BỐI CẢNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ.
Với vị trí đặc biệt, miền Bắc Việt Nam đã là nơi dừng chân của những con buôn hương liệu từ Ấn Độ và Tây Á trước khi họ vào Trung Hoa , cùng đi với họ là những tu sĩ Phật Giáo, vì nhu cầu học nói và viết tiếng Trung Hoa, các trường lớp được thiết lập, nơi đây trở thành một trong những trung tâm văn hoá lớn nhất ở Đông Á, trung tâm Luy Lâu,(hai trung tâm khác là Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa, được hình thành qua đường bộ, con đường tơ lụa —các sử gia Trung Hoa cố chứng minh là hai trung tâm này xuất hiện sớm hơn Luy Lâu( ? ) — nhưng đi bằng đường bộ từ Ấn Độ qua Trung Hoa khó khăn hơn nhiều so với đường thủy tới Giao Châu - (miền Bắc Việt Nam)-).
Nền giáo dục này đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho các vương triều Trung Hoa; Lý Tiến, Lý Cầm... làm quan trong triều đình nhà Hán, việc hai ông tuyệt thực, phủ phục trước sân chầu để xin vua Hán đừng kỳ thị nhân tài phương Nam và việc Cao Biền đời Đường tìm cách trấn yểm các cuộc đất tốt ở Giao Châu, chứng tỏ nơi đây văn hoá rất hưng thịnh. Thời Tam Quốc, Khương Tăng Hội (đề tựa kinh An Ban Thủ Ý) được coi là vị thiền sư đầu tiên từ Giao Châu sang Đông Ngô gặp và được vua Ngô là Tôn Quyền xây chùa làm cơ sở cho ngài giảng đạo, rất nhiều thiền sư khác cũng qua Trung Hoa giảng pháp (chúng ta biết được tên các ngài nhờ những bài thơ từ giã các ngài của các thi sĩ nổi tiếng Trung Hoa còn truyền lại).
Nền giáo dục này dựa trên nền tảng nào để được hình thành? Ngoại trừ kinh điển của đạo Phật mang tới từ Ấn Độ, đâu có yếu tố văn hóa nào khác truyền đến nơi này vào thời đó, như vậy ở Giao Châu, nền giáo dục đã xuất phát từ các tự viện, nơi giáo lý Bụt Đà được thuyết giảng; nền giáo dục Thiền Tông xuất hiện và đã đồng hành suốt chiều dài dựng nước của Việt tộc.
Có thể nói thiền Đông Độ đã được hoàn chỉnh từ đất Việt qua Lục Tổ Huệ Năng (thiền tông Trung Hoa hãnh diện về Lục Tổ Huệ Năng, nhưng chùa Lục Tổ tọa lạc ở miền Bắc Việt Nam - tổ đình của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi -). Tới đời Lý, ở Đại Việt có 3 dòng thiền là Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường; nền giáo dục Thiền Tông đã tạo được một Đại Việt tự chủ, hoà ái và hùng cường với hơn 200 năm của triều Lý.
Thừa hưởng những thành tựu về quân sự, xã hội và nhất là tinh thần tự chủ cao độ của quần chúng do ảnh hưởng của nền giáo dục Thiền Tông từ triều Lý, nhà Trần đã đủ sức giữ vững được đất nước trong 3 cuộc tấn công của Nguyên Mông (Mông Cổ sau này là nhà Nguyên cai trị Trung Hoa).
Là một nhà chính trị đại tài, có tầm nhìn rất xa; để củng cố lực lượng và đoàn kết toàn dân hầu có thể chống cự lại những đe dọa từ phương Bắc; năm năm sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3 (1288), vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293), sáu năm sau, khi ngôi vua của Anh Tông đã vững, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông mới đi tu (1299). Lên núi Yên Tử, thành vị trụ trì thứ sáu của chùa Vân Yên (Hoa Yên). (chùa Vân Yên núi Yên Tử do thiền sư Huệ Quang (-1220) đệ tử của thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Vô Ngôn Thông thành lập).
Xuất gia, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông xưng là Trúc Lâm Đại Đầu Đà (Trúc Lâm cũng là đạo hiệu của thiền sư Viên Chứng tức Trúc Lâm quốc sư, vị trụ trì thứ hai của chùa Vân Yên), để xóa bỏ những ảnh hưởng của triều LÝ còn sót lại trong các Thiền Tự (?); Ngài dùng quyền lực thống nhất ba dòng Thiền của Phật Giáo Đại Việt có từ thời LÝ, thành giáo đoàn duy nhất, gọi là Trúc Lâm Yên Tử, giáo đoàn này có chủ trương nhập thế, kiểm soát tu sĩ, đoàn ngũ hoá quần chúng qua tôn giáo với mục tiêu chính trị.
Được sự giúp đỡ của triều đình, giáo đoàn Trúc Lâm Yên Tử phát triển rất nhanh, nhiều chùa lớn đã được trao cho những chức sắc của giáo đoàn trụ trì , (Tết năm 1308, lúc 24 tuổi, mới xuất gia được hơn 3 năm , Pháp Loa được trao y bát kế thừa và trụ trì ngôi chùa lớn nhất thời bấy giờ là chùa Siêu Loại), tài sản của nhiều chùa lên tới hàng ngàn mẫu ruộng, danh lợi xâm nhập vào thiền môn, các tu sĩ trở thành giai cấp mới trong xã hội với đầy rẫy những tranh chấp và đố kỵ ( dùng việc thị Bích được giúp đỡ để vu khống ngài Huyền Quang…là một thí dụ) ; các bậc chân tu bỏ về núi rừng ở ẩn, ngay cả ngài Huyền Quang, khi trở thành lãnh đạo giáo đoàn đã không ở chùa Siêu Loại (Báo Ân) hay Quỳnh Lâm, trụ sở của giáo đoàn, mà về núi Côn Sơn ẩn dật. Giáo đoàn như một người khổng lồ có đôi chân bằng đất sét, chỉ tồn tại hơn 30năm (1299-1334), truyền được 3 đời rồi suy tàn, kéo theo sự suy thoái của các thiền phái khác ở Đại Việt! Nền giáo dục Tống Nho được nhà Trần trọng dụng đã thay thế nền giáo dục Thiền Tông và chữ Nho đã lấn lướt chữ Nôm (chữ Nôm, thứ chữ đồng hành với tộc Việt trong suốt ngàn năm dựng nước và đã hoàn chỉnh vào đời Trần, - văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên -), chữ Nho thành chữ viết chính thức của Đại Việt; chính nền giáo dục Tống Nho này đã tạo ra cái học từ chương, ỷ lại…; tinh thần tự chủ và khai phá của nền giáo dục Thiền tông phai mờ dần trong đời sống của Việt tộc!
Từ ngày Trúc Lâm Đại Đầu Đà viên tịch (tháng 11/1308), các Sư vẫn nối tiếp trụ trì ở tổ đình Vân Yên trên núi Yên Tử. Nhưng văn học đời Trần chỉ nói nhiều (?) tới 3 vị lãnh đạo của giáo đoàn là Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang và ca tụng Trúc Lâm là Phật Hoàng, (làm nhiều người tưởng là, khi đang làm vua, Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng đi Tu); khiến người đời sau hiểu lầm rằng giáo đoàn Trúc Lâm Yên Tử này là một dòng Thiền và là dòng thiền thuần túy, duy nhất của Việt tộc!
Thực sự Trúc Lâm Yên Tử chỉ là một giáo đoàn Phật Giáo nhập thế, đoàn ngũ hóa tu sĩ và quần chúng, khuyến khích tu THẬP THIỆN, do Trần nhân Tông sáng lập, tồn tại được hơn 30 năm dưới sự điều khiển của 3 vị gọi là Trúc Lâm TAM TỔ.
Sacramento tháng 7 năm 2024.
Tuệ Tâm
Tham khảo:
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.
- Việt Nam Phật Giáo sử luận, Nguyễn Lang.
- Thiền uyển tập anh, bản tiếng Việt, Lê mạnh Thát dịch.