TỈNH THỨC VÀ VÔ NGÃ
Trong quá trình tu chứng của Đức Phật, chuyện của nhóm 5 anh em ông Kiều Trần Như và Đức Phật có những chi tiết nếu ta có một chút suy nghĩ sẽ thấy nó rất thú vị.
Khi rời khỏi hai vị Thầy dạy Tu Định, thái tử Tất đạt Đa tới chỗ 5 vị tu khổ hạnh và trở thành người thứ 6 trong nhóm. Là người mới tới chắc chắn thái tử coi 5 người này là thầy của mình, trong 6 năm cùng tu, lúc nào thái tử cũng thấy mình khổ hạnh chưa bằng 5 ông thầy, nên cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa…. khổ hạnh ngày một khốc liệt hơn...!! Thái tử Tất đạt Đa là bậc kỳ tài mà phải tới khi kiệt sức, gần chết mới nhận ra rằng Tu theo năm ông thầy này không có kết quả. Và các ông thầy này chỉ CHĂM CHỈ HÀNH TRÌ loanh quanh, luẩn quẩn, họ không biết là họ Tu cái gì!!!
Bây giờ, các vị tu sĩ giảng kinh bằng cách giải thích những danh từ Hán Việt trong kinh; vị tu sĩ giảng rằng cõi tịnh độ là một xã hội có giai cấp…; người thì nói rằng đã nhận được Pháp Tu nào đó, bây giờ nhiều người cần giúp, nên hy sinh giảng dạy. Tất cả, đều tự nhận là THIỀN SƯ, họ nói là có họ pháp tu đặc biệt giúp mọi người thực hành để thoát sinh tử luân hồi. Lấy Luân Hồi Sinh Tử ra dọa, và lúc nào cũng trách móc, người thực hành theo họ, là chưa tu tập đúng mức …. và hối thúc mọi người, phải chăm chỉ hơn, năng nổ hơn ….!!
Hạt Ổi mọc lên cây Ổi, hạt Bồ Đề mọc ra cây Bồ Đề. Nếu cây Ổi muốn thành cây Bồ Đề về phương diện vật chất, sẽ phải có những chuỗi đột biến (thuyết tiến hóa của Darwin) và như vậy sẽ phải mất ba a tăng kỳ kiếp, tái sanh liên tục và đột biến, từ từ sẽ giống như cây Bồ Đề. Nhưng nếu biết, tất cả đều là kết hợp của đất, nước, gió, lửa… thì Ổi và Bồ Đề có những yếu tố căn bản giống nhau, Ổi không cần phải KHỔ HẠNH trong ba a tăng kỳ kiếp để được bình đẳng với Bồ Đề!!!
Theo ngài Mục Kiền Liên Tu Đế thì Định là Nhất Tâm, cái im lặng của tâm thức có được là nhờ thực hành Chỉ, hành giả phải chuyên tâm vào một đề mục, một cảnh; chăm chỉ thực hành ngày đêm, dần dần Chỉ kéo dài thành Định, nhất tâm yên lặng. Tu theo cách này hành giả có thể đạt được kết quả như những bậc đạo sư Yoga (theo truyền thuyết) , sống hàng trăm năm, hàng ngàn năm trên tuyết sơn ở Ẩn Độ hay các bậc thần tiên bất tử của đạo giáo ở Trung Hoa (mà nhiều hành giả mong ước) . Nhưng các bậc này vẫn còn là những cá thể riêng biệt, chưa thể nhập vào Chân Như, vẫn còn trong Tục Đế.
Thái tử Tất Đạt Đa sau 6 năm khổ tập nhận ra đã theo học lầm Thầy. Ngài ngồi thư giãn dưới gốc cây Bồ Đề, nhìn lại tâm, thân của chính Ngài, mà không dính mắc vào bất cứ điều gì; như hồi còn nhỏ Ngài ngồi thư giãn dưới gốc cây hồng táo trong dịp dự lễ hạ điền với vua cha và đã vào Định sâu; không bao lâu Ngài chứng ngộ.
HỒI ĐẦU THỊ NGẠN, quay đầu lại là thấy bờ; hay là TRỞ VỀ NHÀ mà các Tổ và các bậc sáng đạo thường nhắc, hoặc người ăn mày tìm thấy viên ngọc quí trong chéo áo của mình, mà kinh Pháp Hoa nhắc nhở. Là không hướng ngoại tìm cầu, để làm giàu cho kiến thức nữa; mà quay về để biết những gì xảy ra trên thân của chính mình; để chân đi chạm đất ta biết, kiến đốt ngứa da ta cảm nhận, hoa nở ta thấy, tiếng chim hót ta nghe, trong đầu thì thầm hay im lặng ta đều nhận biết; nghĩa là lúc nào cũng THẦM NHẬN BIẾT cái chuỗi diễn biến LIÊN TỤC xảy ra trên thân, trong đầu và xung quanh ta, đó là Tỉnh Thức.
Nhờ TỈNH THỨC nên không dính mắc vào bất cứ điều gì xảy ra trong tâm và quanh ta, Tâm Thức tự yên lặng, thuần nhất với vũ trụ Tâm, không do tạo tác mà có, nên vô ngã, đó là Chánh Định của Đạo Phật; định bất xuất bất nhập mà Lục Tổ Huệ Năng xiển dương. Đạo Phật là tỉnh thức và vô ngã.
Sacramento, tháng 05/2024
Tuệ Tâm