TU THEO PHẬT
Khi Phật còn tại thế, những người có duyên, được Ngài khai thị, giúp họ nhận ra SỰ THẬT của chính bản thân họ (nhiều vị gặp Phật chỉ một lần). Sau đó Ngài khuyến khích mỗi người đi mỗi hướng, không phải là tới chỗ thanh vắng ngồi xuống, kéo chân lên, đặt chánh niệm trước mặt để tĩnh tu, mà tới chỗ đông người để truyền bá những gì mà họ đã nhận ra.
Sau khi Phật nhập diệt một thời gian, các trưởng lão (tùy căn cơ) đã đặt ra các phương pháp để hướng dẫn (những người tin theo) thực hành trên đường tìm Sự Thật, từ từ các phương pháp này đã trở thành những lý thuyết riêng biệt của từng nhóm, tạo ra các BỘ PHÁI. Các cuộc tranh luận của các BỘ PHÁI là thời kỳ phát triển rực rỡ về lý thuyết của Phật giáo, kéo dài ngàn năm, thiên kinh vạn quyển ra đời.
Thấy sự nguy hại về việc dính mắc với quá nhiều lý thuyết, văn tự, ngài BỒ ĐỀ ĐẠT MA, khi qua Trung Hoa, đã chủ trương Bất Lập Văn Tự, trở lại việc KHAI THỊ tuỳ duyên như thời Đức Phật còn tại thế; Thiền Đông Độ được hoàn chỉnh dưới thời Lục Tổ Huệ Năng, các đệ tử của Lục Tổ vẫn tiếp tục Khai Thị trong việc giúp đỡ người hữu duyên đi tìm Sự Thật về chính họ.
Tới thời ngài Bách Trượng, hành giả tới thiền viện ngày một đông, nên phải lập thanh qui để điều hành, và có chủ trương là “một ngày không làm, một ngày không ăn”. Nếu hời hợt nhìn, ta sẽ nghĩ rằng vì đồ chúng đông đúc, nên tự viện đã bắt mọi người lao động để sản xuất lương thực. Nhìn sâu hơn, ta thấy không hẳn là như vậy, mà ngài Bách Trượng đã đưa những sinh hoạt thông thường hàng ngày như: giã gạo, nấu cơm, lau tượng, quét nhà, cuốc đất, trồng cây…. vào việc Tu tập, để giúp hành giả LUÔN LUÔN có cơ hội mang tâm về với thân, qua những lao tác của tay chân, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Khi một người coi việc lớn, việc nhỏ mình làm, kể cả những việc bị bắt buộc PHẢI làm, là cơ hội để DỤNG CÔNG tu tập, thì họ dễ sống hòa hợp với những người xung quanh, và cái Ngã của họ ngày một nhỏ lại; sinh hoạt của tự viện sẽ trôi chảy hơn; đây là thành công lớn của ngài Bách Trượng.
Cư sĩ Bàng Long Uẩn cũng có ý tương tự qua lời kệ:
……….
Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước, bổ củi thôi.
Theo cư sĩ, không cần tìm kiếm, học hỏi những điều gọi là cao siêu, chỉ cần Rõ Biết những việc làm bình thường hàng ngày trong cuộc sống như gánh nước, bổ củi …. ở mọi nơi, mọi lúc thì những điều kỳ diệu sẽ tự tới.
Nhiều thiền viện ra đời, để hấp dẫn quần chúng, ngài Hoàng Bá đã đặt lệ ai tới hỏi đạo, sẽ bị đánh 3 hèo, đến gặp ngài Lâm Tế thì bị hét điếc tai. Thời gian sau nhiều vị lại đề xướng Thoại Đầu, Công Án…. những đề tài cao siêu và những cụm từ giống như vô nghĩa, được thầy đưa cho đệ tử tham cứu, mục đích để đệ tử lúc nào cũng cảm thấy cần phải gần gũi bên Thầy của mình??!!
Mặc dù các tự viện, phải tuỳ thuận chúng sinh để tồn tại, nhưng thời nào cũng có những vị SÁNG ĐẠO, dùng phương tiện thiện xảo, truyền lại những CỐT LÕI của đạo Phật cho đời sau.
Trong các buổi lễ tại các chùa TỊNH ĐỘ, các bậc Sáng Đạo đã qui định là khởi đầu niệm Phật, tụng kinh A Di Dà, sau đó là những bài chú (chú Đại Bị, Chuẩn Đề…) và kết thúc buổi lễ là Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh được gọi là Bổ Khuyết Kinh, có nghĩa là bổ túc những thiếu sót của việc Niệm Phật và Trì Chú, nhắc nhở hành giả, cốt lõi của đạo Phật là VÔ NGÃ, tu theo Phật không cần phải đới nghiệp vãng sanh lên tới cõi Tịnh Độ, hay phải đạt được Thần Thông mới hết khổ. Mà chỉ cần nhận ra Ngũ Uẩn Giai Không là hết khổ ngay!!
Thiền Tông Đông Độ cũng vậy, qua những Thanh Quy để điều hành tự viện. Công Án, Thoại Đầu để giữ đệ tử không rời xa thầy. Trong rừng thiền Đông Độ các bậc Sáng Đạo để lại Thập Ngưu Đồ. Các ngài nhắc nhở, Tu là Tâm của ta độc hành, độc bộ thầm lặng nhận biết mọi sắc thái của thân, tâm; để giữ Tâm không lang thang, như ta sỏ mũi và cột con Trâu lại. Chứ không phải là cái Thân bằng xương bằng thịt này cạo trọc đầu, độc hành, độc bộ vào rừng sâu núi thẳm, ngồi kéo chân lên, nhập định ở một nơi vắng vẻ. Và mục đích cuối cùng của việc Tu Tập là an nhiên tự tại, THÕNG TAY VÀO CHỢ (bức tranh thứ 10), sống hài hòa với mọi người xung quanh!!! Nghĩa là hành giả phải đạt được ĐỊNH mà Lục Tổ Huệ Năng gọi là đại định bất xuất bất nhập.
Trong rừng kinh điển Đại thừa, sau khi tùy thuận với những chúng sanh có đầy ắp kiến thức và trí tưởng tượng bằng những kinh A Di Đà, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già, Lăng Nghiêm, Kim Cang … để kéo họ đến với tự viện. Các bậc sáng đạo đã để lại kinh Viên Giác, nhắc nhở hành giả rằng khi thực hành thì có CHỈ, ĐỊNH, và THIỀN NA (phẩm Viên Giác). Như vậy việc thực hành từ Chỉ tới Định mà đa số chúng ta đang hành trì, chỉ là MỘT trong nhiều cách tu Định; không là Thiền Na (dhyana), chưa là THIỀN của đạo PHẬT.
Để trả lời bài trình pháp của Ngoạ Luân:
Ngoạ Luân thật giỏi giắng
Tư tưởng thẩy dứt lặng
Đối cảnh tâm chẳng sanh
Bồ Đề ngày lớn mạnh
Lục Tổ Huệ Năng có kệ:
Huệ Năng chẳng giỏi giắng
Tư tưởng chẳng dứt lặng
Đối cảnh tâm cứ sanh
Bồ Đề nào lớn mạnh
Như vậy, theo Lục Tổ, Tu là sống bình thường, không cần phải hành hạ xác thân để đạt được tư tưởng dứt lặng, Tâm cứ sanh khởi, miễn mình rõ biết nó đang sanh khởi mà không dính mắc, Tâm Bồ Đề đã có, nên không cần phải khổ Tu để nó lớn hơn, mà là Ngộ ra Bồ Đề đã sẵn ở trong ta.
Gần đây Ni Sư Triệt Như có nhận xét, lịch trình đi hoằng hóa hàng năm của Ni Sư là một hình thức của luân hồi sanh tử. Vậy mỗi ngày tụng kinh, niệm Phật, trì chú hay xuất nhập vài lần trong việc ngồi Tu Định cũng là Luân Hồi Sanh Tử; ngồi nhập Định để có được cảm giác sảng khoái, khinh an của Hiện Tại Lạc Trú; chỉ tạo ra những cảm thọ của cái thân, vẫn còn trong Tục Đế.
Theo giáo trình giảng dạy của Hòa Thượng Thông Triệt, Ni Sư Triệt Như đã giảng về Như Thật, Chân Như …. Chân Như là cái không tên và ở khắp mọi nơi. Như vậy chính bản thân của TA cũng là Chân Như, có đầy đủ những điều tốt đẹp của các bậc sáng đạo, nhưng ta chưa nhận ra thôi!! Chỉ cần Ngộ ra và trở về với sự không tên, trần trụi, không địa vị, chức tước …. của CHÂN NHƯ; không còn dính mắc vào bất cứ điều gì trên đời, những gì xấu ác sẽ tự rơi rụng, và những tốt đẹp sẵn có trong ta sẽ TỰ hiển lộ. Ta không cần phải hành trì thêm bất cứ một đề mục riêng lẻ nào về tham, sân, si hay giới, định, tuệ.
PHẬT có nghĩa là GIÁC, là Tỉnh Thức, đạo Phật là đạo Tỉnh Thức. Phật dạy, những LỜI của ngài chỉ là NGÓN TAY CHỈ MẶT TRĂNG, như vậy rừng kinh điển, những pháp tu trong rừng thiền, chỉ là những ngón tay, còn mặt trăng là sự TỈNH THỨC. Ngài Huệ Khả đã trình với tổ Bồ Đề Đạt Ma rằng lúc nào cũng Liễu Liễu Thường Tri, nghĩa là luôn biết rõ mọi việc xảy ra trên Thân, trong Tâm và xung quanh của chính mình. Muốn được như vậy, sự Tỉnh Thức phải luôn luôn có mặt, để khi Sáu Căn tiếp với sáu Trần (mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, da xúc chạm, ý suy nghĩ), ta nhận biết ngay, như một chuỗi diễn biến liên tục mà không dính mắc, (vì nếu chú ý riêng mỗi việc, mỗi lúc thì đó là CHỈ).
(Thực hành một thời gian … thỉnh thoảng ta Bất Chợt thấy cảnh vật quanh ta như một bức tranh sống động rất rõ nét, và không có một Âm Thanh; ta tỉnh thức nhưng xung quanh ta hoàn toàn vắng lặng. Đúng như bài “Vô Tâm trong Thiền” diễn tả là “HỐT NHIÊN đại ngộ”. Và đúng như chuyện về đức Phật, khi Ngài ngồi trong nhà chứa rơm(?), Ngài tỉnh thức, nhưng sét đánh chết 2 người đàn ông và 4 con bò đực ở gần đó mà Ngài không hề hay biết).
Nếu thân ta là chiếc đồng hồ thì khi:
- Nghĩ về tương lai là Đồng Hồ chạy SỚM,
- Hối tiếc quá khứ là Đồng Hồ bị TRỄ,
- Ngừng mọi suy nghĩ trong đầu (ở trong Định) là Đồng Hồ đang CHẾT,
- Thời gian và sự vận chuyển vật lý của đồng hồ luôn luôn đồng bộ với nhau là Đồng Hồ đi ĐÚNG GIỜ.
Như vậy, nếu Tâm luôn luôn đồng bộ với Thân, như chiếc đồng hồ đúng giờ, thì Tâm sẽ không lang thang về quá khứ, hay hướng tới tương lai và cũng không đắm chìm trong hiện tại; tâm sẽ TỰ yên lặng nên Vô Ngã, hợp nhất với vũ trụ Tâm, đó là Chánh Định trong Bát Chánh Đạo. Giữ thân tâm Nhất Như là cách hành THIỀN theo Phật.
Ở cái tuổi gọi là U80, tôi thấy không còn nhiều thời gian để tiếp tục tìm hiểu về Ngón Tay Chỉ Mặt Trăng nữa. Với tuổi già, khi đi đứng nên cẩn thận, chậm chạp để khỏi bị vấp ngã; khi ăn uống nên nhai chậm rãi, kỹ lưỡng để khỏi bị nghẹn, và trong đầu nghĩ suy gì, đều tự biết.
Không biết mình đang cẩn thận trong việc đi đứng, ăn uống, nghĩ suy là VÔ MINH. Biết rõ mình đang cẩn thận trong việc đi đứng, ăn uống, nghĩ suy là TỈNH THỨC. Tôi nghĩ Phật đã dạy chúng ta những điều đơn giản đó trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Và như vậy là ta Tu theo Phật. 🙏🏽🙏🏽🙏🏽
Sacramento, tháng 03/2024
Tuệ Tâm