PRECUNEUS và KÝ ỨC
Để bài này được rõ ràng xin được ghi những lời Thầy dạy màu xanh, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học màu nâu và lời cảm tưởng của kẻ viết bài này sẽ màu đen nghiêng.
Với mỗi trải nghiệm mới, bộ não của chúng ta phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: nó phải đủ linh hoạt để có thể tiếp thu thông tin mới trong thời gian ngắn, nhưng cũng đủ ổn định để lưu trữ lâu dài. Ngoài ra, những ký ức mới không nên ghi đè hoặc thay đổi những ký ức cũ. Bộ não giải quyết nhiệm vụ này bằng cách lưu trữ nội dung ký ức trong hai khu ký ức riêng biệt: ở vùng Hải Mã, khu ký ức ngắn hạn, có dung lượng lớn và khả năng hấp thụ nhanh, và khu ký ức trong một phần của vỏ não (gọi là tân vỏ não). Từ trước cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng vùng Hải Mã, như một cơ sở lưu trữ tạm thời, quan trọng trong việc chuyển các dữ liệu từ khu ký ức ngắn hạn sang khu ký ức dài hạn và quá trình các dấu vết ký ức dài hạn được xây dựng tại vùng tân vỏ não này diễn ra rất chậm và kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Mặc dù khu ký ức tân vỏ não này hấp thụ thông tin chậm hơn, nhưng nó bảo vệ thông tin đó vĩnh viễn và không ghi đè lên nội dung khác. Tuy nhiên, vai trò của tân vỏ não (Neocortex) trong trí nhớ và cách hai vùng này (Hải Mã và tân vỏ não) tương tác với nhau phần lớn vẫn chưa được biết.
Năm 2016 các nhà khoa học tại Tuebingen và Muenich (1) (Svenja Brodt, Dorothee Pöhlchen, Virginia L. Flanagin, Stefan Glasauer, Steffen Gais, and Monika Schönauer) đã nghiên cứu cách hai hệ thống này phối hợp với nhau trong học tập như thế nào trong quá trình hình thành ký ức.
Trong nghiên cứu mới của họ, nhóm nghiên cứu đã đặt trên màn hình một mê cung ảo (virtual labyrinth), trong đó những người tham dự viên của nghiên cứu này phải tìm các đồ vật bị giấu trong mê cung ảo này. Các người tham dự viên di chuyển trong mê cung càng lâu thì họ càng hiểu rõ cấu trúc của nó và vị trí của các đồ vật. Trong khi những người tham dự viên thực hiện nhiệm vụ học tập không gian của mê cung, hoạt động não bộ của họ được ghi lại bằng hình ảnh cộng hưởng từ (magnetic resonance tomography).
Để xác định các vùng não dành cho trí nhớ không gian, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mẹo nhỏ: trong một phần của thí nghiệm, mê cung không thay đổi, cho phép những người tham dự viên dần dần xây dựng được một biểu tượng không gian về mê cung trong trí nhớ của họ. Ở phần thứ hai, mê cung thay đổi liên tục khiến các tham dự viên không thể nhận biết hay học được gì. Việc so sánh các hình ảnh chụp cắt lớp (tomography images) từ nghiên cứu của hai mê cung này cho thấy vùng não nào góp phần hình thành trí nhớ không gian. Kết quả cho thấy hoạt động của Precuneus, một khu vực ở tân vỏ não, tăng đều đặn khi học tập, trong khi hoạt động ở vùng Hải Mã giảm liên tục. Sự giao tiếp giữa hai miền cũng tiếp tục giảm sút trong quá trình học tập.
Kết quả nghiên cứu mới đã cung cấp những hiểu biết quan trọng về vùng nào lưu trữ dấu vết ký ức dài hạn:
-các dấu vết ký ức dài hạn được hình thành tại vùng tân vỏ não ngay khi có dữ liệu mới.
-vùng Hải Mã không còn tham gia vào việc học sau một thời gian ngắn.
-Số lần lặp lại việc học rõ ràng có ảnh hưởng quyết định đến việc ký ức dài hạn và ổn định, phát triển nhanh như thế nào ở Precuneus, tại tân vỏ não. Nghiên cứu này cho thấy: "Một sự hình thành ký ức dài hạn, độc lập được hình thành trong Precuneus ngay khi có dữ liệu mới“.
Như vậy khi các tham dự viên nhìn sự thay đổi của mê cung, những dữ liệu của sự thấy đã đi vào vùng thấy và từ đó đi vào vùng Precuneus, thật ra trong lúc ban đầu dữ liệu cũng đi vào Hồi Hải Mã, nhưng càng ngày do sự quen thuộc với các dữ kiện, không cần có sự cố gắng nhớ dữ kiện nên các dữ liệu của sự thấy này về sau đi vào vùng Precuneus nhiều hơn và đi vào vùng Hải mã càng ngày càng ít hơn.
Một nghiên cứu về quy trình định hướng trong tâm (mental navigation) cho thấy, Hồi Hải Mã chỉ được kích hoạt khi các tham dự viên của nghiên cứu vừa chuyển đến một thành phố mới, chứ không phải khi họ đã sống ở đó được 1 năm, lúc đó các khu vực tân vỏ não được kích hoạt như vỏ não đỉnh sau (posterior parietal cortex) ...(2). Và Boccia et al. (3) cũng đã tìm thấy sự kích hoạt ở vùng Hải Mã chỉ trong các nghiên cứu điều tra các môi trường xung quang mới được học gần đây chứ không phải đối với môi trường rất quen thuộc. Như vậy, trong các nghiên cứu khi các dữ liệu trong tâm đã quen thuộc do sự lập đi lập lại nhiều lần và không còn cần sự cố gắng để nhớ các dữ kiện thì các khu vực tân vỏ não như vỏ não đỉnh sau (posterior parietal cortex với vùng Precuneus) sẽ được kích hoạt. Và đây là những điều kiện để xây dựng nhận thức, như Ni Sư Triệt Như đã giảng cho chúng ta trong các khóa học.
Bắt đầu từ năm 2006, liên tiếp trong nhiều năm, Thầy đã cộng tác với phân khoa nghiên cứu não bộ tại đại học Tuebingen, Đức để làm các chương trình chụp bộ não của Thầy trong khi thiền bằng máy MRI. Ông tiến sĩ Erb và Ranganatha Sitaram, người đứng đầu công trình nghiên cứu này, đã đưa ra những kết quả, trong đó họ đề cập đến vùng Precuneus được kích hoạt khi Thầy vào định. Năm 2011 trong khoá tâm lý học Phật giáo vào tháng 7 tại Đức, khi đi học con bắt đầu được nghe Thầy nói về sự quan trọng của vùng precuneus này, chẳng hạn: “vùng Precuneus được coi là vùng ký ức tình tiết” hay “Precuneus là trạm tiếp vận tâm linh, trạm tiếp vận thứ 4, là nơi tâm linh bật ra, chủ động hết tất cả”. Con còn nhớ lúc đó Thầy nói lên dự định nhập thất một năm của Thầy (2012) để khám phá thêm về vùng Precuneus này. Trong khoá học 6.2013 tại Đức, con nghe được sự xác quyết của Thầy: Tâm Tathà tương xứng với vùng Precuneus. Đây là một tuyên bố đi trước khoa học và chắc là một kiến giải của Thầy trong thời gian nhập thất năm 2012.
Cũng tháng 9 năm 2013 Thầy đưa ra tư liệu Kỹ thuật và tác dụng an trú trong tâm Tathà, trong đó Thầy ghi rõ điều này:
Như vậy kỹ thuật để có thể an trú trong tâm Tathà dựa trên sự kích hoạt Precuneus liên tục, như Thầy đã giảng: cất «Không Nói» («KN») trong vùng Precuneus để sau này ta chỉ cần gợi hai từ Không Nói thì ta vô định liền tức khắc. Và ở đây con hiểu «Không Nói» là những dữ liệu về niệm biết qua pháp «Không Nói», dĩ nhiên qua các pháp khác, như pháp thở... cũng vậy, phải được lập đi lập lại liên tục, trở nên thật quen thuộc trong tâm (thành Nhận Thức), không có sự cố gắng, để những dữ liệu về niệm biết này đi vào vùng Precuneus, được ghi lại đậm nét trong vùng Precuneus để sau này ta chỉ cần gợi hai từ Không Nói thì ta vô định liền tức khắc. Con cũng bắt đầu dần dần hiểu được tâm tư của Thầy, tuy là quá muộn màng, vì Thầy không còn nữa. Cũng nhờ những nghiên cứu chụp bộ não của Thầy trong khi thiền bằng máy MRI, Thầy nhận ra sự liên hệ giữa tâm Tathà và Precuneus, và sau đó cho đến cuối đời Thầy đã bỏ hết thời gian, công sức để hoàn thiện pháp Không Nói dựa trên sự kiến giải này.
Trong tư liệu „Kỹ thuật và tác dụng an trú trong tâm Tathà“ Thầy cũng đưa ra con đường (kỹ thuật) làm sao áp dụng pháp Không Nói để an trú trong tâm Ta thà.
Chúng ta hãy xem lại bước 1 giai đoạn 1: Nói ra hai từ Không Nói nhừa nhựa đủ cho mình nghe, và lắng nghe để kích thích Tánh Nghe, theo sơ đồ bên phải thì theo Thầy, tín hiệu từ vùng Tánh Nghe sẽ đi thẳng vào vùng Precuneus (điều này về sau này, vào năm 2016 đã được các nhà khoa học (Svenja Brodt et al.) trong nghiên cứu trên về sự hình thành ký ức không gian, đã xác định), trong sơ đồ này Thầy không đề cập gì đến vai trò của Hồi hãi mã. Như vậy tín hiệu biết «KN» này, ngay từ giai đoạn đầu tiên được cất giữ thẳng vào vùng Precuneus.
Con còn nhớ, trong khóa học Chuyên Tu Thiền Định tại Đức tháng 6.2013, khi con nhìn thấy sơ đồ trên bảng, trong đầu con thoáng qua sự suy nghĩ, làm sao mà những tín hiệu biết «KN» này có thể đi vào thẳng Precuneus mà không cần qua vùng Hải Mã được? Mãi về sau này con mới nhận ra, khi mình tập KN mà có sự cố gắng nhớ thì chắc các tín hiệu KN sẽ vào vùng Hải Mã chứ không thể vào thẳng vùng Precuneus được! Có thể vì Thầy đã nhận ra mấu chốt Đức Phật đã cất giữ dữ kiện thở trong tánh Nhận Thức khi còn nhỏ trong buổi lễ hạ điền khi Ngài ngồi thở dưới gốc cây hồng táo? Và khi muốn cất giữ vào trong vùng Precuneus hay tánh Nhận Thức thì sự cất giữ đó phải là sự cất giữ “đại”, tự nhiên, trong sự “ly dục”, không có sự cố gắng, mong cầu trong đó. Trong bước này chỉ cần lắng nghe (bằng Tánh Nghe) để tín hiệu «KN» này được cất giữ vào vùng Precuneus một cách tự nhiên mà không cần cố gắng cất giữ. Theo kinh nghiệm của bản thân con, nếu mình chỉ lắng nghe theo tiếng KN một cách tự nhiên, không thắc mắc, lắng nghe «KN» với tất cả tấm lòng của mình, thì sẽ thấy sự thực tập này tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng vẫn hiệu nghiệm. Sự lắng nghe tuy vậy ở đây không phải là một sự lắng nghe «vô minh» (không phải nói và nghe như con két), đằng sau bước này là cả một quá trình xây dựng Niệm biết qua Tánh Nghe để trở thành Nhận thức.
Bước 2 và bước 3 giai đoạn 1, theo sơ đồ bên phải thì tín hiệu từ vùng Tánh Xúc Chạm hay Tánh Thấy sẽ đi thẳng vào vùng Precuneus, trong các sơ đồ này Thầy cũng không đề cập gì đến vai trò cúa Hồi hãi mã.
Kết quả giai đoạn 1 là cô lập hoá mạng lưới của tưởng (mạng lưới khái niệm có lời, không lời, ấn tượng, ý tưởng, liên tưởng). Khi mà hoàn thành các bước này thì sẽ có định không tầm không tứ. Mục đích trong giai đoạn 1 này là cho lịnh vào não bộ, để cất giữ vào vùng Tánh Nhận Thức, để ở nhị thiền chỉ cần gợi lên.
Ở đây ta thấy Thầy xác định rõ mục đích của giai đoạn 1 là cất giữ tín hiệu KN vào vùng ký ức của vùng Tánh Nhận Thức hay Precuneus.
Vậy mấu chốt của an trú trong tâm Tathà là phải có nhận thức biết không lời vững chắc được cất giữ tại Precuneus do sự lập đi lập lại một chủ đề. Trong nghiên cứu trên của các nhà khoa học gia (Svenja Brodt et al.), nội dung học hỏi là một chủ đề cụ thể: „học tập không gian của mê cung“, nên số lần lập đi lập lại không cần nhiều. Nhưng ở đây chủ đề trừu tượng, phải làm sao để niệm biết «KN» (chứ không phải chữ Không Nói là chủ đề như con đã lầm lẫn xưa kia) trở thành một thực tại rõ ràng trong tâm, rồi từ niệm biết «KN» này phát triển thành Nhận thức «KN» nên sự lập đi lập lại liên tục, dĩ nhiên cần lâu dài hơn, rất cần thiết.
Một nén hương kính Thầy
Minh Tuyền
Tháng giêng 2023
_______________________________________________________________________
1. Svenja Brodt, Dorothee Pöhlchen, Virginia L. Flanagin, Stefan Glasauer, Steffen Gais, and Monika Schönauer: Rapid and independent memory formation in the parietal cortex. Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), DOI
10.1073/pnas.1605719113.
2. Hirshhorn M, Grady C, Rosenbaum RS, Winocur G, Moscovitch M. The hippocampus is involved in mental navigation for a recently learned, but not a highly familiar environment: A longitudinal fMRI study. Hippocampus. 2012;22(4):842–852.
3. Boccia M, Nemmi F, Guariglia C. Neuropsychology of environmental navigation in humans: Review and meta-analysis of FMRI studies in healthy participants. Neuropsychol Rev. 2014;24(2):236–251.