THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG
Khi nhận được tin mẹ đau nặng, tôi vội vã mua vé bay về thăm mẹ. Mẹ tôi nay đã 93 tuổi, cái tuổi mà tôi không thể chần chờ khi nghe tin không lành. Trước khi về, tôi xin gặp Thầy để ngài khai thị cho tôi. Thầy dặn dò vài điều quan trọng cần làm, nhất là nếu mẹ lâm chung. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi phải luôn ghi nhớ là: “Con phải luôn an trú “trong đó” (tâm Tathà) để độ mẹ con”. Cầm lá bùa hộ mệnh đó trong tay tôi lên đường.
Trong suốt chuyến bay dài thăm thẳm, tôi vẫn luôn ghi nhớ lời Thầy. Xung quanh nhiều hành khách đang say ngủ, nhiều người xem phim, tôi vẫn ngồi ngay ngắn dù trong cái ghế chật hẹp để tọa thiền... Hết giờ ngủ rồi lại đến giờ ăn, hết giờ ăn rồi lại đến giờ ngủ, đổi chuyến bay... Cuối cùng máy bay đã hạ cánh an toàn trên phi đạo với những tiếng thở phào nhẹ nhõm của hành khách. Tôi bước ra khỏi phi cơ, đầu óc tỉnh táo dù đã không ngủ trong suốt thời gian dài của chuyến bay.
Tùy miên
Mẹ tôi thiêm thiếp ngủ cả ngày lẫn đêm, ngoài những lúc ăn uống và làm vệ sinh cho mẹ, tôi vẫn ngồi cạnh bên, vừa thiền vừa canh chừng mẹ. Tôi vẫn luôn nhớ lời Thầy dặn dò “phải an trú...” Những lúc nghe mẹ rên siết vì đau đớn hay mê sảng tôi lại nói thầm: “thầm nhận biết...Không nói...” Một hôm trong giấc ngủ, tôi bỗng nghe mẹ tôi nấc lên: “Ông nói dối tôi, ông dụ dỗ tôi, bảo mình chỉ vào Nam vài tháng chơi cho biết rồi về...vậy mà rồi đi luôn...” Có giọt nước mắt ứa ra trong khoé mắt mẹ. Tôi lay mẹ tôi dậy dỗ dành: “Má, má thức dậy uống nước nha, hay uống sữa... Má muốn uống trà không để con pha...” Cơn mộng qua đi...
Tôi ngồi nhìn mẹ, cảm thương. Mẹ lấy chồng khi tuổi mới mười ba. Mẹ tôi thường kể về cái đám cưới nhà quê, người ta khiêng võng cho mẹ nằm vì đường xa. Họ nhà trai đến rước dâu từ 4, 5 giờ sáng để còn kịp về nhà chồng làm lễ đón dâu trong giờ “hoàng đạo”. Tôi nghĩ chắc mẹ còn bé con quá, nên được nhà chồng thương yêu như con đẻ. Phải rời mái ấm gia đinh chồng để di cư vào nam là một nỗi đau không thể nào nguôi đi trong lòng mẹ tôi. Những câu chuyện mẹ tôi thường kể về bà nội, và các chị em trong gia đình chồng, mà hiếm khi nói về bên ngoại, cho tôi hiểu rằng mẹ rất ít khi được về nhà viếng thăm cha mẹ đẻ, và bù lại mẹ tôi rất được gia đình chồng thương yêu...
Có điều tôi không hiểu vì sao vào Nam đến nay đã hơn 60 mươi năm rồi, mặc dù cuộc sống không đến nỗi nào... mà mẹ tôi vẫn còn ray rứt vì nỗi xa quê. Cả cái đám cưới đã 80 năm qua, mẹ tôi vẫn còn nhớ như in. Những lúc còn khoẻ mạnh, mẹ tôi thường nuối tiếc cuộc sống ngoài kia, kể lể này nọ, tôi chỉ biết nghe, chẳng hình dung được gì, kể cả bà nội kính yêu mà mẹ tôi nói bà rất thương tôi, bế suốt cả ngày!!!
Những cơn mê sảng như thế vẫn thường xảy ra, và hầu hết là những mẫu đối thoại về quê nhà mà tôi không hình dung được, bởi nó không hề có trong ký ức tôi để tự nó trồi lên hay để tôi có thể cố tình gợi lại. Bây giờ tôi mới hiểu một cách thấu đáo rõ ràng về hai từ: “Tùy miên”...
Có lúc tọa thiền, tôi đã khởi ý “mình thử gợi lại những kỷ niệm vui hay buồn và những hạnh phúc hay khổ đau nổi bật nhất trong đời, xem lúc cận tử nghiệp cái gì sẽ trồi lên...” Cuộc đời tôi thăng trầm - vinh nhục, ấm no - đói khát đều có đủ. Thật đáng mừng vì tôi không khởi được niệm nào trong quá khứ gần hay xa một cách rõ ràng cả, thỉnh thoảng hai từ Không Nói lại vô tình hiện lên. Mỗi ngày tôi mở máy nghe hát bài kinh “Nhất dạ hiền giả” vài lần để tự nhắc nhở mình và cả mẹ nữa: Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng; Quá khứ đã đoạn tận tương lai lại chưa đến... Với sự tu tập miên mật theo bước chân Thầy, tôi đã nhìn lại quá khứ với tâm rộng mở hơn, dẫu còn hay mất, thương yêu hay thù hận, tất cả chỉ là huyễn mộng; hiểu được như thế, hy vọng tôi không bị căn bệnh “tùy miên” hoành hành khi rời bỏ thân xác này ra đi...
Kiết sử
Những lúc tỉnh giấc, mẹ tôi thường dặn dò: “Mẹ chết, con đem mẹ về XĐ, thờ ở từ đường bên nội nhé, để mẹ ở phiá bên trái, cạnh bà nội ấy!” Tôi cố giải thích “Má ơi, ngoài bắc bây giờ đâu còn ai, má về đó ai mà thờ cúng... Mà quê má ở DH, sao má lại đòi về XĐ?” Mẹ tôi nói: “Sống thì ở nhà cha, lúc chết thì về làm ma nhà chồng!” Tôi kêu lên kinh ngạc: “Má không về với Phật sao mà về làm ma nhà chồng?” Mẹ tôi lại giải thích “thì ông bà mình vẫn bảo như vậy con ạ”... Dù tôi có nói dông dài hay lý luận thế nào đi chăng nữa, mỗi lần tỉnh giấc, mẹ tôi vẫn lập lại: “đưa mẹ về XĐ, thờ ở từ đường bên nội”.
Tôi vẫn nghe Thầy và Ni Sư giảng “kiết sử là những sợi dây truyền thống văn hoá, luật lệ trói buộc mình, bắt mình phải tuân theo thế này thế nọ...” Đáng sợ quá...tôi thật sự không muốn bị trói buộc kiểu này. Tôi có cuộc sống của tôi, tôi có quyền chọn lựa con đường tôi muốn đi, con đuờng giải thoát thênh thang ra khỏi sáu nẻo luân hồi...
Tôi học được ở đâu đó một câu “châm ngôn” mà tôi cho là rất hay: “Kiết sử tùy miên từ bỏ bớt, tập khí lậu hoặc bào mỏng dần!” Tất cả những thứ ấy trong tôi đều có đủ, và có một cách “dồi dào” nữa đấy! Từ ngày theo Thầy, tôi đã từ từ bỏ bớt, có những thứ tôi vẫn “ghiền” như thêu thùa may vá, thích cây cảnh, bông hoa...nhưng tôi cố bào chữa... thôi kệ nó, cũng không có hại đến ai, từ từ vài năm nữa già hãy bỏ. Có lần tôi đã ươm được vài cây phượng vĩ đỏ mà hột giống đem về từ Ấn độ trong một chuyến hành hương. Tôi chăm chút yêu quý như báu vật. Rồi một mùa đông lạnh buốt đi qua, bọn nó chết cả, thế là tôi buồn khổ tiếc nuối hơn tuần lễ. Học qua cả chục lần khóa Căn bản, bao lần Bát nhã tôi đã hiểu đó là ngu si, là vô minh, đủ duyên thì còn, hết duyên thì nó mất thế thôi, có chi mà tiếc nuối. Thế nhưng giữa học và hành còn có một khoảng cách mà tôi cho là tùy thuộc ở căn cơ. Người thượng căn nghe qua một lần đã thông suốt, còn tôi thuộc vào hạ căn hạ liệt, nên nghe đến muốn thủng cả màng nhĩ mà việc thực hành còn lắm chông gai, chẳng qua là lậu hoặc đã quá sâu dày qua nhiều kiếp nhân sinh!
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi hiểu và thương mẹ hơn. Mẹ được sanh ra ở thời điểm đó, với hoàn cảnh gia đình đó, thì cuộc đời mẹ được xoay vần như thế đó. Gia đình tôi tiếng là theo đạo Phật, nhưng thực ra mẹ tôi không có khái niệm gì về giáo lý của Đức Phật, mà là Nho giáo thì đúng hơn. Mỗi lần lên chùa, mẹ tôi chỉ một lòng thiết tha cầu nguyện cho mọi người được ấm no hạnh phúc, đông con nhiều cháu, làm ăn phát tài. Cha tôi lúc sinh thời vẫn luôn nhắc nhở “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “con dâu là con nhà mình, con gái là con người ta”... thế nên việc mẹ tôi về sống bên gia đình chồng, từ lúc sống cho đến lúc thác, vẫn chỉ có một tâm niệm ký gởi cả hồn lẫn xác ở bên chồng là chuyện tất nhiên.
Không thể làm gì khác hơn để thay đổi ý định “đưa mẹ về quê”, tôi tâm niệm rằng, khi vọng niệm khởi lên thì mình phát ra chất độc làm ô nhiễm môi trường chung quanh, khiến mẹ bệnh thêm. Khi tâm tĩnh lặng thuần khiết thì phát ra sinh khí làm tươi mát môi trường, khiến mẹ hết bệnh. Khi mẹ hết bệnh, mới mong giải thích để bác bỏ yêu cầu này! Lời Thầy dạy dỗ vẫn in đậm trong tâm tôi: “con phải an trú để độ mẹ”. Thương mẹ quá, tôi phải vâng lời Thầy, nhất định vâng lời Thầy, tu tập đến nơi đến chốn để độ chính bản thân mình và độ mẹ... Ôi, thế nào là quyền năng của “lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên”, ta quyết sẽ không bao giờ để bọn mi khống chế!
Gợi lên
Hôm nay mẹ tôi đã khá, mặc dầu đã lẫn, Bà nhắc tôi nấu nước pha trà mời khách đến thăm...
Tôi ngồi bên cạnh mẹ, bà hỏi: Chị ở Sàigòn à? Vâng!
Chị có mấy cháu? Dạ tám.
Tám? Phúc đức quá, các cháu đi học cả chứ?
Dạ không, con nghèo quá, tụi nó đi lượm ve chai sống thôi.
Sao không buôn bán? Bây giờ buôn bán không cần vốn đâu, cứ lấy hàng, bán xong mới phải trả tiền.
Tôi bật cười, mừng vì mẹ vẫn còn tỉnh táo, biết lý luận một cách khá rõ ràng hợp lý.
Mẹ tôi bỗng nhìn tôi trân trối, bà nắm chặt tay tôi. Một tích tắc trôi qua...rồi hai mẹ con cùng cười vang cả nhà. Mẹ tôi cuống quít: “Con, con đấy à...”
Thì ra chính tiếng cười của tôi đã gợi lại trong ký ức của bà hình ảnh đứa con gái ở cách xa ngàn dặm.
Bây giờ tôi chợt hiểu giá trị của hai từ “gợi lên” trong bài học của Thầy “thỉnh thoảng gợi lên hai từ Không Nói cho đến hết thời thiền, hoặc trong bốn oai nghi”.
Thì ra là vậy, nếu tôi không cười, cái tiếng cười quen thuộc của đứa con gái vốn đã “ghi vào” vùng nhận thức từ bao năm qua, chưa hẳn mẹ đã nhận ra tôi... Chính tiếng cười quen thuộc đó đã gợi lên hình ảnh đứa con thân yêu. Áp dụng vào bài học “7 bước an trú trong tâm Tathà”, khi hai từ Không Nói đã được “ghi vào” hay nói chính xác hơn, “nội tại” trong vùng tánh nhận thức thì ta mới có thể gợi lên được lúc toạ thiền. Do vậy để củng cố và làm cho vững chắc Ký ức mã số Không Nói trong vùng tánh Nhận thức, hay để cho nó nội tại được trong vùng tánh Nhận thức thì ta phải thường xuyên gợi lên hai từ Không Nói trong mọi việc làm và mọi lúc mọi nơi. Cảm ơn Thầy đã nhắc: “nhớ gợi ý Không Nói nghe con...”
Vào chợ
Đã hơn ba tuần giam mình trong căn phòng nhỏ hẹp chăm sóc mẹ, hôm nay tôi muốn đi Saigon thăm vài người bà con thân thuộc...Tôi quyết định đi xe gắn máy thay vì đi xe đò. Em gái tôi dãy nảy: “trời ơi, có ông Thầy trẻ đi Saigon bằng xe Honda, bị xe tải đụng chết ngày hôm qua, Ông tu từ lúc 6 tuổi, ông có bằng Tiến Sĩ Phật học...” Em gái tôi cố ca cẩm về Ông Thầy để ngầm báo cho tôi biết có phước báu như ông mà còn bị xe đụng chết, huống là tôi... Tôi cười, chỉ ... “thầm nhận biết...KN...” Chú em rể tình nguyện chở chị đi.
Trước khi đi tôi đặt điều kiện: chạy chậm, mệt thì nghỉ, không cố gắng vì tôi muốn thực hành thiền trong suốt thời gian đi xe. Chú đồng ý.
Hôm trước, khi về đây, cũng con đường này, nhưng ngồi trên xe đò, tôi có những cảm nhận khác hơn hôm nay. Tiếng gió phần phật bên tai, xe cộ đông đúc, mọi người mải miết gò mình trên xe mà chạy. Cũng may, đoạn đường này có đường riêng cho xe hai bánh và xe hơi, chỉ chạy có một chiều nên sự an toàn cũng được bảo đảm. Xe qua phố xá đông người, qua những bãi rác bay mùi nồng nực, rồi lại qua những cánh đồng hoang vắng, có những chú bò lác đác xa xa đang gặm cỏ thưa. Những đoạn đường êm ả, những đọan đường gập ghềnh lui dần về phía sau. Tâm tôi vẫn bình lặng, “thầm nhận biết...” không có ý niệm gì, cũng không có cảm xúc gì...
Xe bắt đầu đi vào thành phố. Dòng người và xe chen chúc nhau, lạng lách dành từng tấc đường. Tôi khẽ nhắc chú em: “Mình không vội, từ từ đi, chừng nào đến nhà thì đến nhé”. Nhìn những khuôn mặt trẻ già, lớn bé, nam nữ, bị bịt kín bởi cái khăn che bụi, bất giác tôi liên tưởng đến những người phụ nữ Trung đông, một thoáng qua nhanh, tôi vội nhắc mình “Thầm nhận biết....” tôi trở về với tôi...ngay tức khắc. Trời âm u quá, vài giọt mưa lác đác rơi trên mặt tôi lành lạnh... Tôi gợi ý “Không... nói...” và như thế đã không có mưa Saigon trong tôi, đã không có những kỷ niệm ngày còn đi học, tan trường về trong mưa ướt cả vạt áo dài. “Thầm nhận biết...Không... nói”, một dòng biết lặng lẽ trong tôi, cái biết về tâm bình lặng thật rõ ràng. Hai chị em tôi vẫn đi trong mưa, chẳng ai nói lời nào. Ngang qua một cửa hàng bán đồ điện tử, chú em nói “mình vô đây trú mưa, em muốn mua một cái máy (laptop) cho thằng con”. Gởi xe xong chú đi thẳng vào trong tiệm. Tôi vẫn đứng ở hàng hiên nhìn mưa rơi. Những chiếc xe chạy qua hối hả tung tóe cả nước vào lề. Một em trai cầm ổ bánh mì ra ngồi xổm xuống bên cạnh tôi, em cầm ổ bánh mì ăn ngon lành. Qua y phục, tôi biết em là một nhân viên trong cửa hàng. Em ngước nhìn tôi nói “mời bác vô trong cửa hàng ngồi cho đỡ lạnh”, “cám ơn con, nhưng bác không lạnh nên đứng ở đây cũng được rồi.” Tôi nhìn cậu bé..., tôi ... gợi ý Không Nói... tâm tôi bình lặng ngay. Thực ra tôi đã hơi xúc động khi nhìn mặt em... Em gầy ốm, mặt mày xám xịt... Tôi biết cái lũ tưởng trong tôi đang chực chờ nổi sóng. Ngay lúc đó mà không gợi ý Không Nói, có thể tôi đã đi ngược dòng thời gian để nhớ lại những ngày sau 75 bữa đói bữa no.
Bây giờ thì tôi đã hiểu rõ hơn lời chia xẻ kinh nghiệm của Sư Cô Hiền Đức. Cô nói Cô còn biết trước vọng tưởng khi nó chưa kịp nổi lên, Cô dùng “kiếm báu Không nói” chặt cái bụp là nó tiêu liền. Tôi cứ thắc mắc hoài, làm sao mà biết trước? Khi giác quan tiếp xúc với đối tuợng là có cái Thọ. Từ cái Thọ, trong sát na đã có cái Tưởng. Tưởng thì muôn màu muôn vẻ... Bây giờ tôi đã hiểu, nếu có thể dừng được ở thọ thì sẽ không có tưởng. Mấu chốt là phải nhận ra chỗ này hay nói khác hơn phải có cái biết rõ ràng tâm mình đang ở đâu, nghĩ gì. Thầy dạy phải luôn gợi ý không nói, có nghĩa là ngăn chặn cái tưởng từ trước khi có cái thọ. Khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, tức là có thọ, ngay nơi thọ này là ta phải chận ngay. Nếu không “gợi ý Không Nói” hay không kịp thời tự nhắc nhở mình câu thần chú “Thầm nhận biết...K...N...” thì các loại tưởng có lời, không lời, ấn tượng, liên tưởng đã lôi mình đi xa tít tắp mù khơi rồi! Thí dụ nhìn em nhân viên cửa hàng ăn ổ bánh mì; mắt thấy là có cái thọ, giữ cái biết ở cái thấy... “em đang ăn bánh mì”, chấm dứt! Nếu không, một mạng lưới tưởng khổng lồ chằng chịt từ quá khứ đến tương lai sẽ nổi lên ngay: bánh mì Saigon so sánh với bánh mì Cali, bánh mì dòn, mềm, xíu mại, cá hộp, trứng gà, chả chay... nhớ hồi xưa đi học ưa ghé quán bên đường mua bánh mì, lại tính toán ngày mai mua bánh mì ăn sáng... Nếu luôn luôn gợi ý Không Nói trong mọi việc làm, mọi lúc mọi nơi thì ông Tưởng làm sao ghé nhà ta được! Hơn thế, ta còn đi trước một bước, tức là tâm luôn an trú trong tánh nhận thức biết, từ trong tánh nhận thức biết qua các giác quan (vốn được trang bị áo giáp Không Nói), đến các hiện tượng thế gian, còn chỗ nào đâu để tưởng có cơ hội hoành hành. Tôi thầm cảm ơn những lời dặn dò vàng ngọc của Thầy.
Chúng tôi rời cửa hàng khi trời dứt mưa.
Đến nhà, cô cháu gái chạy ra ầm ĩ: “trời ơi sao Ba để bác ướt hết như vậy, sao Ba không trú mưa, sao Ba không đón taxi đưa bác về...” Con bé rối rít hối tôi vào nhà thay áo... Chú em cười nói đùa: “Bác đang tập làm Thiền sư đấy!” Tôi thấy trong lòng mình có một niềm vui kỳ lạ, lâng lâng...có phải tôi đã đi vào đời với hành trang Không Nói?
Từ giã
Mẹ tôi đã khá nhiều, bà đã có thể tự mình làm được một số việc cá nhân, ngày tôi phải về Mỹ cũng vừa đáo hạn. Tôi không biết phải từ giã mẹ như thế nào? Bất chợt tôi nhớ đến câu ca dao “Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, Con nuôi mẹ, con tính tháng tính ngày”. Trong tâm tôi đã không tính gì cả, nhưng con số trong tờ lịch cứ mỗi ngày mỗi tăng. Thời gian từ vô thủy đến vô chung vẫn cứ vô tình âm thầm trôi qua, nào có biết chờ ai đợi ai. Hành lý đã xong, tôi lén đem ra ngoài phòng khách. Tôi dặn cô em cố giữ mẹ trong phòng của bà để tôi bước đi được an tâm. Tôi ôm mẹ hôn lên má...bàn tay bà siết chặt tay tôi, tôi không nói được lời nào, chỉ lặng lẽ vẫy tay chào mẹ rồi bước nhanh ra cửa. Tim tôi đau nhói. “Thầm nhận biết.... thầm nhận biết... Không nói...”, tôi thì thầm...
Cuộc đời là như thế, hợp tan, tan hợp đã bao lần. Suốt chặng đường dài, tôi cố quên đi hình ảnh mẹ, cố nhớ đến lời Thầy dặn: gợi ý Không Nói... Nhưng tôi biết tôi còn non kém, chưa phải là “cao thủ võ lâm” để thản nhiên quên đi hình bóng mẹ già mà an trú.... Tôi lấy máy ảnh ra, xem lại hình ảnh mẹ, tấm ảnh tôi chụp lúc mẹ cười thật hồn nhiên vô tư. Mẹ và tôi cùng cười dòn dã khi tôi cho bà xem mấy cái răng đen (đã nhuộm từ khi còn ở ngoài bắc, theo phong tục xưa) và trêu ghẹo “răng lánh hạt huyền kém thua đấy nhé, hèn chi ngày xưa ba mê tít!”
Tiếng cô nhân viên trong phi hành đoàn thông báo: “máy bay đang qua vùng áp thấp nhiệt đới, xin quý vị trở về chỗ ngồi và cài dây an toàn.” Tôi vội vàng tắt máy, nghiêm chỉnh ngồi thiền...
Thưa Thầy,
Ni Sư đã nhắc nhở thiền sinh chúng con, cũ cũng như mới, phải viết bài trình Thầy, nói về những kinh nghiệm tu tập của mình, những kiến giải ít hay nhiều, sâu hay cạn để đăng vào Đặc san 2015, vốn là một đặc san đặc biệt kỷ niệm 20 năm hoằng hóa của Thầy.
Con chẳng có kinh nghiệm gì đặc biệt, dù con tự biết con đã chuyển đổi rất nhiều về cả hai mặt thân tâm. Những mẫu chuyện nho nhỏ kể trên là những gì con muốn dâng lên Thầy như một phần chia xẻ những gì con tu tập... Tâm con như thế nào, không cần phải trình bày, Thầy cũng đã “soi thấu hết trọi trơn rồi”...
Đệ tử xin đê đầu kính bái...
DN
Tracy, 21/09/2014
Trích từ Đặc San Tánh Không 2015