KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA STUTTGART 8- 2024
Chuyến bay từ phi trường Geneva tới phi trường Frankfurt của Đức xem như một chuyến bay ngắn nội địa, thủ tục ở phi trường đơn giản, không xét passport, hầu hết hành khách đều chỉ một carry-on nhẹ nhàng. Theo dự định, hai thiền sinh kỳ cựu là ông Tường Bách và cô Minh Huệ đón cô ở phi trường Frankfurt rồi mời cô về nghỉ ngơi ở thành phố Bad Camberg, tư gia của 2 vị, mà từ trước dịch covid-19, cô cũng đã có lần tới rồi.
Kỳ này có cô Như Vân cùng tháp tùng. Bad Camberg là một thành phồ nhỏ, yên tĩnh, thưa người, tọa lạc trên một ngọn đồi, buổi chiều, bắt ghế ra sân vườn sau, nhâm nhi ly trà nóng, ngắm mặt trời lặn nơi chân đồi, trao đổi vài câu Phật pháp, thiệt là thanh thản êm đềm. Buổi chiều rơi, nhẹ như đời sống.
Khóa tu từ thứ tư 28 tháng 8 tới chủ nhật 1 tháng 9, là 5 ngày. Sáng ngày 27 cả 4 người rời thành phố Bad Camberg, ông Tường Bách lái xe trực chỉ Schenkenzell. Đến chiều mới tới nơi, qua một quãng đường dài, nghỉ chân hai trạm, vượt đồi núi, rừng thông, nhà cửa thôn làng, cuối cùng tới thiền viện Tánh Không Schenkenzell. Thiền viện này do đạo tràng Stuttgart thành lập và do thầy Thiền Chủ đặt tên. Sau lưng ngôi nhà một tầng là đồi thông xanh um bốn mùa, tượng đức Quan Thế Âm trắng tinh đứng khiêm nhường trên lưng chừng đồi. Ngay sân trước là dòng suối con, chảy róc rách quanh năm, ngang vườn nhà, tưới tẩm cây cỏ cũng xanh um mát rượi.
Buổi chiều lần lượt thiền sinh cùng đến. Vì thiền viện cách xa thành phố nên tất cả đều ăn ở tại chỗ, không thể nào sáng đi học chiều về. Năm nào ở đây cũng có người Đức tham gia. Đặc biệt có ông Klaus đã phát tâm quy y và pháp danh là Tâm Minh từ nhiều năm trước, năm nào có khóa tu ông đều có mặt. Một điều đặc biệt là ông có thực hành và có kinh nghiệm tốt, hiểu Phật pháp, thường chỉ thích nói trong cách « chân đế » thôi. Có lần cô giảng cách thấy, cô hỏi:
- Ông Tâm Minh thấy ra sao?
Ông cười, ra dấu không thể nói.
Cô vặn hỏi:
- Ông Tâm Minh còn tới đây để làm gì?
Ông trả lời ngay không suy nghĩ:
- Con tới đây để thăm cô!
Dĩ nhiên cô nói tiếng Việt, ông Tâm Minh thì nói tiếng Đức. Người thông dịch là ông Tường Bách! Cô Minh Tuyền cũng là người thông dịch giúp cô trong các buổi giảng.
Buổi tối cuối cùng, cô cho lớp sinh hoạt vui, cô nhắc Quang Trí mang cây đàn guitar tới. Mọi người thoải mái hợp ca những bài hát vui, phổ thông, tiếng Việt, các bạn người Đức cũng hợp ca bài Đức, giọng trẻ giọng khàn cũng đều hài hòa. Bánh, trái cây, chè còn lại bày ra hết, để mai sáng gọn gàng ra về. Khóa này Quang Tiến và cô Oanh đã phát tâm lo việc nhà bếp, thức ăn đều đặc biệt, vì mỗi người đều đã là chủ một nhà hàng ăn của riêng mình. Khóa tu nào ban tổ chức cũng ưu tư nhất là vấn đề ăn uống. Các em thiền sinh phát tâm lo việc ăn uống cho khóa tu thiệt là công đức hộ pháp thực tế nhất.
Trong vài ngày rảnh rang hiếm hoi trước và sau khóa tu, các em tranh thủ dẫn nhau tham quan vài nơi gần, như thăm thành phố cổ, các ngôi nhà xưa mấy trăm năm, nhiều thanh gỗ nẹp chênh chếch bên ngoài khung cửa, cũng thưởng thức hương vị cây kem Đức ngọt ngào ra sao, đặt từng bước chân trên mấy con đường nhỏ lót gạch, hay cái quãng trường mênh mông, nơi tụ hội của thanh niên nam nữ và khách du lịch, cũng chỉ là vô số những viên gạch nho nhỏ lót đều hàng ngang hàng dọc đủ cách trải dài, đi mãi cũng mỏi chân. Có một sự kiện cũng vui vui là ở Đức cũng có những cây cầu đặc biệt nặng trĩu vô số là những ổ khóa kim loại, nặng chình chịch khóa chồng chất nhau dọc theo thành cầu. «Huyền thoại» là thanh niên nam nữ «thề non hẹn biển» đua nhau «khóa chặt» hai người vào thành cầu như vậy ! Rồi chìa khóa thì quăng xuống sông!
Ở bên Paris, dọc theo dòng sông Seine, có rất nhiều cây cầu bắt ngang qua sông, cũng nặng trĩu vì «tình yêu nhân thế»!
Bế giảng khóa tu, sáng ngày 2 thàng 9, ông Tường Bách và cô Minh Huệ đưa cô và Như Vân trở lại phi trường Frankfurt có lẽ cũng cách hàng trăm cây số, rồi hai ông bà về lại Bad Camberg. Cô bay về thiền viện Chân Nhu, Texas; Như Vân bay về Tổ Đình, Cali.
Tổ Đình, 19-9-2024
TN