KÍNH MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN SANH
SỐ PHẬN hay NHÂN QUẢ?
“Số kiếp hay sao không cho bắc cầu...” là những lời hát than thở cuộc tình dang dở thương đau.
PHẢI CHĂNG LÀ ĐỊNH MỆNH?
Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ “định mệnh” có nghĩa là mệnh trời, số phận, số kiếp. Tất cả có nghĩa là sự an bài, sắp xếp của tạo hóa, một đấng thiêng liêng vô hình, cho cuộc đời của mỗi con người. Đấng thiêng liêng đây có thể là giáo chủ một truyền thống tôn giáo có quyền uy tối thượng như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo…. Theo văn hoá dân gian cuả người Việt, Tạo hóa hay Ông Trời chính là đấng vô hình đó. Dù Ông Trời ở trên cao nhưng luôn dõi mắt kiểm soát mọi việc làm của con người trần thế rồi theo đó thường phạt công minh. Nhiều câu tục ngữ Việt Nam liên quan đến Trời. “ Lưới trời lồng lộng; Trời cao có mắt; Trời hành tội; Trời hại không bằng người hại; Trời sinh voi sinh cỏ....” Còn có câu chữ Hán “Hoàng Thiên bất phụ hảo nhân tâm”, trời cao không phụ người có tâm thiện lành.
Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du nêu bật quyền sinh sát của ông trời trong thuyết tài mệnh tương đối bằng hai câu mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.”
PHẢI CHĂNG SỐ MẠNG ĐÃ AN BÀI?
Qua đó người ta mặc nhiên hiểu rằng “định mệnh” hay số phận tốt xấu của con người là cái đã được định đoạt bởi trời hay các giáo chủ và không thể thay đổi cải sửa được. Con người phải chấp nhận sự sắp đặt đó mà thôi. Chẳng hạn như theo sự phân chia giai cấp trong Ấn Độ giáo thì ai sinh ra trong giai cấp nào đời này thì đời sau hay nhiều đời sau nữa cũng chỉ sẽ sinh ra trong giai cấp đó mà thôi bất chấp mọi cố gắng đến thế nào. Ví dụ như ai sinh ra trong giai cấp Chiên Đà La, giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội Ấn Độ, thì đời đời kiếp kiếp về sau cũng vẫn thấp thỏi, hèn mọn như vậy, vẫn ngày ngày gánh phân bò và luôn luôn phải tránh xa những người thuộc giai cấp Sát Đế Lợi cao qúy nếu không muốn bị các hình phạt nặng nề. Những người Chiên Đà La khốn khổ này cả đời dù hết sức cố gắng cũng không thay đổi được thân phận mình đời này và đời sau vì định mệnh đã an bài hay số trời đã định rồi. Họ chỉ nên chấp nhận sự xếp đặt của ông Trời mà đừng thở than lời nào như những câu kết trong Kim Vân Kiều:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
ĐỊNH MỆNH, CÓ HAY KHÔNG?
Trong tác phẩm “Tiến trình tu chứng của Đức Phật”, Hòa Thượng Thích Thông Triệt, Thiền Chủ Thiền Tánh Không, đã diễn giải trong đêm cuối, tuần thứ năm của quá trình chứng ngộ, Đức Phật Thích Ca đã chứng đắc tam minh, Túc Mạng minh, Thiên Nhãn minh, và Lậu Tân minh. Qua đó ngài thấy được con người từ đâu đến, nguyên nhân tại sao cứ mãi sinh ra rồi chết. Ngài đã thốt lên: “ Sinh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Việc đáng làm đã làm. Ta không còn trở lại hình hài này nữa”.
Đây có thể xem là Tuyên ngôn Độc lập của Phật giáo mở ra kỷ nguyên mới cho con người. Con người hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình, có toàn quyền quyết định về cuộc đời cuả mình, và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, hành động và lời nói của mình.
Như thế Không Có Định Mệnh hay Số Phận, không có đấng sáng tạo quyền uy nắm quyền sinh sát cuộc đời của mỗi con người. Mỗi cá thể là người chủ của chính đời mình.
Đức Thế Tôn cũng nói “ Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Ngài đã thong dong ra khỏi luân hồi và chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề Chánh Đẳng Chánh Giác. Hôm nay, những đệ tử của Đức Phật sau 2568 năm kể từ ngày đản sanh của ngài, là chúng ta đang ở đây hãy vững tin rằng chúng ta sẽ làm được những thành quả như ngài đã làm.
Nhưng nếu không có Ông Trời thì liệu cái máy vi tính hay bộ camera nào có đủ những chức năng vi diệu để có thể ghi nhớ đầy đủ tất cả việc làm tốt xấu quá khứ và hiện tại của những ai làm chủ hay không làm chủ được đời mình?
ĐỊNH LUẬT NHÂN QUẢ
Cũng trong đêm cuối cùng trong tiến trình chứng ngộ, Đức Thế Tôn cũng thâý rõ vòng xích luân hồi trói buộc con người với các chúng sanh khác và nguyên nhân của khổ đau, sinh tử là tam độc Tham, Sân, Si. Ngài cũng thấy được mối tương quan nhân quả tác động lên con người, các chúng sinh khác, môi trường và vũ trụ. Từ đó ngài chỉ ra lý nhân duyên và pháp sanh khởi là nền tảng cho sự vận hành của vũ trụ và chu kỳ sinh tử của mỗi chúng sanh. Từ đây hình thành nhân sinh quan đạo Phật đặt nền tảng trên “ Không, Huyễn và Chân Như”.
Như vậy hệ thống camera và máy vi tính vượt không gian và thời gian ghi nhớ mọi thiện ác nhiều kiếp đời của muôn loài chúng sinh chính là nguyên lý Nhân Quả.
Dưới cái nhìn của đạo Phật, vũ trụ chỉ có con người, các loài chúng sanh hữu tình, vô tình cùng môi trường sống. Không có số phận hay định mệnh mà chỉ có sự vận hành của quy luật Nhân Quả. Và luật nhân quả thì luôn bình đẳng, chí công vô tư, khách quan và sòng phẳng đến lạnh lùng trên mỗi cá nhân bất kể không gian và thời gian. Với luật nhân quả, con người hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình dù vẫn bị tác động bởi nghiệp lực quá khứ của chính mình.
Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói:
“ Nếu bạn gieo thành thật, bạn sẽ gặt lòng tin.
Nếu bạn gieo kiên nhẫn, bạn sẽ gặt chiến thắng.
Nếu bạn gieo lòng tốt, bạn sẽ gặt thân thiện.
.....................................................................
Nếu bạn gieo tham lam, bạn sẽ gặt tổn hại.
Nếu bạn gieo đố kỵ, bạn sẽ gặt phiền muộn.
Nếu bạn gieo íck kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn”.
Định luật nhân quả và nghiệp lực, biệt nghiệp và cộng nghiệp, hình thành diện mạo, phong cách, cá tính, tâm lý, suy nghĩ, đời sống và môi trường sống của một cá nhân. Cả hai có thể giúp giải thích vì sao anh chị em, kể cả anh em sinh đôi, cùng sinh ra từ cùng cha mẹ, cùng sống trong môi trường ban đầu là gia đình, cùng được dạy dỗ nuôi dưỡng như nhau; nhưng rồi mỗi người có cá tính, cuộc sống và môi trường sống hoàn toàn khác nhau hay đối ngược với nhau. Người Việt mình nói “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” là thế. Cả hai điều trên cũng giải thích được các hiện tượng thần đồng, thiên tài và tái sinh.
NHÂN QUẢ, CÓ THAY ĐỔI ĐƯỢC KHÔNG?
Nguyên lý Nhân Quả hiểu đầy đủ là Nhân, Duyên, Quả. Nhân là hạt giống. Duyên là điều kiện cần thiết. Quả là kết quả. Bác nông phu gieo hạt lúa là nhân. Bác cần các điều kiện như nước, ánh sáng, nắng mặt trời, phân bón là duyên để có quả tốt là được mùa.
Lục Tổ Huệ Năng đã dạy “Tâm ta như miếng ruộng, phước họa do mình trồng”. Vì mình là chủ nên mình có toàn quyền trên ruộng của mình. Tức là con người tự làm chủ vận mệnh của mình. Không có đấng tối cao nào nắm quyền sinh sát trên số phận của con người. Vì là người chủ định mệnh của chính mình nên con người hoàn toàn có khả năng và quyền lực thay đổi nhân quả và số phận của mình. Vô minh chắc chắn làm cuộc đời của mình hôm nay và ngày mai xấu đi. Trí tuệ từ sự tu tập sẽ thay đổi và thăng hoa cuộc đời hiện tại và tương lai của mình.
Làm sao có được khả năng và quyền lực nghiêng trời lệch đất để thay đổi định mệnh của chính mình? Thật ra không khó. Ai làm cũng được. Chỉ cần niềm tin sâu dày nơi Tam Bảo, quán triệt thấu đáo sự vận hành cuả Thập Nhị Nhân Duyên và luật Nhân Quả cùng với lòng nhẫn nhục vô biên và kiên trì mạnh mẽ. Luật nhân quả thuộc về chân lý tục đế và là một pháp hữu vi nên khi nhân gieo rồi vẫn có thể thay đổi duyên và thay đổi quả. Tuy nhiên, các bậc thức giả luôn khuyên chúng ta “Hãy nghĩ đến quả trước khi gieo nhân. Hãy thận trọng với nhân quả”.
Ngày xưa, sự định đọat không thể thay đổi của ông Trời đối với số mệnh con người được khẳng định rất rõ trong truyện Kiều:
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới dự phần thanh cao.”
Ngày nay, được phước lành học Phật hành y, kẻ hậu bối nhỏ bé này xin mạo muội thay đổi một chút lời của Tố Như Tiên Sinh. Tha thiết ngưỡng mong được ngài thứ lỗi.
Và các bạn ơi, xin hãy vững lòng tin và tiến bước trên đường học Phật.
Ngọc Huyền
Mùa Phật Đản 2568
May 13, Quý Xuân 2024