CẢM NHẬN CÁ NHÂN VỂ HƠI THỞ
Nguyệt Nguyễn
1) Về mặt sinh học:
Hơi thở là hoạt động của hệ hô hấp nhằm cung cấp oxygen cho cơ thể.
Ở mức độ tế bào sự thở mang oxy đến cho tế bào tham gia vào sản xuất chất ATP ( một chất hoá sinh mang lại năng lượng sống cho tế bào).
Con người không thể sống thiếu oxy , nếu ngừng thở > 3 phút là toàn bộ cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch, ngừng thở 4 - 6 phút khả năng tổn thương cao, ngừng thở > 10 phút để lại di chứng tổn thương không hồi phục toàn bộ cơ thể đặc biệt là não bộ.
Do vậy có thể nói hơi thở chính là mạng sống của chúng ta, còn thở là còn sống, còn sống thì phải thở.
2) Hơi thở trong điều chỉnh bệnh lý:
Hơi thở còn giúp điều chỉnh một số bệnh lý như stress, tim mạch, hô hấp, dạ dày, cao huyết áp, tiểu đường….sự điều chỉnh này chỉ mang tính tạm thời hoặc hỗ trợ trong quá trình điều trị giúp hồi phục bệnh nhanh hơn.
Ví dụ: Khi bị stress ( một trạng thái không thoải mái của tâm thức dù là nhỏ nhất) ta có thể hít vào sâu 5 - 10 hơi thở giúp cơ thể thư giãn, tăng cường oxy cho cơ thể đồng thời giúp tâm thức tạm quên đi buồn phiền…
Vì sao hơi thở hỗ trợ cho cả các bệnh mãn tính khác: khi thở sâu có sự chú tâm cơ thể lấy được nhiều oxy hơn do đó cung cấp được nhiều đến tế bào giúp tế bào hoạt động hiệu quả hơn, nhất là các bệnh về mạch vành và viêm phổi tuổi già.
3) Hơi thở trong tu tập Pháp Phật:
+ Mạng người sống trong hơi thở: là lời nói của Đức Phật trong một bài kinh, với ý nghĩa hơi thở chính là mạng sống của chúng ta. Mạng sống của chúng ta cũng mong manh như hơi thở. Một hơi thở ra mà không tiếp thở vào là chấm rứt toàn bộ, mọi thứ trở thành vô nghĩa.
+ Trong bài kinh Anapanasati Đức Phật nói: “ Này các tỳ kheo, đối với các thân Ta nói đây là một tức là thở vô thở ra” (với kiến giải của cá nhân ) có nghĩa là hoạt động hơi thở gắn liền hoạt động của Danh thân - Sắc thân không thể tách rời, do vậy tại đây Đức Phật muốn khẳng định tầm quan trọng của hơi thở đối với thân tâm, tu tập về hơi thở là nền tảng giúp chúng ta giải thoát và nhắc nhở chúng ta luôn trú nhiệt tâm, tinh cần , chánh niệm, tỉnh giác để chế ngự tham ưu ở đời.
4) Với cảm nhận cá nhân về hơi thở trong Pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Hơi thở chính là mạng sống của bản thân và cũng là sự yêu thích trong việc lấy đó là một đối tượng để tu tập Niệm Xứ với những lý do:
+ Có lẽ chẳng có lý do gì quan trọng hơn bởi Pháp môn Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất tôi đi, nó chính là cuộc sống của tôi, tôi nguyện dành cả cuộc đời còn lại trọn vẹn cho con đường tôi chọn. Vì vậy hơi thở chính là niềm hạnh phúc của tôi.
Thật đơn giản tôi hạnh phúc khi tôi đang còn thở.
Và vậy mỗi lần nhớ về hơi thở thì đều có một cảm thọ thật đặc biệt!
Do vậy mọi thứ trên thế gian trở thành vô nghĩa! Trong tâm chỉ còn lại duy nhất Pháp của Phật.
+ Hơi thở là nơi quay lại nhìn chính mình.
+ Hơi thở chính là chỗ để khám phá bản thân: trong hơi thở có thể thấy được mình tham, sân, có tà kiến, Chánh kiến, tầm tứ, thọ, tưởng, hành, thức , thấy được các pháp đến rồi đi …..
+ hơi thở còn là nơi quay trở về để nghỉ ngơi khi cả thân tâm đều mệt mỏi bởi tâm tham làm cho quay cuồng.
+ trong hơi thở biết thế nào là đủ và khi biết thế nào là đủ thì cũng biết thế nào là ly dục.
+ Hơi thở điều hòa thì tâm cũng được điều hòa (tâm an) do mối liên hệ thân tâm.
+ Sự mong manh của hơi thở lại là nền tảng sức sống của tấm thân do vậy thấy được sự duyên hợp của Danh thân và sắc thân cũng mong manh.
+ Sự thở không thể duy trì được kèm theo thân tâm cũng không thể duy trì. Hơi thở nền tảng của trí tuệ về tam pháp ấn.
5)Tóm lại hơi thở là mạng sống, là Pháp môn, là nền tảng trí tuệ, là niềm yêu thích khi nhớ về. Tuy vậy bản thân vẫn không thể chú tâm đủ dài với lý do :
+ do tâm tham trở thành thói quen, tâm luôn có xu hướng ra ngoài.
+ do sự bất lực khi không thể duy trì được pháp nào theo ý muốn.
+ do cấu tạo sinh học (thần kinh chi phối hơi thở vừa là tự động vừa là chủ động) khi không có sự chú tâm hệ hô hấp vẫn hoạt động bình thường, do vậy ta có thể quên hơi thở.
6) Khắc phục: kiên nhẫn với bản thân nhiều hơn nữa, yêu thương bản thân nhiều hơn nữa, bằng cách kiên trì thực hành nhiều hơn. Nhắc nhở tâm thực hành nhiều hơn, nhìn lại thân thọ tâm pháp nhiều hơn, an trú trong hơi thở nhiều hơn…
Nguyệt Nguyễn
Nguyệt Nguyễn
Send comment