Triệt Như - Dấu Chân Trên Cát - Bài 05
Tháng 5 năm nay, mình đã dành cho Âu Châu. Khóa tu đầu tiên là 3 ngày cuối tuần ở thiền đường Paris. Sáng thứ hai, từ giã Paris, hai em Quang Không, Quang Định lái xe từ Đức qua đưa mình và thầy Quang Dũng qua Đức vì khóa tu thứ hai là ở Berlin. Sau khóa tu Berlin, mình lại bay tới Frankfurt để tiếp tục có khóa tu tại Schenkenzell. Ở đây khóa tu bắt đầu ngày thứ năm, qua ngày thứ sáu và thứ bảy là chấm dứt. Ngày chủ nhật mình có một buổi thuyết trình tại buổi lễ Phật đản sinh, tổ chức tại Linden Museum do các hội đoàn Phật giáo quốc tế cùng tham gia.
Hôm nay là 2 ngày rảnh rang tại thiền viện Tánh Không ở Schenkenzell. Chiều nay sẽ có thiền sinh ở xa từ từ đến để sáng mai có lớp.
Schenkenzell là một làng nhỏ, trên cao, đường lên núi ngoằn ngoèo. Hai bên đường cây lá xanh um, mát rượi. Núi đá vững chắc, sừng sững; hàng hàng lớp lớp là thông. Thân cây thẳng đứng, mảnh mai mà sao hiên ngang thẳng tắp không nghiêng ngả, song song vươn lên, vươn lên đón ánh nắng mặt trời hiếm hoi trong mùa xuân nơi này. Toàn là núi đá, mà sao lại toàn là rừng thông trùng điệp mọc trên đá, những tảng đá đậm màu. Xa trông một màu xanh thẫm, xe chạy vào con đường đèo, hai bên rừng là rừng, cây lá cao vút, ánh nắng không soi tới mặt đường. Vì thế nơi này có tên là Núi đen, như Black Mountains. Ở Úc cũng có Black Mountains, với loại cây đặc biệt là cây khuynh diệp (eucalyptus).
Thiền viện Tánh Không Schenkenzell do Hôi và đạo tràng Tánh Không Stuttgart thành lập từ lâu. Do Thầy Thiền Chủ đặt tên và chứng minh. Thiền viện không rộng lắm, nằm khiêm nhường ở một ngã ba đường, sau lưng là vách núi cao cây lá xanh um, cũng là những thân cổ thụ song song cao vút, sườn chênh chếch cũng hoa vàng tự do tràn lan quanh tượng đài đức Quan Thế Âm vươn lên khỏi mái ngói rêu xanh. Dọc theo đường, trước sân, có một dòng suối nhỏ xinh xắn róc rách quanh năm; tuy nhiên, mình không thể xuống tận nơi vì cây cỏ um tùm, không nhìn thấy rõ bờ mé thế nào.
Bây giờ là giữa tháng 5, còn mùa xuân, buổi sáng còn lạnh. Đến trưa, khi có mặt trời, nắng ấm, mình mới dám ra sân đi dạo, vẫn có áo ấm và nón. Ở trong nhà cũng vẫn có áo ấm và nón vì trong nhà luôn mát lạnh. Tầng trệt là phòng ăn, vài phòng ngủ, nhà bếp. Tầng trên là vài phòng ngủ. Chánh điện là nơi rộng nhất ở trên cùng.
Mặc dù mỗi phòng đều có máy sưởi, áp sát tường, nhưng mình thích lò sưởi hơn. Ở tầng trệt, bên cạnh bàn ăn có một lò sưởi nhỏ, do ông KL., một thiền sinh người Đức thiết kế và làm ra. Ông KL. tuy tuổi đã trên 70 mà vẫn còn nhanh nhẹn và rất thích hoạt động, ông thường lui tới nơi này, làm giúp tất cả mọi việc trong nhà, ngoài vườn không kể lạnh hay nắng. Ông đã quy y từ mấy năm trước, tên là Tâm Minh. (Mình vẫn chọn tên nào dễ phát âm cho người ngoại quốc biết phát âm đúng và nghe được ai gọi mình.)
Hôm nay, biết tăng đoàn qua đây sớm mấy ngày, ông đã tới trước, dọn dẹp trong ngoài tươm tất rồi. Cám ơn nhiều, những người bạn thiền!
Sáng nay, mình xuống phòng ăn, tới trước lò sưởi, thấy đã có lửa; vài ngọn nhỏ lập lòe, chưa đủ ấm gian phòng. Mình bước tới gần dơ tay ra trước lửa. Quay ra sau đã thấy có một cái ghế mới đặt đó rồi, mình ngồi xuống, đưa mắt nhìn thì thấy ông Tâm Minh đã lặng lẽ lúi cúi phụ sư chú Quang Tiến ở bếp. Ông lại đi lặng lẽ, lấy một thanh củi đem bỏ thêm vào lò sưởi, rồi một thanh củi nữa. Lửa bùng cháy lên, sáng hơn, mình cảm thấy ấm, mặt ấm hơn; tâm cũng ấm, bình an.
Mấy ngọn lửa thi nhau cháy, sáng, chập chờn. Có ngọn bùng lên cao rồi rớt xuống trong chớp mắt, ngọn nhỏ chớp chớp rồi vụt nhảy lên cao, uốn lượn rồi biến mất. Rồi ngọn khác vụt xuất hiện nhảy múa rồi biến hóa ra ngọn khác. Một ngọn lửa hay vô số ngọn lửa? Không biết. Không có cái nào uốn éo giống cái nào, không có lúc nào giống lúc nào. Lửa màu vàng óng. Nhưng sao mình lại thường nói lửa hồng, lửa đỏ?
Mình ngồi đây, lặng ngắm lửa trong lò sưởi. Hôm nay mới thấy lửa thiệt là đẹp. Đâu có vũ điệu nào đẹp như vậy. Toàn một màu vàng óng ánh tươi mát, dịu dàng, bay lượn, chập vào nhau, hòa tan vào nhau, rồi vụt tách ra, bay lượn. Nhảy múa không ngừng, không gượng gạo một chút nào, không biết mệt. Chắc không có vũ điệu nào mà con người có thể trình diễn đẹp như vậy.
Mình chợt thấy: "Trong lò sưởi không có gió, sao lửa cứ uốn éo không ngừng?"
Bao lâu nay, ở Tổ đình, mình thường làm việc ở phòng ăn. Phòng ăn ở tầng trệt, rộng rãi thoáng mát, quang đãng, xung quanh toàn là kính. Mình chọn góc ngồi nhìn thẳng ra sân vườn, trồng hoa lá, cây cảnh xanh tươi. Đằng sau là cây tùng và cây tiêu cổ thụ, xa nữa là khung trời xanh mây trắng. Ngay trước mắt có một gốc tiêu cổ thụ. Gốc to chắc cũng hai người vòng tay ôm. Hiên ngang sừng sững cao hơn nóc nhà, da nâu sẫm, sần sùi. Vậy mà nhánh lá lại mềm dịu, mảnh mai, rủ xuống từng sợi nhánh xanh xanh lá thiệt nhỏ, đong đưa.
Mùa xuân Cali có mưa; những nhánh lá lại đơm nhiều chum hoa nhỏ xíu xanh xanh, cũng đong đưa. Chỉ nhìn lá hoa cây tiêu là biết lúc đó gió thổi chiều nào, gió nhiều hay gió thoảng. Một làn gió thoáng qua, bao nhiêu nhánh lá cây cảnh cũng đều rung động. Dường như nhánh lá tiêu rung động nhiều hơn. Từng sợi nhánh lá xanh xanh uốn lượn theo chiều gió, cùng một nhịp điệu, vươn tới, bước lui thiệt hài hòa. Vũ điệu thiên nhiên thiệt là hài hòa. Toàn thể đều là màu áo xanh non, sợi dài, sợi ngắn cùng bay lượn trong không gian, không có âm thanh.
Con người có thể múa hát hòa nhịp mà không có âm thanh chăng?
A! Mình có thể múa theo tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng kèn.
Lá hoa có thể múa theo gió thoảng.
Còn những ngọn lửa trong lò sưởi này múa theo cái gì?
Từ lâu, mình thấy vũ điệu của lá đẹp hơn vũ điệu của con người. Nó hài hòa, hồn nhiên, lặng lẽ; ngắm nó, tâm mình cũng tươi mát theo. Sáng nay, có vài phút ngắm những ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi, trong thiền viện, giữa những rừng thông bạt ngàn, xanh um, thẳng tắp, cao vút, xa hẳn thế gian. Mình chợt thấy vũ điệu của những ngọn lửa trong lò sưởi này cũng đẹp vô cùng. Nó đẹp hồn nhiên, thoáng vươn lên uốn lượn rối biến đi, rồi xuất hiện, chớp mắt hóa ra ngọn lửa khác, lung lay rồi vụt tung lên rồi rơi xuống như chớp. Than bên dưới từng lớp màu hồng hồng, từ than hồng ngọn lửa vươn lên màu vàng óng. Mình lẩn thẩn nghĩ: "Màu hồng từ đâu ra, màu vàng từ đâu ra?" Than hồng cũng đẹp, sáng trưng. Lửa vàng cũng đẹp, sáng trưng. Mình biết rõ nó đẹp quá, mình cũng biết rõ nếu chạm tay vào, mình sẽ bị nó thiêu đốt, phỏng da, đau đớn.
A thì ra, nó đẹp khi nó ở trong lò sưởi, ban phát hơi ấm vừa đủ cho mình trong những ngày lạnh giá! Nếu cả khối than hồng lửa hừng hực này nhảy múa tự do giữa rừng thông đầy nhựa sống, không biết sẽ ra sao đây?
Tâm mình cũng vậy. Tâm cũng như ngọn lửa kia, lúc nào cũng thích nhảy múa, chuyển động, biến hóa, thay đổi, khi chớp khi tắt. trong kinh điển so sánh tâm như con khỉ, con vượn hay con trâu, con voi, con ngựa hoang dã, phải huấn luyện nó cho thuần thục, nhu hòa thì mới được.
Trong cuộc sống bình thường, chúng ta phải tuân theo pháp luật và những nề nếp truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc để có sự an toàn hài hòa trong tập thể. Tiến lên một bước, đi vào đường tu theo Đức Phật, mình có Giới luật. Giới luật là cái khuôn đạo đức gìn giữ mình không có những ý nghĩ, lời nói hay hành động sai trái, gây đau khổ cho mình và cho người khác.
Tâm mình phải ở trong Giới Luật, như những ngọn lửa trong lò sưởi. Nó vẫn sinh động, lấp lánh, thiệt là đẹp. Ngọn lửa trong lò sưởi, nhà nào cũng cần, ai cũng muốn tới gần để được ấm. Tâm mình có Giới Luật, người thiện lành đều thích sống gần.
Nếu tâm buông lung, muốn làm gì thì làm, không hài hòa với người khác, có khi môt niệm sân nổi lên, cũng đốt hết cả rừng công đức, có khác gì ngọn lửa ra khỏi lò sưởi, tự do thiêu đốt nhà cửa và con người.
Mãi ngắm nhìn ngọn lửa mà ý cứ tuôn tràn, không hay ngọn lửa từ từ nhỏ lại, rồi cuối cùng tắt mất. Củi hết thì lửa tắt.
Vậy ngọn lửa đi đâu?
Có lửa hay không có lửa?
Thiền viện Tánh Không Schenkenzell - Đức, ngày 14 - 05 - 2025
TN
