TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN
Cuối tháng giêng vừa qua tôi bị một cơn đau kịch liệt, thập tử nhất sinh và đã được cấp cứu mổ tuí mật bị infection tại nhà thương Ste-Mary Montréal nên tôi muốn chia sẻ vài suy nghĩ và kinh nghiệm với các bạn thiền sinh như sau :
1/ Vì sao chúng ta cần phải tu tập trong lúc đang còn khoẻ mạnh? Vì cuộc đời là vô thường và một cơn bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào cướp mất mạng sống chúng ta. Các bạn nên coi bệnh là một cơ hội để mình nhận được tín hiệu của cơ thể báo cho mình biết có gì đó không ổn trong cơ thể của mình. Nhờ có tu tập mà:
- chúng ta sẽ biết lắng nghe cơ thể
- nhận được các tín hiệu thay đổi
- áp dụng phương pháp để xử lý phù hợp
Bị đau bụng nên tôi phải vào Emergency để bác sỹ tìm lý do vì sao đau bằng những phương pháp khác nhau như thử máu, electro-cardiogramme, écographie, magnetic resonnance imagerie (MRI). Nhờ vậy mới biết mật có sạn và bác sỹ sẽ mổ trong một tiếng đồng hồ.
2/ Điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có khổ (về tâm).
Bệnh dạy cho chúng ta biết đời là vô thường và giúp cho chúng ta phải biết cách thức sử dụng và quản lý thời gian tu tập cho bản thân chúng ta trong lúc chúng ta đang còn mạnh khỏe.
- Chúng ta cần phải chăm sóc đời sống nội tâm trước khi bệnh đến thì lúc bệnh tới chúng ta sẽ không có cảm giác chới với, trống vắng và sợ hãi.
- Khi lâm bệnh chúng ta phải có một tinh thần vững chãi, một nội tâm kiên định để có thể vững vàng chấp nhận khi thân bệnh. Không vì thân đau mà tâm phải khổ, lo lắng, sợ hãi.
- Ngoài ra tu tập thiền chúng ta cũng cần phải cố gắng tập thể dục, khí công, ăn uống lành mạnh và tránh xa những gì làm cho tâm trí chúng ta bị rối loạn stress, suy nghĩ lung tung, tâm tán loạn v.v…
3/ Những gì trình bày trên là áp dụng cho cá nhân tôi thôi. Nếu thiền sinh nào có vấn đề bệnh tật thì nên liên lạc với bệnh viện và bác sỹ để bảo đảm sức khỏe cho chính mình.
4/ Tất cả những điều tôi viết trên đây là kết quả tôi có được từ gần 2 năm sinh hoạt với đạo tràng thiền Tánh Không của nhóm chúng ta. Vào giây phút nằm trên bàn mổ, khi y tá sắp chụp thuốc mê, tôi mới nhận ra một điều quan trọng là giỏi dở, thành công hay thất bại trong đời, đều không quan trọng, bởi vì cuối cùng thì ai ai cũng phải nằm trên giường bệnh mà thôi. Nhưng chính vào giây phút đó, tôi lại không hề run sợ gì cả, cũng không hề lưu luyến gì với ai hay với bất cứ điều gì hết, nói chung là tôi sẵn sàng đón nhận cái chết và ra đi...
Ca mổ thành công và những ngày sau đó cho đến nay, tôi cảm thấy tâm tôi bình an. Bác sĩ có bảo là tôi phục hồi lại mau quá, tôi mới biết là do kết quả tập khí công gia tăng nội lực. Sau lần mổ này thì tôi thấy tâm tính tôi thay đổi nhiều. Ngẫm nghĩ thì tôi biết ra là sở dĩ tôi có được sự bình tĩnh trước cái chết là nhờ những điều tôi tiếp thu được từ các buổi sinh hoạt của nhóm chúng ta qua phần lý thuyết của thiền Tánh Không mà tôi đã tiếp thu được.
Rất nhiều năm qua, tôi cũng đã từng tò mò đi nghe rất nhiều Tăng Ni thuyết pháp và đi sinh hoạt nhiều nhóm thiền lắm rồi, nhưng không nơi nào mà tôi trụ lại lâu. Chính bởi thế mà tôi cứ chần chừ, do dự, nghĩ rằng đời còn dài, thôi thì cứ nghe pháp cho vui, có thêm hiểu biết, chứ còn thực hành thì cũng chẳng quan trọng.
Nhưng rồi duyên đến với thiền Tánh Không. Hơn mấy năm trời, chỉ có nhóm này là níu kéo được chân tôi ở lại. Chắc các bạn đều đồng ý là người hướng dẫn giảng bài ngắn gọn, dễ hiểu, cho ví dụ dễ hình dung, dễ nhớ và bao giờ cuối cùng cũng tổng kết lại cho nên tôi thuộc bài ngay. Nhờ đó tôi mới thực sự hiểu Ngũ uẫn, Vô thường, hiểu Ngộ là gì, biết Đức Phật tu chứng thế nào và biết tôi phải làm gì để bớt khổ đau.
Buổi sinh hoạt nào nhóm cũng được thực hành nghe tiếng chuông, chú ý trống rỗng, nhìn lướt, rồi ngồi thiền 30 phút, chính nhờ đó mà tôi làm theo và từ từ mới bớt làm biếng. Nhóm mình lại thường trao đổi kinh nghiệm, tôi chỉ ngồi nghe (vì chưa có kinh nghiệm gì để trình bày), nhưng cũng chính nhờ những chia sẻ của mọi người mà đã ngày càng thuyết phục tôi rằng Thiền đúng sẽ mang đến lợi lạc. Cô Đạo tràng trưởng luôn khuyến khích, nhắc nhở, động viên cả nhóm thực hành ở nhà, tôi làm theo và từ từ cảm thấy có thay đổi về thân tâm.
Sau cơn nguy kịch vừa rồi, tôi thấy mình trở thành con người khác. Nghe tin chị thiền sinh trong nhóm mình cũng vừa thoát chết, tôi biết chị cũng đang có suy nghĩ y như tôi bây giờ. Cuộc sống quá ngắn để mà lo đủ thứ chuyện trên đời, nên hãy dành thời gian mà tu tập. Tôi bớt quan trọng những điều nhỏ nhặt như ngày xưa, hễ còn sống ngày nào là tôi còn tu tập.
5/ Tôi cũng xin nói là theo tôi thì thiền Tánh Không rất khoa học, không nói quá rộng hay lòng vòng như một số phương pháp khác. Đạo tràng chúng ta mỗi lần sinh hoạt lý thuyết đều đi thẳng vào chủ đề, người hướng dẫn có dàn bài rõ ràng, trả lời thấu đáo các thắc mắc, cho nên tôi cảm thấy không cần đi khắp nơi tìm pháp này pháp nọ nữa, mà mình nên nắm vững lý thuyết, hiểu rõ kỹ thuật thực hành rồi quan trọng là phải tự tu tập cho chính mình.
Tôi cũng thấy là đi sinh hoạt nhóm rất hay và ích lợi, có thêm nhiều người nên tinh thần tăng cao, tâm dễ thanh tịnh hơn. Mà Đạo tràng chúng ta như một gia đình nhỏ. Cũng rất tốt khi gia đình Tánh Không có đủ các thành phần bác sĩ, dược sĩ, sư phạm, nội trợ v.v, đủ mọi tầng lớp mà mọi người luôn quan tâm nhau, có sự chỉ dẫn và hỗ trợ nhiệt tình cho nhau.
6/ Một lần đã đứng vững trước cái chết, tôi cám ơn Thiền Tánh Không đã giúp cho tôi vượt qua cái tâm sợ hãi, xin tri ân Thầy Thiền chủ đã tìm ra phương pháp tu tập thực hành rất cụ thể, tri ân Ni sư Triệt Như đã mang pháp đến cho chúng con, cũng cám ơn cô Như Chiếu rất nhiệt tình với cả nhóm và cám ơn các anh chị trong đạo tràng luôn gắn bó với tôi. Điều cuối cùng tôi xin nói là "Mỗi người chúng ta cần phải cố gắng tu tập ngay, trước khi quá muộn".
Xin nhờ chuyển lời tâm sự của tôi đến quý anh chị trong đạo tràng Montreal và đến Ban Trung ương Thiền Tánh Không bên Cali để Thầy và Ni sư cùng mọi người biết được lòng cám ơn vô bờ bến của tôi.
Tâm Minh
(Một thiền sinh Montreal)
Send comment