôi than “chân ướt chân ráo” muốn quen với gia đình người Đức để trò chuyện học tiếng, cha vui vẻ giới thiệu liền. Từ đó tôi tham gia các buổi cầu kinh, sinh hoạt nhóm, tập hát thánh ca, hoặc làm bánh cho xổ số kiến thiết... Ai cũng mến, hay mời tôi về nhà, cho ăn bánh ngọt, tầm phào trò chuyện... đạo. Tiếng Đức không biết có tốt hơn không nhưng học làm bánh Đức thì mau lắm. Nhưng chắc họ cũng thất vọng, vì dạy cả năm trời mà tôi không thuộc nổi một bài kinh nào. Trước khi họ ngỏ lời hỏi han thì may quá tôi có việc làm trong bệnh viện nên mau mau tạm biệt.
Thời gian đó Berlin đã có một “căn” chùa của người Việt nho nhỏ (nằm trong một apartement) và một cái chùa to đùng của người Đức do sư Sri Lanka trụ trì. Tôi có viếng cả hai, nhưng không màng chuyện lễ bái. Chùa Sri Lanka thì bằng gỗ không được phép đốt hương, chùa Việt thì khói nhang nồng nặc, thiên hạ ồn ào, cúi đầu lạy Phật mà miệng thì tía lia xin muôn điều vạn sự, theo kiểu “mua một bán mười, trăm quan nghìn lãi”. Lúc ấy tôi còn quá vô minh không coi trọng tín ngưỡng mà theo chủ nghĩa vô thần. Tin con người là một evolution, mọi vật sinh ra đời chỉ là một sự ngẫu nhiên như:
thì tôi hoàn toàn không nghĩ đến. Tôi đã tin một cách rất “khoa học” rằng “chết là hết, là cát bụi sẽ trở về cát bụi”.
Năm 1992, má tôi sang Đức. Chỉ mua cho bà một vé one way. Bà đi hết căn nhà ba tầng lầu, trèo luôn lên cái mansarde, quan sát mọi góc rồi xuống hỏi “con thờ ba chỗ nào?” (ba tôi mất đã mấy năm), đã vậy còn “bàn thờ Phật con để đâu?” làm tôi hết hồn lạnh xương sống. Nhưng vẫn lỳ không thờ phượng chi cả.
Má tôi than buồn không chịu ở, đòi về, mua vé không kịp. Tôi đưa mẹ ra phi trường, lo ngại vì bà phải đổi máy bay ở Franfurt. Tôi cuống quýt tìm người cùng về Sài Gòn giúp dìu bà, nhìn bà qua khung cửa kiếng, bước chân đi chậm chạp, mái tóc điểm sương, ai ngờ ...lần cuối.
Má mất. Tôi về lại Saigon, lên chùa. Tiếng kinh kệ, tiếng chuông, tiếng mõ vang vọng lại trong tôi như một quá khứ trở về trong hiện thực. Những câu kinh một thời tôi đã thuộc lòng, giờ như dòng suối mát rót lại trong tâm thức bấy lâu nay cằn cỗi. Tượng Phật Thích Ca trước mặt, mắt nhắm, như không thấy ai, mà soi thấu cả tâm can, rằng: con phấn đấu lắm thì con cũng chỉ là hạt cát trong vũ trụ mênh mông, con bị tấp bên này, bị đẩy lấn bên kia, con bị quay như con vụ... cũng vì cái nghiệp con đã gây trong qua khứ và bây giờ con đang trả. Con chấp nhận thì con hết khổ đau, con tiếp tục chống đỡ, thì con đời đời gây thêm nghiệp. Và ta khuyên con đừng khóc, đừng buồn, bà ra đi vì trả hết rồi cái nợ trầm luân.
Tôi lên chùa phần lớn trước những ngày đại lễ, tránh đông người, để được một mình quỳ trước Phật, không xin gì, chỉ niệm trong lòng chín tiếng hồng danh “Nam mô Bổn Sư Thích Ca mâu ni Phật”.
Má tôi ít học nhưng lời dạy của bà theo năm tháng nghiệm lại như của một thánh nhân. Má không dạy nấu ăn may vá, mà chỉ nói vài lần “ráng học giỏi sau này không lệ thuộc tiền chồng”.
Câu nói ấy được tôi, không biết từ bao giờ, khắc sâu tâm khảm, ngay cả những lúc cực khổ, tăm tối nhất của thời sinh viên, vẫn ghi nhớ, làm câu nhắc nhở mình, làm bàn đạp để cố gắng quyết chí vươn mình, không bỏ cuộc.
Lời nói ấy rõ như ban ngày, thực tế như cuộc đời trước mắt, như một viên ngọc to quý giá được truyền cho hậu thế, cho hai cháu ngoại của bà, hai cô con gái của tôi, dưới một cách diễn tả cho thích ứng với cuộc đời mới "các con ráng học giỏi, có vị trí, để không bao giờ lệ thuộc kinh tế vào bất cứ ai, ngay cả người bạn đời của mình".
Tôi hảnh diện đã ngộ và làm theo lời má. Tôi hãnh diện vì các con mình đã nổ lực để đứng vững một mình trên cuộc đời.
Má ơi. 28 năm rồi con luôn nhớ Má.
Tuần này đại lễ Vu lan, tôi lên chùa lạy Phật, cầu nguyện cho mẹ cha, nhận một bông hồng đỏ mà sao thương nhớ mẹ!. Vì má vẫn mãi trong con. Có mất đâu mà cài hoa màu trắng….
Như Bảo Vu Lan 2024